Bình Định sở hữu một di sản vô cùng độc đáo về điêu khắc và kiến trúc Chămpa có niên đại từ thế kỷ IX đến XVI. Đã có hàng chục đền tháp Chămpa được trùng tu, nhưng được đánh giá cao nhất vẫn là tháp Bạc - Tours D’argent (Tuy Phước, Bình Định) theo cách gọi của những nhà khoa học trên thế giới, hay là tháp Bánh Ít theo cách gọi dân dã.
Ông Văn Trọng Hùng – Giám đốc Sở VH-TT Bình Định cho biết: “Tháp Bánh Ít là một quần thể có giá trị rất cao trong các di tích đền tháp Chămpa. Dự án trùng tu tháp Bánh Ít là một dự án mở, Bộ VH-TT đã cấp kinh phí để trùng tu một phần quẩn thể tháp Bánh Ít. Chúng ta sẽ làm dần, mỗi năm mỗi ít. Sau khi thực hiện xong phần trùng tu, cả khu vực cảnh quan xung quanh sẽ nâng cấp để nơi đây thực sự là một địa chỉ tham quan văn hóa, lịch sử hoàn chỉnh”. Với mục tiêu, ý nghĩa lớn lao, mang tính chiến lược dài hạn của dự án trùng tu, tháp Bánh Ít bắt đầu thoát ra khỏi giấc ngủ dài.
Quần thể tháp Bánh Ít tọa lạc trên đồi Bạt, ngọn đồi được các nhà khoa học Pháp mệnh danh là ngọn đồi của các thần linh. Năm 2000, khi gia cố móng tháp, một cách tình cờ, những người thợ trùng tu đã phát hiện ra một tuyệt tác ở chân tháp Đông. Theo thiết kế tu bổ thì người ta sẽ phải đào sâu xuống khoảng 0,8m để gia cố móng tháp. Nhưng trái với dự tính, khi đào đến 2-3 mét vẫn còn thân tháp mà chưa thấy có dấu hiệu có móng tháp. Hóa ra vì “dâu bể đổi thay” một phần thân tháp đã chìm sâu trong lòng đất. Ai cũng ngỡ tháp Bánh Ít chỉ là khối gạch trơn, hóa ra không phải thế. Hơn thế đây lại là phần kiến trúc tuyệt đẹp như những khu đền đài thu nhỏ. Chân tháp bị phủ lấp không chỉ có ở tháp Đông mà còn ở tháp Nam. Những người trùng tu đã xúc và bóc tách lớp đất bao phủ chân tháp để vẻ đẹp nguyên sơ của tháp hiện lên.
Tháp Bánh Ít là một quần thể kiến trúc có quy mô thuộc loại lớn nhất trong di sản kiến trúc đền tháp Chăm pa còn lại trên đất Bình Định. Trên đồi cao, tháp rực rỡ, kiêu hãnh lao vút vào không gian bằng tất cả sự kỳ vĩ của mình. Được trùng tu, mỗi một tòa tháp lại bộc lộ một vẻ đẹp riêng. Tòa tháp trung tâm uy nghi, ngôi tháp Nam với mái cong hình yên ngựa thanh thoát, nhẹ nhõm. Tòa tháp Đông-Nam gây cảm giác reo vui gợi mở; tháp cổng lại đĩnh đạc, trầm tư. Đứng ở chân tháp trung tâm phóng mắt ra xung quanh, bên dưới là cả một vùng không gian bao la, dòng sông Kôn uốn khúc như một nét lượn vừa phóng túng dữ dội vừa thanh thoát hiền hòa… Đồi Bạt trơ trụi không một bóng cây. Kỹ sư Lý Văn Huân, đội trưởng đội xây dựng số 2 (Công ty Xây dựng và Phát triển đô thị Bình Định) – đơn vị thực hiện việc trùng tu giải thích: “Chúng tôi cố gắng phục hồi gần với nguyên bản. Gạch được đặt làm ở Bình Nghi (Tây Sơn) bằng đất sét ròng, đúng kích cỡ mà người Chăm đã làm (32 x 18 x 6cm). Gạch tốt nếu lấy đục đục thử lên bề mặt sẽ cho ra mảnh vụn rất nhỏ, như bột thô vậy. Sau khi đưa về công trường, gạch được mài nhẵn mặt, được khoét ruột cả hai mặt để đặt chìm mạch vữa. Vữa xi măng có trộn phụ gia và bột gạch mịn theo một công thức riêng nên nhìn từ bên ngoài, mạch vữa mảnh như sợi len nhỏ gần giống như nguyên bản”. Một người thợ trùng tu đang rà bề mặt viên gạch cho biết: “Nghe đơn giản vậy chứ đụng tay vô thì không dễ đâu. Gần như mỗi viên lại được đục đẽo theo một kích thước riêng. Đầu tiên phải đo lỗ hổng để lại hoặc vị trí mà viên gạch sẽ đứng chân. Sau đó đem đi tẩy sơ bề mặt, rồi đem mài cho gần khít. Xong đâu đó mới đem vét máng để giấu mạch hồ xây. Nguyên tắc là cố gắng tối đa không làm ảnh hưởng đến hiện trạng, không làm sứt mẻ phù điêu, góc tháp, phần gạch cũ cũng vậy. Các chuyên gia yêu cầu, phải chính xác đến từng ly, làm sao để phần tu bổ mới phải hài hòa với phần nguyên bản. Hài hòa nhưng vẫn còn ranh giới để biết đâu là mới đâu là cũ. Chỗ nào được sửa thì chỗ ấy có một hồ sơ kỹ thuật riêng”. Chỉ tính phần kinh phí đầu tư bổ sung để trùng tu tháp Đông trong quần thể tháp Bánh Ít con số đã vượt lên trên 100 triệu đồng. Sau hơn 3 năm được đầu tư trùng tu với số tiền hơn 2 tỉ đồng, tháp Bánh Ít trở nên sống động và đầy sinh khí. Không chỉ có thế, việc trùng tu đã giúp phát hiện thêm nhiều hiện vật điêu khắc, làm phát sinh thêm nhiều vấn đề mới về học thuật. Cũng từ việc trùng tu các tháp Chămpa nói chung và tháp Bánh Ít nói riêng, giờ đây những người thợ Bình Định đã được liệt vào hàng ngũ những chuyên gia hàng đầu kỹ thuật trùng tu tháp cổ Chămpa.
Quần thể tháp Bánh Ít với 4 tòa hoàn hảo như một món quà do thần linh trao tặng cho con người. Mùa xuân này quần thể tháp Bánh Ít đã vươn mình trong không gian để khoe dáng sắc tuyệt mỹ đang trở lại của mình.
Bá Phùng |