Đám cưới vùng cao

Đồng bào dân tộc Hre ở vùng cao An Lão thường tổ chức “bắt” vợ hoặc cưới chồng cho con sau khi công việc đồng áng trong năm đã hoàn thành. Để chuẩn bị chu đáo cho đám cưới, những ngày trước đó họ ra sông đánh lưới, lặn tận dưới đáy sâu bên những hốc đá, tìm bắt những con cá niên đem về phơi khô, một số người thì vào rừng tìm tre lồ ồ đem về làm sạp; vào tận những khe suối đầu nguồn tìm triêng uống rượu cần và các loại cây, dây, lá, chỉ, sáp... để phục vụ cho việc trang trí, cúng lễ. Đặc biệt, họ lo chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm để đãi mời khách trong các ngày diễn ra lễ cưới.

Đám cưới của người Hre được bài trí đẹp lộng lẫy và trang trọng. Chính vì vậy, từ già đến trẻ, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái đều phải chưng diện những trang sức, quần áo thật đẹp, đứng xung quanh thầy “Pdâu” để được cùng dòng tâm niệm ước nguyện khi khấn vái các vị thần linh, xua đuổi ma quỷ, nhằm mong sự tốt lành cho đôi vợ chồng mới cưới.

Vừa qua, người viết bài này được tham dự một lễ cưới của đồng bào Hre An Lão (làm họ nhà gái) và được ngồi mâm đầu của họ tộc. Mâm này bao gồm cha, mẹ, ông, bà, già làng, thầy “Pdâu” và một vài người thân trong gia đình. Để sang nhà trai, mọi việc đi đứng, lễ nghi đều do thầy Pdâu quyết định. Họ nhà gái chúng tôi đi rất đông, khoảng 40 người, được họ nhà trai tiếp đón rất nồng nhiệt. Mâm đầu của họ tộc gồm 7 người được mời riêng vào trong nhà, sau đó chúng tôi được họ nhà trai liên tục mời trầu, thuốc và rượu. Sự hiện diện của họ nhà gái là dấu hiệu báo trước cho sự hạnh phúc trăm năm, là sự tôn trọng hòa hợp, cùng chúc cho đôi tân lang sống đến “đầu bạc răng long”. Sau khoảng thời gian gặp mặt, chúng tôi được mời ngồi mâm. Mâm cơm họ của người Hre cũng rất đơn giản, mộc mạc, được bày dọn gồm: một đáp cơm thật to, thịt gà luộc, nước lèo, thịt heo, đĩa muối hạt trắng, vài đĩa rau rừng theo phong tục riêng của người Hre.

Ăn cơm xong, chúng tôi cùng ngồi quanh bên ché rượu cần vừa uống, vừa chuyện trò vui vẻ... Đến lúc này mỗi người đi mỗi ngả, nhập theo nhóm phù hợp theo sở thích; họ cùng mời rượu nhau, cùng đánh chiêng, cùng hát ka lêu, làm cho không khí ngày cưới đến cuồng nhiệt, rộn ràng.

Điều đặc biệt, ở đám cưới người Hre ngày nay, ngoài việc tuân thủ các nghi lễ như :trao nhẫn cưới, cúng thần linh, tục trao cườm, buộc tóc nối hai mái đầu xanh ...còn có đại diện chính quyền xã đến tận nơi, trang trọng đọc quyết định đăng ký kết hôn. Điều này càng làm tăng thêm sự gắn bó cho đôi vợ chồng trẻ, thể hiện sự quan tâm của địa phương và thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng.
Đám cưới người Hre thường kéo dài 2 ngày. Ngày đầu là ngày của họ nhà gái. Khách khứa họ hàng đều được đón tiếp nồng nhiệt, ăn uống no say, vui hát, chuyện trò thỏa thích. Ngày sau là ngày của họ nhà trai.

Người Hre rất hiếu khách, rất tôn trọng khách đến nhà dự lễ cưới. Hiện nay một số gia đình người Hre đã bỏ dần phong tục bắt rể, việc ăn ở của đôi vợ chồng mới cưới tùy theo mức độ kinh tế cuộc sống gia đình, không phải bắt buộc con trai phải ở rể từ 1-3 năm như ngày xưa. Đây cũng là một nét mới trong việc thực hiện nếp sống văn hóa ở bản làng.
 

Võ Tấn Hòa

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lễ hội tháng giêng  (28/02/2003)
Ðôi dép cao su của thầy giáo cũ  (28/02/2003)
Theo dấu mộ cổ  (28/02/2003)
Nhà có hoa hồng  (28/02/2003)
ÐỌC "BƯU TRẠM BÌNH DƯƠNG" - XƯA VÀ NAY  (28/02/2003)
Bạn có biết:  (28/02/2003)