. Truyện ngắn của Lê Hoài Lương
Đó là con người từng bị cộng đồng tẩy chay. Hai mươi năm, thời gian quá dài đối với một đời người, đặc biệt càng sẽ là những đổi thay lớn với số phận như anh. Tôi đinh ninh rằng từ hố thẳm kiếp người, giờ nếu còn sống, theo kiểu diễn biến thông thường trong tiểu thuyết, anh hẳn sẽ là chủ một cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh ăn nên làm ra và có thể đang là một nhà từ thiện.
Con người không đủ bản lĩnh để tự tử ấy đang còn sống. Và đã không như tôi dự đoán…
* * *
Củ khoai sống lận lưng của người đàn bà luống tuổi được nhai nhuyễn mớm vào miệng nó – đứa bé tám tháng tuổi đang ngắc ngoải vì cha mẹ đã chết đói. Năm bốn lăm! Con số chỉ dừng lại ở mức hai triệu chứ không có lẻ một. Nó được đặt tên Hòa Bình là có ý. Chồng bà, người lính khố đỏ chết trận từ năm 1920. Dĩ nhiên nhiều đàn ông trong làng cũng bị giết bởi máy chém hoặc đạn đồng.
Hòa Bình lẫm chẫm cùng mẹ nuôi đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ. Rồi Hòa Bình. Không lâu. Miền Nam máu lửa. Cả miền Bắc nữa. Cũng như bao chàng trai khác, năm 1965, anh phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp lên đường vào Nam chiến đấu. Trước khi đi, anh cùng bọn nhóc – lũ trẻ thường vây quanh nghe anh kể chuyện Kha Luân Bố, Nã Phá Luân, chuyện tìm mộ Tần Thủy Hoàng, rồi Khổng Minh bấm độn…, đến viếng nhà tưởng niệm liệt sĩ ở địa phương. Tấm bia xi măng khắc tên liệt sĩ bao lần phải đập phá xây lại vì không còn chỗ khắc tên, giờ đã to như một bức tường. Anh đọc từ đầu đến cuối rồi mỉm cười bảo không biết tên anh sẽ khắc ở đoạn nào. Anh đi, tháng tư.
Tháng mười một bỗng dưng anh về nhà, cánh tay có vết sẹo đạn bắn. Làng xóm đều thăm đông nghịt, thăm hỏi chuyện anh bị thương, hỏi chuyện chiến trường, chuyện con em mình… Buổi chiều hôm đó không còn một người đến nhà. Bà mẹ ngồi khóc, tay cầm tờ giấy của xã.
* * *
Đã ba tháng. Đơn vị anh vượt mấy trăm cây số qua bao núi rừng. Ven đường những hố hầm đỏ ngầu, những chiếc Zin thành đống sắt vụn, những cô thanh niên xung phong băng mình qua khói bom hối hả san đường. Và máu. Thật nhiều. Chiến tranh đang hồi khốc liệt.
Mặt đất rung lên dữ dội. Tai anh chỉ nghe tiếng chát khô khốc.
Không biết thời gian bao lâu anh tỉnh dậy thấy mình nằm lơ lửng trên một vùng dây leo. Trời bắt đầu nhá nhem. Anh loay hoay day trở tìm cách xuống đất. Chung quanh tịnh không một âm thanh. Khẩu AK nằm cách không xa, báng gỗ toác một mảng lớn. Không một âm thanh. Anh hoảng hốt cầm súng luồn qua vùng lá nhập nhoạng tìm lại con đường đơn vị đang đi. Trời tối rất nhanh. Anh mất phương hướng và lạc đường. Vấp ngã dúi dụi. Rồi đi. Chung quanh không một tiếng động. Bàn chân đột ngột ướt sũng, anh biết đến suối. Và biết tai mình điếc đặc. Không lường được nông sâu, anh quay lại. Một con vật gì đó tột mạnh vào người làm anh bật ngã. Nỗi lo sợ đến tột đỉnh. Anh lập cập mò mẫm đi rồi bất ngờ cả người lăn dài xuống hố sâu. Nhờ hai tay giữ chặt súng anh được ngáng lại giữa chừng. Tựa vào bụi cây nhỏ anh thiếp đi…
Mặt trời đã lên cao. Ráng sức bò lên khỏi miệng vực. Mặt trời lộng lẫy rọi sáng. Anh định thần nhìn lại thân thể mình. Nhiều vết máu. Chắc là những xây xước sau bao vấp ngã. Phải sống! Phải tìm cách trở về với đồng đội. Anh nhìn mặt trời và đi về hướng Tây. Đôi tai dần hồi phục. Những sợi dây leo kỳ dị như trăn rắn, những vết chân gấu trên cây như lời cảnh báo… Âm thanh rừng vắng khiến anh càng hoảng sợ. Rừng đại ngàn thâm u vây quanh lắc lư, chao đảo, rợn ngợp. Anh từng ra biển Đồ Sơn và đã thấy cái rợn ngợp của biển. Rợn ngợp vô hạn. Còn rừng thì kỳ bí và hữu hạn rợn ngợp. Anh hoàn toàn kiệt sức. Đói khát. Hoảng sợ và tuyệt vọng. Dẫu sao, đôi bàn chân vẫn cứ lựng khựng bước trong màn lá âm u. Có lẽ đến hai, ba giờ chiều.
Bỗng nhiên, một quang cảnh tuyệt diệu hiện ra khiến anh lập tức hồi sinh: trong khu rừng phía trước một đơn vị bạn đang treo võng ngũ. Anh gào lên: “Các đồng chí ơi!!!” Chỉ có tiếng anh luồn đi hun hút. Đồng đội ngủ say quá, chắc là sau chặng hành quân dài mệt nhọc. Anh bươn bả lao đến gần và tiếp tục gọi toáng lên! Vẫn là những giấc ngủ say sưa. Không kìm được, anh ào tới ôm lấy cánh võng gần nhất, cánh võng chao qua khác lạ: anh không tin ở mắt mình khi trong võng là một bộ xương khô. Rởn tóc gáy, anh lao đến cánh võng thứ hai. Lại một bộ xương người! Cánh võng bên cạnh chao nhẹ trong gió, rách toạc vết chân thú! Nỗi kinh hoàng đã lên đến óc, anh nhằm hướng bắc cắm đầu chạy theo bản năng. Vấp ngã. Rồi vùng dậy chạy. Sự khiếp nhược còn đáng sợ hơn cái chết. Anh chạy, tri giác hoàn toàn mù. Một lần nhủi mặt xuống đất anh bỗng nghe có tiếng rền động cơ. Gần tới đường rồi, anh reo lên điên dại. Nhưng không phải. Tiếng động cơ máy bay trên đầu. Anh thất thểu đứng dậy nhận ra khu rừng đang ngập tràn một màn sương đục. Anh miên man chạy trong màn sương đến lúc sương tan và lần này không có gì nhầm lẫn: trước mặt bất ngờ hiện ra con đường. Con đường ra Bắc, vào Nam. Anh vẫn chạy, không có gì ngăn được anh chạy về hướng có người mẹ nghèo, có xóm làng thân quen và đám trẻ anh yêu mến. Ngã đập mặt xuống nền đường. Không thấy đau. Chỉ có máu ràn rụa chảy cùng nước mắt, rơi từng giọt qua cằm, qua mũi. Anh bừng tỉnh. Và quyết định không cần suy nghĩ: kề đầu súng vào bắp tay trái bóp cò. Rồi ngất đi…
Đồng chí trưởng trạm chữa chạy cho anh chu đáo nhưng nhìn anh bằng cái nhìn nghiêm khắc và khinh bỉ. Nửa tháng sau anh được gởi theo xe về hậu phương.
* * *
- Anh cút ra khỏi nhà tôi! Cút ngay!
- Con xin u! Con lạy u! U cho con một cơ hội...
- Không! Không! Không! Anh cút ngay! Giời ơi! Sao tôi cứu anh năm đói đó! Sao anh không chết mà về nhục nhã thế này! Giời ơi...
Bà mẹ sau một hồi kêu gào, khóc lóc đã nằm xoài ra nền đất, mặt ngoảnh hướng khác hổn hển thở, tuyệt nhiên không nói thêm một lời. Anh chỉ còn cách quỳ thụp lạy mẹ mấy lạy rồi lủi thủi đi ra ngõ. Trên đường mọi người đều rẽ hướng khác hoặc trừng mắt gầm ghè: “Mày là thằng làm ô nhục cái xã này!”. Ở cái xã “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, cái xã chất ngất bức tường bia liệt sĩ này, anh quả là một biểu hiện sỉ nhục.
Trời lay phay mưa. Anh cứ đi. Vào cái lối dẫn tới kho hợp tác xã, có lẽ theo quán tính thời chưa nhập ngũ. Không đủ can đảm ra phía trước khô ráo hơn, anh dạt vào hiên sau và nép người nằm xuống. Vách đất đã mủn tỏa ra mùi thuốc sâu hăng nồng, mùi phân khai ngấy. Moi vách vào lấy một chai tu mấy ngụm là xong, tất cả sẽ được giải thoát. Ý nghĩ đó cứ lẩn quẩn trong đầu đến khi anh ngủ thiếp đi. Lúc anh tỉnh dậy trời đã tối hẳn. Dạ dày co thắt. Anh móc cái bật lửa để lại rồi lẩy bẩy ra mương nước phía trước, trầm mình xuống mò. Nắm được bất kỳ cua, cá, nhái... nhận vào hai túi áo. Quơ vội vài thanh tre chung quanh, anh nhóm lửa. Mọi người sẽ tới. Mặc, anh ôm ngọn lửa vào lòng, nghe mùi thơm cua cá nướng. Khơi vội ra, cho vào miệng nhai ngấu nghiến, lưỡi bỏng rát. Mặc. Vài người đã đứng cách anh mấy mét tự bao giờ. Họ hiểu và quay đi. Chắc là đùn nhau nên không ai nói gì cả. Lửa ấm và sự thăng bằng của dạ dày nói với anh rằng phải sống. Thì ra sống đã khó, chết còn khó hơn.
Nhiều ngày trôi qua như thế. Chỉ khác là anh đã đi mò cá ban ngày rồi gom ra chợ đổi gạo, đổi mấy thứ nồi niêu về nấu ăn. Không ai ra sau kho dù biết nơi đó có anh đang sống.
Một hôm ngủ dậy anh thấy bên cạnh mình có một bộ quần áo cũ và tấm lưới. Mẹ ơi! Anh ngồi khóc. Mẹ vẫn không hoàn toàn bỏ con! Có tấm lưới anh kiếm được nhiều cá hơn. Gom nhặt ba tháng, anh ra rìa đê che tạm cái chòi nhỏ cho mình. Ba tháng nữa đã có cái thuyền con.
Lũ trẻ thường tạt qua anh trên đường đi học về xin nước uống và nài nỉ anh kể chuyện như trước. Chúng mang lại cho anh khi quả ổi, quả cà, bị muối. Cha mẹ chúng rồi cũng biết. Có người đến tận nơi anh xỉ vả. Có người chỉ nghiêm khắc răn đe con: “Nó là người xấu, mày không được tới đó!”. Vài đứa dám lén đến, anh ôm chúng vào lòng rồi buồn bã bảo chúng đi.
Mặc cha mẹ đánh đập, mặc xóm làng dè bỉu, một người dám công khai đến chòi anh: cô Chừng. Hai bảy tuổi, nghễnh ngãng và bị tật bẩm sinh đi dẹo dẹo. Nhiều năm sau cô ở hẳn với anh. Miền Nam giải phóng. Rồi họ có hai đứa con gái.
o0o
Tôi là thằng nhỏ lẽo đẽo theo anh nghe kể chuyện, theo anh ra nhà tưởng niệm liệt sĩ địa phương, lén mẹ đến với anh ở cái chòi ven sông. Lớn lên, tôi dần hiểu vì sao cả làng xóm tẩy chay anh - người tôi phục tài bắt cá, tài kể chuyện và rất yêu mến bọn trẻ chúng tôi. Cầm tấm bằng Cao đẳng sư phạm Hải Phòng tôi không đến thăm anh mà lên tàu vào Nam ngay. Gia đình tôi đã chuyển về từ năm ngoái. Thực ra, tôi đã đọc nhiều và không còn thấy anh là thần tượng nữa. Cái hăm hở tuổi hai mươi của tôi bảo rằng anh là thằng hèn. Thằng hèn đào ngũ và không dám chết những ngày bị cả làng khinh. Tôi thường kể cho bạn bè chuyện anh bằng vẻ dè bỉu. Ba mươi tuổi, tôi không kể nữa. Bốn mươi tuổi, có dịp về quê ngoại, tôi lại đến thăm anh.
- Cậu có biết vì sao tôi không tự tử không? Sống nhục còn đáng sợ hơn cái chết. Vậy mà tôi đã không chết. Cậu có biết vì sao không?
Vì sao ư? Người đàn ông răng rụng, tóc bạc phơ còn lơ thơ mấy khóm và một cơ thể xộc xệch nhàu nhĩ ở cái tuổi năm mấy hoàn toàn không có cơ hội làm lại cuộc đời. Hai đứa con đã lần lượt chết trong đau đớn vì bố bị nhiễm chất độc màu da cam. Khu rừng và màn sương đục. Những bộ xương khô trong những cánh võng. Người đàn bà mà tạo hóa sẩy tay trong cơn say lai có một tâm hồn biết mơ ước không còn cơ hội làm mẹ đã nhanh chóng đi tìm hy vọng ở thế giới khác.
Vì sao ư? Nàng Việt Trinh trên vách đã quá tã tượi vẫn còn cười duyên - căn cứ vào số năm biết rằng anh rất ít, đúng hơn là không có bạn. Làm bạn với anh thì chia sẻ được gì? Sự hèn kém chăng? Thần kinh anh đã hoàn toàn rệu rạo, đáng lẽ chĩa nòng súng vào đầu chứ không phải cánh tay. Vậy mà nhìn hai đứa con cứ ra sông trầm mình quằn quại, nóng buốt rồi chết dần, sao anh không hóa điên như mẹ chúng?
- Cậu không lý giải được chứ gì? Mẹ tôi qua đời cũng đã mười mấy năm nay rồi. Bà nhờ người gọi tôi về giao ngôi nhà này trước khi chết. Bà đã không chối bỏ tôi. Khi con tôi bắt đầu đau đớn rồi chết, làng xóm đến thăm, giúp đỡ. Họ tự bào chữa với nhau rằng đó là cư xử vì tình người. Thực ra trong lòng họ cũng đã biết khinh khi. Tôi chờ đợi điều này đã lâu. Vậy mà nó chỉ đến khi tôi nhận bất hạnh khác. Tôi là một con người cậu à! Có thể cũng như mọi người cậu gọi tôi là thằng hèn, nhưng tôi là một con người. Tôi sinh ra để sống...
Tôi vụng về nói mấy câu chia sẻ, đại loại anh cũng là nạn nhân của chiến tranh; hành dộng của anh cũng dễ hiểu và dễ thông cảm... Tôi chợt thấy lời mình nói thật vô nghĩa và im bặt, ngượng ngùng.
Anh cười như mếu:
- Cậu có hình dung điều này không, niềm vui sinh con lại kèm trong tôi nỗi lo: mai mốt đi học, đi làm, chúng sẽ viết sao về lý lịch bố? May mà con tôi chưa được làm khai sinh - vợ chồng tôi không được luật pháp thừa nhận mà. Và chúng nó cũng chưa có điều kiện để tủi hổ vì bố...
Suối Trầu, 4-1-2000
L.H.L
|