Tôi làm biên tập viên Tiếng thơ - Đài Tiếng nói Việt Nam đúng 20 năm (từ 1976 đến 1996). Những năm ấy, cứ mỗi năm một lần trước Tết Nguyên Đán, Ban văn nghệ Đài TNVN lại mời nhà thơ Tố Hữu đến đài bá âm đọc thơ để phát vào dịp Tết, dịp xuân. Mọi kế hoạch chúng tôi phải trình bày với tổ thư ký rồi thư ký báo cáo lại. Ông nhận lời, phôn sang, chúng tôi báo cho tổ bảo vệ Đài ngày giờ và lấy giấy vào đài bá âm cho nhà thơ - Phó Thủ tướng.
Năm 1996 tôi nghỉ hưu và Tố Hữu cũng đã nghỉ hơn 10 năm. Tôi rủ Trần Đăng Khoa cùng đến thăm ông ở nhà riêng. Bắt tay xong, Tố Hữu chỉ mặt tôi, hỏi ngay:
- Sao bây giờ ông mới đến với tôi?
Tôi thẳng thắn:
- Những lần anh sang thu thơ bên Đài, tôi toàn tránh, nếu được phân công “hầu hạ” anh thì tôi nhờ bạn bè.
Tố Hữu cười:
- Mình ….đáng ghét đến thế kia à?
Tôi bình tĩnh:
- Không phải thế. Bất kỳ người làm thơ nào chẳng muốn được gặp anh. Tôi cũng vậy. Tôi rất muốn gặp nhà thơ Tố Hữu nhưng rất ngại gặp ông Phó Thủ tướng Tố Hữu mà trong cơ chế của mình, hai ông ấy cứ nhập vào nhau làm một!
Mặt Tố Hữu buồn buồn. Ông siết chặt tay tôi thông cảm. Cuộc phỏng vấn bắt đầu. Khoa chỉ ngồi nghe. Tôi rủ Khoa đi là vì nhà ông Khoa đã đến nhiều lần. Có Khoa đi cùng thì bà vợ tôi yên tâm. Tôi giao hẹn: “Mày ngồi cạnh, khi nào mày thấy tao “bốc” thì dẫm lên chân tao”. Cái bàn dài 1m4, Tố Hữu ngồi phía giữa, mời tôi ngồi ở đầu bên trái, Khoa ngồi đầu bên phải. Thằng cha cao có 1m53, chân ngắn tũn thì làm sao dẫm lên chân tôi được? Ông tướng đành ngồi ngậm tăm như Bụt, nghe tôi…mở máy.
Những điều mấy chục năm trăn trở, nghĩ ngợi tôi nói hết với Tố Hữu. “Có những câu hỏi gai người” - ra về, Khoa nói với tôi như thế. “Có phải anh phát biểu trong Đại hội thành lập Hội nhà văn Việt Nam 1957 là các nhà văn muốn có tác phẩm thì phải đến với những hợp tác xã tiên tiến, con người tiên tiến”. Anh nói thế là phiến diện. Thời Lê Thánh Tông, xã hội cực thịnh “cơm nguội đầy nồi trẻ chẳng buồn ăn”, trong triều có cả “Tao Đàn nhị thập bát tú” nhưng chỉ để lại cho văn chương, cho đời mấy bài thơ mang khẩu khí đế vương. Nhưng từ thế kỷ 18, xã hội tao loạn, chiến tranh liên miên, số phận con người bị quăng quật, thảm khốc thì ta có: Hoàng Lê Nhất thống chí, có Cung oán ngâm khúc, có Truyện Kiều bất hủ…Có phải anh chủ trương sử dụng văn nghệ kiểu “cờ, đèn, kèn, trống” dùng văn nghệ để tô vẽ, tuyên truyền cho chế độ chứ không muốn sử dụng cái chức năng cảm hóa, phát hiện, giáo dục của văn nghệ?
Tố Hữu im lặng nghe, thỉnh thoảng mới nói một câu nhẹ nhàng nhưng thâm thúy. Tôi thấy ngượng vì sự bốc đồng của mình, mặc dù năm ấy tôi đã ngoài 60 tuổi. Đang nói chuyện văn chương, tôi hỏi sang chuyện…cung đình. Còn nhiều, còn nhiều câu hỏi hắc búa nữa, tôi “quần” ông đến 12 giờ 35 phút.
Ông tiễn tôi và Khoa ra tận cổng. Khoa nói với tôi:
- Sao anh dám hỏi ông Lành những câu rợn người thế?
- Vì mình là dân xứ Nghệ !
- Lạ thật, hai người gặp nhau lần đầu nhưng chuyện trò tâm đắc lắm. Ông Lành cũng thổ lộ với anh nhiều điều gan ruột!
Bài phỏng vấn in trên “Thế giới mới số Tết” 1996 gây một chút chấn động ở Khoa Ngữ văn một vài trường đại học vì lần đầu tiên trên văn đàn có người khen và chê thơ Tố Hữu. Thơ ông này mà dám chê à?
Tạp chí gửi ra một triệu đồng nhuận bút. Tôi gọi điện vào hỏi Tổng biên tập có làm nhuận bút cho Tố Hữu không? Tổng biên tập trả lời: Theo quy định chỉ trả nhuận bút cho người phỏng vấn, còn người trả lời phỏng vấn không có.
Mình nhận cả thì không ra gì. Tôi mang đến nhà ông năm trăm nghìn:
- Nhà nước có quy định của Nhà nước. Dân có “luật” của dân; thôi “cưa đôi”, hương hoa anh em mình hưởng mỗi người một chút. Anh không nhận thì mất vui đi!
Tố Hữu đùa:
- Mình nắm vững quy định về nhuận bút chứ, cho nói là tốt rồi, còn ...ăn thì bây giờ hết bao nhiêu mà lo !
Sau lần gặp ấy, thỉnh thoảng tôi lại đến thăm ông để nghe ông nói về thơ, về đời. Còn tôi thì cung cấp cho ông những thông tin chân thực ở dưới đáy cuộc đời mà mấy chục năm ông ngồi cao quá, không có điều kiện để thấy. Lâu lâu, thấy tôi không đến, Tố Hữu lại gọi điện thoại. Ông nói với tôi:
- Thỉnh thoảng ông đến đây. Mời một số anh em tâm huyết với văn chương đến đây, ta tổ chức một câu lạc bộ thơ.
Tôi gạt ngay:
- Đến thăm anh với tư cách cá nhân thôi. Anh không nhớ câu lạc bộ Pê-tô-phi ở Hung-ga-ri trước sự biến 1956 à?
Một hôm, tôi hỏi ông:
- Anh là một nhà thơ, sao lại phụ trách kinh tế làm gì? Mấy cái như “cơ giới hóa toàn quốc”, xây dựng mỗi huyện thành một pháo đài chính trị và kinh tế để làm ăn lớn đều sai cả. Nếu anh chỉ đạo công tác văn hóa tư tưởng thì làm sao sai được?
Tố Hữu cười buồn:
- Chắc chưa ? - Rồi ông nói thong thả - Một số người cũng nói với tôi như ông. Thật ra thì tôi được làm nhà thơ rất ít mà là nhà chính trị làm thơ, dùng thơ làm phương tiện phục vụ chính trị, phục vụ nhiệm vụ cách mạng. Mình làm kinh tế hỏng là vì mình kém, thế thôi.
Rồi hai anh em lại chuyển sang chuyện văn chương. Nói chuyện văn chương nghe ra thuận tai hơn. Tố Hữu kêu là ta bỏ mất trận địa phê bình. Tố Hữu bảo: Viết thẳng thừng như ông cũng dễ mất lòng mất bề nhưng biết làm sao được, phải chịu trận thôi!
Được lời như cởi tấm lòng. Trên báo Nông nghiệp số Tết năm 2000, tôi choang bài “Thấy gì trong tuyển tập thơ của 5 nhà thơ lớn?”, khen chê rất sòng phẳng.
Báo ra, điện thoại tới tấp gọi về khen. Sáng 22 tháng Chạp, Tố Hữu gọi điện thoại. Ông bảo:
- Mình và bà Thanh (vợ ông) vừa ở Sài Gòn ra nghe anh em bảo ông viết một bài phê bình tợn tạo lắm. Cho mình xem với. Đến mình chơi, ta trao đổi.
- Thưa anh, trên Quảng Bá đang mưa to. Tạnh là tôi đến ngay. Đến sẽ gọi điện thoại báo trước.
14 giờ tôi dắt xe máy ra, quay lại dặn vợ:
- Ở nhà cứ ăn cơm chiều, đừng chờ !
Bà vợ dặn:
- Đừng dại mồm dại miệng nghe.
Tố Hữu đã ngồi chờ sẵn trong phòng khách. Tôi đọc cho ông nghe bài phê bình thơ. Thỉnh thoảng ông cười hích hích. Nghe xong, Tố Hữu bảo:
- Ông là người đầu tiên chê thơ tôi. Lần này chê tợn hơn năm 1996. Nhưng ông chê đúng, tôi hoan nghênh. Các cụ bảo: “Nói phải củ cải cũng nhe. Chẳng lẽ mình không bằng củ cải à?”
Tôi không giấu được vẻ vui sướng:
- Xin cảm ơn anh. Trong văn chương khen chê là việc bình thường. Khen anh thì dễ nhưng chê anh khó đấy.
Tố Hữu chia sẻ:
- Chắc ông cũng như tôi. Người ta khen thơ mình mà khen sai mình cũng khó chịu mà chê đúng thì mình lại thích. Ông nói đúng: thơ có giá trị tự thân, nó như cái phao, phao tốt thì nổi, phao thủng thì chìm. Tâng bốc cũng không được, vùi dập cũng không được!
Rồi ông nói với tôi tuyển tập thơ 1975 -2000 của Nhà xuất bản Hội Nhà văn:
- Sao lại chọn tôi, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên và một số nhà thơ khác 6 bài. Giai đoạn 1975 -2000 thì lớp chúng tôi còn viết được là may, nói hay thì khó lắm. Sao cứ phải “ăn trên ngồi trốc” thế? Cây đa, cây đề, sống lâu lên lão làng trong văn chương là không hay đâu!
Tôi thầm khâm phục. Đây là một thái độ lão thực. Tôi biết cách đấy ít ngày một nhà thơ cùng lớp với Tố Hữu đến cự giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn vì đã in của ông 5 bài trong khi Chế Lan Viên được 6 bài!
*
Nhà thơ Tố Hữu đã ra đi. Đảng mất đi một cán bộ lão luyện trên trường chính trị. Đất nước, nhân dân mất đi một nhà thơ lớn. Anh em văn nghệ sĩ mất đi một người anh cả. Trong đám tang nhà thơ Tố Hữu có những nhân vật văn học bằng xương bằng thịt như “Em Hòa” (dũng sĩ diệt Mỹ năm 15 tuổi, bây giờ là Phó ban tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế) và con cháu “Mẹ Tơm” chít khăn tang, có bà Lây - đi Bốt-tơn, nhà văn Mỹ thay mặt Ê-mi-ly (đã 38 tuổi) và gia đình Mo-ri-xơn sang Việt Nam đưa tiễn nhà thơ về chốn vĩnh hằng.
Nguyễn Bùi Vợi |