Nuôi một tiếng hót
14:33', 28/10/ 2003 (GMT+7)

. Phóng sự của TRẦN HOÀNG

Chim yến Canary (ảnh: Đ.A)

Giọng hót êm đềm của những loài chim như chích chòe lửa, chìa vôi, cu gáy, sơn ca… và cả những tiếng ríu rít quen thuộc của chim non nơi đồng nội luôn là ký hiệu giao hưởng kỳ diệu "gõ" vào cõi mênh mông của con người, nhất là với những người có đời sống lâu dài ở đô thị: thèm một tiếng chim…

* Những đấu sĩ có giọng hót du dương

Phải có mặt ở đó thật sớm mới mong nghe được chim hót, tiếng chim hót lúc khiêu chiến bao giờ cũng rất quyến rũ, anh bạn của tôi cứ nhắc đi nhắc lại như vậy đến mấy lần. Và quả thật, một kẻ ngoại đạo như tôi cũng phải mê ly trước những hợp âm du dương ấy. Bên ly cà phê đầu ngày tôi gặp anh Hiền, một thành viên tích cực của CLB Chim hót Quy Nhơn, anh kể: "Hàng năm khi tiết trời bắt đầu ấm lên, khi lộc biếc đã rộ đầy trên khắp đại ngàn và khi các loài ấu trùng đã phong phú là lúc các loài chim có tiếng hót hay, có vóc dáng đẹp, mảnh dẻ nhưng không kém phần dũng mãnh như chích chòe than (chìa vôi), chích chòe lửa, họa mi... vừa qua khỏi thời kỳ được chim bố mẹ tập chuyền, săn mồi cũng là thời điểm thích hợp nhất để dân thuần dưỡng chim trổ tài tìm bắt và tuyển chọn. Để có thể trụ lại được trên đại ngàn xanh thẳm, chúng tôi phải chuẩn đầy đủ lều bạt, thức ăn, đồ ngụy trang để phục kích trong bụi rậm, trên ngọn cây cao... cả tuần lễ. Mỗi nhóm, mỗi "chuyên gia" bẫy chim thường tự xây dựng cho mình những kinh nghiệm, bí quyết riêng để tìm được những chú chim bổi tốt nhất. Nhân đây, cũng xin được minh định một điều, dân bẫy chim kiểng chuyên nghiệp không bao giờ làm bừa làm ẩu như  nhiều người vẫn nghĩ. Mặt khác chỉ những con chim "chiến" mới dám nghênh chiến khi nghe chim mồi cất tiếng hót. Chúng tôi làm rất chọn lọc, và trân trọng chim rừng. Chuẩn bị như chúng tôi mà chỉ để bắt những con chim ranh chuyên để... xơi thịt hoặc để phóng sinh thì lỗ tổn bạc mặt".

Hình thức bẫy chim vẫn là lối bắt cổ truyền, dùng chim mồi có khả năng dụ dỗ và kích hoạt "máu chiến đấu" của chim ngoài trời trong bản năng giữ gìn lãnh thổ. Khi chim ngoài sà vào đá, cửa lồng mồi sẽ đóng lại. Chim bổi lập tức được nhốt vào lồng riêng và được phủ kín bằng một chiếc áo màu đen cho đến nhiều tháng sau ở thành phố để chim quen dần. Thức ăn lúc này gồm sâu, cào cào, trứng kiến, đuôi thằn lằn… sau thêm dần thực phẩm chế biến. Anh Trần Anh Vũ - người thành lập và phụ trách CLB Chim hót (Quy Nhơn) cho biết: "Chim bổi được ưa chuộng là chim ở độ tuổi vừa thay xong bộ lông chuyền, nghĩa là lớp lông ổ rụng đi, thay vào đó là một bộ giáp mới, mượt mà của một con chim trưởng thành, lúc này nó gần... "thôi nôi". Với họa mi, người ta chọn chim có mỏ đinh, hàm rộng, mắt xanh, ngực nở, chân cao… để huấn luyện thành những đấu sĩ có giọng hót cực hay. Họa mi hót hay thường có mỏ hơi cong một chút. Giá chung mỗi con từ 100.000 đến 300.000 đồng. Riêng với chích chòe lửa, giá trị của nó được căn cứ vào độ dài của đuôi. Đuôi dài 25 cm có giá dưới 50.000 đồng/con, nhưng chỉ cần đuôi dài thêm chừng vài xăng ti mét giá đã vọt lên nhiều lần. Một con chích chòe lửa có sức khỏe ổn định, đuôi dài khoảng 25 cm nếu đem vào đến thành phố Hồ Chí Minh giá không bao giờ dưới 200.000 đồng".

Với những người khéo tưởng tượng, tiếng hót của họa mi hoặc một vài loài chim khác giống như một khúc nhạc. Nhưng với những nhà sinh vật học, đặc biệt là qua sự giải mã của các nhà điểu học, tiếng hót của chim thường là thông điệp khẳng định quyền sở hữu không gian lãnh thổ. Trong một vài trường hợp, đó còn là tín hiệu khiêu chiến. Người ta cho rằng chim sống ở vùng cằn khô, thiếu thức ăn dữ dằn hơn chim sống ở vùng màu mỡ. Vì thế những con "mi" con xuất xứ từ vùng rừng núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang giá bao giờ cũng cao hơn chim ở những nơi khác. Tương tự, những con "lửa" bắt ở Núi Một, Núi Xanh (An Nhơn-Bình Định), hoặc giống chích chòe than xuất thân ở vùng đất khô trọc của Phù Cát, Phù Mỹ, Nam Ô (Đà Nẵng) bao giờ cũng được giới chuyên nghiệp đánh giá cao hơn chim có gốc ở Phú Yên hoặc Bến Tre. Các loài chim này có bản năng chiến đấu bảo vệ và mở rộng lãnh địa rất mạnh.

* Luyện chim

Vậy là từ rừng núi tự do các loài chim hót kể trên đã đến nơi ở mới trong chiếc lồng bằng mây, và bắt đầu thời kỳ "phó thác" cho con người. Tuy còn rất trẻ nhưng từ lâu Cường "Ga Tô"  đã nổi tiếng về khả năng thẩm âm nhạy bén và tài thuần dưỡng chim rừng. Một con chim hót của một người bạn bị mất, 3 năm sau, có dịp nghe lại giọng hót của con chim đó ở một chốn khác, Cường "Ga Tô" vẫn nhận ra con chim, anh cho biết: "Căn cứ vào mỗi giai đoạn phát triển trong quá trình thuần dưỡng và mức tiến triển của chim bổi mà người thuần chim sẽ thay đổi lồng cho phù hợp. Có rất nhiều loại lồng, cỡ lồng để phục vụ cho việc thuần chim. Một bộ lồng đầu đủ gồm: lồng hót, lồng lỡ, lồng phóng hoặc lồng đá, lồng đuổi. Lồng nuôi chim hót có chiều cao 0,8m, đường kính 0,4m. Lồng lỡ cao 0,6m - thích hợp cho chim mới thay lông hoặc chim nhát,  vì với lồng này chim hạn chế tung, nhảy. Lồng phóng có chiều cao gấp đôi (1,2m) dành cho chim cần vận động, nâng cao thể lực. Lồng đuổi thường sử dụng vào thời kỳ trước mỗi trận đấu, nhất là đối với chim lười vận động đã thuần đến năm thứ 4...".

Tuy chim bổi khó thuần hơn chim con vừa mới lẻ mẹ nhưng người nuôi chuyên nghiệp vẫn thích chọn loại này vì nó có sẵn giọng hót đầy vẻ hoang dã và hiếu chiến. Một con chim hay, khi cất tiếng hót có thể khiến những chim khác "tắt đài"! Vì vậy, dân trong nghề nuôi chim ví tiếng hót của họa mi như tiếng thét của những đấu sĩ khi lâm trận. Trở lên là nói về chim trống, còn đời sống chim mái thì sao? Bản năng còn lại duy nhất của chim mái ở chốn đô hội là luôn cất lên tiếng gọi trống, xây dựng yêu đương. Tiếng "xùy" của mái còn có tác dụng kích động cho bản năng dại gái của những con chim trống. Một con mái biết "xùy" liên tục 5-7 tiếng là một con mái giỏi. Giá của nó trên thị trường hiện nay đến hơn 1 triệu đồng. "Tìm trống giỏi dễ hơn kiếm mái hay. Con mái luôn đóng vai trò quyết định tới 50% trận đánh nhau sôi động giữa các chim trống" – Mai Sơn - một thành viên của CLB Chim hót cho biết.

Thức ăn của chim hót là cào cào, lòng đỏ trứng vịt trộn chung với gạo rồi rang lên cộng. Riêng nuôi đá, chế độ ăn uống có đặc biệt hơn và tuỳ từng thời điểm trước, trong và sau đá. Một số bệnh thường gặp ở chim là cảm nắng, cảm lạnh, ỉa chảy…  Người "yêu" chim đã từng đem phân đi xét nghiệm, rồi tự "chế" ra một thứ thuốc theo cảm tính từ các loại tân dược dành cho người. Có một đặc điểm mà dân chơi chim ai cũng rành ấy là - Nếu được nuôi, chăm sóc ở nguyên quán, chim rất ít bị bệnh. Vì lẽ chúng sẽ tự điều chỉnh cơ thể bằng lá cây là những loài dược thảo sẵn có. Bởi thế nhiều nghệ nhân đã cố gắng tạo ra môi trường, khung cảnh thiên nhiên gần gũi, tương tự như nơi quê quán cũ. 

* Một lối chơi ngầm

Tôi chưa bao giờ được nghe nói đến khái niệm "trường chim" như trường (đua) ngựa, trường gà… nhưng trên thực tế, bên cạnh việc "nuôi một tiếng hót", "trường chim" cũng náo nhiệt không kém với một mảng ngầm rất "tế nhị" - cá độ.

Một thành viên lão làng trong nghề luyện chim cho biết: "Ai cũng mang sẵn trong mình "phẩm chất chinh phục", nghĩa là luôn muốn làm tốt hơn việc mình đã làm hoặc người khác không làm được. Trong việc "luyện" chim cũng thế, thật khó tách rời mối tương quan giữa "hót" và "đá". Vì vậy thỉnh thoảng chúng tôi góp mỗi người một ít cho đủ "một chai" để cá cược cho vui". ("Chai" là tiếng lóng trong giới cá cược, một "chai" có thể là 5 triệu, có thể là 10 triệu đồng… tùy theo tầm cỡ liên huyện hoặc liên tỉnh của cuộc chơi). Quy Nhơn là nơi đã diễn ra những trận đấu quyết liệt giữa những con chim nổi tiếng được chủ trì bởi các đại gia ở các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Đắc Lắc, Khánh Hòa, TP HCM... Và thông thường sau một chiến thắng lớn, giá của con chim "đoạt giải" lại được đẩy lên có khi là hàng chục triệu đồng. Chim thua trong những trận đấu hoành tráng ấy là chim "bể", suốt đời tàn phế. Những con chim như vậy chỉ còn nhảy loi choi và thỉnh thoảng hót nho nhỏ cho chủ nghe đỡ buồn chứ vĩnh viễn không bao giờ dám nghênh ngang với bất cứ con chim nào nữa…

Đã có những đấu sĩ vô danh đột nhiên nổi tiếng như cồn chỉ vì một trận thắng oanh liệt. Cách đây ít lâu, một "đấu sĩ" như vậy đã bước ra khỏi bóng tối sau khi đả bại được con "mi" vô địch giải đấu nhân ngày quốc khánh vừa rồi. "Đấu sĩ" này nghe đâu đã được đề nghị sang nhượng với mức khởi điểm là 15 triệu đồng. Vì thế giá trị một con "mi", con "lửa" hay một con "than" không chỉ nằm ở chỗ nó hót có hay không mà còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chiến đấu, bảng thành tích đã được ghi nhận. Nuôi một tiếng hót vì thế là một nghề chơi cực kỳ công phu, không phải ai cũng theo được.

T.H

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề làm lồng chim   (28/10/2003)
Trông đợi gì ở Hội Tin học Bình Định?   (28/10/2003)
Laptop seconhand - thật khéo co mới ấm   (28/10/2003)
Cây bông giấy   (28/10/2003)
Quy Nhơn trong cơn sốt resort   (28/10/2003)
Trong ma trận điện thoại di động   (28/10/2003)
Chị dâu   (25/09/2003)
Còn lại   (25/09/2003)
Đi đường   (25/09/2003)
Nói với con   (25/09/2003)
Thu   (25/09/2003)
Vọng   (25/09/2003)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san   (25/09/2003)
Lời nói dối nhân ái   (25/09/2003)
Chuyện vui dịch sách   (25/09/2003)