Sự thật về chiến hạm Rạng Đông
10:11', 20/11/ 2003 (GMT+7)

Biểu tượng quan trọng của Cách mạng tháng Mười Nga (1917) chính là chiến hạm Avrora (Rạng Đông), nơi đã phát ra loạt đạn lịch sử vào cung điện Mùa đông của Sa hoàng... Ngày nay người ta đã chứng minh được rằng chiến hạm thật sự làm công việc đó không phải là Avrora, và chiến hạm bí ẩn ấy từng đã ghé ngang qua cảng Sài Gòn và neo lại ở đây hơn một năm liền.

* MỘT CHÚT VỀ LỊCH SỬ

Ngày 12-5-1900, chiến hạm thế hệ mới Avrora thuộc hải quân Nga được hạ thủy. Bảy tháng sau, vào ngày 22-12-1901, chiến hạm Diana cũng được đưa vào hoạt động. Hai chiến hạm này hoàn toàn giống nhau về kích thước và các thông số kỹ thuật. Sự hiện đại của hai chiến hạm và khả năng cơ động trên biển đã biến cả hai thành niềm tự hào kỹ thuật hàng hải Nga thời ấy.

Thời ấy, Nga đang thuê của Trung Quốc một phần bán đảo Liêu Ninh để xây dựng tuyến đường xuyên Sibir, còn Nhật Bản thì quyết tâm dùng sức mạnh quân sự để đánh bật Nga ra khỏi khu vực này. Thế là chiến tranh Nga – Nhật bùng nổ. Ngày 9-2-1904, khi đoàn tàu chiến Nhật Bản bất ngờ tấn công hạm đội Nga đang dừng chân ở cảng Lữ Thuận (Port of Arthur, tên Trung Quốc là Lushun hoặc Liuchouen, một cảng biển nằm ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc), cả hai chiến hạm Avrora và Diana đều có mặt ở đây. Nước Nga không có cơ hội để chiến thắng trong cuộc chiến tranh này vì lực lượng quá mỏng. Hết thất bại này đến thất bại khác dồn dập cả trên bộ lẫn trên biển. Pháo đài Lữ Thuận bị phong tỏa, hạm đội được lệnh rút lui nhưng tất cả không có đường lùi.

Để thoát ra, hạm đội Nga phải chấp nhận trận chiến ở Hoàng Hải. Cuộc rút lui hoàn tất nhưng giá phải trả rất đắt, nhiều tàu chiến Nga bị bắn chìm, một số trong cơn kinh hoàng đã quay trở lại Lữ Thuận. Trong số những con tàu vùng vẫy chiến đấu với hải quân Nhật Bản thoát ra khỏi vòng vây có chiến hạm Diana. Thế nhưng thủy thủ đoàn chưa kịp vui mừng được bao nhiêu thì họ lại tuyệt vọng thêm lần nữa: do bị bắn thủng quá nặng Diana không bám theo kịp đội hình hạm đội, và số than còn lại trên tàu không đủ đưa nó về đến Vladivostok – cảng Nga gần nhất. Thuyền trưởng Diana quyết định rẽ vào Sài Gòn để sửa chữa và tiếp thêm nhiên liệu.

Thông số kỹ thuật của chiến hạm Avrora, Diana:

- Mức choán nước: 6.731m3, tốc độ: 20 hải lý giờ. Hải trình: 4.000 hải lý.

- Chiều dài: 137,7m, rộng: 16,8m.

- Thủy thủ đoàn: 570 người.

- Trang bị: đại bác 152mm: 8 khẩu; đại bác 75mm: 24 khẩu; pháo 37mm: 8 khẩu; hệ thống phóng ngư lôi: 3 bộ.

Thành boong dày 38-60mm, thành buồng lái và các đài quan sát trên tàu: 152mm.

Trong trận chiến bi thảm cuối cùng của chiến tranh Nga-Nhật diễn ra trên vịnh Tsushima (27 đến 28-5-1905) hải đoàn Nga gần như bị tiêu diệt hoàn toàn, trong đó tất nhiên không có chiến hạm Diana. Đây là thất bại lớn nhất của hải quân Nga trong lịch sử và từ đó không ai muốn nhắc đến sự kiện bi thảm này. Cũng vì thế mà những ngộ nhận về chiếc chiến hạm nổ súng vào cung điện Mùa Đông mới có cơ hội để tồn tại.

Tại Sài Gòn, chỉ huy tàu Diana được lệnh giải giáp trước khi chiến tranh kết thúc. Chiến hạm bị cầm giữ tại cảng này từ ngày 11-8-1904 đến 30-10-1905. Số phận của chiến hạm Avrora bi thảm hơn nhiều, nó bị đạn pháo của Nhật bắn cho tơi tả. Hình ảnh xiêu vẹo của nó được báo chí truyền đi khắp thế giới, thậm chí nó còn được lên bưu thiếp để tuyên truyền cho sức mạnh Đại Nippon. Chiến tranh kết thúc, cả hai chiến hạm được trở về tổ quốc nhưng không được biên chế phục vụ trong cùng một hạm đội nữa. Theo những gì mà lâu nay vẫn được người ta công bố và biết đến thì chiến hạm Diana phục vụ ở biển Baltic, tham gia thế chiến thứ nhất. Còn Avrora thì loanh quanh ở Địa Trung Hải, năm 1915 nó được chuyển về bảo vệ vịnh Phần Lan gần Petersburg. Nhưng sự thật thì không hẳn vậy.

* TÀU NÀO BẮN VÀO CUNG ĐIỆN MÙA ĐÔNG?

Năm 1984 khi tiến hành trùng tu chiến hạm-bảo tàng nổi Avrora người ta phát hiện nhiều điều lạ, bất ngờ đầu tiên là Avrora không có “tấm biển khai sinh”.

Bất cứ con tàu nào cũng vậy, cũng đều có một tấm biển gọi là tấm biển khai sinh trên đó ghi những nét cơ bản của con tàu, nó như tấm giấy thông hành của con người, không bao giờ rời khỏi tàu vì bất cứ lý do gì. Nhưng kỳ lạ nhất là trên thân chiến hạm Avrora không hề có dấu vết của những lỗ thủng, những vết thương mà nó đã dính rất nhiều trong trận chiến Nga – Nhật. Những phát hiện kỳ lạ này khiến các chuyên gia am tường lịch sử hải quân Nga bắt tay vào truy tìm sự thật. Có nhiều cuộc truy tìm và hầu hết đều đưa người ta đến với giả thuyết – Avrora huyền thoại thật ra là Diana.

Sau nhiều năm nghiên cứu kỹ lưỡng và đối chiếu với các tư liệu  trong các kho lưu trữ, Tiến sĩ Sử học Genadi Voskresenski đã khẳng định sự chính xác của giải thuyết nêu trên (kết quả nghiên cứu đã được ông công bố trên tuần báo Thế kỷ-Nga).

Sự thật thế nào?  Tiến sĩ G. Voskresenski đã chứng minh được rằng trên thực tế từ năm 1906 đến năm 1922 do bị hư hỏng quá nặng Avrora đã không thể hoạt động được, nó nằm ụ với tình trạng kỹ thuật rất xấu. Điều đó cũng có nghĩa là nó không thể tham gia vào sự kiện lịch sử năm 1917. Trong khi đó, vào thời điểm xảy ra Cách mạng tháng Mười, chiến hạm Diana lại đang có mặt trên sông Nêva (St Petersburg) để có thể hoàn thành sứ mạng lịch sử một cách hết sức lý tưởng. Và quả thật theo tiến sĩ G. Voskresenski, chính Diana đã được đưa đến trước cung điện Mùa Đông để nổ những loạt đại bác lịch sử.

Vậy có người sẽ hỏi – Tại sao người ta không gọi tên chiến hạm Diana với chính tên thật của nó? Đôi khi những bí ẩn tầm cỡ như vậy của lịch sử lại bắt nguồn từ những sự cố hết sức đơn giản. Ban đầu có thể người ta đã nhầm, nhưng rồi cũng không ai đứng ra đính chính. Vả lại với những nhà cách mạng đang trong cơn phấn khích, cái tên Avrora (Rạng Đông - bình minh của một kỷ nguyên mới) nghe có vẻ hùng tráng, trang trọng và có tính biểu tượng hơn là Diana – nữ thần săn bắn. Và cứ như vậy, Avrora đàng hoàng tiến vào lịch sử còn Diana thì lặng lẽ rơi vào quên lãng.

Bốn năm sau khi xảy ra Cách mạng tháng Mười, không ai nhớ gì đến hai chiếc tàu này và cả hai cũng... rỉ sét. Diana thì neo tại Kronstadt, còn Avrora nằm ụ tại Petrograd. Đến năm 1922 theo lệnh của Lev Trotski, chiến hạm Avrora được tân trang, còn Diana được dỡ ra làm sắt vụn. Song, ngay từ khi đó, các “nhà thanh lý tàu sắt” đã hoán cải lịch sử, lần này không vô tình mà có chủ ý hẳn hoi. Người ta dễ dàng nhận thấy hai chiếc chiến hạm là hoàn toàn giống nhau. Chiếc Diana có thể phục chế dễ dàng với chi phí thấp, chiếc Avrora thì ngược lại. Và thế là, chiếc Avrora thật thì được đem vào "lò mổ" còn chiếc Diana thì được khoác lên cái tên Avrora lừng danh để về hóng gió trên sông Nêva như hàng mấy chục năm nay người ta vẫn thấy. Tuy nhiên có lẽ vì vẫn còn áy náy về việc làm "tắt mắt" của mình nên người xưa đã không gắn biển khai sinh cho chiếc Avrora dỏm.

* NHỮNG THỦY THỦ NGA NẰM LẠI SÀI GÒN

Có một sự trùng hợp thú vị, năm 1984 khi người Nga (đúng hơn là cả Liên Xô) đang rúng động với sự kiện Avrora-Diana; thì tại TP Hồ Chí Minh, khi cải táng các ngôi mộ ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, người ta đã phát hiện ra những di cốt của những thủy thủ Nga chết tại đây vào những năm 1904, 1905. Ngay lập tức UBND TP Hồ Chí Minh đã thông báo phát hiện này cho Tổng lãnh sự quán Liên Xô. Ngay khi ấy người ta chỉ mới phát hiện được 4 ngôi mộ, nhưng khi dò theo sổ đăng ký và từ thông tin do những người trông coi nghĩa trang cung cấp, người ta đã tìm thấy mộ và tên tuổi của những thủy thủ xấu số khác.

Khi trở về danh sách của thủy thủ đoàn chiến hạm Diana thiếu mất 7 người so với lúc mới vào cảng Sài Gòn. Đó là: Ilia Gribanov, Egor Kozlov, Ilia Sliusarenko, Stepan Dovgaliuk, Nicolai Bolgin, Ignatii Nigerish, Nazar Martynov. Nơi đây còn an táng một thủy thủ của chiến hạm Kuban – Alexei Mamantov. Di cốt của những thủy thủ này sau đó được an táng tại nghĩa trang Lái Thiêu với nghi thức trang trọng của quân đội. Tại khu mộ các thủy thủ Nga có dựng một tượng đài có dáng gợi nhớ hình ảnh một con tàu.

Từ đó đến nay, vào những ngày lễ trọng của mình, người Nga ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác ở Việt Nam lại về nơi đây để nghiêng mình trước những nấm mộ này. Phải mất đến 80 năm sau ngày mất đi những thủy thủ này mới ra khỏi lãng quên, được đặt vào vị trí trang trọng. Có một điều an ủi cho họ là, trong chừng ấy năm, khi người Nga chưa biết gì về những nắm xương tàn trên đất khách thì linh hồn của họ vẫn được sưởi ấm nhờ những nén nhang của người Việt. Đó cũng là một sự ngẫu nhiên dễ thương cho tình hữu nghị Việt - Nga.

K. PHONG

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ký ức Nga   (20/11/2003)
Chiếc quạt của cha   (28/10/2003)
Khuyến khích nuôi bò sữa: Khoảng cách giữa chính sách với thực tế   (28/10/2003)
Thư giãn   (28/10/2003)
Đôi điều từ một tập thơ (*)   (28/10/2003)
Hoài niệm đất   (28/10/2003)
Nhà đẹp nhờ rèm   (28/10/2003)
Trăn trở lời ru   (28/10/2003)
Mẹ Cát Hanh   (28/10/2003)
Nuôi một tiếng hót   (28/10/2003)
Nghề làm lồng chim   (28/10/2003)
Trông đợi gì ở Hội Tin học Bình Định?   (28/10/2003)
Laptop seconhand - thật khéo co mới ấm   (28/10/2003)
Cây bông giấy   (28/10/2003)
Quy Nhơn trong cơn sốt resort   (28/10/2003)