|
Niềm vui tuổi già của má Mười |
Má là Phạm Thị Mười - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện cư trú tại phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn. Má Mười có bốn con là liệt sĩ, bản thân có công giúp đỡ cách mạng. Câu chuyện của má là một bản trường ca về người mẹ Việt Nam tần tảo nuôi con, và hết lòng hy sinh vì nghĩa lớn...
1. Năm nay đã 85 tuổi, vậy mà má Mười trông vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn lạ. Những câu chuyện của một thời xa xưa nào đó, vậy mà má vẫn nhớ đến chi tiết. Lúc chúng tôi đến, má đang chăm chút cho đứa chắt ngoại. "Dậy đó! Bây giờ niềm vui của má là vầy. Mà con muốn hỏi chuyện xưa của má hả? Chi vậy bay? Chuyện đó mà viết báo nỗi gì! Chuyện cũ rích, có gì đâu mà kể miết... Thôi thì má còn nhớ gì thì má kể nấy thôi nghen. Con Đào đâu, chuyện gì má quên, nói lộn mày nhắc chừng cho má nghe!". Rồi má kể. Nom cặp mắt và nụ cười của má khi kể chuyện xưa thật lạ. Nó trong sáng và vô tư, lại pha chút hóm hỉnh. Má kể, giọng nhẹ bưng, cứ như thể những gian khổ, vất vả trong một đời theo cách mạng là chuyện đương nhiên, của một đời người.
2. Má kể, hồi nhỏ, má cũng chẳng biết làm cách mạng là cái chuyện chi. 20 tuổi, lấy chồng, má rời thôn Hưng Thạnh về quê chồng ở thôn Đông Định (phường Nhơn Bình hiện nay). Lấy chồng rồi, má lại tất tả lo toan cho người chồng quanh năm đi đánh giặc. "Lúc đầu, ổng vô du kích xã. Ừ thì đi làm cách mạng, "áo vợ cơm nhà", nhưng cũng thỉnh thoảng tạt về nhà, còn lo toan cho sắp nhỏ chút ít. Nhưng đến hồi ổng lên Tây Nguyên rồi sau đó tập kết ra Bắc cho mãi đến năm 1975 mới trở về thì thôi, coi như chỉ một thân một mình" - má nói vậy.
Ngày chồng thoát ly, má mới có mang đứa con thứ bảy được hai tháng. Một mình, vừa mang thai, vừa lo toan cho mấy đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn, đã là một sự cực. Nhưng cái cực thứ hai là thường xuyên bị bọn địch thăm dò, tra hỏi, thỉnh thoảng lại bị gọi đi quản thúc. "Hồi ấy, má làm chi để nuôi mấy người con?"- nghe tôi hỏi vậy, má cười: "Thì cũng làm như những người khác vậy thôi. Cũng buôn gánh bán bưng cả. Hết bán cá, bán mắm, bán gạo, rồi ra làm bánh canh bán. Con biết không, ngày má bị đưa đi quản thúc, vậy mà má cũng làm nồi bánh canh, cắp theo sắp nhỏ, vào bán. Mấy đứa nhỏ thì gửi cho mấy người trông giùm, còn mình thì phải tranh thủ kiếm cái ăn chứ. Lại có ngày, chỉ kịp mua vội vài thứ hàng, giao ở nhà cho sắp nhỏ bán, còn mình phải đi lo tiếp tế thêm cho "đằng mình". Làm được bao nhiêu, má lại đùm túm, đưa cho chỗ này, tiếp tế thêm cho chỗ kia một ít. Nhưng cái đận ấy cũng chẳng được lâu. Sang năm giặc đốt nhà, tay trắng, vậy là má tay bồng, khăn gói, cùng mấy đứa con nhỏ, trở lại Hưng Thạnh."
Lúc bấy giờ thôn Hưng Thạnh có khoảng 500 nhân khẩu với hơn 100 hộ, 80% dân số phải sống bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đổ mồ hôi và nước mắt ra để làm hạt muối, buôn bán từng hạt lúa, củ khoai đặng kiếm sống. Vậy mà bán đâu dễ, địch còn ngăn cấm, nước uống phải gánh, sang thuyền cả 4 km. Vậy mà cái thôn vài trăm dân ấy lại nằm trường kỳ bên lòng địch, hư hư thực thực nhưng bất khả xâm phạm. Đó chính là nơi ém quân chuẩn bị cho những trận đánh, là bàn đạp của đặc công mình đánh vào Quy Nhơn. Vừa lo kiếm cái ăn, người Hưng Thạnh vừa tiếp tế cho cách mạng, nuôi giấu cán bộ và hình thành nên một đội ngũ phụ nữ làm giao liên. Gia đình má Mười cũng chẳng ngoài trường hợp đó. Chị Đào kể thay má: "Hồi đó, vào năm 1964, trong gia đình, ngoài ba ông anh đã thoát ly, tôi và em Bảy cũng tham gia làm giao liên. Còn mình má ở nhà với đứa em trai đang đi học. Mấy đứa con đi thoát ly, cơm nhà áo mẹ. Mình mẹ phải cáng đáng hết nuôi mấy người con, nhưng vẫn đào hầm nuôi giấu cán bộ". Má Mười nghe câu chuyện của chị Đào, bổ sung: "Đúng ra là ngày còn ở Đông Định, năm 1961, má đã nuôi giấu chú Bảy. Đận ấy chưa đào hầm, chỉ có lẫm lúa là nơi kín đáo nhất. Vậy là má giấu chú lên trển. Sau này, khi nhà bị cháy hết, lúc chạy chỗ này, lúc qua chỗ kia, hễ có nếp nhà lợp tạm là dưới có hầm".
3. "Hồi đó, mấy người con của má thoát ly đi làm cách mạng, má có nói gì không?" - tôi hỏi - "Thì nói gì nữa. Đi làm cách mạng, nối chí của ba tụi nó chứ đi đâu mà nói". Và rồi, má như mơ màng chìm vào trong những kỷ niệm. "Hồi đó, chỉ mỗi thằng hai lớn, đã có vợ có 4 đứa con rồi mới đi, mấy đứa còn lại đều chưa lập gia đình, tuổi mười chín, đôi mươi cả. Mấy anh em tụi nó, không hiểu rủ rê gì nhau mà lần lượt kéo nhau thoát ly hết cả. Ngoảnh đi ngoảnh lại, chỉ còn mỗi thằng con út ở nhà đi học. Rồi mới lớn lên thì bị bệnh rồi mất. Trước đó, má còn một đứa nữa cũng đã mất từ hồi nhỏ. Vậy là còn một mình má lủi thủi một thân một mình. Nhưng được cái tụi nó thoát ly làm cách mạng trong vùng này cả. Thằng Hai làm xã đội trưởng, thằng Tư là lính của D30 ém quân ngay vùng này, thằng Năm làm y tá, con Sáu, con Bảy thì đều làm giao liên. Đi thoát ly, nhưng lúc rảnh việc cách mạng, tụi nó lại về với má. Khi để lấy thêm lương thực, quần áo hay thuốc men; nhưng có khi chỉ kịp gặp mặt, kêu má một tiếng, rồi đi. Nhờ vậy mà má cũng được an ủi phần nào.
Nhưng đến những năm tháng ác liệt nhất, quãng những năm 1966 trở đi, mấy năm trời, mỗi năm má lại mất một núm ruột của mình. Năm 1966 là thằng Năm, năm 1967 thằng Hai, rồi sang năm 1968 thằng Tư, năm 1969 con Bảy. Còn con Sáu đây thì năm 1968, trong khi đang đi làm nhiệm vụ, bị bo bo phục kích bắn, bị thương rồi năm 1969 được đưa ra Bắc chữa bệnh. Vậy đó con à! Bảy đứa con, vậy mà đến năm 1969, má chỉ còn một thân một mình. Làm sao mà bây giờ má tả lại được cho con biết nỗi mất mát của má lúc đó. Chỉ biết, mỗi cái tin dữ đến, là một bận má đau tưởng như không gượng dậy được. Mà bốn năm liền, mấy cái tin dữ, quật má tưởng không còn thiết sống làm gì nữa. Mà đau hơn nữa là đau khổ đấy, mà chỉ biết khóc thầm thôi, nỗi đau như muối xát vào lòng, hổng dám nói với ai, vì sợ tụi địch nó biết".
"Hồi đó giúp đỡ, nuôi giấu cách mạng vậy, có khi nào má thấy sợ bị giặc bắt không?" - tôi hỏi. "Ừ! Nghĩ cũng thiệt lạ à nghe, hồi đó sao mà má hổng thấy sợ. Con mình chết. Hai vợ chồng mỗi người mỗi phương. Nhà cũ thì bị giặc đốt. Máu trong tim mình sôi lên, má hổng còn biết sợ là gì nữa. Và nhất là đoạn sau, khi má chỉ còn một thân một mình. Vậy mà cũng cố bươn bả làm ăn, được bao nhiêu để dành để tiếp tế cho cách mạng hết" - má Mười tâm sự.
Trong ánh mắt má đượm buồn khi đứng trước bàn thờ những người con đã hy sinh, tôi như đọc thấy một nỗi day dứt. Phải, không day dứt sao được khi bốn người con hy sinh thì hai người chưa tìm thấy xác. Chị Đào kể, giọng nghẹn ngào: "Anh Hai hy sinh năm 1967 trên đường làm nhiệm vụ, không tìm thấy xác đã đành. Ngay cả em Bảy, bị giặc bắt, phơi xác ba ngày ở công viên Quy Nhơn, rồi tụi nó kéo đi đâu mất. Ráng cho người nhà theo dõi, vậy mà cũng không biết được. Sau giải phóng, cũng cố lần manh mối, mà chịu. Ngay gần đây, nghe phong thanh có cách tìm mộ người thân bằng ngoại cảm, cũng đã thử. Vậy mà cũng thất bại".
4. Má Mười bây giờ, vẫn ngày hai lần cuốc bộ từ nhà, nằm trong một căn hẻm nhỏ ở đường Tháp Đôi, ra đường Trần Hưng Đạo để ăn cơm và chơi với mấy đứa chắt ngoại. Má bảo, đó là cách má tập thể dục. Cũng nhờ vậy mà chừng hai, ba năm nay, bệnh tật của má cũng bớt, chỉ lo mỗi cái huyết áp lên xuống thất thường. Dáng đi má hãy còn nhanh nhẹn. Chúng tôi như thấy mừng cho má, nhưng cũng còn chút băn khoăn: "Sao má không ra ở hẳn với chị Đào mà ở một mình, lỡ đêm hôm…"- tôi hỏi. "Thôi, sống ở đây quen rồi. Với lại ngôi nhà này hai vợ chồng mua từ sau giải phóng, chứa đựng bao nhiêu là kỷ niệm, kỷ niệm của những ngày tháng mà đời sống hãy còn thiếu thốn trăm bề nữa" - má Mười nói vậy. Nói rồi, chỉ căn nhà mái bằng khá khang trang mà má đang sống, má cho biết: "Trước, ngôi nhà này lợp tôn thôi, tường táp lô mủn hết, mùa mưa nước trong nhà cũng như ngoài sân. Hai năm trước, nhờ tiền hỗ trợ của Nhà nước được 10 triệu, cộng với vài chục triệu của con cháu, má xây được cái nhà này". Và rồi má Mười vui vẻ khoe với tôi tập ảnh má cùng đoàn các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh được ra Hà Nội, vào lăng viếng Bác và được chụp ảnh với Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Rồi chuyến chị Đào dẫn má đi tham quan các tỉnh miền Nam vào năm 1999. Chị Đào nhớ lại: "Năm đó, má mắc bệnh suy thận, tưởng khó qua khỏi. Má ốm nhách như chỉ còn nắm xương. Cầm tay má, tôi cứ nghẹn ngào. Tôi nói với má: Má ơi, má cố gắng hồi phục, rồi con đưa má đi vô miền Nam. Sau đận ấy, tôi dứt hết công việc, đưa má đi tham quan". Má Mười nói thêm: "Bây giờ thì má mãn nguyện lắm rồi. Bắc cũng ra, Nam cũng vào cả rồi. Vui nhất là thấy con cháu sum vầy. Chơi với mấy đứa chắt nội, chắt ngoại, vậy mà má thấy khỏe ra đó con".
5. Tạm biệt má Mười, tôi nhớ mãi dáng má, bần thần trước những tấm ảnh những người con ra đi không trở về. Những người con trẻ măng ở tuổi mười chín, đôi mươi mơ mộng... Má không khóc, vậy sao lòng tôi, chợt thấy rưng rưng. Trước mắt tôi, trong vóc dáng bằng xương bằng thịt gầy guộc và mái tóc bạc của má, tôi chợt nhận ra cái hình tượng vĩnh hằng của một người mẹ Việt Nam. Má dung dị bình thường mà vĩ đại biết bao.
LÊ VIẾT THỌ
|