Từ là một vùng đất cát ven biển không một ai ngó ngàng, đến cả cây phi lao cũng "chẳng thèm" sống trên vùng đất ấy. Thế mà bây giờ ở đây, mỗi mét đất là cả cây vàng. Do đó, chuyện lấn chiếm và mua bán đất ở đây bỗng trở nên "loạn xị" đến chính quyền địa phương cũng đành phải "bó tay"!
Chuyện xảy ra trên dọc tuyến đường Quy Nhơn-Nhơn Hội. Thật ra, từ xưa đến nay ở dọc các vùng đất ven biển này không có tuyến giao thông nào. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, UBND tỉnh Nghĩa Bình mới cho làm một con đường quốc phòng cắt xuyên qua rừng phi lao chắn cát nằm trên địa bàn các xã: Cát Tiến, Cát Chánh (Phù Cát), Phước Hòa (Tuy Phước) và Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) gọi là đường "chiến lược" Quy Nhơn-Nhơn Hội.
Chiến tranh đi qua, con đường chiến lược ấy trở lại với sự im ắng cũ, cả những vùng đất chung quanh cũng thế. Ấy vậy mà từ những năm đầu của thập niên 90 (thế kỷ 20), khi những thông tin tỉnh Bình Định sẽ có khu kinh tế mở Nhơn Hội và Quy Nhơn sẽ được nới rộng dần lên dọc các địa phương ven biển thì vùng đất đã bao đời bị quên lãng ấy bỗng chốc trở thành những mảnh vàng và chúng nhanh chóng bị người ta thi nhau đóng cọc mà cát cứ. Thị trường mua bán, sang nhượng nhà đất nóng lên trong lén lút, mà khởi đầu là tại thôn Phú Hậu (Cát Chánh-Phù Cát). Ông Huỳnh Xuân Công-Bí thư Đảng ủy xã Cát Chánh- nhớ lại: "Vào năm 1991, UBND tỉnh có cho phép xã sử dụng gần 2 ha đất dọc hai bên đường chiến lược cũ làm đất tái định cư cho những hộ dãn dân trong địa phương. Xã đang kiểm tra, đo đạc lại để giao quyền cấp đất cho dân tái định cư thì phát hiện ra chẳng biết từ lúc nào đã có hàng chục hộ dân tự đóng cọc "chia lô" chiếm trước khoảng 20 lô. Những lô đất mà xã phân cho những hộ tái định cư bị chồng lên khu vực bị lấn chiếm và những hộ chiếm đất lại... phản ứng quyết liệt. Chẳng có chứng từ nào chứng minh quyền sở hữu của họ nhưng mọi việc cứ tắc tị ở đó".
Chính quyền thấy... căng quá nên ngãng ra, và thế là không ít người từ Tuy Phước, Quy Nhơn đổ về mua đất. Cho đến năm 1993, khi UBND xã Cát Chánh thực hiện công tác thống kê đất đai dù rất kiên quyết nhưng vẫn phải bó tay đối với những ông bà chủ đất ngang xương như thế. Việc xây dựng nhà được tiến hành vào ban đêm nên khó ngăn chặn được. Trục xuất thì không thể, bởi họ là dân sở tại. Đến năm 1999, UBND tỉnh chính thức quyết định xây dựng khu kinh tế mở Nhơn Hội, khu đất này lọt thỏm vào trong vùng qui hoạch của dự án. Mặc kệ quy hoạch, mặc kệ xã, việc mua bán những lô đất chiếm trái phép cứ diễn ra đều đặn. Khi những tuyến đường nằm trong dự án được khởi công xây dựng nó lại càng nở rộ. Và bây giờ, đã có không ít căn nhà được xây dựng rất kiên cố đã đàng hoàng mọc lên.
Phát hiện có nhà đang xây dựng, quyền hạn của xã chỉ ở mức lập biên bản đình chỉ, phạt hành chính và buộc cam kết tháo dỡ. Về mức phạt của trong khung UBND xã được phép (200.000đ/trường hợp) thì đối với những hộ lấn chiếm là chẳng "xi nhê" gì nên họ rất vui vẻ nộp phạt, rồi… tiếp tục xây dựng! Và do UBND xã chưa có biện pháp nào cưỡng chế bắt buộc các trường hợp vi phạm tháo dỡ nên đâu vẫn hoàn đấy! Ông Văn Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Cát Chánh- cho biết thêm: "Đến nay, trên địa bàn thôn Phú Hậu đã có đến 5 ha đất bị chiếm trái phép và đã có đến 176 ngôi nhà được xây dựng. Số tiền phạt hành chính những vi phạm mà xã đã thực hiện trong những năm qua dù chỉ có 200.000đ/1 trường hợp nhưng đã lên đến 20 triệu đồng mà cũng chẳng ngăn chặn được tình trạng trên. Theo đó, chuyện mua bán, sang nhượng những diện tích đất chiếm trái phép này ngày càng trở nên nóng bỏng. Mặc dù chuyện mua bán đất chẳng được cơ quan chính quyền nào xác nhận, và dù người mua có thể mất đất bất cứ lúc nào khi bị xử lý nhưng người mua vẫn ào ạt tìm về những mong kiếm được một lô đất nằm trong khu kinh tế mở sẽ được hình thành nay mai. Từ một vài chỉ vàng một lô đất "bát ngát" rộng, hiện giá đất ở khu vực này đã tăng đến 1 cây vàng/1 mét đất chiều ngang mặt đường. Và mặc dù chuyện mua bán sang nhượng đất ở đây vẫn im ắng như "sóng ngầm", không ai thấy, không ai biết, nhưng vẫn đang rất sôi động không kém gì thị trường nhà đất ở thành phố. Để ngăn chặn tình trạng này, UBND xã đã cho ngành chức năng điều tra và đã có kiến nghị lên cấp trên cho phép xã cưỡng chế những trường hợp vi phạm, trước mắt là của những hộ dân ở nơi khác đến lấn chiếm, mua bán trái phép nhưng đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu nào. ..!".
Loạn đất ở thôn Phú Hậu chỉ là trường hợp điển hình (chỉ một thôn nhưng giá trị sang nhượng đã vượt mức tính tiền tỉ), tình trạng này còn diễn ra ở khắp những vùng đất ven biển dọc con đường Quy Nhơn-Nhơn Hội. Điều đáng nói là hiện nay các cấp chính quyền vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Không hiểu các cấp, các ngành chức năng của tỉnh nghĩ gì?
VŨ ĐÌNH THUNG |