Ký ức Nga
10:1', 20/11/ 2003 (GMT+7)

Dẫu những biến động về chính trị, kinh tế có làm Liên Xô không còn nữa thì điều đó cũng không thể làm thay đổi tình cảm của người Việt Nam đối với Liên Xô. Hầu như trong ký ức của mỗi người Việt Nam từng có thời gian gắn bó với Liên Xô nói chung và nước Nga nói riêng đều lưu dấu những rừng bạch dương mùa thay vỏ, những chiều đông Matxcơva lồng lộng gió, và những nụ cười, những tấm lòng Nga nhân hậu đến không ngờ…

* Kỹ sư Lê Minh Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Bình Định): Tôi nhớ cô giáo Tixenko và luận án điểm 5

Cô giáo Tixenko ở Học viện Quản lý sáng chế và phát minh Liên Xô (gọi tắt là Trường Ship) của tôi nay đã về hưu, có lẽ vậy. 17 năm rồi còn gì, tôi vẫn chưa có dịp trở lại nước Nga, nhưng những kỷ niệm về nước Nga vẫn còn in đậm trong tôi, dẫu tôi chỉ học ở đó có 2 năm và cũng chỉ quanh quẩn ở Matxcơva là chính. Đó là những chuyến tàu điện chỉ mất có 50 côpếch để được dọc ngang Matxcơva, là một đêm trắng ở Lêningrat, là cô gái Nga đã đưa tôi về tận nơi ở khi tôi đi lạc, là bạn bè, thầy cô giáo ở trường Ship, trong đó có cô giáo Tixenko.

Tôi nhận đề tài luận án tốt nghiệp là "Khuyến khích vật chất và tinh thần cho các tác giả sáng chế" và rất mừng khi được cô Tixenko hướng dẫn, vì cô là Chủ nhiệm khoa. Cô nói: "Đề tài hay đấy, nhưng hơi khó". Vậy mà không hiểu sao các phần luận án mà tôi viết và đưa, cô đều "không nói không rằng". Tôi lo nhưng cũng không dám hỏi. Mãi cho tới lúc gần hết hạn nộp luận án, tôi quyết định đến gặp cô. Ấy là một ngày thứ bảy, thư ký của cô cho biết cô đang ở nhà và hôm nay là ngày sinh nhật cô. Tôi chạy ra phố mua ngay một chiếc bình cắm hoa bằng gỗ sơn mài và một bó hoa cắm vào. Đúng giờ hẹn, cô Tixenko đến trường. Cô rất vui khi nhận quà sinh nhật tôi tặng. Biết nỗi chờ mong của tôi, cô mời giáo sư phản biện đến để bàn bạc lần cuối về luận văn của tôi. Cô nêu câu hỏi và hướng dẫn tôi cách trả lời khi ra trước hội đồng bảo vệ. Ngày bảo vệ luận án, trong khi đến lượt tôi bảo vệ thì tôi lại bị "mắc kẹt" ở thư viện vì làm mất một cuốn sách, mà theo quy định thì phải trả hết sách mới được tốt nghiệp. Cô Tixenko đã xuống "bảo lãnh" cho tôi khỏi bị xử lý, dù bà biết tỏng rằng tôi chẳng làm mất sách gì cả mà là muốn "thó" làm của riêng. Quyển sách ấy hay lắm, tôi vẫn còn giữ đến bây giờ đấy! Và tôi đã bảo vệ thành công luận án, đạt điểm 5.

* Vợ chồng thạc sĩ Trương Quang Tích và tiến sĩ Đặng Thị Chiến (Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Trường ĐH Quy Nhơn): Nước Nga - nơi se duyên cho chúng tôi

Năm 1965, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chúng tôi được cử sang Liên Xô học và may mắn được học chung khoa Sinh tại Trường Đại học tổng hợp Rostov - ở phía nam Liên Xô. Điều gây ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là phong cảnh mùa nào ở đây cũng đẹp lạ lùng. Mùa thu nước Nga là những mùa thu vàng hiện diện trong công viên và ở các khu rừng ngoại ô với lá vàng bay trên đầu và những thảm lá vàng lao xao dưới chân, cùng không khí se lạnh. Đến mùa đông, tuyết phủ trắng xóa khắp mọi nơi. Những cành cây rụng lá được băng bao quanh, trông cứ như cây được bọc bởi một lớp pha lê vậy. Mùa xuân, tuyết tan, cây đâm chồi nảy lộc, hoa nở rực rỡ. Còn mùa hè thì trời trong xanh, cao vút, cành lá xanh mướt. Người Nga rất nhân hậu và thật thà, đặc biệt là rất yêu thương các sinh viên (SV) Việt Nam, có lẽ vì SV Việt Nam chăm học và vì mối đồng cảm của những người có đất nước bị chiến tranh. Vào dịp hè, nhà trường thường tổ chức cho SV về các nông trường lao động gọi là góp phần cùng miền Nam đánh Mỹ xâm lược. Đây chính là nơi chúng tôi cảm nhận rõ nhất về một sợi dây tình cảm nối giữa người Nga và người Việt Nam. Cái cách mà các mà mẹ Nga bày tỏ lòng yêu quý SV Việt Nam mới chân thành mà giản dị làm sao. Họ rang hạt hướng dương và mang đến tận nơi ở để cho chúng tôi. Đến hôm về trường, có người còn cố chạy theo xe đã lăn bánh để dúi cho được túi hướng dương vào tay chúng tôi. Bây giờ, mỗi khi tình cờ nhìn thấy một bông hướng dương, bất chợt tôi thấy mình như đang ngồi trên chiếc xe ấy cùng mùi thơm hướng dương phảng phất bao quanh.

Còn các thầy cô giáo của chúng tôi thì thật tuyệt. Ngay cả các cô thủ thư cũng để lại nhiều ấn tượng. Đặc biệt là bà giáo Anna Karơpovna – phụ trách sinh viên ngoại quốc. Bà yêu thương các SV Việt Nam như con. Bà nói với chúng tôi rằng: "Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ thì không bao giờ được quên, nhưng sang đây thì phải nói tiếng Nga nhiều mới giỏi được". Bà nhớ tên từng SV ngoại quốc, SV nào học yếu môn nào là bà hướng dẫn và chỉ bảo ngay. Nước Nga cũng là nơi se duyên cho chúng tôi. Dù học cùng nhau từ năm dự bị nhưng đến năm học thứ 3 chúng tôi mới yêu nhau. Kỷ niệm đôi lứa ở Nga là những ngày chủ nhật nghỉ học đi chơi, xem phim, nấu ăn chung hoặc giúp nhau học.

* Ông Trương Văn Cai - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Bình Định: Tôi yêu đất nước của tượng và hoa

Ông chỉ tay vào tủ kính ở phòng khách, nơi có 4 con lật đật lớn nhỏ, 7 con búp bê thế hệ (búp bê gỗ, trong một búp bê lớn có nhiều búp bê nhỏ), tượng Lênin, tượng Vệ quốc và một số tranh ảnh, vật lưu niệm nho nhỏ. Đó là tất cả những kỷ vật ông giữ lại được sau 3 năm học tập tại Nga. Và hơn thế nữa, là tình cảm của ông dành cho đất nước, con người Nga.

Khóa học 1986-1989 của chúng tôi ở Trường Đảng cao cấp Matxcơva có rất nhiều học viên đến từ các nước khác nhau trong khối XHCN lúc bấy giờ như: Cuba, Lào, Mông Cổ, Ba Lan, Tiệp Khắc, CHDC Đức… Lúc mới sang Nga, vì chưa quen với kiểu dạy và học thông tầm, tức bắt đầu từ 9 giờ sáng và kết thúc lúc 4 giờ chiều, không nghỉ trưa, nên cứ đến khoảng 12 giờ trưa là cả lớp bắt đầu… ngủ gật. Hiểu được điều này, trường đã cho lớp học viên người Việt Nam ăn trưa và nghỉ trưa khoảng 1 giờ. Trong trường, học viên Việt Nam kết bạn với nhiều học viên các nước khác, đặc biệt là rất thân thiết với các bạn Cuba.

Ấn tượng của tôi trong những năm tháng học ở Nga là người Nga rất chân tình, đặc biệt là người già, nói như kiểu người Việt mình là rất phúc hậu. Có lần, tôi đã được một ông lão đỡ dậy khi trượt chân ngã vì băng trơn. Khi biết tôi là người Việt Nam, ông tỏ ý rất quan tâm và hỏi han đủ thứ. Còn trong khu ký túc xá của tôi, những người phục vụ đều lớn tuổi, khoảng 50 tuổi trở lên. Có lần bà phục vụ Nina Trigorepva nhờ tôi mua giúp một chiếc bàn ủi và một ấm điện, vì bà không rỗi và cũng không thể chen lấn để mua. Lúc ấy, hai vật dụng trên khoảng 20 rúp, và tôi cùng anh bạn cùng phòng quyết định mua biếu bà. Bà rất mừng và cứ cảm ơn chúng tôi mãi.

Tính tôi vốn cũng ít thích đi chơi, vì thế trong suốt 3 năm ở Nga, tôi chẳng đi đâu chơi xa, trừ những lần đi thực tế, thực tập do trường tổ chức. Tuy vậy, điều đọng lại trong tôi về phong cảnh, thiên nhiên nước Nga là tượng và hoa. Công viên, quảng trường, đường phố, đâu cũng có tượng - những tượng to, và rất đẹp; còn hoa thì rực rỡ khắp nơi khi tiết trời ấm lên…

NGUYÊN SƯƠNG (ghi)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chiếc quạt của cha   (28/10/2003)
Khuyến khích nuôi bò sữa: Khoảng cách giữa chính sách với thực tế   (28/10/2003)
Thư giãn   (28/10/2003)
Đôi điều từ một tập thơ (*)   (28/10/2003)
Hoài niệm đất   (28/10/2003)
Nhà đẹp nhờ rèm   (28/10/2003)
Trăn trở lời ru   (28/10/2003)
Mẹ Cát Hanh   (28/10/2003)
Nuôi một tiếng hót   (28/10/2003)
Nghề làm lồng chim   (28/10/2003)
Trông đợi gì ở Hội Tin học Bình Định?   (28/10/2003)
Laptop seconhand - thật khéo co mới ấm   (28/10/2003)
Cây bông giấy   (28/10/2003)
Quy Nhơn trong cơn sốt resort   (28/10/2003)
Trong ma trận điện thoại di động   (28/10/2003)