Quy Nhơn thành phố tôi yêu

Hồi nhỏ tôi khoái đi lang thang hết đường phố này đến đường phố khác, thỉnh thoảng sự tò mò lại đưa tôi rẽ vào những con hẻm lạ … cứ như thế bàn chân tôi hầu như đã dẫm qua tất cả các đường phố Quy Nhơn. Tôi không còn nhớ vì đâu mà mình lại có thú vui này, nhưng ấn tượng về những góc phố Quy Nhơn trong tôi thì không thể nhạt nhòa.

Tuổi thơ tôi gắn bó với một con đường thân thương - đường Trần Phú. Mươi mười lăm năm trước, hàng phượng vỹ trên đường này hãy còn nhiều, đều và xanh lắm chứ không èo uột và lẻ tẻ như bây giờ. Mỗi khi hè về con đường rực lên một sắc đỏ tươi tắn đến nao lòng; tiếng ve, sắc phượng, và sự bộn bề của mùa thi đang gần kề làm lũ học trò chúng tôi bồng bềnh trong một cảm giác mà có lẽ chỉ những người còn đang đi học mới cảm nhận được. Con phố này ngày ấy hãy còn lặng lẽ, suốt chiều dài của nó thảng hoặc mới có một nhà kinh doanh thứ gì đó, vì vậy phố xá trông mới hiền hòa làm sao. Và con đường xinh đẹp ấy được giới học sinh gọi bằng cái tên rất dễ thương - con đường học sinh, đường phượng bay … Có vô khối “thi phẩm”, “văn phẩm” được các tác giả lấy cảm hứng sáng tác từ đây rồi chúng được xuất bản trên báo tường. Ở góc ngã tư Trần Phú - Nguyễn Công Trứ, lâu lắm rồi, quãng đâu năm 1977-1978 thì phải, có một vòi nước công cộng nép dưới tán xà cừ xanh um. Lũ học trò chúng tôi xem cái vòi này là một kỳ quan có một không hai. Vào thời điểm ấy, ở Quy Nhơn chưa có nhiều nhà được dùng nước máy, cái nguồn nước … trời cho ấy bỗng dưng lại trở thành thứ nước giải khát cho chúng tôi vào mỗi giờ ra chơi và quả thật những giọt nước ấy còn ngọt mãi đến nay trong tiềm thức tôi. Góc phố này nay không còn như xưa nữa, nó đã sầm uất hơn, và sự nhộn nhịp ấy làm tôi mỗi khi đi ngang qua đây lại thấy nhơ nhớ cái tán xà cừ, và tiếc cho những mảng rêu đậm nhạt u hoài trên mảng tường lô xô phía dãy nhà đối diện. 

Có một vệt khá dài luôn ồn ả trong ký ức của tôi ấy là phố biển. Tiếng sóng, hàng dừa, những vốc cát biển chảy dài qua kẽ bàn tay như một cách đếm thời gian đã gợi lại biết bao thương nhớ của tuổi chập chững vào đời. Đường Nguyễn Huệ ngày ấy chưa xô bồ như bây giờ, quán xá ít, hàng rong cũng ít, lòng đường sạch trơn và chiều chiều đạp xe qua phố có thể nghe được tiếng rít của rặng phi lao ven biển vọng lên. Bờ biển như một nét mày dài uốn cong quyến rũ.

Quy Nhơn không có phong cách kiến trúc riêng thật độc đáo như Hà Nội, cũng không có nét cổ kính với tuổi đời quá cao để làm con người ta hoài niệm về một thời xa lắc xa lơ nào đó như Huế. Nhưng trong tâm thức tôi, Quy Nhơn những năm 70-80 vẫn cứ ồn ả những giai điệu rất riêng mà tiếng ngân vang của nó cứ lan dài qua những góc phố mùa mưa buồn hiu hắt, những hàng xà cừ vạm vỡ rợp mát đường Lê Hồng Phong, vòng cung eo sân bay luôn lộng gió những chiều hè … những hình ảnh đó đã ám ảnh tôi (và có lẽ với cả nhiều người khác nữa) suốt một quãng đời. Tôi nhớ một đoạn đường Bạch Đằng thường ồn ào tấp nập mỗi khi những chiếc thuyền đánh cá trên mặt đầm Đống Đa cập bến, rồi cũng rất mau nó trở lại bình thản khi những người chủ thuyền phơi lưới xong và về nhà. Mấy năm sau, khi thành phố đã san lấp rồi thành lập khu dân cư mới trên một phần đầm, nhiều khi dong xe chậm rãi trên những đường phố mới tôi vẫn còn có cảm giác sóng như vẫn dồi dồi dưới mỗi vòng bánh xe lăn. 

Tôi đã sống ở nhiều nơi, ít thì sáu tháng một năm, nhiều thì dăm ba năm, đôi lúc có dự định sẽ tìm một thành phố khác định cư, nhất là giai đoạn sau khi tốt nghiệp đại học. Nhưng rồi có đi đâu thì hình bóng của Quy Nhơn với tiếng biển, dáng núi vẫn cứ gọi tôi về. Đã hẳn là tôi sống vì ngày mai và sẽ phải phấn đấu cho nó, nhưng ký ức của ngày hôm qua cũng là một khối tài sản quý giá. Những nẻo đường ký ức của tôi gọi tên những kỷ niệm, gọi tên những niềm vui nỗi buồn của một quãng đời dài, làm sao tôi có thể sống mà thiếu được hình bóng quen thuộc ấy.

Bá Phùng


 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ - thơ dở và thơ hay  (21/02/2003)
Những kỷ niệm với nhà thơ bậc thầy - Tố Hữu  (22/02/2003)
Nhà thơ Tố Hữu - “Đường qua mấy phố Quy Nhơn”  (19/01/2003)
Lạp xưởng Bà Chị - Hàng thực phẩm chất lượng cao  (28/02/2003)
Bình Định-Trung tâm chế biến đồ gỗ và hàng lâm sản xuất khẩu  (28/02/2003)
Tiềm năng chế biến - xuất khẩu hải sản  (28/02/2003)
Dệt mùa xuân trên tháp Bạc  (28/02/2003)
Bánh tráng xuất ngoại  (28/02/2003)
Tranh dân gian Đông Hồ - Vang bóng một thời  (28/02/2003)
Đám cưới vùng cao  (28/02/2003)
Lễ hội tháng giêng  (28/02/2003)
Ðôi dép cao su của thầy giáo cũ  (28/02/2003)
Theo dấu mộ cổ  (28/02/2003)
Nhà có hoa hồng  (28/02/2003)
ÐỌC "BƯU TRẠM BÌNH DƯƠNG" - XƯA VÀ NAY  (28/02/2003)