|
Một điểm đấu cờ tướng trên đường Trần Phú (Quy Nhơn) |
Không chỉ là một môn thể thao đơn thuần, cờ tướng là một môn học trí tuệ, một nghệ thuật vận dụng binh pháp. Chỉ với 32 quân, 64 ô vuông còn đơn giản nhưng cờ tướng đủ sức khiến người ta lay động với thất tình lục dục... dù đó có là bậc kiện tướng, quốc tế đại sư cưỡi máy bay đi khắp năm châu so tài hay chỉ là những bác xích lô, những chú bán vé số... vui những cuộc cờ trên hè phố.
* GIAI THOẠI VÀ ẨN NGHĨA
Anh Ngọc - giáo viên một trường PTCS ở Hoài Nhơn, đồng thời là một kỳ thủ có hạng của đất Bình Định cho biết: "Một ván cờ chứa đựng nhiều thế, một thế lại ẩn tàng nhiều nước đi. Một nước đi hợp lý và thông minh có thể chuyển bại thành thắng. Các kỳ thủ đích thực là người có thể xoay ngược đại cục để giao đấu, chuyển bại thành thắng trong đời hành tẩu. Nhiều người cứ nói - người thâm trầm, mực thước... mới hợp với cờ tướng. Nói vậy là không chính xác, rất nhiều người miệng cứ bô lô ba la, cười đùa rất khoái hoạt, nhưng cờ rất cao. Cờ tướng là môn chơi của những người thích luyện trí, đơn giản chỉ có thế."
Nhà thơ LVN - một kỳ thủ ham vui kể: "Hồi Mậu Thân 1968, mình với thằng bạn là TNS chạy trốn quân cảnh soát giấy tờ đặng bắt lính. Trong khu nhà xác của bệnh viện, giữa đêm khuya tịch lặng và... an toàn, hai đứa đánh với nhau một ván cờ tướng. Cũng là để vơi bớt nỗi buồn đất nước. Trên nền xi-măng ẩm ướt bốc lên mùi xác người, hốt nhiên mình nhận ra rằng một thân phận tưởng chừng thấp hèn của một con chốt, nếu được "đứng chân" hợp lý, đúng nước thì sẽ trở thành hữu ích. Cái chân lý có vẻ đơn giản ấy hầu như ai cũng có cơ hội được nghe, được truyền đạt nhưng không phải ai cũng có cơ hội đốn ngộ. Sự thấu đạt ấy đã thổi thêm lửa trên con đường hoạt động phong trào học sinh sinh viên mình đã chọn".
Sau năm 1975, giới chơi cờ dọc dải miền Trung ai cũng biết tiếng ông Sáu với kỳ danh "Sáu Cụt". Hồi ấy ở công viên Quang Trung (Quy Nhơn) có một nhóm kỳ thủ sống bằng nghề đặt cờ thế trên vỉa hè cho khách giải. Người dám đặt cờ thế ăn tiền là người cao cờ và giỏi... ăn gian, thường chỉ có thắng chứ không mấy khi thua!. Một lần ngang qua đây, tiên sinh "Sáu Cụt" ngẫm ngợi một lúc rồi tạt vào giải chơi một ván. Thắng. Người đặt cờ ngạc nhiên lắm, đề nghị ông chơi tiếp. Tiên sinh vui vẻ nhận lời và thắng luôn ván nữa. Ván thứ ba, ông thắng gọn ghẽ, đẹp và dứt khoát. Người đặt cờ thế toát mồ hôi, biết trước mặt mình là cao thủ và 3 nước cờ vừa rồi là những đòn phá giải ảo diệu, bèn chắp tay bái sư và xin ông tiếp tục "vân du" đừng ghé qua đập bể nồi cơm độ nhật! Giống như nhân vật Mạc Đại tiên sinh, chưởng môn phái Hành Sơn trong Tiếu ngạo giang hồ kí của Kim Dung, "đường kiếm" tinh ảo của ông Sáu "chém đứt" liên tiếp ba ván cờ thế trong một chớp mắt là tấm "danh thiếp" ghi rõ danh phận ông. Tiên sinh Sáu Cụt bỏ đi sau khi nhắc nhỏ - Có ăn gian thì cũng vừa vừa thôi!
* TƯỢNG KỲ TRÊN HÈ PHỐ
Thông thường những cuộc cờ nơi vỉa hè thường lôi kéo hàng dăm bảy kẻ chầu rìa thi nhau "bình lựng" om xòm. Không ít người sốt ruột, nhịn không được đã thò tay chuyển cục, đi dùm luôn cho kỳ thủ bên trong. Kỳ thủ vỉa hè trình độ có thể không cao nhưng hầu như ai cũng có... thần kinh thép. Sau một lần chứng kiến cách các kỳ thủ vỉa hè đọ cờ với nhau, H.B - một kỳ thủ đã từng tham gia nhiều giải đấu quốc gia lẫn quốc tế lắc đầu: "Đấu cờ mà ồn ào, người ngoài thì chỉ trỏ lung tung, mỗi một nước cờ hay kèm dăm ba câu khích bác, xóc hông, lại còn cái kiểu đi được một nước cờ hay xong lại nhảy múa, vung tay vung chân thì đến quốc tế đại sư cũng phải khóc thét. Chơi gì nổi!". Nghe chuyện, một kỳ thủ vốn là thợ hồ cười ngất: "Đánh cờ mà cứ ngồi im lìm như trên ti vi thì chúng em có mà chạy mất dép. Phải trêu qua ghẹo lại mới... tạo được hứng thú chứ! Thoát được một thế bí, sướng quá có đứa hứng chí, giữa trưa đứng ca vọng cổ ông ổng trước cửa nhà người ta. Bị hắt nguyên xô nước vào người mà không thèm nhăn mặt, chuyện này chị đã nghe chưa?".
Một số người thích cờ thế thường chia nó ra làm hai trường phái: cờ thế bài bản và cờ thế giang hồ. Nhưng thật ra dù có là cờ gì đi chăng nữa, nếu được nghiên cứu đầy đủ, đi từ dễ đến khó, tích lũy kinh nghiệm trận mạc nhiều thì cả hai tất sẽ gặp nhau ở tinh hoa của kỳ môn với một "nội công thâm hậu". Anh Ba Hùng, một kỳ thủ có tiếng của làng cờ Tuy Phước phân tích: "Tà phái hay chánh phái là một sự phân biệt… hư hỏng. Cho dù trong cờ vỉa hè, cờ cá độ hiện nay vẫn còn một số ít người thích chơi… ăn gian, nhưng nếu loại bỏ yếu tố lôm côm ấy đi thì ngay cả những cuộc cờ nơi cát lầm gió bụi ấy cũng hàm chứa không ít những thế cờ và nước đi hoàn hảo".
Kỳ đài Phượng Cát (trên đại lộ Nguyễn Tất Thành - Quy Nhơn) do danh thủ Minh Trưng đảm trách là một địa chỉ mà danh tiếng đã vượt ngoài địa giới Bình Định. Hiếm khi người ta gặp Minh Trưng ngồi một mình, nói chuyện riêng với ai đó. Hầu như ông chỉ tiếp khách trên… bàn cờ. Minh Trưng không thích lối tiến quân ồ ạt của đối phương, nhất là "địch" đang tìm cách vượt sông, chọc thủng trung lộ. Với ông, bố cục tiến công luôn đều quân và chặt chẽ với lối "điểm huyệt" tinh tế. Khi mặt trận trở nên hoang vắng, mỗi bên chỉ còn 1, 2 quân: chốt, pháo hoặc sĩ… thì mỗi nước đi lúc bấy giờ là một đòn cân não trí mạng, là triết lý sống còn. Dường như, chính ông cũng muốn tiến nhanh đến cờ tàn. Cuộc cờ đã đến nước ấy, gần như chỉ có một cách đi duy nhất - nước đi mà người ta phải vắt óc tìm ra, chỉ cần tiến thoái sai một nước là… thảm bại. Những nước đi ấy có thể biến quân tốt đen thành một đại tướng vinh quang...
Như đã biết, loại hình giải cờ ăn tiền công khai trên vỉa hè công cộng ngày trước chưa kịp thịnh thì đã… chết! Hiện nay người đặt cờ thế sống bằng cách "di chuyển" trong các quán cà phê, dưới hình thức bán vé số. Chơi cờ tướng giao lưu vài ba điếu thuốc thơm hay tính tiền cà phê cho nhau là chuyện thường ngày ở mọi nơi, trong mọi tầng lớp. Tuy nhiên, giải cờ thế bằng hình thức đặt tiền là một loại cờ bạc nhắm vào tâm lý người thích chơi cờ và những người chơi yếu. Ở một số quán cà phê quanh khu vực Phú Tài, nơi luôn có nguồn khách vãng lai đông đảo, thì hình thức đặt cờ thế vẫn còn… sống. Với tập vé số trên tay, người đàn ông đeo kính râm mời khách mua. Tiếp theo là chiêu mời "thượng đế" giải cờ… Anh ta chịu khó di động đôi chân hết quán này đến quán khác, thu nhập mỗi ngày nếu "trúng" sẽ cao gấp nhiều lần so với người bán vé số. Tại quán giải khát T.U, anh Thơm, thợ hồ 30 tuổi, sau 60 phút thử sức với "chân dung kính đen", xịu mặt nói với tôi: "Em nướng liền năm ván, mỗi ván 5.000 đồng. Vậy là đi đứt một ngày công lao động".
Trong cờ tướng có hiện tượng "tâm cơ", có người đeo đuổi cả đời vẫn chỉ là những kỳ thủ hạng xoàng. Nhưng cũng có người hữu duyên ngay từ khi tóc còn để chỏm. Nhiều người còn nhớ cách đây 4 năm (năm 1999) ở khu Đông sân bay Quy Nhơn hãy còn là một loạt những quán cà phê lộ thiên nối tiếp nhau, khách đến khu vườn cảnh này ngoài lý do uống cà phê ngắm cây cảnh, còn có lý do để đánh cờ và xem đánh cờ. Cậu bé Lâm Thành Nhơn 7 tuổi, với chiều cao vừa đầy 1 mét ngày ấy có thói quen sau giờ học, thường đội bàn cờ trên đầu đi loanh quanh khắp các tụ điểm cờ để tìm người chơi cùng. Nhiều lần Nhơn được mời giải những cuộc cờ được xác định là tắc tị và em đã thành công với những nước đi sáng tạo bất ngờ. Cậu bé vác bàn cờ đi tìm kỳ hữu ngày ấy giờ đã là Dự bị Kiện tướng quốc gia trong đội tuyển U11 Bình Định với thành tích 2 HCV, 1 HCĐ cá nhân. Thế mới biết làm gì có chuyện phân biệt cờ thế giang hồ hay cờ thế... hàn lâm.
* 64 Ô VUÔNG SÁNG TẠO BẤT TẬN
Giống như các kiếm sĩ sáng tạo ra các đường kiếm mới, quá trình sáng tạo những "cục diện" mới, những biến thế của các kỳ thủ luôn tiếp diễn bất tận. Giới chơi cờ tướng vẫn thường truyền tụng những cuốn kỳ phổ được thần tiên tặng cho (Bàn Sơn kỳ ngộ, Bát tiên, Thái Sơn bí cục...) hoặc những ván cờ phải mất đến 7 năm mới phân được thắng bại (Thất niên đại cuộc) hoặc có ván cờ mà kỳ thủ thua cuộc đã phải thổ huyết (Ấn huyết phổ).... Dù đã có đến hàng ngàn năm tuổi và nay người ta đã vận dụng những thuật toán để giải cờ, tin học hóa cờ tướng, ấn hành hàng triệu triệu cuốn sách dạy chơi cờ, giải cờ, phổ biến những thế cờ hay... nhưng con người vẫn chưa thể hình dung được hết những khả năng xảy ra khi 32 quân cờ di động trên 64 ô vuông đơn giản nhưng kỳ dở ấy.
Người ta có thể chơi cờ cả đời nhưng những ván cờ khốc liệt lưu danh thiên cổ có những mỹ danh dữ dằn như Hổ khẩu bạt ba (Nhổ răng miệng cọp), Dẫn xà xuất động (Dụ rắn ra hang) hoặc những ván xảo diệu mang những cái tên nghe hết sức thơ mộng như Cung hiến mỹ tửu (kinh dâng rượu ngon), Đăng hoa báo hỷ (Đèn hoa báo tin vui)… chỉ đến với người "học đạo" có cơ duyên và đã dọn sạch "tâm". Dẫu vậy, niềm vui từ những cuộc cờ lại giống nhau cho dù đó chỉ là một ván cờ... giải mỏi, miễn sau cuộc cờ người chơi tìm thấy niềm vui trong sáng. Cờ tướng là thế.
TRẦN HOÀNG
|