Tác phẩm địa phương chí "Bưu trạm Bình Dương, Xưa và nay" của Việt Thanh - một nhà giáo tại địa phương thời kháng Pháp - được Nhà xuất bản Trẻ - TP HCM ấn hành vào tháng 3-2002. Gọi là "địa phương chí", nhưng tác giả đã có lối trình bày, ghi nhận, kể lại ngoài các sử liệu, số liệu dẫn chứng cụ thể, chính xác là một giọng văn tường thuật trong sáng, chân thật, lôi cuốn người đọc- như đang đọc một tập hồi ký, hay tiểu thuyết.
Tính chất quan trọng của một tác phẩm biên khảo - sưu tập luôn được tác giả tôn trọng nghiêm túc, với các văn kiện lịch sử, tài liệu lưu trữ được in kèm; cùng với bốn bản đồ, ba bức tranh, và 24 hình ảnh. Bên cạnh sự cẩn trọng đến từng chi tiết có liên quan được chú thích; là lối chọn lọc và diễn tả sự kiện, con người, cảnh vật của quê hương qua "Bưu trạm Bình Dương - Xưa và nay" thật phong phú, hấp dẫn. Ðây là một điểm mới, và cũng là sự thành công của tác phẩm. Với 157 trang sách, được chia làm 2 phần rõ rệt. Phần đầu, đề cập đến vị trí địa lý, lịch sử, cảnh vật, con người, cùng các "mẩu chuyện", biến cố quan trọng, những kỷ niệm khó quên trong các lãnh vực của đời sống. Ví dụ như: Chợ Bình Dương, Chuyện Phú Ninh, Kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, Chuyện hai ông nghị, Chiến thắng Dương Liễu - Ðèo Nhông, Về chốt Gò Cớ, Ðầm Trà Ổ. Phần Phụ lục (khoảng 40 trang), có 12 "tiểu tiết" có liên quan cũng được tác giả ghi lại trích đăng, giúp cho người đọc có thêm nhận thức sâu sắc hơn về con người, miền đất quê hương Bình Dương: Chuyện về bài chòi, Ông Thông Tằm, Một chuyện thương tâm, Giêng ba làng, Quan ngự sử triều Nguyễn. Bình Dương (nay là thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ) trước đây là một địa danh gắn liền với các biến cố lịch sử quan trọng của tỉnh, của cả nước. Thời xưa, Bình Dương được các vua triều Nguyễn chọn làm bưu trạm duy nhất của tỉnh, thời kháng Pháp nơi đây là căn cứ trọng yếu của tỉnh, của khu V, là nơi được tổ chức Lễ kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (23-9-1945 - 19-6-1948) có Thủ tướng Phạm Văn Ðồng (lúc ấy là Ðại diện Chính phủ tại miền Nam) về dự và đọc Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch với cả nước. Nhân dịp lễ này, một cuộc triển lãm hội họa đầu tiên ở miền Trung cũng được tổ chức ở đây, do hai họa sĩ tài danh Nguyễn Ðỗ Cung và Văn Giáo đảm trách; thời chống Mỹ, chiến thắng oanh liệt Ðèo Nhông - Dương Liễu đã đi vào lịch sử dân tộc. Ðể kết thúc bài ghi nhận ngắn này, chúng tôi xin mượn lời phát biểu của nhà sử học Nguyễn Ðình Ðầu: Ðịa phương chí "Bưu trạm Bình Dương - Xưa và nay" của nhà giáo Việt Thanh có lối trình bày như vậy, thật gần với lịch sử khách quan và rất hấp dẫn (!) Xuất thân là một nhà giáo trung học tại địa phương, tác giả đã thực hiện một tác phẩm đúng đắn như sách giáo khoa, và hấp dẫn như tiểu thuyết lịch sử. (Lời tựa của tập sách này).
Mang Viên Long |