|
Thợ kính vỉa hè |
Có một điều mà ít người để ý đến là ở thành phố của chúng ta, người đeo kính ngày càng nhiều. Học hành nhiều, căng thẳng, thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính. Hệ quả phải dùng kính cận. Phố biển có lắm cát ở lòng đường, bụi bặm nhiều, xe cộ lưu thông ngày một đông thêm, người dùng kính mát tăng lên trông thấy. Một cách lặng lẽ, các hiệu kính thi nhau ra đời. Ít ai biết rằng, kinh doanh kính mắt đang mang lại siêu lợi nhuận.
* Hạng sang sàng sàng hè phố
Ước tính riêng ở Quy Nhơn hiện có khoảng 40 tiệm kính (tính cả tiệm kính "hạng sang" lẫn tủ kính di động vỉa hè). "Phố kính" tập trung ở bùng binh bến xe cũ, trên đường Lê Hồng Phong, Phan Bội Châu. Những hộp đèn luôn mới, những tủ kính trưng bày bóng loáng và hình ảnh những cô người mẫu xinh xắn quảng cáo cho mắt kính hàng hiệu… đã níu chân bất cứ ai có nhu cầu mua sắm vì hàng trăm, hàng ngàn kiểu dáng hấp dẫn, màu sắc phong phú của kính.
Anh V. chủ một cửa hiệu trên đường Phan Bội Châu (Quy Nhơn) cho biết: "Giá kính thì vô chừng. Giới bình dân thường xài gọng Trung Quốc giá từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/gọng. Dân quý tộc thì xài gọng dẻo hiệu AO của Mỹ "bẻ không gãy" giá 500.000 đồng/gọng, hàng nhái y chang của Trung Quốc giá chỉ một nửa. Hàng xịn với hàng nhái hầu như không khác chi nhau. Người bán không bao giờ nhầm, chỉ khách hàng mới nhầm thôi... Kinh doanh món này rất nhàn, chỉ cần mỗi ngày bán được một chiếc kính thôi là đã có thể ngồi rung đùi chơi cờ". Có một thực tế mà không một chủ hiệu kính hạng sang nào dám xác nhận là kính cửa hiệu luôn cao hơn kính vỉa hè từ 2-3 lần, thậm chí trong một số trường hợp có thể lên đến gấp 4-5 lần so với kính vỉa hè dù chất lượng hoàn toàn như nhau. Nếu có ai hỏi thì họ giải thích phải giữ uy tín bảng hiệu và vì phải... đóng thuế cao nữa. Không biết mức thuế mà nhà nước thu từ hoạt dộng kinh doanh này liệu có cao đến độ tạo ra mức chênh lệch khủng khiếp đó không? Chúng tôi kể chuyện này để cán bộ ngành thuế biết mà tham khảo cho... vui.
Ưu thế của kính cửa hiệu so với kính vỉa hè là thiết bị hiện đại. Nhờ máy đo, khách sẽ biết chính xác mình cần mua loại kính (cận, viễn, loạn...). Thông thường các hiệu kính hạng sang sẽ đo mắt cho khách hàng miễn phí. Một số "thượng đế" láu cá, tới kiểm tra mắt, biết được mắt mình cận, viễn bao nhiêu độ xong liền cáo biệt, ra tủ kính vỉa hè để sắm cho rẻ.
Thế nhưng không phải lúc nào cũng có thể láu cá như thế được, đó là đôi mắt của bạn được xác định là bị loạn thị. Kính loạn đòi hỏi độ chính xác cao hơn kính cận, kính viễn rất nhiều nên thợ kính vỉa hè, nếu không có máy, không thể làm được. Và đây cũng là chỗ để nhiều thợ kính ít nghiệp tâm làm tiền khách hàng. Q - một thợ kính vỉa hè cho biết: "Trên nguyên tắc, nếu anh bị loạn chỉ ở mức 0,25 anh có thể sử dụng kính cận cũng được. Một trường hợp hay xảy ra (nhất là với các em học sinh tiểu học) đó là chuyện một bên mắt cận giả dụ là 1 độ, mắt bên kia loạn 0,25 độ, với các thợ có nghiệp tâm, họ sẽ đề nghị một cặp kính cận 1 độ đều cả hai mắt, giá sẽ vào khoảng 50.000 đồng. Xử lý như vậy là đủ vì độ loạn quá thấp không nhất thiết phải làm một bên cận, một bên loạn, mà đó là điều có trong sách giáo khoa về ngành mắt đấy nhé. Nhưng với những ông thợ ba trợn, họ sẽ đề nghị kính có cả cận lẫn loạn, kết quả chi phí sẽ đội lên đến mức tối thiểu là 125.000 đồng. Lớp thợ già như ông nội mình rất nghiêm khắc, họ kêu đó là vô lương tâm".
Các ông thợ già (với nghề kính ở tuổi 50 được coi là... cụ) hầu như không ai còn hành nghề nữa nên không biết nghề kính bây giờ không thiếu những chuyện u u minh minh như thế.
* Bất ngờ từ giá kính
Những chiếc tủ kính di động có bề ngoài khép nép dọc vỉa hè Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong có lợi thế cạnh tranh ở mức giá và tốc độ đáp ứng nhu cầu của khách. Các tủ kính này cũng luôn sạch sẽ, gọn gàng với nhiều chủng loại mắt kính. Mỗi "tủ kính" có một số bạn hàng ruột lâu năm qua tín nhiệm của mình. Và một điều bất ngờ là hầu hết thợ kính thuộc nhóm giỏi nhất ở Quy Nhơn đều đang ngồi đợi khách ở vỉa hè. X - một thợ kính trẻ nhưng thuộc nhóm "cứng cựa", hiện đang làm chủ một tủ kính vỉa hè tiết lộ: "Thợ kính có tay nghề vững vàng không bao giờ muốn đi làm thuê, thu nhập làm thuê dù có cao đến đâu cũng không thể nào bằng nếu so với việc làm chủ một tủ kính vỉa hè. Vấn đề then chốt là tìm được chỗ kê tủ, kê máy lên. Có chỗ rồi là xong, mình hoàn toàn làm chủ mình, tự do về thời gian, chủ động công việc, thu nhập lại cao. Thông thường giá một đôi kính mà chúng tôi làm chỉ bằng 1/2 thậm chí là chỉ là 1/3 so với lúc anh làm ở tiệm. Vậy mà chúng tôi đã sống tốt rồi đấy!".
Một trong những mối ruột của các nhà kính lớn là các... bác sĩ nhãn khoa. Các thợ kính vỉa hè kháo nhau, cũng như chuyện các bác sĩ kê toa để hưởng hoa hồng nhà thuốc, một số bác sĩ nhãn khoa cũng kê toa để ăn hoa hồng tiệm kính. Độ chính xác của thông tin này chưa biết tới đâu nhưng khi chính người viết bài và ba người bạn cùng đi trắc nghiệm thì thấy quả thật ở một trung tâm nọ, các bác sĩ đều thống nhất tán dương cùng một hiệu kính tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo. Và giá kính ở đây thì cao đến tận trời. Q- tay thợ kính mà chúng tôi đã làm quen cười ruồi: "Bây giờ các bác mới biết chuyện này ư? Dân Quy Nhơn ai đeo qua dăm ba cặp kính cũng biết chuyện này mà." Đến khi chiếm được lòng tin của anh thợ trẻ vui mồm này chúng tôi mới té ngửa ra khi biết được một chuyện còn kinh khủng hơn. Một đôi kính râm bán với giá hữu nghị, thân quen 50.000 đồng có giá mua vào chỉ là... 7.000 đồng. Có thể bạn đọc không tin, nhưng đây là sự thật. Dù kính vỉa hè cạnh tranh với kính hạng sang, dù kính hạng sang cũng cạnh tranh lẫn nhau nhưng chưa ai dám xé bỏ hiệp ước bất thành văn về giá kính. Hiệp ước này quy định kính phải được bán ra với mức giá ít nhất là gấp 5 lần giá vốn. Ai quy định chuyện này vậy, xin thưa đó chính là các nhà cung cấp. Phải quy định như vậy để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên và tránh những cuộc "xung sát vô nghĩa" không mang lại ích nào cho giới kinh doanh.
Thế liệu mắt kính có thể rẻ hơn nữa được không? Tôi chỉ hỏi đùa. Thế nhưng câu trả lời của A khiến tôi té ngửa. Vừa nghe tôi hỏi, A. một chủ hiệu kính kiêm nghề thợ kính mắt trợn mắt hỏi: "Sao lại không! Cho dù đó là kính Trung Quốc dỏm thì thủy tinh làm mắt kính cũng là loại thủy tinh được chế tạo để làm mắt kính. Loại thủy tinh này hiển nhiên là phải mắc hơn loại thủy tinh mà ông mua về lắp vô... cửa sổ. Ấy thế nhưng nó vẫn có thể được đem ra chế thành mắt kính đấy. Chậc, vẫn còn đầy những người muốn kính phải rẻ hơn nữa cơ mà...".
Kính mắt thủ công được làm bằng những mảnh rẻo của kính... xây dựng thông thường. Thợ Sài Gòn làm chuyện này "ác" nhất nước. Người ta cắt kính thành từng miếng vuông, mỗi cạnh 6cm rồi đưa lên máy xoáy tròng. Muốn tạo ra số độ cần thiết ở cả kính viễn lẫn kính cận, động tác trước tiên là tạo lõm ở tâm tròng kính. Xoáy cho phía bên trong của kính mỏng đi, dày ở biên xung quanh sẽ cho ra mắt kính cận. Mặt kính phía trong càng cong, phía ngoài càng bằng thì độ cận càng cao. Nếu để làm kính mát thì chuyện... dễ ợt, chỉ cần mài đều, nhuộm màu là xong. Muốn thời trang màu gì là có ngay màu ấy. Ưu điểm của loại kính này là rẻ, cực rẻ. Nhưng nhược điểm của nó cũng cực lớn, kính cận nhưng tâm không nằm ở… tâm mà có thể nằm trật đi ở một nơi nào đó trên miếng kính. Do vậy nó sẽ cho ra kết quả... tào lao. Chủ một hiệu đồng hồ - kính ở đường Lê Lợi tiết lộ thêm: "Để giảm giá thành tối đa cho loại sản phẩm gia công, các ông chủ ở TP.HCM thường tận dụng cả lao động trẻ em, tiền công thấp mà, và tăng cường tận thu những miếng kính rẻo. Các cháu chỉ cần xoáy sao cho giống cái mắt kính là được. Để đống rác kính vĩ đại kia biến thành những đống tiền người ta tìm mọi cách để hạ giá thành ở công đoạn tiếp theo: thay vì xoáy bằng bột xoáy nhập ngoại, người ta dùng cát Hà Tiên, tách lấy thành phần silicat để thực hiện động tác xoáy thô. Vận tốc máy xoáy càng nhanh thì lớp thủy tinh bị bào mòn nhanh hơn khi nhiệt độ tăng cao và cho độ mịn. Kế tiếp là đánh bóng hai mặt tròng kính bằng bột mịn để đạt độ trong suốt. Để thay thế loại bột mịn nhập ngoại đắt tiền, người ta còn chắt lọc bùn non qua vải lụa để nó trở thành một loại phụ liệu chủ động không thể thiếu... Ôi không thiếu chiêu thức nào mà họ không dám xài, so ra, chuyện chúng tôi "lời đậm" vẫn còn nhẹ nhàng lắm".
* Phải tự giữ lấy mắt mình
Ở tỉnh Bình Định chưa có cuộc điều tra khảo sát nào về vấn đề học sinh phải đeo kính mắt. Nhưng nếu ở Hà Nội, TP. HCM đã có đến 20% học sinh trung học buộc phải đeo kính mắt để học tập thì có lẽ ở tỉnh Bình Định con số này chắc cũng không thấp hơn bao nhiêu. Khi nghe đề nghị phỏng vấn của chúng tôi một bác sĩ nhãn khoa lắc đầu: "Chuyện ấy tế nhị lắm, cũng như bên y - dược đấy. Báo chí các anh đã làm ầm ĩ chuyện thuốc kê toa theo đề nghị trình dược viên nhưng chỉ trừ một vài cụ đã nghỉ hưu, một vài người tuy đương nhiệm nhưng luôn bị nhiều đồng nghiệp cho là "hâm tỷ độ" mới dám nói ra, còn lại có mấy ai dám nói điều gì đâu. Chỉ điều này thì tôi dám nói - Khi xác định được tật của mắt, phụ huynh cần mua kính cho con em mình càng sớm càng tốt và mua ở đâu cũng được, nhưng nhất thiết phải đạt độ chính xác cao giữa mắt và kính để bảo vệ mắt một cách hữu hiệu. Nếu có thể hãy sắm cho các em mắt kính chất lượng cao".
Than ôi, nói thì vậy chứ người tiêu dùng biết đâu là kính chất lượng cao. Ở các nước tiên tiến, thợ kính phải là người được đào tạo bài bản về nhãn khoa, tiệm kính cũng được quản lý chu đáo như tiệm thuốc chứ đâu có "quân hồi vô phèng" như bên ta. Tiệm thuốc tây đã được quản lý, được kiểm tra thường xuyên mà dân còn khổ lên khổ xuống chuyện giá thuốc, thuốc dỏm, thuốc giả... huống hồ chi chuyện kính. Thôi thì đành sử dụng kinh nghiệm tối đa chứ còn biết làm sao. Khi đi làm tư liệu cho phóng sự này tính ra tôi đã "té ngửa" tới mấy lần. Nếu bạn là tôi, liệu bạn có khá hơn tôi không.
TRẦN HOÀNG
|