Trời mùa đông tối đen như mực, gió bấc mưa phùn lạnh buốt cả da thịt. Ðơn vị đặc công nước 598 chúng tôi qua mấy giờ thực tập, vừa đến bên bờ sông thì đã thấy đoàn người rất đông, cả nam lẫn nữ ngồi nghỉ giải lao ở đây tự lúc nào. Sau mấy tiếng đồng hồ ngâm mình dưới nước, đứa nào cũng lạnh run cầm cập. Anh em muốn hút một điếu thuốc là cho đỡ lạnh nhưng không ai có. Gặp đoàn người đông thế này thì rất mừng, vì chắc chắn sẽ xin được ít nhất là vài điếu thuốc lá để "kéo" mỗi đứa một hơi.
Ðại đội phó Hài quê ở miền Bắc, tính anh rất vui vẻ, mau mắn nói trước: "Này, các ông tướng ở bên kia, có ai là người quê Phù Mỹ, lại đây nhận đồng hương". Có một người dáng cao, hơi gầy, đứng dậy hỏi: "Phù Mỹ nhưng là xã nào?". Tôi nghe giọng nói của người đó sao quen quen và rất gần gũi. Một chiến sĩ trẻ quê miền biển với cái giọng ăn sóng nói gió hỏi to: "Ông là người ở đâu, mà hỏi làm gì tỉ mỉ vậy?" Sợ anh chàng này nói nhiều không hay, tôi liền đứng dậy trả lời: "Mỹ Thọ, Mỹ Ðức đây". Người đó bước lại gần. Anh nhìn vào mặt tôi chăm chăm, rồi anh ôm tôi la lên: "Nhân ! Nghe nói em đi học ở trường đặc công quân khu 5 mà em ra trường hồi nào?". Tôi cũng ôm lấy người đó kêu lên: "Thầy Hạp, nghe nói thầy đã chuyển công tác khác. Còn cô Mai, cô Thủy, thầy Thích và các thầy cô còn dạy không? Tình hình quê mình ra sao? Bà nội em có được mạnh giỏi không? Tôi hỏi luôn một thôi dài- Thầy Hạp nói: "Chuyện còn dài. Bây giờ nhân kêu mình bằng anh thôi được rồi đấy".
Hai chúng tôi tách ra khỏi đoàn người, dắt nhau ngồi trên bãi cỏ bên bờ sông. Thầy Hạp kể cho tôi nghe tình hình quê hương. Những thầy giáo dạy học trước đây đã lần lượt chuyển công tác khác. Cô Mai, cô Thủy đã hy sinh rồi. Do yêu cầu nhiệm vụ nên thầy cũng chuyển công tác khác. Nghe đến đó, tôi bàng hoàng xúc động, làm thinh không nói được một lời. Nhớ ngày nào, tôi còn học ở trường làng vùng giải phóng, có lần đang giờ học, địch bắn pháo sập trường, mảnh đạn và ngói bay rào rào... Thầy Hạp và các thầy cô ra lệnh cho học sinh nằm xuống. Rồi các thầy cô nằm chồng lên trên để che chở cho chúng tôi.
Bỗng bàn tay của thầy Hạp đập vào đùi tôi một cái thật mạnh: "Nhân, em buồn ngủ lắm phải không?" Tôi giật mình nhìn thầy Hạp. "Dạ, không, em hơi đau đầu một chút thôi". Thầy Hạp cứ xoa tay lên đầu, lên đùi tôi trầm trồ: "Em mới đây mà đã lớn sồ sộ hà". Bỗng nhiên thầy Hạp nói như giật mình: "ủa, dép em đâu mà đi chân không thế này?" Tôi trả lời: Hôm vừa rồi, em đi chiến đấu, lội qua sông bị nước cuốn trôi cả dép và va lô hành lý". Thầy Hạp nói: "Người lính đi đây đi đó mà không có đôi dép thật khó khăn. Thầy liền lột ngay đôi dép cao su của thầy đang mang ở chân đưa cho tôi. Tôi không nhận, xin thầy để lại dùng. Thầy Hạp nhất định không chịu. Rồi thầy mở ba lô ra lấy một ống kem đánh răng và một chiếc khăn lau mặt dúi vào tay tôi: "Em cầm lấy mà dùng, anh về dưới đó đi công tác phong trào, sống trong lòng dân có bà con giúp đỡ. Nể lời thầy, tôi chỉ nhận đôi dép cao su, còn các thứ khác xin gửi lại để thầy dùng. Nhưng thầy Hạp không chịu nằn nì bảo tôi phải nhận.
Người giao liên đứng dậy hô to: "Tất cả chuyển bị đi". Thầy Hạp cầm tay tôi nói: "Anh em mình được gặp nhau thế này là tốt lắm rồi. Thôi, anh đi nghe Nhân. Chúc em ngày mai chiến đấu dũng cảm. Anh về sẽ nói lại cho bà nội em biết. Cuộc chiến đấu còn dài, phải giữ lấy sức khỏe nghe Nhân!".
Thầy Hạp chạy theo đoàn người. Tôi bùi ngùi nhìn theo bóng thầy mờ dần trong đêm tối.
Từ đó, tôi đi vào các trận chiến đấu. Tôi luôn mang theo hình ảnh của thầy Hạp vào trận đánh. Chính tình cảm của thầy đã góp phần động viên tôi hoàn thành nhiệm vụ của Ðảng giao.
Năm sau, tôi được tin thầy Hạp được bầu vào huyện ủy Phù Mỹ khóa 1969- 1971, rồi sau đó thầy hy sinh. Ngày đất nước thống nhất, thầy Hạp được nhà nước công nhận là liệt sĩ.
Ngày ấy đã lâu rồi. Ðôi dép cao su tôi vẫn còn cất giữ.
Bây giờ, mỗi lần về thăm quê, tôi không quên đến thăm mộ thầy Hạp. Tôi đặt đôi dép cao su bên mộ, thắp nhang, rồi ngồi khóc thầy!
Phạm Thanh Ba (Theo lời kể của anh Phạm Hồng Nhân - học trò cũ của thầy Hạp) |