Bánh tráng - một đặc sản quen thuộc của Bình Định. Trước: làm thủ công, tiêu thụ tại chỗ và vùng lân cận. Nay: làm công nghiệp, đi dự hội chợ và xuất ngoại. Chuyện về một hướng làm ăn mới của HTX Nông nghiệp Nhơn Lộc 2…
“Nhà máy” sản xuất ...bánh tráng Chuyện bắt đầu từ một chuyến đi tham quan Bình Dương. “Đó là lúc các dịch vụ của HTX tuy vẫn mang lại lợi nhuận nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn; yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động, mở rộng và đa dạng các dịch vụ trở nên cần thiết. Giữa lúc đó, nghe giới thiệu là có mô hình sản xuất bánh tráng xuất khẩu của tư nhân ở Bình Dương đang mang lại hiệu quả lớn, chúng tôi cử người đi tham quan và học tập mô hình. Lúc đầu cũng chỉ định đi cho biết”- ông Dương Văn Thành, Phó chủ nhiệm HTX tâm sự. Từ ý định ban đầu như vậy, nhưng Ban Quản trị HTX đã nhanh chóng bị mô hình đó “hút hồn”. Và chỉ sau đó một tháng, dự án đầu tư mua sắm thiết bị sản xuất bánh tráng xuất khẩu đã được xây dựng, công suất 60 tấn sản phẩm/năm. Dự án này nhanh chóng được đại hội xã viên thông qua 100% và thống nhất giao cho Ban quản trị HTX tổ chức thực hiện. Một hợp đồng đã được ký kết với Trung tâm công nghệ lạnh nhiệt đới (Đại học Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh) về chế tạo thiết bị và chuyển giao công nghệ sản xuất với tổng trị giá 169 triệu đồng. Dự toán xây lắp nhà xưởng cũng được nhanh chóng xây dựng, Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh đồng ý cho vay với vốn ưu đãi 100 triệu đồng, lãi suất 0,55%, ân hạn 3 năm. Tất cả đã sẵn sàng cho một hướng làm ăn đột phá.
Tháng 3 năm 2001, công trình xây dựng nhà xưởng đã được khởi công. Đến giữa tháng 5 thì cơ bản hoàn thành và đến ngày 18-5, những lá bánh đầu tiên sản xuất thử chào đời. Một tháng sau đó, vào ngày 18-6, nhà máy chính thức đi vào sản xuất. Tổng vốn đầu tư gần 300 triệu đồng. Cùng với những thiết bị được lắp đặt, HTX đã tiến hành công tác tổ chức của nhà máy. Bên cạnh những cán bộ chuyên trách: một quản đốc, một kế toán và một bảo vệ là 20 công nhân là xã viên HTX vốn có nghề tráng bánh, được tuyển chọn và tập huấn kỹ thuật. Tất cả vào cuộc với bộ máy gọn nhẹ nhất.
Phải bắt đầu từ khâu tiêu thụ: Khi chúng tôi đến thì những công đoạn sản xuất đã vào guồng. Nhưng những ngày đầu mới là những ngày “bầm dập” với cả Ban quản trị lẫn công nhân. “Ban quản trị cũng vào cuộc. Lo từ tổ chức điều hành, lo tiêu thụ…đủ thứ. Đây là một công việc mới mẻ mà” - Ông Phạm Long Trọng, Chủ nhiệm HTX cho biết. Còn ông Huỳnh Công Khanh, Quản đốc, thì thố lộ: “Ngay như tôi đây này, trước là dân làm thủy lợi, nay được HTX giao làm quản đốc, công việc quá mới mẻ”. Còn những công nhân nguyên gốc nông dân, lần đầu đứng máy, dù chỉ để làm sản phẩm mà xưa nay cha ông họ vẫn làm nhưng không khỏi bỡ ngỡ và tất nhiên cả sai sót về kỹ thuật. Tất cả đã qua, cho đến nay thì nhà máy đã sản xuất được 6888,2kg bánh tráng xuất khẩu và 5434,8kg hàng tiêu thụ nội địa với tổng giá trị khoảng 119 triệu đồng. Hàng xuất khẩu đã bán hết với giá 15.500đ/kg (với bánh tráng 15,5cm); 9.500đ/kg (với bánh tráng 22cm). Những con số tuy nhỏ nhưng là kết quả bước đầu của ba tháng chập chững đi vào kinh doanh ở một lĩnh vực còn nhiều mới mẻ.
Nhưng có một việc, vẫn luôn được đặt trên bàn nghị sự của Ban quản trị HTX: sản phẩm của HTX vẫn phải xuất khẩu ủy thác qua Công ty TNHH Phát Lộc mà chưa xuất được trực tiếp, hàng nội địa chưa vươn rộng ra thị trường cả nước. “Phải bắt đầu từ khâu tiêu thụ sản phẩm. Anh em đi luôn: vào Nam, ra Bắc. Ra Đà Nẵng, lên Gia Lai, xuống Quy Nhơn… giới thiệu sản phẩm, tìm đại lý; ra Hà Nội tham dự hội chợ, bươn bả tìm đầu ra”- ông Trọng cho biết. Nhưng cũng chính cái lần ra Bắc ấy, sản phẩm của HTX đã “ẵm” luôn Huy chương vàng Hội chợ quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức tại Hà Nội mùa thu 2001 vừa qua. Gần 150kg bánh tráng mang ra Hà Nội dự hội chợ cũng bán hết. Đó là những khích lệ để họ tiếp tục bươn bả trên con đường khó nhọc: khai phá thị trường.
Để bánh tráng tiếp tục đi xa: Không dừng lại ở đó, HTX Nhơn Lộc 2 đang ôm ấp giấc mơ xây dựng hoàn chỉnh quy trình sản xuất. Thiếu thiết bị sấy, hấp, cắt bánh tráng nên trong mùa mưa, nhà máy phải tạm dừng sản xuất trong hai tháng. “Chúng tôi đang đặt lắp các máy này để hoàn chỉnh dây chuyền. Đại học Đà Nẵng đã đồng ý lắp đặt với giá 51 triệu đồng nhưng công suất sấy chưa đảm bảo nên chúng tôi đang chờ hoàn chỉnh. Khi hoàn chỉnh, chúng tôi sẽ làm được cả trong mùa mưa và mở rộng quy mô sản xuất từ 250kg nguyên liệu/ngày lên 300kg nguyên liệu/ngày vào năm 2002. Đưa tỉ lệ thành phẩm lên và nâng cao đời sống công nhân hơn hiện nay cũng là mục tiêu của chúng tôi. Ngoài ra, cái chính yếu nhất hiện nay vẫn là tìm thị trường tiêu thụ. Chúng tôi sẽ mở đại lý ở các nơi và đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, phá thế xuất ủy thác hiện nay”- ông Phạm Long Trọng khẳng định.
Trong tình hình các HTX sau khi chuyển đổi theo luật đang gặp nhiều lúng túng trong hoạt động thì hướng đi làm ăn mới của HTX Nhơn Lộc 2 thật đáng quan tâm, trân trọng. Những người quản lý HTX này, trong suy nghĩ của họ không thoát khỏi câu hỏi: Làm sao cho những ràng bánh tráng Bình Định, vốn đã là niềm tự hào trong quá khứ, tiếp tục được đi xa hơn. Nhưng để cho mơ ước thành hiện thực thì họ cũng đang rất cần tỉnh và các ngành liên quan tạo điều kiện cho HTX tiếp cận thị trường nước ngoài và hướng trực tiếp xuất khẩu, hỗ trợ vốn để mở rộng quy mô và kinh doanh đạt hiệu quả, giúp đỡ HTX quy trình xử lý nước thải ...
Lê Viết Thọ |