Non xanh xanh nước xanh xanh
10:18', 20/11/ 2003 (GMT+7)

Một non bộ cỡ lớn do nghệ nhân Nguyễn Lộc thực hiện

Non bộ đã có mặt ở mọi nơi: khu vui chơi công cộng, công sở, nhà riêng, được thể hiện trong những khuôn viên rộng lớn và cả trong những góc nhà… Một thú chơi đã và đang phát triển mạnh.

* THÚ CHƠI CỦA NHIỀU NGƯỜI

Chỉ với không gian chừng 2m2 dưới gầm cầu thang, anh Hùng đã tạo dựng được một bồn cảnh sống động ngay trong ngôi nhà vỏn vẹn 30m2 của mình. Hòn non bộ đặt lọt thỏm trong chiếc hồ hình hạt xoài tạo nên sự hài hòa trong căn phòng khách của ngôi nhà. "Cho dù ngồi ở bất kỳ vị trí nào trong căn phòng này, mọi người đều có thể cảm nhận được những cái đẹp của hòn non bộ. Tiếng nước chảy róc rách, những ngọn núi thu nhỏ, những thảm cỏ xanh và hình ảnh một cụ già đang ngồi câu cá trong bồn cảnh khiến mình trở nên gần gũi với thiên nhiên hơn. Thú thật, mình cảm thấy rất dễ chịu khi ngồi bên chén rượu hay ly nước trà với người thân, bạn bè để thả hồn vào phong cảnh thiên nhiên ấy" – Anh Hùng nói. Trong cuộc sống gấp gáp hiện nay, con người, nhất là những người dân đô thị trở nên yêu thích và mong muốn gần gũi với thiên nhiên hơn để tìm một chút thăng bằng, thư thả. Trước đây, non bộ là thú chơi của những người có tiền, thậm chí có rất nhiều tiền. Mấy năm trở lại đây, non bộ cùng với quan điểm thưởng ngoạn rộng rãi hơn mới đã cho phép nhiều người theo đuổi thú chơi này.

Cách đây chừng hơn mười năm, những cụm non bộ đầu tiên bắt đầu xuất hiện ở một số công sở: Nhà khách UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... và lác đác một số quán xá. Thế rồi, khi mức sống lên cao hơn trong khi chi phí để có thể "tậu" được nó lại thấp xuống, nhiều người đã xây dựng non bộ ngay trong nhà mình. Đến nay, non bộ đã phổ biến từ công sở đến các nhà hàng, biệt thự và dĩ nhiên là cả những ngôi nhà ống cũng bắt đầu xuất hiện non bộ. Anh Lộc - một nghệ nhân non bộ cho biết: "Hầu như các công sở được xây dựng trong vài ba năm trở lại đây đều dành riêng một góc sân để xây dựng non bộ. Còn với những gia đình, những ai yêu thích phong cảnh thiên nhiên đều dành riêng một góc vườn hay khoảng trống trong nhà để xây dựng non bộ." 

* ĐA DẠNG NON BỘ

Anh Ba Lượng (Nhơn Phú) – một nghệ nhân non bộ phân tích: "Non bộ phải hội đủ các yếu tố thiên nhiên: động, tĩnh, hư và thực. Nét truyền thống của non bộ thường được cấu tạo bởi hai dạng núi chủ và núi khách. Tuy nhiên ngày nay, tùy theo góc không gian, non bộ được bố trí với các dạng tam sơn, ngũ hành sơn… Nói chung, nhìn vào non bộ, người ta có cảm nhận được sự hiểm trở từ những vách đá, trùng điệp từ những hàng cây cỏ và thảm cỏ tạo cảm giác êm đềm. Nét động là những hình ảnh của ông già ngồi câu cá, đứa bé ngồi trên lưng trâu, chim bay… đồi cỏ, khe suối tạo nên nét hư, thực. Những nhũ hoa đá treo trong non bộ tạo nên nét ảo. Tất cả những thứ ấy tạo nên một non bộ".

Non bộ được thể hiện trên hai dạng không gian: hồ nghi thức và hồ bán nghi thức. Hồ nghi thức có hình dạng như hạt xoài, tròn, bán nguyệt có diện tích nhỏ được xây dựng bởi con người. Hồ bán nghi thức có hình dạng như ao, hồ tự nhiên có diện tích lớn và được con người cấu trúc thềm bằng cỏ đắp xung quanh hồ, kè đá... để tạo dáng thêm cho hồ. Từ hai dạng hồ trên, để có những không gian đẹp, người ta xây dựng non bộ ngay bên trong đó. Non bộ trên hồ bán nghi thức được thể hiện to, cấu trúc đường nét đơn giản. Dạng non bộ này thường được thấy ở những nơi công cộng hoặc những khuôn viên rộng lớn của nhà dân. Ngược lại, non bộ trên hồ nghi thức nhỏ và được thể hiện sắc xảo, đường nét tỉ mỉ hơn. Dạng non bộ này được sử dụng rộng rãi vì ít tốn kém về diện tích và kinh tế.

* NGHỀ CỦA NHỮNG NGHỆ NHÂN

Hiện nay, tỉnh Bình Định chỉ có khoảng 5-6 người (thực ra phải gọi đó là những nhóm nghệ nhân mới đúng) làm non bộ chuyên nghiệp, và khoảng 50-60 người nghiệp dư. Phần lớn những người đang hành nghề làm non bộ đều ở thành phố Quy Nhơn và xuất thân là nghệ nhân cây kiểng.

Non bộ được hình thành bởi các vật liệu: đá, cây bonsai, rêu cỏ, bãi kiện… Đặc trưng của người làm non bộ ở Quy Nhơn thường dùng đá san hô biển được trang trí thêm bởi xi măng trộn vải quấn cốt sắt. Cây cối, rêu cỏ trang trí tạo nên những ngọn núi thu nhỏ nên thường sử dụng các cây dạng rễ hoặc lá kim. Và gần đây, non bộ còn có thêm một số thiết bị khác như thiết bị làm sương, khói… tạo nên nét huyền bí, hấp dẫn của non bộ.

Người ta tính non bộ lớn nhỏ tùy theo khối lượng đá để xây dựng. Một non bộ nhỏ thường có khối lượng đá từ 1-2m3 và lớn thường có khối lượng trên 5m3 đá. Mỗi non bộ được nghệ nhân thầu làm theo khối lượng của đá. Non bộ có thể tích 1m3 đá thường có giá từ 3-5 triệu đồng, và sau đó đơn giá sẽ giảm dần giảm dần khi thể tích đá tăng lên. Người làm non bộ chịu trách nhiệm phác thảo, lên thiết kế non bộ và theo yêu cầu của không gian và diện tích thiết kế hồ theo ý chủ.

Thông thường, mỗi tốp làm non bộ thường có 1 thợ chính và nhiều thợ phụ tùy theo khối lượng công việc. Thợ chính sẽ đảm nhận các khâu phác thảo ý tưởng, vẽ thiết kế, triển khai thi công và trang trí hoàn chỉnh. Thu nhập của mỗi thợ chính bình quân khoảng 100.000 - 150.000 đồng/ngày và thợ phụ 50.000 đồng/ ngày. Tuy nhiên thu nhập từ công việc của họ cũng khá thất thường. "Có tháng chúng tôi nhận thầu làm 3-5 công trình non bộ nhưng có khi suốt tháng chẳng được cái nào. Chính vì vậy thu nhập thợ làm non bộ không ổn định lắm. Tuy nhiên vì yêu thích non bộ nên chúng tôi đã theo đuổi với nghề này." Một thợ làm non bộ thổ lộ.

Việc xuất hiện ngày càng nhiều các hòn non bộ đã góp phần làm phong phú thêm thị trường sinh vật cảnh ở tỉnh Bình Định. Trong chừng mực nào cũng có thể nói rằng - con người ngày càng trở nên thân thiện và gần gũi với thiên nhiên hơn.

ANH TÚ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Non xanh xanh nước xanh xanh   (20/11/2003)
Chuyện dài sinh viên   (20/11/2003)
Chuyện dài sinh viên   (20/11/2003)
Đỉnh cao của âm thanh   (20/11/2003)
Sự thật về chiến hạm Rạng Đông   (20/11/2003)
Ký ức Nga   (20/11/2003)
Chiếc quạt của cha   (28/10/2003)
Khuyến khích nuôi bò sữa: Khoảng cách giữa chính sách với thực tế   (28/10/2003)
Thư giãn   (28/10/2003)
Đôi điều từ một tập thơ (*)   (28/10/2003)
Hoài niệm đất   (28/10/2003)
Nhà đẹp nhờ rèm   (28/10/2003)
Trăn trở lời ru   (28/10/2003)
Mẹ Cát Hanh   (28/10/2003)
Nuôi một tiếng hót   (28/10/2003)