Lễ hội Vía Bà – Nhơn Phong
10:34', 27/3/ 2003 (GMT+7)

Miếu bà

Tương truyền, cách đây độ ba thế kỷ, ở vùng đất Nhơn Phong, An Nhơn, có một người đàn bà tên Đỗ Thị Tân không biết từ chốn nào đến đây sinh sống. Bà không lập gia đình, sống một mình trong túp lều tranh bên bờ hồ. Hàng ngày buôn gánh bán bưng làm kế sinh nhai, nhưng đặc biệt công việc chính mà bà chú tâm lại ngẫu nhiên trùng hợp với ý niệm sâu sắc về địa danh Nhơn Phong (Nhơn – người, Phong – phong phú, phát triển) – bà là người đỡ đẻ – giúp cho sự sinh nở, phát triển số dân ở vùng đất còn thưa người. Từ ấy, có không biết bao nhiêu sinh linh đã chào đời bình an do đôi tay bà nâng đỡ. Chẳng quản đêm hôm, mưa gió hay đường sá xa xôi, chẳng phân biệt sang, hèn, nơi nào cần, bà đều có mặt. Tạo phúc cho đời nhưng bà chẳng màng đến việc trả ân. Kính trọng tài năng và đức độ của bà, về sau vua Tự Đức đã ban sắc “Ân đức độ nhân” (Tiếc rằng, sắc phong ấy hiện nay không còn giữ được). Vào đêm 16 rạng ngày 17 tháng giêng âm lịch của một năm xưa, bà đã lặng lẽ ra đi không để lại một lời nhắn nhủ. Dân làng buồn thương tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn bặt vô âm tín. Các cụ già bảo bà đã thăng về trời.

Nhớ ơn ân đức sâu nặng mà bà đã ban, dân làng chung nhau lập miếu thờ bà ngay trên nền lều tranh cũ. Miếu thờ ấy gọi là miếu Bà hay còn gọi là “Hộ sản miếu”. Ngôi miếu nằm sát lộ giao thông, trung tâm phố chợ Cảnh Hàng ngày nay, trên diện tích khoảng 600m2. Tại đây lễ hội Vía Bà đã trở thành truyền thống hàng năm. Cứ đến dịp 16, 17 tháng Giêng, dân làng địa phương và các vùng lân cận tổ chức cúng tế để tưởng nhớ công ơn của bà.

Từ chiều ngày 16, người dân các nơi xa gần đã hội tụ về miếu Bà cầu lễ. Người thì cầu mong được may mắn, bình an về đường con cái; kẻ thì cầu cho con dâu, con gái mình làm tròn thiên chức làm mẹ lúc nở nhụy khai hoa; người thì đến để tạ ơn bà đã cứu giúp, và phần đông là những tấm lòng vì mến mộ ơn đức của bà qua lời kể mà sùng bái kính lễ. Có năm lượng người đông đến nỗi không chỗ chen chân.

Giờ hành lễ được tổ chức rất long trọng vào 11 giờ khuya. Hành lễ tế bà xong, thời gian cũng đã điểm sang ngày hôm sau. Đội lân múa lân sư rồng để cúng bà – môn nghệ thuật múa kết hợp với võ thuật tạo thành bức tranh tuyệt đẹp. Sau màn biểu diễn lân thì ra tuồng “hát án”. Hát án chỉ được phép diễn các trích đoạn tuồng đã quy định như: “Quan Công phò nhị tẩu”, “Huê Dung lộ”… Các đêm sau đó mới được phép hát những tuồng khác tùy theo ý dân làng yêu cầu đoàn diễn.

Khoảng 9 giờ dân làng bắt đầu tham gia các trò chơi được tổ chức trong không khí hào hứng, với nhiều nội dung như: bóng chuyền, kéo co, đập ấm, nhảy xa, nhảy cao, thi chạy… Sang chiều ngày 17, là thời điểm thu hút đông nhất lượng khách hành hương và xem hội, bởi có tục chưng cộ múa lân và đặc biệt là “đốt cây bông” lễ bà.

Khoảng 7 giờ tối, trong màn đêm buông xuống, khu chợ Cảnh Hàng lại rực lên ánh sáng đủ màu sắc của những chiếc đèn lồng được các gia đình treo trước cửa nhà, kèm theo chiếc phong bao nho nhỏ, màu đỏ xinh xắn (người địa phương gọi là treo lèo để thưởng cho những người tham gia múa lân qua các ngày diễn mệt nhọc). Múa lân kết hợp chưng cộ là tục cổ truyền. Bên cạnh 7 chiếc kiệu hoa phụ-đại diện cho 7 thôn của làng quê Nhơn Phong được bà con trang hoàng đẹp đẽ, chu đá-là chiếc kiệu án bà.

Lễ rước kiệu án bà bắt đầu, trước kiệu có đội lân mở đường, đi hầu sau kiệu bà là ban tế lễ, trong dòng người đông đúc, kiệu rước bà từ miếu thờ đến địa điểm Gò Trại để bà cùng dân làng vui đón hội hoa đăng. Gò Trại cách miếu khoảng 500m về hướng đông, đó là khoảng đất trống thuận lợi cho việc đốt cây bông 12 tầng được các thợ ở Tân Dân – Phú Đa làm, tượng trưng cho sự chào mừng 12 tháng trong năm và cũng có nghĩa chào đón tuổi mà đứa bé phải mang (một trong 12 con giáp) khi chào đời. Ánh sáng rực rỡ phát ra từ cây bông như hàng nghìn bông hoa đua nở, lan tỏa bảy sắc cầu vồng làm rực sáng cả một vùng trời, kèm theo tiếng reo hò hạnh phúc của dòng người đang tụ về mỗi lúc một thêm đông.

Khi cây bông đã nở hoa, âm thanh và sắc màu đã hòa quyện vào không trung, đoàn rước kiệu bà đi từ điểm đốt cây bông, thỉnh kiệu án bà về làng, vừa đi lân vừa múa và lần lượt dừng lại ở từng gia đình có thiết bàn thắp hương, treo lèo, đèn lồng trước cửa, mong đón kiệu bà và lân vào nhà để được hưởng phước từ bà ban cho, đồng thời nhờ lân xua đi những gì đen đủi, bất trắc cho gia chủ, để mọi nhà đều được bình an, gặp được nhiều may mắn và hạnh phúc. Khi gia đình sau cùng đã được ban phước, đoàn rước kiệu án bà về lại miếu để làm lễ thành…

Đến làng quê Nhơn Phong để dự lễ hội Vía Bà giữa nắng xuân ấm áp, lòng người cũng như vong linh của bà chắc thỏa nguyện trước những tình cảm mà nhân dân nơi đây và khách thập phương đã dành cho bà, và cũng vì những tấm panô mang dòng chữ “dừng lại ở hai con” để nuôi dạy cho chúng nên người không còn mang ý nghĩa vận động mà đã trở thành hiện thực. Ngày nay, người dân nơi đây đã chú trọng đến việc giáo dục con em, lối nghĩ “trời sinh voi sinh cỏ” đã lùi vào quá khứ, bởi ai ai cũng cảm nhận được điều: Bức thông điệp của chúng ta gởi vào tương lai, đó chính là con cái. Và chắc bà cũng vui lòng, vì xưa kia, những con đường lầy lội mà trong những đêm mưa gió bà phải vượt qua bằng đôi chân trần đến cứu giúp những sản phụ sinh nở gặp bất trắc, đã được thay bằng bê tông với phương tiện cơ giới hầu như đã phổ biến ở mỗi gia đình. Sự chúc phúc của bà ngày càng trở thành hiện thực.

. Nguyễn Thị Thúy Hằng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vấn đề kế thừa và phát triển nhạc tuồng ở Nhà hát tuồng Đào Tấn  (27/03/2003)
Hòa bình  (21/03/2003)
Con trai ông cá voi  (20/03/2003)
Cuộc thi vẹt  (14/03/2003)
Đàn voọc của chị Ba  (12/03/2003)
Bài thơ “Đói” của Chế Lan Viên  (06/03/2003)
Có một Ngọn rau đắng của Đào Quí Thạnh  (04/03/2003)
Bài thơ "với đảng, mùa xuân" của nhà thơ Tố Hữu  (21/02/2003)
Quy Nhơn thành phố tôi yêu  (21/02/2003)
Thơ - thơ dở và thơ hay  (21/02/2003)
Những kỷ niệm với nhà thơ bậc thầy - Tố Hữu  (22/02/2003)
Nhà thơ Tố Hữu - “Đường qua mấy phố Quy Nhơn”  (19/01/2003)
Lạp xưởng Bà Chị - Hàng thực phẩm chất lượng cao  (28/02/2003)
Bình Định-Trung tâm chế biến đồ gỗ và hàng lâm sản xuất khẩu  (28/02/2003)
Tiềm năng chế biến - xuất khẩu hải sản  (28/02/2003)