Từ khi Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách “mở cửa”, cùng với việc tăng trưởng kinh tế, đời sống mọi mặt của xã hội ngày một nâng cao, thì văn học cũng có những bước tiến đáng mừng. Những tác phẩm “gai góc”, phản ánh nhiều khía cạnh cuộc sống mang đậm cá tính nhà văn được chấp nhận, làm cho đời sống văn học đa dạng hơn, phong phú hơn.
Nếu trước kia các tập thơ phải xếp hàng dài trong các nhà xuất bản, đến các nhà thơ có tên tuổi cũng phải dăm bảy năm mới đến lượt được in một tập mong mỏng, thì nay ai có tiền cứ việc in thơ, miễn là được nhà xuất bản xét duyệt dán nhãn mác. Nhiều người mới làm thơ được vài năm, in trên các báo được mươi lăm bài cũng có thể in được những tập thơ rất đẹp. Vì thế đã có những tờ báo kêu lên: “Chúng ta đang lạm phát thơ” rồi cảnh báo rằng “công chúng đã ngán thơ và quay lưng lại với thơ!”.
Nói vậy thật oan cho công chúng và oan cho thơ. Việc lạm phát thơ quả là có. Còn công chúng quay lưng với thơ thì không. Hãy cứ xem những buổi giao lưu giữa các nhà thơ với sinh viên đại học, với công nhân, bộ đội hay truyền hình trực tiếp với công chúng, bao giờ cũng vẫn rất đông. Người ta chỉ quay lưng với thơ dở mà thôi!
Nhưng làm sao có thơ hay quả là khó. Ngay đến thế nào là thơ hay cũng chẳng ai định nghĩa nổi. Chỉ biết rằng thơ hay nghĩa là thơ người ta thích, đọc xong người ta nhớ (có thể nhớ ý, nhớ câu, nhớ cả bài). Người ta cảm nhận được bài thơ, tâm hồn đồng điệu và trái tim cùng nhịp rung động với tác giả. Còn thơ chưa hay hoặc thơ dở ư? Rất dễ nhận biết. Đọc xong bài thơ chẳng đọng được chút gì trong lòng, không gợi nên cái gì cho người ta nghĩ ngợi.
Theo tôi, có mấy loại thơ đáng ngán mà người đọc “quay lưng”.
1- Cái gọi là thơ chỉ là văn vần, từ ngữ cẩu thả, không có sự chắt lọc, chưng cất ngôn từ, còn tùy tiện dùng những câu chữ đã sáo mòn cách hàng thế kỷ khiến người đọc nhàm chán.
2- Thơ cố làm ra cầu kỳ, rắc rối cho có vẻ cao siêu, trí tuệ khiến người đọc chẳng hiểu mô tê bài thơ nói gì. Có khi, chính nhà thơ cũng không hiểu mình viết gì nữa kia. Ai đó muốn nhà thơ giải thích, thì nhà thơ nhún vai cao ngạo: “Thơ không cần giải thích, mà người đọc phải tự cảm nhận. Không tự cảm được là kém cỏi, không biết thưởng thức thơ”.
3- Thơ hướng nội nhưng lại chỉ viết về một góc riêng tư của mình với những đau khổ buồn chán trong thất bại tình trường, những là than mây khóc gió sướt mướt lâm ly khiến người đọc tiếp cận thơ họ cũng não nùng gan ruột. Thiên hướng này phần lớn thuộc các nhà thơ trẻ, những cây bút đang tuổi yêu đương.
Những lý do làm thơ dở, cái chính là nhà thơ thiếu thực tế sáng tạo. Anh không đắm mình vào cuộc sống nên vốn sống nghèo nàn, phải ngồi tưởng tượng mà viết, lấy bản thân mình mà viết. Kinh nghiệm của các nhà thơ tiền bối đã cho thấy, không có thực tế cuộc sống không có thơ hay. Huy Cận nhờ đi thâm nhập vùng mỏ mà có “Trời mỗi ngày lại sáng”, “Đất nở hoa”, “Bài thơ cuộc đời”. Xuân Diệu tham gia cải cách ruộng đất, cùng ăn cùng ở với nông dân mà có “Riêng chung”, “Một khối hồng”. Tế Hanh đi thực tế xây dựng nông trường nên mới có được “Nông trường ta rộng mênh mông/ Trăng lên trăng lặn cũng không ra ngoài”. Hoàng Trung Thông tăng gia tự túc ở vùng kháng chiến mà có “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” hoặc Chế Lan Viên “Nơi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Câu chữ trong “Núi đôi” nổi tiếng của Vũ Cao là nhờ ông biết lắng nghe, góp nhặt lời ăn tiếng nói của quần chúng hàng ngày v.v.. Đặc biệt nhà thơ lớn Tố Hữu, nhờ là nhà cách mạng đắm mình trong cuộc đấu tranh của dân tộc, sâu sát nhân dân nên thơ ông được hầu hết quần chúng đón nhận. Người không biết chữ cũng thuộc thơ Tố Hữu như thuộc Truyện Kiều vậy.
Nguyễn Văn Chương |