Đói
Túi gạo rơi xuống suối
Nhào theo mà vớt lên
Có gạo rồi thiếu lửa
Mưa dầm ướt hết diêm
Chọi đá và cọ tre
Đói, suốt đêm hì hục
Chén, bát vỡ hết rồi
Lá rừng làm bát múc
Hơi gạo làm tỉnh người
Ăn xong như sáo sậu
Tớ tớ và cậu cậu
Đời vui biết mấy mươi
Nhớ hậu phương miền Bắc
Vụ chiêm và vụ mười
Bữa cơm đầu mùa gặt
Ơi xiết bao là tươi
Quên hết phần cay cực
Nằm ngâm chèo í ơi
Ngủ một đêm sung sức
Ngày mai chiến dịch rồi.
(Hái theo mùa - Chế Lan Viên toàn tập - 2002)
Nếu giấu tên tác giả đi và đọc bài thơ lên rồi đố “bài thơ này của ai” thì nếu hỏi 100 người, chắc chắn trên 95 người nói sai tên tác giả vì hầu hết đều nghĩ rằng một nhà thơ uyên bác, trí tuệ như Chế Lan Viên lại viết một bài thơ giản dị, dễ hiểu như thế này! Nhưng với những ai đọc sành thì sẽ thấy bên cạnh nhiều bài thơ lý trí, lý sự, Chế Lan Viên có những bài thơ viết như không, đọc xong không thấy câu chữ nữa mà chỉ thấy tình đời, tình người như các bài: Nhớ Việt Bắc, Lạ nhà, Đêm tập kết, Củi sồi, Tân Bình đã thành quê, v.v..
Bài thơ này viết về cái đói của các anh bộ đội ở ngoài mặt trận với tất cả những tình huống gian nan của nó: túi gạo rơi xuống suối, vớt được lên rồi thì diêm lại ướt, thế là các anh chọi đá và cọ tre, có lửa rồi, bát chén vỡ hết, đành khum lá rừng lại mà múc. Anh nào anh nấy ăn xong tỉnh như sáo, nằm bồi hồi nhớ bữa cơm đầu mùa gặt của miền Bắc mà thêm vững tinh thần, ngày mai vào chiến dịch.
Không có câu thơ nào khó hiểu, không có những biện pháp tu từ, không có triết lý, triết luận gì cả…, chỉ có những câu thơ mang ý nghĩa hiển ngôn, sao đọc lên ta động lòng thế: thương bao nhiêu thì quý bấy nhiêu vì bộ đội ta gian khổ quá nhưng rất giỏi khắc phục khó khăn và luôn luôn lạc quan tin tưởng. Năm khổ thơ giản dị, chặt chẽ và gợi cảm, câu nào cũng có chức phận, khó mà thay một câu khác vào, chứng tỏ bản lĩnh thơ bậc thầy của Chế Lan Viên.
Bạn làm thơ nào không tin, thử viết lại một bài 5 khổ trên ý tưởng “đói” của tác giả, sẽ thấy hiệu quả khác ngay.
. Nguyễn Bùi Vợi |