Gắn chữ tâm lên trên đầu súng
17:12', 14/12/ 2003 (GMT+7)

1. Độ vài tháng nữa thôi là tròn 25 năm kể từ ngày chúng tôi nhập ngũ. Cũng gần với ngần ấy thời gian, nhiều chiến sĩ trong đơn vị tôi lần lượt ra quân… Hằng năm, vào ngày 19-3, ngày truyền thống của Binh chủng Đặc công, chúng tôi, những người lính "79" lại có dịp gặp nhau. Dù đang ở nơi chốn nào, dù chỉ là những cuộc hội ngộ ngắn trên điện thoại đường dài, chúng tôi vẫn "thấy" được gương mặt đồng đội, dấu ấn của chính mình thời quá khứ. "Gắn chữ tâm trên đầu ngọn súng, đường đạn đi ra mới thật sự có lửa"… Vậy là đã 1/4 thế kỷ đã trôi qua, cuộc mưu sinh tựa như đã chiếm hết quỹ thời gian của đời người vậy mà nhắc tới những ngày xưa cũ, những người lính tình nguyện ở chiến trường K năm xưa chúng tôi vẫn cứ bổi hổi bồi hồi như thể chuyện chỉ mới hôm qua, hôm kia.

2. Cái được, cái mất của đời người trong cuộc sống của những người còn sống để được làm người bao giờ cũng nhỏ nhoi nếu đặt vào hoài niệm những anh linh lấp lánh, những đồng đội hy sinh, những người lính đã gởi một phần thịt xương trên chiến trường K heo hút. Những gương mặt trẻ ngày ấy còn chưa nếm vị ngọt đắng của ly cà phê, vị ngai ngái của cốc bia hơi quê hương, "Gác lại trang sách, phong kín lời phượng vĩ…" những chàng trai - chiến sĩ 18 tuổi lưu bút trên cổng trường, hướng về phía mặt trận biên giới Tây Nam. Dòng nhiệt huyết ấy là vô tận…

3. Còn nhớ trung úy Hổ. Rơi từ vách đá dựng đứng, độ cao 25 mét đồi 508 hiểm trở thuộc bản Peo Hạ Lào. Một viên đạn tàn quân ghim thắt lưng, phá vỡ thủ pháo, đứt dây ba chạc. Thủ pháo chưa kíp nên không nổ. Những ngọn cây bên dưới giúp trọng lượng cùng hơn 30 kg khí tài hạn chế vận tốc rơi, cùng chiếc ba lô tiếp đất đã là tấm đệm ngăn linh hồn Hổ ở lại bên này thế giới. Vẫn còn tàn lực tự ga-rô vết thương, rồi lịm đi bên miệng một hố nước… Lần khác tác chiến ở rừng lồ ô. Sau đám lồ ô một chiếc xe tăng màu đêm tối. Lập tức triển khai đội hình chiến đấu. Chiến sĩ Trung phóng liền một quả B40. Sau tiếng nổ là tiếng… voi ré tập hợp bầy. Thế là chạy vãi... đái! Đàn voi hàng chục con kiếm lính nhà ta để quyết sống mái. Một ngày sau đàn voi mới bỏ đi. Bài tập leo cây vận dụng từ bài trèo tường đối với nhà cao tầng thành phố được lính ta áp dụng ở rừng. Toàn cây đại thụ nên… bình an vô sự!

4. Chiếc xe khách (chạy than) xuất phát từ ngã ba Hòa Vang để đến khu sản xuất Dốc Kiền - Phú Túc bò ọc ạch trên con đường dốc đầy sỏi đá mùa hè. Không nhớ xe nhãn hiệu gì, chế tạo năm nào, chỉ nhớ nó cũ mèm, rách bươm. Đi nhiều lần nhưng bác tài kiên quyết không lấy tiền, gởi biếu bác một bánh lương khô lót lòng bác cũng không nhận. "Chú cứ đi, chúng tôi không lấy tiền bộ đội. Khi nào về… sẽ đón". Xuống xe, đi bộ về hướng Tây Bắc khoảng 10 kilômét đường mòn tự vạch là đến khu sản xuất. Nông sản chính trồng bạt ngàn củ mì và củ lang. Thứ củ một thời là lương thực chính cùng hạt bo bo, kế đến mới là gạo. Tăng gia sản xuất bấy giờ là một chương trình hàng đầu của quốc sách. Khoảng trống còn lại trên đại ngàn, chưa trồng trọt gì là những đồi sim tím xen kẽ dú dẻ vàng. Có một điều gì ẩn hiện trong bước hành quân bi hùng của Hữu Loan… Chung quanh lán trại nhỏ như dựng lên tạm bợ, trống hoác tứ bề là những cái ao to được đào lên "tròn trịa" bằng bom Mỹ ngày trước. Những cái ao sâu trở thành nơi trú ngụ của những con kỳ đà chiều dài có khi lên tới 2 mét. Một phần lớn loại thịt này "làm quà" cho dân nghèo quận 3 đốn củi quanh năm suốt tháng trên rừng Phú Túc hay bạn bầu với lính tăng gia.

5. Rồi xuất ngũ, rồi phục viên. Tất cả đều ổn định với nhiều ngành nghề. An, chiến sĩ sáng tạo cách nấu cơm ăn nóng bằng bịch ni-lông… đang đứng cửa hàng chuyên mua bán mục kỉnh ở Quy Nhơn. Uy, làm thợ đồ gỗ trong một con hẻm ngoằn ngoèo. Chuẩn úy Chu, người có sức khỏe và thông minh nhất tiểu đoàn, vác máy liên lạc 71M luồn lách khắp nẻo đường Fulro, bây giờ làm giám đốc một công ty ở TP.HCM. Còn thiếu úy Bình, khập khiễng nuôi bò trên quê hương mình bằng ý chí vượt khó của thương binh 1/4 mất một chân, liệt một tay, nhưng cũng dành dụm được để sửa sang căn nhà ở ngã ba thị trấn Bình Dương. Ngày gặp lại chiến hữu, sang hèn để qua một bên, đứa nghèo khó hay đứa giàu ngang tầm tỉ phú bằng vai nhau, nằm trong vòng tay nhau, nước mắt trào ra... Nhớ lại lời ký thác chung năm xưa "Đứa mô sống, nhớ về nói với mẹ mấy thằng lỡ... hy sinh - Nó là thằng bạn tốt, là người lính được đồng đội yêu thương…".

Tình cảm và hình ảnh ấy, 25 năm đã qua là vậy. Thời gian tiếp theo cũng sẽ như thế… dẫu trăm năm vật đổi sao dời.

TRẦN HOÀNG

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện má Mười   (14/12/2003)
Loạn đất ở Cát Chánh   (20/11/2003)
Cầu nối cho những công trình mới   (20/11/2003)
Những ngày hào hiệp   (20/11/2003)
Bến đợi chồng   (20/11/2003)
Tượng kỳ ký sự   (20/11/2003)
Mưa   (20/11/2003)
Trên từng con cá   (20/11/2003)
Non xanh xanh nước xanh xanh   (20/11/2003)
Chuyện dài sinh viên   (20/11/2003)
Đỉnh cao của âm thanh   (20/11/2003)
Sự thật về chiến hạm Rạng Đông   (03/12/2003)
Ký ức Nga   (03/12/2003)
Chiếc quạt của cha   (28/10/2003)
Khuyến khích nuôi bò sữa: Khoảng cách giữa chính sách với thực tế   (28/10/2003)