. Truyện ngắn của Nguyễn Dự
Chị Ba và tôi như một cái gạch nối cuộc đời. Cha mẹ sinh ra bảy anh chị em, chị là gái đầu còn tôi trai út. Trong nhà chỉ có chị và tôi tham gia vào quân đội. Một sự thay thế ngẫu nhiên, mà chị em cứ mỗi lần gặp nhau lại xoay tròn với những kỷ niệm về đời lính thời chiến tranh - thời hòa bình.
Chị thoát ly gia đình tham gia lực lượng bộ đội địa phương, hoạt động ở chiến trường khu Nam Bình Định đúng vào cái ngày tôi ra đời tại lán trại tản cư, nằm dưới chân núi Bà. Lớn lên, tôi không biết mặt chị nhưng cứ mỗi lần khóc nhè thì mẹ lại chỉ về phía dãy núi xa xa và dọa: "Chị Ba mầy về đánh đòn cho hết ngang chướng" - Tôi nín bặt, nhìn theo hướng tay của mẹ rồi ngô nghê dụi đầu tìm vú.
Ngày giải phóng, nghe tin đơn vị của chị về Quy Nhơn, mẹ đắt tôi vào tìm. Ngồi đợi ở phòng khách, bên cạnh cổng gác, nhìn vào doanh trại, linh cảm đã cho tôi nhận biết ngay người phụ nữ có dáng vóc nhỏ nhắn, tóc trước trán và hai bên thái dương xoăn ngược về sau, na ná mẹ tôi, đang hớt hải chạy ra - đó là chị Ba. Trong thoảng chốc sững sờ, chị ào tới ôm chồm lấy mẹ và khóc. Mẹ giàn giụa nước mắt, đưa tay vuốt mái tóc chị, còn tôi thì rụt rè gọi lục cục hai tiếng "chị Ba" mà cổ họng nghẹn cứng. Đó là cái ngày đầu tiên tôi biết mặt chị. Năm đó tôi lên 10 tuổi.
Làng tôi nghèo lắm, hơn 50 nóc nhà lợp bằng lá dừa xúm xít quanh cái doi cát, nằm bên mép biển miền Trung bốn mùa lộng gió. Thấy cảnh nhà đông em, cuộc sống chật vật, cha mẹ suốt ngày nheo mắt chạy gạo nên chị xin nghỉ phục viên mất sức để đỡ đần cha mẹ nuôi dạy đàn em. Lũ nhỏ chúng tôi như được chị moi ra khỏi cát. Chị dạy từng việc một, từ sinh hoạt đúng giờ giấc, ăn uống vệ sinh đến sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng. Cha mẹ rất vui lòng và xem chị như người "Tiểu đội trưởng" của gia đình. Đêm đêm, chị cho tôi no nê những câu chuyện về cuộc đời quân ngũ. Nhưng có điều tôi mãi băn khoăn về mảnh chéo dù và chiếc túi lông Voọc. Chị đã mang từ Trường Sơn trở về và gìn giữ như một phần cơ thể và tâm linh của mình. Biết chị là người kín đáo và dễ xúc động nên tôi không dám hỏi, mặc dù khó khăn lắm tôi mới giằng bỏ được tính tò mò. Rồi năm tháng trôi qua, chuyện ấy dường như tôi không còn để tâm đến nữa.
Bất chợt, ngày vợ chồng tôi sinh thằng cu đầu lòng, chị Ba lại lôi tấm chéo dù và túi lông Voọc ra, may lại thành một chiếc phái nhỏ đeo vào cổ thằng bé. Tôi thấy chị vui khác thường, như thể đã giải tỏa được một điều gì đó mà bấy lâu còn chất chứa, day dứt trong lòng. Thế là câu chuyện về mảnh chéo dù và chiếc túi lông Voọc, đến lúc này chị mới kể cho tôi nghe...
Chuyện cách nay đã hơn 30 năm rồi. Ngần ấy thời gian, chị cứ ngỡ mình sẽ "khơi trong" được kỷ niệm, nhưng nào ngờ, càng "gạn đục" lại càng vô tình làm quay quắt cả một miền ký ức. Sau khi học xong lớp y tá, chị được Tỉnh đội Bình Định điều về công tác ở trạm xá K208. Một căn cứ được xây dựng dưới các vòm hang đá gộp, trong khu rừng Da Két. Vùng giáp ranh giữa hai huyện Bình Khê và Vĩnh Thạnh - nơi có con sông Quéo bắt nguồn từ dãy núi Yang Điêng, uốn lượn một vòng ngoạn mục rồi khép mình xuyên qua triền thung Da Két. Ở trạm xá, nhiệm vụ của chị là hàng ngày lo thay băng và giặt giũ quần áo cho thương binh. Sáng sáng, trên con dốc dẫn xuống bến nước, dài hơn 200m, chị có cảm giác bình yên dưới những tán lá từ cánh tay Chò vươn xoãi chở che, trong tiếng léo nhéo thân thuộc của đàn Voọc. Ngoài những phút sống ấm áp trong tình đồng đội, chị thường ra bến nước đùa nghịch với đàn Voọc. Coi chúng là những đứa em ở rừng đã giúp chị vơi đi nỗi gian khổ, nhọc nhằn. Đàn Voọc cả thảy có 15 con. Con đầu đàn trông bộ hiền lành và chững chạc với cái đuôi ngắn củn. Nó đi dâu thì cả đàn lẽo đẽo theo sau. Nhín được vài củ khoai, củ mì chị mang ra bến nước cho đàn Voọc và đứng nhìn chúng nhún nhảy, đu đưa trên các cành cây, tảng đá. Dần dần thành thói quen, hễ thấy chị là đàn Voọc chen nhau chạy tới, chóc ngóc đợi quà. Các anh ở trạm xá thường hay nói đùa "Mai này giải phóng, con Nguyệt nên chuyển sang nghề thuần dưỡng thú là tốt nhất".
Mùa đông năm 1968, khí trời se se lạnh, cả khu rừng Da Két rung chuyển dưới những tràng đạn pháo của giặc. Các anh trong trạm lo chuyển thương sang tuyến khác, một mình chị ở lại chăm sóc 6 thương binh cố định. Số gạo muối dự trữ vơi dần, chị nhẹ nhàng vét từng nhúm không để có tiếng rơi xuống đáy thùng, sợ anh em thương binh phát hiện hết gạo, sẽ không chịu ăn. Riêng phần chị, chị phải hái đọt non của giống địa lan, lá to bằng bàn tay, bò qua vách đá, luộc chấm với muối ăn cầm hơi. Cái vị ngon ngót, ngấy chát của nó, lần đầu tiên khó mà nuốt trôi, chị chảy nước mắt. Phải! Chị khóc cho "đã" cái khổ, khóc để nuốt "tuột" cái cay cực vào lòng.
Chợt trong đầu chị lóe lên một ý nghĩ giết thú rừng làm thức ăn tạm cho những ngày đói khổ này. Nhưng mấy hôm nay, dưới làn đạn giặc cày xới, chim thú đã ẩn trốn vào rừng sâu. Bỗng chị lạnh toát cả người khi nhìn thấy đàn Voọc đang lởn tởn trên các tảng đá nằm bên mép nước, nơi mà chị thường đặt quà cho chúng. Những ánh mắt trong veo, hiền lành còn phảng phất sự sợ hãi, lo âu từ tiếng nổ và lửa, như đang rụt rè đợi chị ban phát sự bình yên. Thương quá! Nhưng vô lẽ chị ngồi nhìn đồng đội ôm cơn đau mà gục xuống cái đói. Đạn pháo giặc vẫn nổ, chà đi xát lại từng vết lở của rừng và lửa cháy lan dần làm bỏng rát cả những ý nghĩ đang giằng xé trong chị. Chị không thể bỏ trạm, bỏ thương binh để đi tìm lương thực cho các anh.
Một ngày. Hai ngày. Ba ngày... rồi một tuần lễ mòn mỏi đi qua. Gạo chỉ còn đủ cho 3 bữa cháo loãng nữa là hết. Đói đến run chân, chị mang khẩu AK ra bến nước. Con Voọc đầu đàn xuất hiện, vẫn thân thuộc như ngày nào. Chị giương súng, điểm đầu ruồi nhòa dần, nhòa dần. Trời ơi! Giá như trước mặt chị là lũ giặc thì còn gì phải ngần ngại. Đằng này là những đứa em, mà rừng đã hào phóng tặng cho chị. "Voọc ơi! cứ xem như mầy đã hy sinh vì đồng đội của chị. Tao mắc nợ mầy, sau này hòa bình tao sẽ trả". Chị lầm thầm như để lấy lại bình tĩnh, siết cò. Một tiếng nổ đanh, gọn, khẩu súng tuột khỏi tay, chị bàng hoàng khụy xuống. Đàn Voọc ở phía sau nháo nhác. Con Voọc đầu đàn trúng đạn, ôm ghì vào thân cây chò. Kéo đứa con đang cõng sau lưng đưa chuyền cho một con khác và tay nó run lên bần bật, rời tuột khỏi cành, kéo sượt những vết móng vào thân cây rồi đổ ập xuống đất. Chị chạy đến. Lấy tấm chéo dù choàng ôm con Voọc vào lòng, chị không dám nhìn, từng bước rã rời trên con dốc ngoằn ngoèo về trạm.
Bữa cháo thịt rừng chứa chan nước mắt. Đêm xuống, tiếng bồ chao lùm im bặt ở góc rừng. Chị lắng lặng ra ngồi bên dòng sông Quéo và miên man: Hóa ra lâu nay chị cho quà, chị thương yêu chúng để rồi kết cục nghiệt ngã thế này sao! Những ấm ức cứ chen nhau quăng quật chị vào hừng hừng cơn sốt. Và chị nghe đâu đây tiếng chú Voọc con gọi mẹ nỉ non, thống thiết...
***
Hôn con, hôn chiếc phái lông Voọc. Chiếc phái mà chị Ba tôi đã thay tục lệ đeo bùa cho trẻ sơ sinh, bằng một hoài niệm để cầu mong những đứa trẻ trên đời luôn được gần gũi với mẹ.
Mùa hè vừa qua, được phân công thực hiện phóng sự truyền hình "Về chiến khu xưa" , tôi trở lại vùng núi rừng Da Két. Dưới cái nắng bốc lửa, hút cạn những khe suối, đổ vào người chúng tôi từng dòng mặn chát. Gần 10 km đường rừng, tính từ điểm xuống xe ở đầu hồ Thuận Ninh, qua làng M6, chúng tôi mỏi bã chân, cố trèo qua những hang hốc đá gộp để đến khu rừng trạm xá K208. Ngủ vùi hơn 3 tiếng đồng hồ, tôi thức dậy và lần dò dấu tích. Từng bước, từng bước trong cảm giác như chạm vào vết chân của chị Ba ngày trước. Đây là nơi thương binh nằm; đây là con dốc chùi xuống bến nước sông Quéo; đây là nơi đàn Voọc tung tăng chạy nhảy và đâu kia là nơi Voọc chết... tất cả hiện dần dưới màu xanh bạt ngàn của thời gian.
Tôi đứng bần thần đưa cái nhìn về những rặng núi xa mờ, lòng bỗng dâng lên một nỗi mang mang, thổn thức: Không biết đàn Voọc của chị Ba giờ này đang ở cánh rừng nào và con Voọc con ấy đã sống ra sao trong những ngày mất mẹ. Bất giác, tôi bật lên tiếng hú vọng dài, rưng rưng, như thể thay mặt chị tôi nói lời tạ tội với đàn Voọc, ngày xưa.
Chiều xuống nhanh. Bóng hoàng hôn trìu trĩu níu mây ngàn.
Mỹ Khê, Đà Nẵng 10-2000
N.D |