Chút kỷ niệm về vùng đất trũng
17:15', 14/12/ 2003 (GMT+7)

. Bút ký của NGUYỄN DỰ

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng người dân ở vùng đất trũng thuộc các xã phía đông của huyện Phù Mỹ khó mà quên được trận lũ lụt lịch sử xảy ra vào hạ tuần tháng 9 âm lịch năm 1999. Suốt gần một tuần lễ, những làng quê này đã bị tàn phá và ngập chìm trong cơn nước dữ. Tài sản của nhiều người dân vùng trũng sau bao năm lam lũ, chắt chiu, gắng gỏi vượt qua khó nghèo, chỉ trong một trận lũ đã trôi theo dòng nước trắng xóa.

Trước cơn lũ một ngày, tôi được cơ quan phân công thực hiện phóng sự tài liệu về truyền thống đấu tranh của quân và dân xã Mỹ Chánh qua hai cuộc kháng chiến. Vừa đến nơi, cũng là lúc bầu trời bỗng chuyển nên u ám, mây đen kéo về mỗi lúc càng nhiều, gió bấc thốc từng cơn riết róng những bờ tre. Thời tiết quá xấu, thế là chuyện làm phim tài liệu phải gác lại, tôi tranh thủ đến thôn Thái An thăm một người mà trước đây tình cờ đã quen biết trong buổi gặp mặt truyền thống. Ông tên là Trần Sâm, nguyên chiến sĩ của tàu không số. Ngày đất nước thống nhất, ông và đồng đội vẫn còn lênh đênh trên biển, vì mất liên lạc. Đêm xuống, tàu cập vào Vũng Rô (ngày nay thuộc tỉnh Phú Yên) rất an toàn. Trong khi trú ẩn chờ móc liên lạc với bộ phận tiếp nhận vũ khí, phát hiện cờ giải phóng tung bay trên khắp xóm làng, biết miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, anh em ôm nhau khóc òa như trẻ nhỏ... Rồi có người phục viên chuyển sang làm việc dân chính, có người quay lại với nghiệp nông tang nhẹ tênh, cũng không ít người đi tiếp đời quân ngũ hết chiến trường biên giới Tây Bắc lại xuôi về miệt đồng bằng Tây Nam... Nhưng ở đâu, làm gì thì rồi ai cũng sống như những người lính. Cái chất lính đã ngấm vô máu thịt mất rồi. Rứt không ra mà cũng không ai nghĩ đến chuyện phải thay đổi nếp sống. Nó thiêng liêng quá, tất nhiên trừ mấy anh vẫn sống đời doanh trại, còn lại là trong tâm tưởng thôi.

Ông Sâm là người mang cái nhẹ tênh kia về Phù Mỹ. Đêm ấy, chú cháu tôi ngồi hàn huyên trò chuyện mãi đến khuya về những kỷ niệm xưa nay của cuộc đời bộ đội. Ngoài trời, gió mưa không dứt, mỗi lúc dữ dội hơn. Tiếng cây gãy, tiếng gió rít liên hồi, tiếng nước sông La Tinh gầm réo. Ông Sâm hé cửa nhìn ra ngoài trời, chấp miệng: "Lụt lớn rồi". Tôi hiểu tâm trạng ông cũng như bao người dân của vùng đất trũng này, làm ăn chắt mót chỉ một trận lũ tràn về thì công lao bấy lâu bỗng biến thành công cốc. "Nhà tôi trên nổng nầy còn đỡ lo, còn bà con ở xóm dưới, nước về thì cực lắm", "Vùng mình có thường bị lụt không chú?", "Chỉ cần vài cơn mưa nguồn, cách ngày sau, ở đây nước chảy tráng lăng". Bỗng có tiếng la í ới phía ngoài bờ đê, tiếp sau đó là những âm thanh hoảng loạn. Ông Sâm thốt lên: "Chết cha! Lở bờ đê rồi". Ông vớ chiếc rựa tuôn ra vườn, tôi vội vàng xách đèn pin chạy theo. Ông đốn mấy cây chuối và bảo tôi lấy hai cọc tre xuyên qua làm thành chiếc bè. Ông nói: "Như thế này tiện lắm, thay xuồng cũng được mà ngăn nước cũng được". Cắp nách hai cây sào, ông và tôi khiêng chiếc bè chạy về phía con đê. Mưa như xát muối vào mặt, gió thốc khựng người, lảo đảo, nghĩ mà thương ông già, tôi gắng sức vừa chạy vừa đẩy. Một đoạn đê của nhánh sông La Tinh đã bị vỡ, trước mặt chúng tôi là một luồng nước trắng xóa, phía bên kia nhấp nhoáng những ánh đèn pin và tiếng kêu la hối hả. Ông Sâm ra lệnh:

- Thả bè. Thả bè đi. Gạnh sào. Bám chắc phía sau, nghe chưa.

- Rõ! Bất giác tôi hô lớn.

- Có biết bơi không?

- Tốt! Tôi nói đại.

Chiếc bè xuôi chéo qua luồng nước, tôi không giữ được bình tĩnh, ngồi xuống hai tay như bấm chặt vào thân chuối, răng va nhau cầm cập. Còn ông Sâm có lẽ năm xưa đã thử sức qua nhiều lần sóng gió nên vẫn chững chạc đứng chống sào đẩy bè về phía trước. Gian nan lắm, chúng tôi mới vượt qua khỏi vùng nước xoáy. Nghe tiếng khuấy động bên cạnh, tôi quay sang nhìn thấy một chú bê đang lõm bõm, hì hụp, ngước mắt nhìn chúng tôi. Tôi vội vàng hỏi ông Sâm: "Vớt nó không chú?". Ông Sâm im lặng một lúc rồi nói qua hơi thở "Cứu người là trên hết". Tôi nhìn chú bê đến khi chỉ còn là một cái chấm đen xa dần, xa dần trong mưa gió bịt bùng. Ông Sâm và tôi đã dùng cái bè chuối ấy di chuyển được khá nhiều người và đồ đạc vượt qua nước dữ, đến chỗ an toàn. Vùng đất chua phèn nhiễm mặn này vốn đã khốn khó, lũ lụt về lại đối mặt với bội phần gian khổ.

Sáng hôm sau, các đơn vị tổ chức đi cứu trợ khẩn cấp và đưa bộ đội về giúp dân khắc phục hậu quả. Tôi được lệnh tiếp tục ở lại, tháp tùng với đoàn cứu trợ vào các khu dân cư bị thiệt hại nặng. Đối chứng cho những âm thanh hoảng loạn đêm qua là những vẻ mặt chưa hết nỗi bàng hoàng của bà con và cảnh nhà cửa, cây cối sập ngã, con đê uốn theo nhánh sông La Tinh như vẫn còn run rẩy. Cả không gian nơi đây đang chìm lặng trong sự rã rời. Thôn Thái An- xã Mỹ Chánh là một trong những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Trong thôn có 2 ngôi nhà bị cuốn trôi cùng toàn bộ gia sản; trên 100 ngôi nhà bị sập; mất trắng 15 héc ta lúa đang chuẩn bị vào mùa gặt; hầu hết cây cối vườn tược gãy ngã và gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.

Nghe cán bộ xã thông báo tình hình, Thượng tá Nguyễn Hữu Phước - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn N 72 xuýt xoa: "May quá, lũ xuống bất ngờ vào ban đêm mà không thiệt hại về người". Bàn bạc, thống nhất nhanh với địa phương xong, Lữ đoàn N 72 và cơ quan quân sự huyện Phù Mỹ đưa hai trăm bộ đội về cùng với lực lượng dân quân xã giúp bà con thôn Thái An khắc phục hậu quả. Đã từng quen với phương châm "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" trong những chuyến hành quân dã ngoại, anh em bộ đội không quản ngại khó khăn, vất vả, suốt ba ngày đắp xong đoạn đê, rồi chuyển sang dựng mới hai ngôi nhà. Trong hai gia đình có nhà bị cuốn trôi, tôi thật sự cảm động khi nghe kể về hoàn cảnh của chị Thơm. Một người mẹ trẻ bị dị tật bẩm sinh. Vì quá khó khăn, chồng chị rời quê lên đất Tây Nguyên bươn chải, những mong hàng tháng sẽ gửi về cho vợ vài ba trăm nghìn để chung lo chuyện nhà cửa. Ngờ đâu, chỉ vài tháng mang sốt rét trở về. Một thân tật nguyền, chị Thơm phải vừa chăm con vừa lo bệnh cho chồng, vay mượn ngót một tấn thóc. Trước lũ, chồng chị tiếp tục quày quả ra đi kiếm tiền trả nợ. Bao nhiêu tài sản dành dụm được từ khi vợ chồng ra ăn riêng đã bị nước cuốn trôi. Hai ngày nay chị gửi con cho hàng xóm, lần mò trong vũng nước tìm lại cái xoong, cái nồi bị cuốn vùi trong cát. Anh em bộ đội thấy vậy đã gom tiền phụ cấp gửi cho chị để mua sắm lại vật dụng gia đình. Tuy chẳng thể bù đắp hết những thứ đã mất, nhưng chị không giấu nước mắt trước nghĩa tình của những chiến sĩ trẻ. Có bộ đội về, bà con nơi đây cũng đỡ phần hoang mang, lo lắng và việc nhà cửa, ruộng vườn sớm được ổn định. Đoạn đê đã đắp xong, hai ngôi nhà được dựng lên, 15 héc ta ruộng đã được nạo vét sa bồi thủy phá… Mọi việc không thể tính ra bằng con số, mà cũng chẳng làm sao tính được, nhưng đã tiếp nối truyền thống tình cảm thiêng liêng, cao đẹp của mối quan hệ quân dân keo sơn, gắn bó từ buổi đầu cất lên bài ca cứu nước cho đến hôm nay và mãi mãi ngàn sau.

Gần một tuần ở thôn Thái An chứng kiến cảnh lũ lụt; cảnh ông Sâm vì bà con hàng xóm liều mình chống bè qua nước dữ; anh em bộ đội tận tình giúp dân khắc phục hậu quả; những cảnh nhà nghèo khó và cả hình ảnh chú bê kia đã neo giữ trong tôi những kỷ niệm không bao giờ quên về vùng đất trũng. Lúc này mới thấy câu "vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh..." chẳng phải là nói cho văn hoa bóng bẩy.

Trước khi chia tay, ông Sâm ôm chặt tôi rồi vỗ vai nói: "Gặp các cháu chú mừng lắm, bộ đội cả mà. Có dịp ghé chú chơi, nhưng nhớ đừng lên... bè nữa nghen. Ha... ha... ha". Ông Sâm cười sảng khoái còn tôi thì ngượng chín người, cũng không biết lúc đó mình đã nghĩ gì mà dám leo lên bè, ngược lũ với ông. Ông Sâm đã giúp chúng tôi, những người chiến sĩ trẻ thêm sáng tỏ một điều: Trong thời chiến hay thời bình, dù già hay trẻ, còn tại ngũ hay đã trở về đời thường thì phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ vẫn hết lòng vì nhân dân.

Chiều vùng lũ. Sau cơn mưa rửa bùn, mặt trời rựng sáng qua mây, mặc cho dòng nước vẫn còn trêu ngươi chảy, nhà nhà bếp đã ấm ngọn lửa hồng. Có bộ đội về yên hẳn một góc lòng, nhiều cụ già cứ cập rập, tay cầm gậy, tay còn lại cứ lay lay vai những người lính trẻ chúng tôi, móm mém lời cảm ơn.

Phù Mỹ 11-2003

N.D

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vẽ ước mơ bằng những cái nhấp chuột   (14/12/2003)
Gắn chữ tâm lên trên đầu súng   (14/12/2003)
Chuyện má Mười   (14/12/2003)
Loạn đất ở Cát Chánh   (20/11/2003)
Cầu nối cho những công trình mới   (20/11/2003)
Những ngày hào hiệp   (20/11/2003)
Bến đợi chồng   (20/11/2003)
Tượng kỳ ký sự   (20/11/2003)
Mưa   (20/11/2003)
Trên từng con cá   (20/11/2003)
Non xanh xanh nước xanh xanh   (20/11/2003)
Chuyện dài sinh viên   (20/11/2003)
Đỉnh cao của âm thanh   (20/11/2003)
Sự thật về chiến hạm Rạng Đông   (03/12/2003)
Ký ức Nga   (03/12/2003)