Tranh dân gian Đông Hồ - Vang bóng một thời


Khi đọc bài viết “Tranh dân gian Đông Hồ trong tâm thức” của giáo sư Chu Quang Trứ, tôi thực sự ngỡ ngàng khi biết hiện nay tại làng tranh dân gian Đông Hồ chỉ còn duy nhất một nghệ nhân làm tranh và bản khắc của cả làng đã dồn hết về ông – ông Nguyễn Đăng Chế.

Tôi và một số người bạn đã đi thực tế ở làng tranh Đông Hồ. Tiếp chúng tôi là anh Đông – phó chủ tịch xã. Khi tôi đề cập đến nghề làm tranh của làng Đông Hồ, anh tỏ ra rất đăm chiêu và cho chúng tôi biết hiện nay cả làng tranh chỉ còn ba nghệ nhân đang sống được với nghề làm tranh truyền thống. Chúng tôi đã thật sự ngạc nhiên tại sao ông Chu Quang Trứ viết chỉ còn một người (?). Nhưng dù sao thì cũng đáng mừng.

Tạm gác chuyện này lại, chúng tôi tìm hiểu về làng tranh. Vào những năm 1940 khi đặt chân tới đầu làng thì sẽ được thưởng thức cái không khí nhộn nhịp của cả làng làm tranh, nhất là vào những dịp lễ tết. Sau này, được nhiều nơi biết đến, tranh Đông Hồ bắt đầu có mặt khắp nơi, từ trong đến ngoài nước. Những năm 1980, sự nhộn nhịp làm tranh lại càng sôi động, nhà nhà, người người làm tranh.

Trước đây khi đọc bài thơ “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm, trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh của làng tranh Đông Hồ đầy thơ mộng. Vậy mà bây giờ khi lần đầu tiên đặt chân đến nơi này, trong cơn mưa rơi nhẹ, ở ngôi làng nhỏ lặng lẽ nằm nép mình bên bờ đê sông Đuống, chỉ còn ba hoặc bốn căn nhà có treo bảng làm tranh dân gian Đông Hồ – đó là ba nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam, Trần Nhất Tấn.

Có lẽ phần đông những người tham quan hay các nhà nghiên cứu là sẽ ghé thăm nhà ông Nguyễn Đăng Chế, người được xem là nghệ nhân duy nhất còn lại của làng tranh Đông Hồ. Nhưng chúng tôi thì không, ông Nguyễn Hữu Sam lôi cuốn chúng tôi hơn, không những ông là người cao tuổi nhất mà còn là vì ông có một người con trai cũng đang theo và cố làm cho sống dậy nghề làm tranh truyền thống. Căn nhà ông như một phòng triển lãm tranh dân gian Đông Hồ với đủ các loại thể tài tranh và hàng trăm bản khắc cổ còn được lưu giữ.

Nhưng thật buồn khi cả một làng làm tranh nổi tiếng không chỉ trong nước mà kể cả nước ngoài nay chỉ còn lại một vài nghệ nhân “sinh vi nghệ, tử vi nghệ”. Những sản phẩm được các nghệ nhân này đầu tư cả về tâm lực, trí lực chỉ phần nhiều phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tranh dân gian hoặc một số ít khách tham quan mua về làm quà, với giá cực kỳ rẻ. Phần đông khách nước ngoài đến tham quan chỉ muốn chứng kiến quá trình làm tranh của các nghệ nhân.

Làng tranh Đông Hồ hiện nay không chỉ có ba nghệ nhân nói trên là còn làm được tranh mà có rất nhiều những người làm tranh nhưng họ đã bỏ nghề cha ông để lại, cho dù rất tiếc, nhưng tất cả cũng là vì cuộc sống. Họ đã bán các bản khắc cổ cho các nghệ nhân còn đang cố gồng gánh để giữ cho được nghề này. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam có người con trai học đại học tài chính kế toán nhưng ông đã cố thuyết phục anh theo nghề làm tranh. Và bây giờ anh Nguyễn Hữu Toản – con ông – cũng đã có cơ sở làm tranh cho riêng mình.

Cả ba nghệ nhân làm tranh hiện nay tuổi đã cao, người còn trẻ chỉ có mỗi một anh Toản thì liệu chăng nghề này có còn được biết đến trong tương lai, khi mà lớp trẻ không hứng thú tiếp nhận nghề truyền thống này ? Đây là cả một nền văn hóa vô cùng đẹp của người Kinh Bắc nói riêng và của dân tộc Việt Nam:

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Chẳng lẽ tranh dân gian Đông Hồ chỉ vang bóng một thời ?

 

Đoàn Minh Dưỡng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đám cưới vùng cao  (28/02/2003)
Lễ hội tháng giêng  (28/02/2003)
Ðôi dép cao su của thầy giáo cũ  (28/02/2003)
Theo dấu mộ cổ  (28/02/2003)
Nhà có hoa hồng  (28/02/2003)
ÐỌC "BƯU TRẠM BÌNH DƯƠNG" - XƯA VÀ NAY  (28/02/2003)
Bạn có biết:  (28/02/2003)