Những trưa hè yên ả ở làng quê, thi thoảng ta chợt nghe tiếng rao ngai ngái: "Ai mua quạt không?". Những người bán quạt mang trên vai chiếc túi lớn đựng đầy các loại quạt đủ sắc màu. Họ mải miết dạo từng con đường nhỏ ở làng quê cất tiếng rao buồn tênh. Và lòng họ rộn lên niềm vui khi có tiếng gọi giật ngược: "Này quạt!".
Ngày ấy, cha tôi là người làm quạt khéo tay có tiếng ở làng. Ông làm quạt để dùng trong gia đình và tặng những người thân quen chứ không hề mang đi bán bao giờ. Cha lựa những gốc tre già, vót từng thẻ tre láng bóng và đều tăm tắp, sau đó dùng cái dùi sắt nhỏ, nhọn hoắt đem vùi trong lò lửa, dùi lỗ, dùng dây thép cột các rẻ quạt vào nhau, rồi cắt giấy bao xi măng, thoa bột dán quạt. Những chiếc quạt của cha sản xuất không những xinh xắn mà còn đạt kỷ lục về độ bền. Bà con hàng xóm mỗi lần thấy cha làm quạt, họ lân la đến chơi khen lấy khen để chứ không dám mở lời xin xỏ. Song, cha tinh ý lắm! Mấy hôm sau thế nào cha cũng sai tôi mang từng cái quạt đến tặng từng nhà, gởi đến chòm xóm những niềm vui nho nhỏ.
Đối với chị em tôi sức vóc còn nhỏ, cha làm riêng những cái quạt nhỏ phất giấy ngũ sắc xanh, đỏ, tím, vàng đẹp chẳng thua kém những chiếc quạt mà người ta dạo bán khắp xóm. Lúc nào đi học, tôi cũng mang theo chiếc quạt xinh xinh để rồi lũ bạn học tranh nhau mượn quạt xoành xoạch vui tai.
Trưa trưa, nội tôi lưng trần, râu dài như tiên ông ngồi trên bộ ván gõ lâu năm đen bóng, cầm chiếc quạt phe phẩy trông thật hiền lành, thư thái. Còn mẹ tôi nằm vắt vẻo trên chiếc võng cột dưới lũy tre già, cất lên tiếng hát khàn khàn ru em tôi ngủ. Chốc chốc mẹ lấy chiếc quạt đập ruồi chanh chách, mái tóc mẹ búi tròn như quả cam thật ấn tượng. Những đêm hát bội ngoài đình, cha dắt tôi đi xem và không quên cầm theo chiếc quạt do bàn tay cha khéo léo tạo nên. Một đám người ngồi xem hát là một đám quạt đủ sắc màu lao xao như đàn bướm vờn trong vườn hoa cải bên sông. Vậy mà tôi phân biệt chính xác những chiếc quạt do cha tôi tặng cho bà con hàng xóm mới tài. Ngày tôi ra phố học, mẹ lựa ba chiếc quạt đẹp nhất sắp vào đáy chiếc va ly. Nhờ những chiếc quạt ấy mà tôi đỡ nóng nực trong những ngày trời chang nắng và cũng đỡ nhớ nhà. Cha về cõi vĩnh hằng, chị cả lem nhem làm quạt, nhưng chiếc nào cũng thô như bàn tay cục mịch của chị, thế là nhà tôi phải "mua gió" như bao gia đình khác. Tiếng rao ơi ới: "Ai mua quạt không?" lại lẩn quất từ đầu thôn cuối xóm. Bây giờ quê tôi không còn ai đi bán quạt dạo như ngày xưa, có chăng ở những điểm du lịch vùng rừng núi. Bởi lẽ điện đã tràn về nông thôn, nhà nào nghèo kiết xác cũng mua được ít nhất là một chiếc quạt điện.
Từ lâu tôi không còn dùng chiếc quạt mà cha tôi làm riêng để tôi mang đi học. Tôi treo nó trên vách, trong phòng làm việc của mình. Mỗi khi nghe con mình than nóng nực, bất giác tôi lại đưa mắt nhìn về phía vách có treo chiếc quạt, rồi lại ngóng ra vườn như tìm lại bóng dáng cha mình. Chao ôi, những luồng gió của cha còn thổi mát con đến tận giờ, cha ơi.
. TRẦN QUỐC CƯỠNG
|