|
Cồn chim (ảnh Đào Tiến Đạt) |
So với các ngành sản xuất khác, trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 20 đến thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, du lịch Bình Định có mức phát sinh ô nhiễm không đáng kể. Tuy nhiên, khi đã xác định thế mạnh của du lịch Bình Định là du lịch sinh thái và văn hóa, lịch sử, dù hoạt động kinh doanh du lịch chưa đạt quy mô lớn đi chăng nữa thì những tác động từ đó lên môi trường các vùng di tích, cảnh quan thiên nhiên cũng cần sớm được lưu ý bảo vệ.
Khi mức sống được nâng cao thì nhu cầu về văn hóa, và các vấn đề sinh thái dần dần trở nên gần gũi với con người và vị trí của nó cũng trở nên quan trọng hơn, thậm chí có thể chúng quan trọng không kém gì các nhu cầu ăn uống, đi lại... Mặt khác cũng cần thấy rằng khi các vùng du lịch được coi là trọng điểm bắt đầu bão hòa thì cùng lúc đó cơ hội để những vùng đất còn ít được khám phá như Bình Định giới thiệu mình và thu hút du khách cũng nhiều lên. Trong chiến lược phát triển kinh tế tỉnh nhà, du lịch ngày càng trở nên quan trọng hơn. Vì những lẽ như vậy, việc bảo vệ môi trường, xây dựng những kế hoạch dài hạn về bảo vệ tôn tạo cảnh quan du lịch, các di tích đã nằm trong tầm ngắm của các ngành thương mại, kế hoạch, văn hóa...
Có thể tóm tắt các định hướng phát triển du lịch của tỉnh ta như sau: Khai thác lợi thế về cảnh quan, sinh thái, văn hóa và lịch sử để phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Nâng cấp và phát huy tác dụng các điểm du lịch Ghềnh Ráng, Quy Hòa, Bảo tàng Quang Trung, Hầm Hô, các quần thể di tích đền tháp Champa. Đầu tư phát triển một số khu du lịch mới như khu du lịch sinh thái Phương Mai – Núi Bà, tuyến du lịch dọc đường Quy Nhơn – Sông Cầu, xây dựng một số khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế… Tuy nhiên điều đáng tiếc là một số vị trí dự kiến sẽ phát triển một số mô hình du lịch sông nước, tận dụng sự độc đáo của những hệ sinh thái khá cá biệt đã bị tàn phá nặng nề. Điều may mắn là tỉnh ta đã kịp ngăn chặn trước khi không còn gì để cứu vãn nữa.
Tuy du lịch được xem là ngành công nghiệp không khói nhưng nếu không có biện pháp đề phòng những tác động tiêu cực thì du lịch cũng sẽ gây suy thoái môi trường. Hiện tượng mất hệ sinh thái rừng ngập mặn ven đầm Thị Nại là một ví dụ. Việc khai thác ồ ạt diện tích đất ngập mặn để nuôi trồng thủy sản chủ yếu nuôi tôm không theo quy hoạch nào đã để lại nhiều hậu quả xấu, và ven đầm Thị Nại nay hầu như không còn dạng rừng này nữa. Sự suy thoái này bắt đầu diễn ra từ nhiều năm trước, khi mà việc nuôi trồng thủy sản chủ yếu là nuôi tôm đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế. Tuy nhiên chúng ta đã không ý thức hết, đánh giá đầy đủ những hệ quả tiêu cực do việc mở rộng ồ ạt diện tích nuôi trồng. Hệ quả ấy nay đã bộc lộ nhiều dấu hiệu tiêu cực: môi trường nuôi trồng kém an toàn, dịch bệnh thường xuyên, năng suất nuôi trồng thấp, môi trường sống của cư dân lân cận bị suy thoái. Và đặc biệt nếu không được đầu tư phục hồi sự đa dạng, sinh cảnh cá biệt này khó lòng đứng vào danh sách những địa điểm có thể khai thác, phát triển du lịch sông nước.
Rất may là chúng ta đã kịp nhận ra vấn đề và có những kế hoạch phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn. Thạc sĩ Nguyễn Thành Phương – cán bộ phụ trách Phòng Môi trường (Sở KHCN – MT) cho biết: "UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành có liên quan điều tra khảo sát, nghiên cứu để quy hoạch, có phương án sử dụng hợp lý rừng ngập mặn. Trước mắt dự án nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái, sử dụng hợp lý và bảo tồn nguồn lợi vùng Cồn Chim (ven đầm Thị Nại) đã được khởi động. Nếu việc phục hồi rừng ngập mặn ở khu vực này thành công, Cồn Chim sẽ là một vùng sinh thái có giá trị cao. Việc nuôi trồng thủy sản sẽ được tiến hành trên quan điểm kinh tế - sinh thái, rừng cũng sẽ trở thành lá phổi xanh của thành phố. Hệ sinh thái phục hồi, cân bằng cũng sẽ giảm thiểu những rủi ro trong nuôi trồng và khai thác thủy sản, và hệ qủa tích cực trước tiên là ta có thể tạo cảnh quan hấp dẫn để phục vụ du lịch sinh thái".
Tại một hội thảo bàn về việc xây dựng định hướng bảo vệ môi trường của tỉnh BĐ, Tiến sĩ Bùi Văn Ga (Đại học Đà Nẵng) phân tích: "Chúng ta cần có những quy hoạch chặt chẽ các điểm nghỉ ngơi giải trí, bao gồm du lịch biển,du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử. Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, giữ sạch môi trường, chống xuống cấp các điểm di tích lịch sử văn hóa. Ban hành hệ thống chính sách để đảm bảo sự phát triển du lịch ổn định bền vững. Các cán bộ, lãnh đạo trong ngành du lịch nên được bố trí đi học tập kinh nghiệm những địa phương có thành tích trong việc bảo vệ môi trường du lịch ở trong và ngoài nước, đồng thời sớm ban hành các tiêu chuẩn chất thải đối với những vùng hoạt động du lịch nhạy cảm với môi trường...". Như mọi ngành kinh doanh khác, du lịch cũng có tác động nhất định lên môi trường tự nhiên. Ta vẫn hay nói rằng – du lịch là ngành công nghiệp không khói nhưng nếu không được kiểm soát, quản lý chu đáo thì du lịch vẫn có thể gây ô nhiễm như thường. Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững, vì thế sớm cần có những kế hoạch đầu tư dài hơi.
. Đông A
|