Khuyến khích nuôi bò sữa: Khoảng cách giữa chính sách với thực tế
14:49', 28/10/ 2003 (GMT+7)

Một hộ chăn nuôi bò sữa

Dù đã được UBND tỉnh xem xét và đồng ý cho vay vốn đầu tư sản xuất, Sở NN-PTNT đã gửi các hồ sơ vay vốn của các chủ dự án đến Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn - đơn vị được tỉnh đồng ý cho tham gia giải quyết vốn vay phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh, nhưng nhiều tháng qua vốn vay vẫn chưa đến được tay nông dân...

* Từ chính sách đến thực tế

Để đàn bò sữa phát triển một cách bền vững, bên cạnh việc xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung có quy mô lớn, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi bò sữa. Nông dân tham gia chăn nuôi bò sữa ở các khu vực tập trung sẽ được Nhà nước xem xét để cho vay ưu đãi theo khả năng cân đối nguồn vốn hàng năm. Nếu vay từ Quỹ Đầu tư và Phát triển Bình Định thì sẽ được vay 10 triệu đồng/con để mua bò sữa giống trong nước, trong tỉnh và 15 triệu đồng/con để mua bò sữa giống nhập từ nước ngoài. Ngoài ra, các trang trại bò sữa đầu tư tại khu chăn nuôi tập trung còn được xem xét để cho vay ưu đãi theo dự án được phê duyệt và thực hiện chính sách ưu đãi riêng đối với khu vực này. Thời hạn cho vay là 6 tháng, ân hạn 2 năm đầu và trong đó có 1 năm không tính lãi suất. Nếu vay từ các ngân hàng thương mại thì mức vay đảm bảo đủ mua bò sữa với số lượng theo thỏa thuận của ngân hàng cho vay và được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất 1 năm đầu, bù chênh lệch lãi suất vay giữa ngân hàng cho vay và Quỹ Đầu tư và Phát triển Bình Định cho những năm sau.

Với giá sữa 3.500 đồng/ lít, bình quân mỗi con bò sữa cho thu nhập khoảng 5-7 triệu đồng/chu kỳ vắt sữa, và 10 triệu đồng/con bê 12 tháng tuổi, có thể nói nguồn lợi từ con bò sữa là rất lớn. Hơn nữa, bò sữa là vật nuôi đang được tỉnh khuyến khích, người chăn nuôi được ưu tiên vay vốn, được hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra lại tương đối thuận lợi. Con bò sữa đã bắt đầu hấp dẫn với nhiều nông dân trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.910 con trong đó có 338 con bò cái sinh sản, 330 bò cái tơ từ 12-24 tháng tuổi và 1.242 con bê cái dưới 12 tháng tuổi.

Lợi ích của việc nuôi bò sữa, các chính sách khuyến khích chăn nuôi bò sữa của tỉnh đã hấp dẫn nông dân vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa. Toàn tỉnh đã có 12 chủ dự án lập hồ sơ xin vay vốn để phát triển chăn nuôi bò sữa, và đã được UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ lãi suất vốn vay theo quy định. Sở NN-PTNT đã tiếp nhận hồ sơ của các chủ dự án gửi đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn. Tuy nhiên đến nay, các chủ dự án vẫn chưa nhận được vốn vay từ Ngân hàng này. Nhiều chủ dự án ở khu trang trại Nhơn Tân sau khi được UBND tỉnh quyết định hỗ trợ lãi suất vay vốn như đã quy định nên đã bắt tay xây dựng chuồng trại, quy hoạch và trồng cỏ làm thức ăn cho bò nhưng do chưa đủ vốn nên các công trình còn nham nhở. Bà Bùi Thị Minh Vân (trú ở phường Trần Quang Diệu - Quy Nhơn) - một trong chủ dự án vay vốn của Ngân hàng TMCP Sài Gòn cho biết: "Trang trại chăn nuôi bò sữa của tôi có tổng diện tích 5 ha, quy mô đàn bò là 100 con, tổng vốn dự án trên 2 tỉ đồng. Theo quy định của UBND tỉnh, tôi đã lập hồ sơ xin vay 1,5 tỉ đồng (vốn gia đình là 500 triệu đồng) để đầu tư xây dựng 3 dãy chuồng, trồng 4 ha đồng cỏ, hệ thống điện, đường, nước tưới và phát triển đàn bò sữa, nhưng chưa vay được đồng nào. Bằng vốn gia đình chúng tôi đã xây dựng được 1 dãy chuồng và mua 21 con bò về thả nuôi. Và nếu không vay được vốn thì chắc rằng dự án chăn nuôi bò sữa của tôi khó mà đến đích". Khoảng cách giữa chính sách đến thực tế hãy còn rất lớn nên bà Lê Thị Hoàng Hà ở phường Thị Nại - Quy Nhơn tỏ ra bức xúc hơn khi nghe chúng tôi đề cập đến vấn đề vay vốn chăn nuôi bò sữa. Bà cho biết: "Dự án chăn nuôi bò sữa của tôi được tỉnh phê duyệt và được UBND huyện An Nhơn cấp đất với diện tích trên 5,2 ha. Tôi làm đơn vay vốn đã mấy tháng rồi nhưng chưa vay được đồng nào. Hiện tôi đã đầu tư trên 500 triệu đồng mua 25 con bò sữa đang thả nuôi ở Long Mỹ và Nhơn Thọ, định rằng vay được vốn xây dựng chuồng trại rồi chuyển bò lên Nhơn Tân nuôi, nhưng chưa vay được vốn nên chưa thực hiện được". Bà Hà cũng như rất nhiều hộ gia đình khác mà chúng tôi đã gặp đều rất lo lắng cho phần đầu tư đã thực hiện, họ rất lo sợ nếu không được ngân hàng cho vay. Bởi nếu vậy dự án của họ sẽ bị phá sản.

* Đi tìm câu trả lời

Vì sao các chủ trang trại chăn nuôi bò sữa chưa được vay vốn theo chính sách ưu đãi của tỉnh để đầu tư phát triển chăn nuôi? Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Trọng Hổ, Phó Ban quản lý dự án khu trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung Nhơn Tân cho biết: "Các hộ gia đình muốn vay vốn chăn nuôi bò sữa phải lập hồ sơ xin vay vốn, Sở NN-PTNT lập tổ kiểm tra, thẩm định các điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính…. của các chủ dự án có nhu cầu vay vốn trình lên UBND tỉnh. Và sau khi UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các chủ dự án thì Sở sẽ gửi hồ sơ vay vốn của các chủ dự án cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn".

Vì sao Sở lại không gửi đơn xin vay vốn của các chủ dự án cho Quỹ Đầu tư và Phát triển Bình Định, hay các Ngân hàng thương mại trong tỉnh? Ông Hổ giải thích: "Sở đã đặt vấn đề vay vốn với Quỹ Đầu tư và Phát triển và Ngân hàng NN-PTNT Bình Định nhưng muốn vay ở đây thì phải thế chấp, số tiền vay hạn chế khoảng 70% so với tài sản thế chấp. Điều kiện ấy dân mình không đáp ứng được. Hơn nữa Ngân hàng TMCP Sài Gòn là đơn vị được tỉnh đồng ý cho tham gia giải quyết vốn vay phát triển chăn nuôi bò sữa. Hiện nay, Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã tiếp nhận 12 dự án xin vay vốn của các chủ trang trại chăn nuôi bò sữa trong tỉnh, nhưng Ngân hàng chỉ giải quyết vốn vay cho 4 dự án đầu tư vào khu trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung Nhơn Tân, mỗi dự án được vay 900 triệu đồng và 1 dự án khác được vay 145 triệu đồng. Các dự án không được vay là do đàn bò phân bổ trên địa bàn quá rộng, Ngân hàng không có khả năng kiểm tra, giám sát và thu hồi vốn vay. Vả lại ngân hàng cũng không chuyển giao trực tiếp số tiền cho các hộ được vay, mà căn cứ theo đơn giá giữa người mua và người bán bò để trả tiền trực tiếp cho người bán bò".

. TIẾN SĨ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thư giãn   (28/10/2003)
Đôi điều từ một tập thơ (*)   (28/10/2003)
Hoài niệm đất   (28/10/2003)
Nhà đẹp nhờ rèm   (28/10/2003)
Trăn trở lời ru   (28/10/2003)
Mẹ Cát Hanh   (28/10/2003)
Nuôi một tiếng hót   (28/10/2003)
Nghề làm lồng chim   (28/10/2003)
Trông đợi gì ở Hội Tin học Bình Định?   (28/10/2003)
Laptop seconhand - thật khéo co mới ấm   (28/10/2003)
Cây bông giấy   (28/10/2003)
Quy Nhơn trong cơn sốt resort   (28/10/2003)
Trong ma trận điện thoại di động   (28/10/2003)
Chị dâu   (25/09/2003)
Còn lại   (25/09/2003)