|
Gia sư, nghề được nhiều SV chọn |
Gần 20.000 học sinh, sinh viên (SV) đang theo học tại các trường ĐH, CĐ, THCN... ở Quy Nhơn đang tạo một áp lực khá lớn về mặt xã hội cho thành phố. Quản lý SV ngoại trú, nhà trọ SV, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chất lượng các quán ăn SV… là những chuyện dài về sinh viên.
* Ở ĐÂU CÓ SV, Ở ĐÓ CÓ NHÀ TRỌ
Hầu hết KTX của các trường ĐH, CĐ ở Quy Nhơn đều quá tải. Trường ĐHSP Quy Nhơn có 5 khu nội trú với khoảng 3.000 chỗ trong khi quy mô của trường là gần 10.000 SV. Trường CĐSP Bình Định cũng chẳng khá hơn khi có đến hơn 1.600 SV, mà KTX của trường thì chỉ tiếp nhận được tối đa là 480 SV. Còn Trường Trung học VHNT thì năm học này không còn chỗ ở KTX, SV phải thuê nhà trọ.
Xuất phát từ nhu cầu này, hoạt động kinh doanh nhà trọ của người dân Quy Nhơn đang ngày càng được "chuyên nghiệp hóa". Người ta đã xây nhà với thiết kế để cho SV thuê, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà có phòng trống mới cho thuê. Chỉ tính từ đầu đường Biên Cương đến ngã tư Võ Lai có khoảng 60 nhà thì đã có 12 nhà có phòng trọ cho SV thuê. Mỗi phòng trọ thường cho 4 – 5 SV ở, giá 50.000 – 70.000 đồng/người/tháng. Khu vực có nhiều nhà trọ SV nhất là những nơi gần trường ĐH, CĐ như các đường: Ngô Mây, An Dương Vương, Diên Hồng, Nguyễn Lữ, Biên Cương, Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn đầu đường Trần Hưng Đạo… Phường Nguyễn Văn Cừ hiện có khoảng 200 hộ cho thuê với khoảng 600 SV thuê nhà. Phường Ngô Mây cũng có xấp xỉ 250 hộ cho gần 1.200 SV ở (chưa kể HS trọ luyện thi). Ở các phường Lê Lợi, Trần Hưng Đạo... con số SV ở trọ cũng lên đến vài trăm. Hàng năm, số hộ kinh doanh cho SV thuê nhà trọ ở các khu vực này đều tăng lên đáng kể.
Áp lực xã hội ở các khu vực có nhiều nhà trọ SV đang là điều có thật. Ông Nguyễn Khắc Minh – Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Cừ có lần bày tỏ: "Quản lý nhà cho thuê là rất mệt. Thử tưởng tượng mỗi hộ tăng lên khoảng chục SV, nhân lên với hàng trăm hộ như vậy thì vấn đề ăn ở, đi lại, vệ sinh, an ninh trật tự, môi trường sẽ trở nên phức tạp biết chừng nào". Đã từng xảy ra những trường hợp SV lợi dụng chủ nhà đi vắng để ăn cắp, SV tụ tập uống rượu gây rối trật tự công cộng. Đồng thời do SV hay mất cảnh giác nên những khu nhà trọ SV thường cũng là môi trường khá lý tưởng để các đối tượng trộm cắp hành nghề.
Quản lý SV ở nhà trọ và hoạt động của nhà trọ SV là vấn đề đang đặt ra với nhiều địa phương. Việc các trường ĐH, CĐ phối hợp cùng địa phương để quản lý SV ngoại trú của trường mình là cần thiết, song cũng chưa được nhiều trường quan tâm đúng mức. Về phía địa phương, có phường vẫn chưa thống kê đầy đủ số hộ có nhà cho SV thuê, có phường có ý tưởng thu của các hộ này một khoản phí nhỏ nhưng lại chưa có đáp án nào cho công tác quản lý trên.
* CƠM BÌNH DÂN CHẤT LƯỢNG CŨNG… BÌNH DÂN
Có đến các quán cơm SV vào giờ cao điểm mới thấy hoạt động kinh doanh cơm bình dân SV ở Quy Nhơn sầm uất thế nào. Các quán cơm thường tập trung từng cụm gần các trường ĐH, CĐ, trung tâm luyện thi và khu vực có nhiều nhà trọ SV. Như các quán cơm ở ngã ba Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tôn và quán trong chợ Lớn phục vụ SV Trường CĐSP Bình Định. Còn học viên của Trung tâm luyện thi Trần Bình Trọng thì đã có các quán cơm gần nơi học hoặc ở ngã tư Phan Chu Trinh - Trần Hưng Đạo đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, khu vực đường An Dương Vương - Ngô Mây và các đường ngang như Diên Hồng, Nguyễn Lữ, Biên Cương, Nguyễn Thị Minh Khai… - nơi có Trường ĐHSP, CNKT cũng như tập trung nhiều nhà trọ SV - thì các quán cơm xuất hiện rất nhiều. Giá cơm SV rất bình dân, 1.500 đồng, 2.000 đồng, 2.500 đồng hoặc 3.000 đồng/dĩa, tóm lại, khách hàng SV có thể được đáp ứng ở mọi mức độ giá cả, chất lượng.
Việc nở rộ các quán cơm bình dân với giá cả khá rẻ như vậy đang đặt ra câu hỏi về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy chưa có báo cáo nào về trường hợp SV bị ngộ độc do ăn cơm ở các quán cơm bình dân nhưng qua quan sát thực tế việc chế biến và bảo quản thức ăn ở các quán cơm này, việc nảy sinh mối nghi ngờ trên là không tránh khỏi. Người bán thường chạy theo lợi nhuận và cạnh tranh để thu hút khách nên có thể mua những thực phẩm kém chất lượng (bị ôi, thiu), thực phẩm có sử dụng các chất bảo quản độc hại (hàn the, phân u rê) để bán. Có quán cơm mà bàn ghế được chủ quán dàn hẳn ra vỉa hè, bất chấp bụi bặm và khói xe trên đường. Cũng có quán đem thực phẩm bán dư của hôm trước, đã bị ôi do bảo quản không kỹ, ra bán lại vào hôm sau.
Tập trung với số lượng lớn, mức phát triển nhanh là đặc điểm của đội ngũ sinh viên ở Quy Nhơn trong những năm gần đây. Không thể phủ nhận một thực tế là lực lượng SV này đang tạo cho phố biển Quy Nhơn một diện mạo mới bằng sự phát triển của nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, đi đôi với nó là những vấn đề xã hội phát sinh đòi hỏi phải được cập nhật tình hình, diễn biến, liên tục tiên liệu và định hướng trên một tầm nhìn bao quát, tạo thế chủ động cho từng địa bàn, địa phương trong việc giải quyết cái ăn cái ở cho SV, nhất là một khi Trường ĐH Quy Nhơn mở rộng quy mô đào tạo trong thời gian tới.
NGUYỄN BÍCH
|