|
Chế tác đá granite |
Tiếng tăm của đá granite Bình Định không chỉ dừng lại ở việc được các nhà kinh doanh trong nước và nước ngoài để ý. Giá trị của nguồn khoáng sản này cũng không chỉ được tính bằng số ngoại tệ mà tỉnh Bình Định có được từ việc xuất khẩu mà còn bằng vinh dự được tham gia vào những công trình có tầm vóc, ý nghĩa quốc gia như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội), Quảng trường Hồ Chí Minh (Nghệ An), Tòa nhà Quốc hội NewZealand, Tòa nhà Quốc hội Đức...
* Đánh thức tiềm năng
Đặc điểm cấu trúc địa chất khu vực đã tạo cho Bình Định nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, phong phú như: đá xây dựng, đá granite, đất sét, titan sa khoáng. Riêng về đá, với 85 mỏ, trong đó có 31 mỏ đá granite, Bình Định được đánh giá là một trong những địa phương có trữ lượng và chất lượng đá rất tốt. Đặc biệt, đá granite đỏ, hồng phấn, vàng nhạt là những loại đá mà chỉ Bình Định chứ các địa phương khác không có, hoặc có nhưng trữ lượng không đáng kể. Bình Định đứng vào vị trí số 1 trong cả nước về sản xuất đá granite nhờ sở hữu những mỏ quý hiếm như vậy.
Nhiều năm qua, Bình Định đã đẩy mạnh hoạt động khai thác, chế tác và xuất khẩu đá granite, với trên 10 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Trong số những doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác, sản xuất và xuất khẩu đá granite, phải kể đến Công ty Phú Tài. Đây là doanh nghiệp chiếm đến hơn 37% tổng kim ngạch xuất khẩu đá granite của tỉnh trong năm 2003 với giá trị ước đạt 1 triệu USD. Một cán bộ phòng Kế hoạch - Kinh doanh Công ty Phú Tài cho biết: "Bằng cách tăng sản lượng và chủng loại đá xuất khẩu, những năm gần đây chúng tôi đã mở rộng thị trường về phía châu Âu. Hiện Công ty Phú Tài đã xuất khẩu đá granite sang Đài Loan, Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan, Ý... với vài trăm chủng loại, mẫu mã thuộc hai nhóm chính là đá dùng ốp lát trong nhà và ốp lát ngoài trời. Ngay cả Nhật Bản - một khách hàng khó tính - cũng đánh giá rất cao chất lượng đá granite Bình Định".
- Bình Định hiện có 85 mỏ đá, trong đó có 31 mỏ đá granite, phân bố tập trung chủ yếu ở An Nhơn, Vân Canh và Phù Mỹ.
- Trữ lượng đá granite: dự báo hơn 4,2 tỉ m3, chia thành 2 nhóm chính:
+ Nhóm sẫm màu: 10 mỏ, phân bố chủ yếu ở Phù Mỹ. Đặc điểm: độ bóng cao, màu sắc chủ yếu là đen và xanh đen, ít nguyên khối.
+ Nhóm sáng màu: 21 mỏ, tập trung chủ yếu ở Vân Canh và An Nhơn. Đặc điểm: màu sắc phong phú: trắng, xám trắng, vàng, xám vàng, hồng, phớt hồng, đỏ.
- Năm 2003, Bình Định đã xuất khẩu hơn 12.025 m3 đá granite, đạt giá trị hơn 2,688 triệu USD. |
Bên cạnh các khách hàng ngoại quốc, những năm gần đây, nhu cầu đá granite trong nước đã lên cao và đá Bình Định cũng nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường. Với nhiều ưu thế như: trữ lượng lớn, đa dạng về chủng loại, chi phí vận chuyển thấp, thợ Bình Định có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác và chế tác đá…, sản phẩm đá của Bình Định rất đa dạng, giá thành lại vừa phải nên đáp ứng được nhu cầu trong nước. Hai thị trường tiêu thụ đá granite Bình Định mạnh nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hiện nay tại TP Hồ Chí Minh đã có hơn 10 doanh nghiệp chuyên cung cấp sản phẩm đá granite Bình Định cho hàng trăm đại lý trong thành phố. Bình quân mỗi công ty tiêu thụ chừng 2.000 m2 đá/tháng.
* Vượt ngưỡng
Dù tiềm năng đá granite của tỉnh rất lớn và đang có nhiều doanh nghiệp tham gia khai thác nhưng theo ông Huỳnh Quang Vinh - chuyên viên Phòng quản lý nước và khoáng sản (Sở Tài nguyên - Môi trường) - thì: "Hiện chúng ta mới chỉ khai thác được đá tảng lăn (đá lộ thiên) chứ chưa đủ điều kiện để khai thác đá gốc (ẩn trong lòng núi). Mà đá gốc mới là nguồn đá có sản lượng lớn, ổn định và chất lượng tốt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao tỉ lệ xuất khẩu thành phẩm trang trí của chúng ta rất thấp, hầu như không đáng kể".
Việc đánh giá giá trị kinh tế của các mỏ đá được gắn liền với vấn đề quy hoạch, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Theo nhận xét của các chuyên gia trong lĩnh vực đá granite xuất khẩu, hiện nay lượng đá xuất thô cũng đã hạn chế hơn trước do chúng ta đã có khoảng 10 nhà máy cưa xẻ đá. Năm 2003, tỉ lệ đá thô (đá khối) trong tổng sản lượng đá granite xuất khẩu của Bình Định chỉ chiếm 12,6%, trong khi đó đá xây dựng là hơn 87% (năm 2003). Nhưng tưởng cũng không thừa khi nhắc lại rằng đừng để cho việc xuất khẩu đá granite đi theo vết xe đổ của ngành lâm sản. Cách đây khoảng 15 năm, chúng ta đẩy mạnh việc xuất khẩu gỗ thô, và hậu quả là bây giờ chúng ta đang phải nhập gỗ từ nước ngoài để sản xuất gỗ tinh chế và bán lại cho họ. Một khoản tiền lớn đã bị mất đi do chúng ta không biết nhìn xa trông rộng. Việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đá granite còn được nhìn nhận dưới góc độ phải biết khai thác tối đa nguồn đá gốc. Muốn làm được điều này, tỉnh cần đầu tư cho việc nghiên cứu, thăm dò địa chất, quy hoạch khai thác.
* Vỹ thanh
Việc khai thác đá xây dựng, đá ốp lát đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Nhiều bệnh nghề nghiệp như: bệnh bụi phổi silic, bệnh ngoài da, viêm giác mạc chiếm tỉ lệ khá cao trong công nhân của ngành khai thác chế biến đá. Theo kết luận của đề tài "Đánh giá địa chất và môi trường trong khai thác khoáng sản ở Bình Định" do Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội chủ trì thì 18/19 công đoạn khai thác và chế biến đá granite đều có tác động mạnh đến việc gây bệnh bụi phổi silic cho công nhân.
Khai thác khoáng sản cũng làm tăng những tai biến và rủi ro môi trường như trượt lở đất đá, mà mới đây nhất (tháng 8-2003) là vụ sạt lở đất ở núi Hòn Chà làm một người dân phường Bùi Thị Xuân bị chết. Nguyên nhân là do hoạt động khai thác đá đã tạo ra nhiều khe rãnh trên núi, làm hư hại cây cối nhưng các đơn vị khai thác lại không có các phương án bảo vệ môi trường. Theo thống kê của phường Bùi Thị Xuân và các doanh nghiệp khai thác đá trên núi Hòn Chà thuộc địa bàn phường, tổng thiệt hại do hoạt động khai thác đá gây ra cho địa phương ước tính 297 triệu đồng nhưng các đơn vị này chỉ mới đền bù cho dân 30 triệu đồng. Nhưng hậu quả của việc khai thác đá bất chấp môi trường này không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà còn đe dọa cả một góc của KCN Phú Tài nữa.
Thời gian qua, Bình Định đã đầu tư thực hiện nhiều công trình nghiên cứu nhằm đánh giá tiềm năng đá granite để có hướng quy hoạch phát triển, đầu tư và khai thác, sử dụng hợp lý, bảo vệ môi trường. Song, trên thực tế, việc khai thác cũng như bảo vệ môi trường trong khai thác đá ở Bình Định vẫn còn nhiều bất cập. Chúng ta vẫn chưa đủ khả năng để khai thác đá gốc - nguồn đá có trữ lượng và chất lượng cao, chưa chú ý bảo vệ môi trường khi khai thác, chưa có sự quan tâm đúng mức đến sức khỏe công nhân mỏ đá. Phải giải quyết những vấn đề cơ bản trên một cách kịp thời, nếu chúng ta muốn đưa công nghiệp khai thác và xuất khẩu đá granite Bình Định lên đến một tầm cao hơn.
MINH KHƯƠNG
|