|
Cá dĩa |
Cá cảnh từ lâu đã là sinh vật trang trí khá gần gũi trong sinh hoạt gia đình. Với đặc tính dễ nuôi, phù hợp với mọi lứa tuổi, những năm gần đây cá cảnh ngày càng trở nên quen thuộc hơn trong đời sống trang trí nội, ngoại thất đô thị. Kéo theo đó là cả một ngành "công nghiệp con con" phục vụ các nhu cầu lấy cá cảnh làm hạt nhân.
* VUA CÁ CẢNH
Xin được nói ngay, ông vua ấy chính là Hữu Lai (66 tuổi), một thương binh kiêm chủ cơ sở sản xuất cá cảnh ở KV 8 phường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn). "Vua" bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một kỷ niệm cách đây đã 20 năm: "Năm 1983, một con cẩm ly nhỏ xíu, tưởng chừng vô danh, lại có thể "đổi" được… một cân thóc đấy! Vậy nếu nuôi cho nó sinh sản có nghĩa là nó đẻ ra… gạo! Thế là tôi đầu tư, tôi thức khuya dậy sớm. Vốn ban đầu của tôi gồm một bể xi-măng có mặt nước chừng 1 mét vuông, hai cặp cá cẩm ly giống. Rất nhỏ nhoi. Một năm sau, tôi thu hoạch số cá con, cá cháu đã trưởng thành và "đổi" được… 1 tấn lúa! Ngày ấy nhìn kết quả tính toán chính mình - người đã đích thân chăm nuôi lũ cá, bán sỉ rồi đi bán lẻ... cũng thấy sửng sốt. Chuyện tưởng như đùa nhưng lại là thật và nuôi cá cảnh đã thành cái nghiệp thứ hai của mình lúc nào không hay. Rồi mình tích cóp đầu tư tiếp. Gần 500 mét vuông mặt bằng trong vườn dần dần trở thành những bể nuôi với nhiều chủng loại cá, và dĩ nhiên trước hết phải là cá… biết đẻ!". Tôi biết, khi ông nói đó là cái nghiệp thứ hai tức là ông vẫn luôn sống như những người lính. Mà lính thì chịu khó lắm, dám nghĩ và dám làm lắm. Có lẽ kỷ niệm bỗng ùa về nên người cựu binh già chợt xa xăm ánh mắt, bất chợt ông nhẹ giọng tâm sự: "Hồi ấy cũng có người cho tôi là lẩn thẩn đấy chứ! Ôi, cái thời cơm cao gạo kém ấy mấy ai dám nghĩ đến chuyện chơi, mà lại là chơi cá cảnh..."
Ba năm sau, cả một gia đình ngăn nắp ba thế hệ chí thú vào nghề nuôi cá cảnh - chồng sản xuất, vợ đẩy xe đi bán, nuôi mẹ già và ba con ăn học. Ông là người đầu tiên ở miền Trung và duy nhất suốt thời gian dài độc quyền bí quyết cho cá tai tượng, chép, dĩa, chim… sinh sản. Cá do ông sản xuất từng có mặt dọc dài các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Phú Yên, ngược lên Gia Lai, Kon Tum và tất cả các huyện trong tỉnh… đều có cá cảnh "made in Hữu Lai". Khi được hỏi đến bí quyết nghề nghiệp, ông "bật mí": "Sau khi theo dõi cá mái dọn ổ ở đáy sạch sẽ, như loài tai tượng chẳng hạn, tức là nó sẽ "rớt trứng" ở đó, ta để vào một viên gạch bông 20 x 20cm. Khi cá mẹ đẻ xong trứng lên viên gạch, ta lấy gạch ra cho vào bể ấp riêng có dung tích 60 lít nước. Bể ấp đã được cân bằng độ PH, sục khí và xử lý môi trường bằng một liều lượng sunfat nhất định để diệt vi khuẩn, nếu không trứng sẽ không nở. Lượng sunfat quá cao trứng sẽ chết…". Ông cười vui vẻ rồi kể tiếp: "Trước đây tôi đã hướng dẫn công việc này cho hai người làm nghề "lái cá" ở An Nhơn, buôn cá cảnh từ TP.HCM về tiêu thụ ở Bình Định. Bây giờ họ sản xuất cá con tại chỗ và dĩ nhiên, đã "chia sớt" của tôi một thị phần đáng kể".
Phụ kiện phục vụ nuôi cá cảnh
- Hồ kính chiều dài 1m, cao 70cm: 170.000 đồng/hồ.
- Hồ kính chiều dài 2m, cao 70cm: 400.000 đồng/hồ.
- Thức ăn khô dành cho các loại cá: từ 2.000 đến 5.000 đồng/gói.
- Bóng đèn 6 tấc đặc chủng thay ánh nắng mặt trời: 80.000 đồng/bóng.
- Sục khí tạo ô-xy các cỡ: 20.000 đến 45.000 đồng/cái.
- Máy lọc nước, bơm nước tùy loại: 40.000 đến 80.000 đồng/cái.
- Tranh nền dán phía sau hồ kính: 1.800 đồng/tấc.
- Rong thật: 5.000 đến 10.000 đồng/bụi; rong nhựa giá rẻ hơn.
- Ngoài ra còn có non bộ nhỏ, đền đài, cầu cống… bằng gốm sứ, viên tạo sủi bọt, sạn sỏi lót đáy màu sắc xanh, hồng hoặc trắng, v.v… giá cả tùy theo loại, kích cỡ.
(Giá tham khảo tại cửa hàng Hồng Danh 33 Mai Xuân Thưởng - Quy Nhơn) |
Nhiều người đã xác nhận chính nhờ những người như "vua cá cảnh" mà cá lấy nguồn từ TP.HCM một thời thao túng thị trường miền Trung rớt giá thê thảm. Rồi cũng có phản công: Cá vàng bốn đuôi có 6 tháng tuổi, giá bán tại Quy Nhơn 20.000 đồng/con, cá đem ra từ TP.HCM chỉ bằng một nửa nên các đại lý cá cảnh có xu hướng không lấy cá sản xuất tại chỗ nữa. Chỉ cần nhấc điện thoại chiều nay là sáng mai từng con cá theo đơn đặt hàng sẽ hiện hữu ở các vựa cá Quy Nhơn! Tuy nhiên, cá vận chuyển đường dài dễ mất sức, mất đẹp vì thay đổi môi trường sống đột ngột, nên sau một thời gian "ham rẻ", người tiêu dùng bắt đầu trở lại với nguồn cá địa phương.
* "BÚP BÊ" BIẾT LỘI
Với mục đích thư giãn và trang trí để thêm phần đẹp đẽ nhà cửa, sân vườn người ta thường chọn loại cá dễ nuôi, không kén ăn. Có thể nuôi một loài, có thể nuôi kết hợp nhiều loài có đời sống giống nhau trong cùng một hồ để tiện chăm sóc. Các loại cá chép, vàng bốn đuôi, tượng bông, sặc trân châu, sặc bướm, bảy màu, ngũ vân, bống sọc, nàng hai, ông tiên, hồng kim… được nhiều người chọn mua. Loài cá rồng với các giống như kim long, ngân long có chiều dài bình quân khoảng 60cm, giá khoảng 2 triệu đồng/cặp, nuôi dưỡng công phu nên ít phổ biến. Cá dĩa đứng đầu trong top ten các loài cá cảnh được ưa chuộng hiện nay. Cá dĩa có thân màu đỏ, xanh nước biển, xanh lá cây, tím, nâu… nổi bật với mỗi bên 9 sọc màu khác. Đắt tiền nhất là màu lam ngọc và xanh bạch ngân. Với sắc màu rực rỡ ấy, loài cá này khiến bể cá lộng lẫy trở nên kiều diễm hơn.
Người nuôi cá cảnh để chơi, chỉ cần cá khỏe, không "đứt bóng" bất tử là được. Nhưng để kinh doanh thì cá phải ăn no chóng lớn, đẻ nhiều lứa trong năm, nhiều lần trong đời mới gọi là thành công. Dân nhà nghề có thể tiêm kích dục tố vào gốc vây ngực cá mái để kích đẻ. Với cá dĩa, con mái đẻ từ 150 đến 200 trứng, có trứng ra là cá trống thụ tinh liền sau đó. Cá bố mẹ tự chăm sóc trứng bằng cách dùng vây để tạo sóng nước cho dễ nở. Cá dĩa con nở ra phải 4 ngày sau mới được bơi lội thành đàn. Dĩa con 15 ngày tuổi ăn được phiêu sinh vật. 5 tháng tiếp theo cá dĩa trưởng thành và bắt đầu thời kỳ "lên màu". Khi đạt đường kính 15cm nó có giá từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp. Tùy từng loài và tuổi của cá mà người nuôi cho ăn thức ăn phù hợp: amphipod, bọ nước, trùn huyết, cung quăng muỗi hoặc thức ăn khô chế biến từ trứng, tôm tép, đậu, cám v.v…
Trong điều kiện chiếu sáng đầy đủ, người ta trồng các loại rong, thủy thảo (đuôi chồn, cỏ lá liễu, rau mác, xà lách, cỏ thông, cần nước, tóc tiên…) để tăng thêm mỹ cảm và cung cấp chỗ ẩn thân cho cá. Các loài thực vật này còn nhả dưỡng khí, hấp thu carbonic khiến nước sạch sẽ. Môi trường nước là yếu tố quan trọng giữ gìn tuổi thọ của cá. Độ pH lý tưởng phải đạt 6 đến 8, và trong đó cần có một dòng lưu tốc nhẹ (thường tạo bằng các loại máy bơm, máy sục). Chị Thu Thủy, người bán cá dạo ở thị trấn Diêu Trì cho biết: "Trong nghề cá cảnh, "nuôi nước" trước, nuôi cá sau. Nước tốt thì việc nuôi cá mới dễ thành công. Muốn cá khỏe mạnh thì nước phải thật thích hợp với đặc điểm sinh thái của từng loài cá". Chị còn giới thiệu thêm một giống cá "ôsin", chuyên ăn rong rêu bám trên hồ kính mà người nuôi rất thích. Đó là cá chùi kiếng. "Hãy mua một con đi anh, nó sẽ chăm chỉ lau rửa "nhà cửa" sạch sẽ. Tùy da đen hay da beo mà anh đưa cho em từ 5.000 đến 20.000 đồng một con".
Có thể kể thêm quanh con cá còn có các dịch vụ ăn theo. Đó là nghề đắp non bộ thủy sinh từ các nghệ nhân tên tuổi trong tỉnh: Hồng Hà, Văn Sáu, Ba Lượng, Phước Lộc…; nghề làm hồ kiếng, nghề sản xuất thức ăn chuyên dùng, nghề chế tạo các phụ kiện sục khí, lọc nước, máy bơm, tranh nền và các loại đèn màu, có cả đèn thay thế ánh sáng mặt trời giúp loài thủy thảo sống tốt trong nhà… được bày bán nhiều nơi trong tỉnh.
* "BÚP BÊ" CŨNG… BỆNH !
Cá cũng bệnh tật như… người, vậy phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cách đơn giản và rẻ tiền nhất là thay nước thường xuyên để làm sạch nước. Khi cá nổi đầu, lờ đờ, bỏ ăn là dấu hiệu cá bệnh, và chết nhanh sau những cơn co giật. Nhiệt độ thấp của mùa đông hay nhiệt độ cao của mùa hè đều có thể làm cá bệnh. Khi cá bệnh cần cách ly kịp thời, 10 ngày một lần có thể xử lý nước trong bể bằng clorin để diệt bào tử nấm. Anh N. ở phường Đống Đa (Quy Nhơn), một trong những cơ sở nuôi ương cá cảnh lớn nhất trong tỉnh đã than thở: "Với 20 hồ lớn nhỏ trên diện tích gần 1.000 m2, gia đình tôi nhiều khi quản lý không xuể. Bệnh làm chết nhiều cá dù chúng tôi đã có thâm niên trong nghề cha truyền con nối này".
Từ cụ già đến em bé ở lứa tuổi nhi đồng, từ tầng lớp khá cho đến giới bình dân lao lực… thảy đều có thể cùng chung sở thích! Người lớn nuôi cá bằng bể kính với giá trị hàng trăm, hàng triệu đồng nếu là tai tượng bông, dĩa, kim long, ngân long, v.v… Trẻ em thì "phong phú" hơn, chúng nuôi cá bằng thau, chậu, thậm chí bằng chai, lon với giá trị chỉ từ 1 đến 5 ngàn đồng một cặp nếu là cá đen, đỏ, cẩm ly, da rắn hoặc sọc ngựa, hòa lan…, và đặc biệt là cá lia thia, cá xiêm với bản tính háu đá đã làm cho trẻ con say mê đến… quên ăn bỏ ngủ!
Vua cá Hữu Lai vừa mua thêm 1.500 m2 đất ở KV2 phường Ghềnh Ráng để phát triển nghề nuôi cá cảnh. Ông đã cho đào ao, trải lên một lớp bạt nhựa rồi phủ thêm một lớp cát sạch nhằm khắc phục việc thiếu nước cho cá trong mùa khô hạn. Năm đầu tiên vừa qua, dù chưa có kinh nghiệm (cá trê xuất hiện nhiều trong ao khi trời mưa lớn đã xơi khá nhiều cá cảnh) ông đã thu hoạch "lai rai" 20 triệu đồng tiền bán cá, bằng một nửa số vốn đầu tư mua đất. Và, dường như để chứng tỏ một điều gì chưa nói hết trong bản chất một cựu chiến binh, hiện ông nuôi ý tưởng khai thác con suối phía sau mảnh vườn để nuôi cá sấu và làm dịch vụ sinh vật cảnh.
HOÀNG ĐĂNG
|