Trên từng tàn xanh cổ thụ
17:46', 14/12/ 2003 (GMT+7)

Chỉ sau một tuần, mươi bữa, trên đường phố mới, trên khuôn viên quanh các khách sạn, cơ quan mọc lên những cây cổ thụ hàng năm bảy chục tuổi. Không phải chuyện cây đũa thần của phù thủy mà là do bàn tay chuyên nghiệp của các công ty, cá nhân chuyên hoạt động trong lãnh vực khai thác và kinh doanh cây cổ thụ trang trí sân vườn.

* Nguồn

Giá trị cây cảnh cỡ lớn trước hết là ở yếu tố thời gian. Cây đã năm bảy chục năm của thiên nhiên hoang dã về quanh con người là khó khăn lớn nhất của quá trình di thực, thuần dưỡng. Cây cao 4-5 mét, nặng cả tấn, đồ nghề khai thác thật ấn tượng: cưa lốc, xà beng, pa lăng, cẩu các cỡ… Dọn đường, cắt cành, cưa rễ, dùng cẩu nâng cây chở về nuôi trồng. Khó thế nên cây đẹp, cây khỏe có giá cao. Ông Nguyễn Ngọc Trân - Phó chủ tịch Hội SVC tỉnh cho biết, cây sanh đầu tiên ra khỏi tỉnh giá 8 triệu đồng bán, vừa đặt chân xuống đất mới Hải Dương, nó đã được trả tới 35 triệu đồng. Buôn bán cây cảnh cỡ lớn là nghề hái ra bạc triệu. Tuy nhiên cây trong rừng không phải cứ thích là mang xẻng, mang cuốc đến đào, mang xe đến cẩu về khơi khơi như lâu nay nhiều người vẫn lớn tiếng phê phán. Theo ông Trân: "Chi phí tất cả cho một thành phẩm từ một vài triệu đến vài chục triệu. Hãy thử tưởng tượng, cây me ước tính khoảng trăm tuổi, đường kính gốc xấp xỉ 2 mét, nặng 18 tấn muốn vào đào, đục, cưa... từ Vĩnh Thạnh vùng rừng giáp giới An Khê trước tiên phải được phép của chính quyền, của kiểm lâm, của công an địa phương. Không có những thứ này, không thợ thầy nào dám xớ rớ tới cây rừng. Vào rừng với đồ lề như vậy mà không có phép, công an, kiểm lâm họ ách cổ lại liền. Phạm pháp đấy! Sau đó muốn về tới vườn chăm sóc ở Nhơn Phú phải có đến 4 giấy phép: chính quyền, kiểm lâm, công an giao thông và cơ quan quản lý đường bộ 5. Những vụ đào phá cây cảnh mà báo chí phê phán vừa qua hoàn toàn không phải là việc làm của nghệ nhân chơi cây cảnh".

Danh mục cây, do mục đích sử dụng, ít nhiều có khác với bonsai: sanh, cừa núi, cừa ta, bồ đề, lộc vừng, me, bằng lăng, rồi duối, da, sộp, cả phượng vĩ, tre ngô, dừa… Cây có gốc đẹp, tán đẹp, dễ sống ưu tiên vào tầm ngắm người khảo sát. Trừ một số ít ở vườn nhà, đồi gò, vùng rừng được giới cổ thụ quan tâm nhất là Vân Canh, Vĩnh Thạnh do gần, thuận đường, chi phí thấp. Những thợ sơn tràng chỉ điểm được hưởng 300-500 ngàn đồng tùy giá trị cây và điều kiện khai thác khó, dễ.

Hầu hết cây được trồng nổi trong bồn nên phần chuẩn bị ở vườn cũng thật công phu: dọn bãi, cây chống, các loại đất, cát phù hợp. Cây tiếp tục được xén rễ cho gọn nồi và hết những vết dập, "tỉa" lại cành rồi cẩu dựng lên bệ cát xây khoảng vài khối cho dễ thoát nước. Cây "dọn" xong liền được phun thuốc kích thích ra rễ, phủ kín rễ bằng đất phù sa trộn tro trấu, đắp nồi bằng đất thịt cho chặt gốc và giữ ẩm tốt. Sau cùng là dựng sào tre phủ lá dừa hoặc che chắn bằng lưới phong lan. Chế độ nước tưới giai đoạn đầu luôn là giữ ẩm cả gốc, thân. Tùy loại cây, căn cứ vào tược non biết rễ mới đủ mạnh mà tháo bỏ dần lớp che. Sau 6 tháng nuôi dưỡng là có thể xuất hàng.

Thị trường cây cổ thụ Bình Định chủ yếu là các cơ quan, các trường học, khách sạn có sân rộng, khuôn viên lớn. Ông Trà Văn Cúc, người chuyên trang trí cây cổ thụ cho biết: Thị trường trong tỉnh mới bắt đầu với quy mô chưa lớn, giá trị trên trăm triệu một công trình còn rất hiếm. Ông Cúc đang ém ngót trăm cây lớn. Ngoài ông và ông Trân ở Quy Nhơn, các "đại gia" cổ thụ có thể kể Ba Đễ (Tây Sơn), ông Đạt (Diêu Trì - Tuy Phước)… Đã có những tín hiệu tốt: các thiết kế trang trí mới người ta thay hoa viên vụn vặt bằng vài bóng cây lớn hoặc vườn cảnh đại thụ. Một số công trình lớn đang chờ cây và khách hàng ngoài tỉnh đã chú ý đến nguồn Bình Định. Giá thành trên dưới chục triệu một cây đẹp còn là giá mềm. Dĩ nhiên không kể những cây đặc biệt có chi phí khai thác cao như cây me ông Trân. Cây chuyển đi trang trí đương nhiên cũng dùng hệ thống cẩu phù hợp. Những công trình lớn vướng đường như Furama Resort (Đà Nẵng), người ta còn dùng cả máy bay trực thăng để chuyển cây.

* Những tàn xanh cổ thụ

Ai cũng nhanh chóng công nhận cái đẹp và hữu ích của trang trí cây cổ thụ. Trong vài tuần, đã mọc lên rừng dừa ở khách sạn Life Resort Quy Nhơn, cây cừa ta như tranh trước nhà hàng Barbara’s, cây bằng lăng, phượng vĩ sân trường Lê Quý Đôn, hàng cau ở Trung tâm thương mại Quy Nhơn… Cây trăm tuổi về tỏa bóng quanh người, đã tạo ra những giá trị thẩm mỹ mới. Nhưng, dĩ nhiên, với điều kiện là cây sống. Một thực tế không thể phủ nhận là khai thác cây cổ thụ khó hơn bonsai nhiều và lượng cây chết do vậy cũng không ít. Ngay góc đường "eo nín thở" mặt bằng khu quán cà phê cũ còn đứng trơ xương với trời xanh như tín hiệu kêu cứu, cả chục cây đại thụ! Để có vài bóng mát cho Trung tâm Mắt, trường Lê Quý Đôn… phải cần đến số lượng gấp đôi! Vì lợi nhuận, một số người chạy đua khai thác rất ẩu: dùng palan nâng cây rồi xeo lăn xuống, mang về đến vườn bị sầy xướt quá nhiều. Tính mạng cây trăm tuổi thật mong manh.

Cần nói ngay rằng khai thác cây cổ thụ bừa bãi là đồng nghĩa với phá rừng. Đành rằng phần lớn cây cảnh ít có giá trị kinh tế gỗ nhưng vấn đề môi sinh môi trường không thể không quan tâm. Gần đây, huyện Vân Canh đã chính thức cấm khai thác. Cách đây 3 tháng, một cây lộc vừng mọc ngay bờ đê sông Hà Thanh (Nhơn Phú) đã bị đào trộm! Cây ven bờ sông, bờ đê, cây cổ thụ của làng, cây vùng di tích lịch sử, văn hóa phải tuyệt đối cấm khai thác. Vì lợi ích và những tổn hại quá rõ của việc khai thác và trang trí cây cổ thụ, chúng tôi cho rằng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những quy định thành luật hẳn hoi về vấn đề này. Chẳng hạn vùng khai thác, cơ quan hoặc cá nhân có các trang thiết bị đủ điều kiện, cả vườn thuần dưỡng đạt yêu cầu… mới cấp phép. Nghề mới này đang có triển vọng đem lại việc làm và kinh tế cho nhiều hộ dân, cần quan tâm đúng mức trong sự phát triển chung của xã hội để trên từng tàn xanh cổ thụ quanh ta đẹp mát bóng đời vui.

Nhưng xem ra dù đã quản lý tương đối kỹ nhưng ngành kiểm lâm và chính quyền ở nhiều nơi vẫn chưa "thấm" lắm về những giá trị bị mất mát này.

LÊ HOÀI LƯƠNG

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thời gian cô đặc trong thơ Văn Cao   (14/12/2003)
Nâng tầm cho granite Bình Định   (14/12/2003)
Kính mắt - lạc vào mê cung   (14/12/2003)
Chút kỷ niệm về vùng đất trũng   (14/12/2003)
Vẽ ước mơ bằng những cái nhấp chuột   (14/12/2003)
Gắn chữ tâm lên trên đầu súng   (14/12/2003)
Chuyện má Mười   (14/12/2003)
Loạn đất ở Cát Chánh   (20/11/2003)
Cầu nối cho những công trình mới   (20/11/2003)
Những ngày hào hiệp   (20/11/2003)
Bến đợi chồng   (20/11/2003)
Tượng kỳ ký sự   (20/11/2003)
Mưa   (20/11/2003)
Trên từng con cá   (20/11/2003)
Non xanh xanh nước xanh xanh   (20/11/2003)