Hoài niệm đất
14:42', 28/10/ 2003 (GMT+7)

Sản xuất gốm ở Nhơn Hậu (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Hãy một lần, lắng người lại, buông cho con mắt và tâm hồn nương theo những đường nét hoa văn, từng dáng gốm ẩn sau những sắc men tinh tế của gốm Bình Định, bạn sẽ cảm nhận được ngôn ngữ của gốm.

1.

Chẳng biết tự xa xưa thì sao, chỉ biết rằng năm 1927, nhà nghiên cứu người Pháp Roland Bulteau, đưa ra con số thống kê: 17/688 làng trong tỉnh Bình Định có chuyên môn làm đồ gốm; trong đó, có 5 làng làm gốm tráng men. Đến hôm nay, đếm trên đầu ngón tay, Bình Định chỉ còn khoảng hai, ba làng còn làm gốm.

Từ thị trấn Đập Đá (huyện An Nhơn) ngược lên phía Tây khoảng 1 km, ta đặt chân vào làng gốm Vân Sơn (Nhơn Hậu - An Nhơn), làng nghề duy nhất của Bình Định được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu về làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Ngay vào mắt ta, hình ảnh những ang, chậu cảnh, ấm, vò, thạp, ống cống sành, bộng giếng…. các loại, đỏ au, đang phơi mình trên mặt đất, hay những đống đất sét ủ mịn, dồn thành đống, dọc hai bên đường làng.

Tạt vào một ngôi nhà trong số đó, một người phụ nữ đang mải miết bên chiếc bàn xoay. Dưới bàn tay chị, những dáng gốm dần nên hình. Qua giải thích của chị, chúng tôi hình dung những công đoạn sản xuất gốm: đất sét đã khi được mua về, ủ thành đống cho mịn, sau đó, nhào thật kỹ cho nhuyễn, rồi vừa dùng bàn xoay vừa dùng tay vuốt gốm tạo xương gốm. Nặn xong, xương gốm đem phơi ở nơi mát độ 3-4 ngày cho khô hẳn rồi mới đem nung vào lò cao. Vật liệu nung là lá chành rành, lá tràm phơi khô đốt với củi. Các loại lá này chứa tinh dầu nên khi đốt, ngọn lửa cháy xanh, tạo cho gốm có màu sắc đỏ tươi, hoặc đỏ ngả bầm đen, rất hấp dẫn. Ngoài ra, với một số sản phẩm không cần độ nung cao, họ còn nung bằng rơm và lá khô, ủ bằng tro với kiểu lò nung đơn giản ngoài trời.

Hẳn bạn, nếu để ý, cũng thấy: quy trình sản xuất gốm Vân Sơn có đôi nét tương đồng so với gốm Chăm làng Bàu Trúc (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Cũng là đất sét lấy từ ngoài đồng về, người Bàu Trúc đem phơi qua vài nắng, sàng lọc để bỏ tạp chất, rồi pha cát với tỷ lệ thích hợp. Sản phẩm càng lớn càng cần nhiều cát. Tiếp đó, họ đem đập nhỏ rồi ủ trong chum, rồi một nửa chum xuống đất. Đây là cách làm cho gốm đạt độ mịn cần thiết. Gốm Bình Định không cần pha cát, có lẽ bởi chất đất Bình Định vốn là đất sét pha cát như các nhà nghiên cứu đã phân tích trong thành phần gốm cổ Chăm. Người Bàu Trúc cũng nung gốm ngoài trời bằng rơm, lá khô, phân trâu bò và ủ bằng rơm… Những sự tương đồng này nếu được nghiên cứu kỹ hẳn sẽ tiết lộ với ta nhiều điều thú vị.

 

2.

Ngồi bên những sản phẩm gốm vừa mới dỡ khỏi lò, một người dân tâm sự, trong giọng điệu, chừng như có chút gì xót xa: "Nhớ lại hồi xưa mà thấy tiếc, ngôi làng này có đến cả trăm hộ làm nghề gốm, sản phẩm làm ra, chở đi bán ra khắp các chợ trong tỉnh và tận Phú Yên, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum… Nay thì chỉ còn hơn hai chục hộ làm nghề, thị trường ngày càng bị thu hẹp. Cái nghề này không còn nuôi sống người làm nghề được nữa rồi! Lớp trẻ chẳng đứa nào chịu theo nghề".

Trong hành trình tìm về dấu tích của làng gốm xưa, bạn hãy nhớ ghé ngang qua thị trấn Phù  Mỹ. Phù Mỹ là một trung tâm gốm của Bình Định đầu thế kỷ XX. Theo ghi chép của Baulteau, các làng gốm Phù Mỹ ra đời muộn hơn các làng Phụng Cang và Tấn Thạnh (Hoài Nhơn), tuy nhiên, trong ký ức dân gian, vẫn lưu truyền câu chuyện về người làm nghề đầu tiên là ông Võ Tấn Hưng ở Ngãi Chánh - Phù Mỹ. Nhưng điều đáng nói hơn, Phù Mỹ tập trung khá nhiều làng gốm: Trà Quang, Trùng Thứ, Diêm Tiêu, Vĩnh Lý. Đến những năm của thế kỷ XX, gốm Phù Mỹ được đánh giá cao và đã xuất khẩu ra nước ngoài. Đến nay, gần thị trấn Phù Mỹ vẫn hãy còn một lò nồi. Chiếc lò này chẳng mấy khi được đốt lửa, chỉ còn tồn tại như một kỷ niệm về một nghề cũ, nghiệp xưa.

Đến làng Mỹ An (Tây Bình, Tây Sơn), bạn hãy để ý đến những sản phẩm gốm, vốn chỉ còn được làm với số lượng rất ít ỏi, và là sản phẩm phụ bên những lò gạch ngói. Người Mỹ An sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về ông tổ nghề Đào Giã từ thời Nguyễn Hoàng. Nhưng hiện tại, chỉ đọng lại trên mảnh đất này, chút dấu ấn về một thưở xưa huy hoàng. Cầm trên tay một sản phẩm gốm vừa ra lò, tôi bỗng xúc động lạ. Chỉ là những sản phẩm thô phác và bình dị, không hiểu sao, ta lại nặng lòng đến vậy. Không phải là sự độc đáo, vì những sản phẩm của làng gốm này hiện nay không khác mấy so với những sản phẩm dân dụng khác vốn bán đầy rẫy khắp các chợ quê. Có lẽ, chính bởi sự thô mộc, tự nhiên như chính cuộc đời của những sản phẩm này; đồng thời, mỗi sản phẩm cũng lại chính là một phần của đất đai, đồng ruộng, vốn đã gắn chặt với hồn ta tự thưở trong nôi? Mỗi sản phẩm gốm dân dã, mộc mạc ấy, đánh động trong ta hoài niệm khôn nguôi về quê hương, đồng ruộng.

 

3.

Cuộc hành trình này, chẳng lẽ chỉ còn mang ý nghĩa của những hoài niệm về một truyền thống? Những sản phẩm đơn điệu, những làng nghề kém sức năng sản, đúng là thật khó để có sức hút với người thưởng ngoạn. Đi và trải lòng với những làng nghề này, trong tôi không bứt ra khỏi day dứt với một ước vọng, làm sao để những làng nghề này có những đột phá và phát triển. Tìm tòi, sản xuất lại những sản phẩm gốm Chăm hay những sản phẩm của đầu thế kỷ XX, thậm chí sáng tạo mẫu mã mới để sản xuất những vật phẩm lưu niệm có giá trị… chẳng hạn?

Cũng đất nung, cũng thô mộc, nhưng chỉ với đôi chút cách điệu về trang trí, làng gốm Bầu Trúc bán được cho du khách với giá trị cao hơn hẳn đồ gia dụng bình thường, tại sao chúng ta lại không. Hay những mô hình tháp Chăm đất nung như hiện nay đã có một, hai hộ ở Vân Sơn sản xuất, nếu được cải tiến cho tinh xảo hơn, chính xác hơn về tỷ lệ và chi tiết, thì cũng sẽ là vật phẩm lưu niệm có giá trị. Khi đã có những sản phẩm như vậy, việc hình thành một tour du lịch văn hóa về thăm những làng đất nung, lồng ghép giới thiệu về các trung tâm sản xuất gốm cổ Chăm và gốm Bình Định đầu thế kỷ XX, sẽ có sức thu hút không chỉ khách nội địa.

. KHẢI NHÂN

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà đẹp nhờ rèm   (28/10/2003)
Trăn trở lời ru   (28/10/2003)
Mẹ Cát Hanh   (28/10/2003)
Nuôi một tiếng hót   (28/10/2003)
Nghề làm lồng chim   (28/10/2003)
Trông đợi gì ở Hội Tin học Bình Định?   (28/10/2003)
Laptop seconhand - thật khéo co mới ấm   (28/10/2003)
Cây bông giấy   (28/10/2003)
Quy Nhơn trong cơn sốt resort   (28/10/2003)
Trong ma trận điện thoại di động   (28/10/2003)
Chị dâu   (25/09/2003)
Còn lại   (25/09/2003)
Đi đường   (25/09/2003)
Nói với con   (25/09/2003)
Thu   (25/09/2003)