Vài kỷ niệm với tác giả Tống Phước Phổ và NSND Nguyễn Lai
10:42', 27/3/ 2003 (GMT+7)

NSND Nguyễn Lai

Tôi tập kết ra Bắc cùng chuyến tàu, ở cùng đơn vị nghệ thuật (Đoàn Văn công LKV) với hai nhà hoạt động sân khấu nổi tiếng của đất nước: Tống Phước Phổ và Nguyễn Lai. Sau năm 1975, lúc về Nam tôi lại tiếp tục sống chung với Tống tiên sinh ở “Đoàn Tuồng Nghĩa Bình” rồi “Nhà hát Tuồng Đào Tấn”. Mãi đến những năm cuối đời do vì sức khỏe quá yếu nhà hát mới tiễn cụ về quê theo nguyện vọng của cụ. Chính vì thế mà lúc tôi về hưu, Tố Phong Tống Phước Phổ có thơ tiễn tôi, và tôi có họa lại 2 bài.  Không rõ vì sao chuyện xướng họa của tôi lọt tai Mịch Quang, Quách Tấn ở Nha Trang và Yến Lan ở thị trấn Bình Định, mỗi anh gởi đến chúng tôi một bài họa của mình. Thực ra thơ của Tố Phong tiên sinh tiễn tôi về hưu chỉ là chuyện tình cảm sâu nặng của hai tôi, sở dĩ ngẫu nhiên trở thành chùm thơ xướng họa, có lẽ do vì “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nhưng đến chuyện bài thơ “Lãnh lương hưu” (viết trước năm 1985) của Tố Phong Tống Phước Phổ sở dĩ có tác động mạnh trong nhiều người thì hiển nhiên không phải ngẫu nhiên:

Mỗi tháng trông mong được một lần

Nghe tin vội vã chạy chồn chân

Nhà ai gian chật hơi nồng nực

Sổ mấy chồng cao mắt ngó chừng

Các chị văn thư ngồi cúi mặt

Một bầy hưu lão đứng khom lưng

Chen nhau đã đổ mồ hôi hột

Lãnh được đồng lương khóc lại mừng.

Đọc xong bài thơ này tôi lặng người.

- Bác cho mượn bài thơ cầm về nhé! Tôi hỏi.

- Ừ, nhưng đừng đưa người khác đọc - ông dặn.

Tôi giữ đúng lời hứa không đưa người khác đọc, nhưng lại thuê đánh máy thành mấy bản, gửi đến các nhà chức trách trong tỉnh Nghĩa Bình và thị xã Quy Nhơn, ghi rõ tên tác giả và tên người sao lục gởi đi, nói thẳng vì sao phải làm như thế này.

Mấy ngày sau, gặp tôi, Tố Phong tiên sinh tỏ ý không hài lòng:

- Tôi không muốn người khác đọc bài thơ ấy.

- Nhưng tôi lại thấy đây là việc tôi cần phải làm - tôi trả lời.

Thì ra ông đã nhận được thư ngỏ của UBND tỉnh Nghĩa Bình cho biết đã nhận và đọc kỹ bài thơ ấy rồi.

Nếu tôi không lầm thì chừng vài mươi hôm sau đó có thông báo rằng việc phát lương hưu ở Quy Nhơn thay đổi đột biến như thế này:

- Quy định ngày phát lương hưu mỗi tháng cho từng khu phố.

- Do tổ trưởng tổ hưu trí từng khu phố phụ trách việc phát lương hưu. Ai đau ốm thì tổ trưởng mang tiền đến tận nhà phát.

Tống Phước Phổ

Thế mới biết sức mạnh của văn chương không chỉ có ảnh hưởng lâu bền mà còn có tác dụng trực tiếp nếu biết phát huy... Cũng từ đây tên tuổi của Tố Phong ở Quy Nhơn vượt ra khỏi cái ranh giới là nhà viết tuồng bền bỉ. Tuy nhiên, về hình ảnh các hưu lão trong câu thơ “một bầy hưu lão đứng khom lưng” thì các cụ hưu phàn nàn, làm tôi phải bỏ công giải thích cái hay, cái thâm thúy của câu thơ ấy. Nếu không có cái thâm thúy như vậy thì cũng không có cái sự khắc phục phát lương hưu nhanh chóng đến vậy đâu.

Kể lại chút kỷ niệm này tôi muốn lưu ý bạn đọc một điều: xin đừng nghĩ việc cụ Tố Phong không hài lòng chuyện tôi “phát hành” bài thơ bằng phương thức đặc biệt là vì ông sợ người ta sẽ thành kiến về ông. Không đâu. Đây chính là sự bộc lộ nhân cách khá quán xuyến đáng kính ở ông đấy. Tính ông ưa thích lặng lẽ, ghét khoác lác, cứ âm thầm làm những gì mình cho là đúng, cần phải làm, ai muốn biết thì tự tìm hiểu mà biết, ai không muốn biết thì thôi. Ngay như mối quan hệ giữa cuộc đời ông với Đảng, ông cũng từng xử sự như vậy.

Những ngày còn sống ở Hà Nội chúng tôi biết được dưới thời Pháp thuộc ông đã là đảng viên của Đảng, hoạt động cùng nhóm với Lý Tự Trọng ở Sài Gòn, do vì bao nỗi truân chuyên của lịch sử, ông bị mất liên lạc. Chi bộ “Đoàn Tuồng LKV” hồi đó có ý muốn làm mọi điều có thể để chắp nối khôi phục Đảng tịch cho ông, thế nhưng ông trả lời: “Sẽ rất nhiêu khê đấy. Vì khoảng cách thời gian khá xa, kẻ mất thì đã mất, người còn thì cũng đã phiêu bạt đó đây... huống nữa tuổi tôi đã cao, tôi cũng đang làm những việc mà dù có là đảng viên cũng thế thôi. Điều quan trọng là mình làm được gì cho Đảng”. Còn về công lao đóng góp của ông đối với nền nghệ thuật Hát Bội của đất nước thì đã có giải thưởng Hồ Chí Minh là minh chứng.

Riêng cụ Nguyễn Lai, đối với tôi là vị nghiệp sư. Những gì hiện nay tôi hiểu biết được về nghệ thuật Hát Bội, từ kiến thức đến thực tiễn một phần là do tôi thó được từ trong cái kho tư duy nghệ thuật của cụ. Vai Đỗng mẫu trong pho tuồng “Sơn Hậu” là do cụ trực tiếp truyền nghề cho tôi, cụ truyền đến từng động tác của từng lóng tay...

Tính khí bẩm sinh của cụ rất nóng nảy, dễ nóng bột phát. Phương thuốc chế ngự cái chất nóng ấy rất đơn giản, chỉ cần mời cụ uống một ngụm nước nguội, nước lã cũng được, là dập tắt ngay lập tức. Có lần cụ đọc cho tôi nghe bản dịch bài ca “Quỳnh Tương” cụ vừa dịch xong, nguyên văn câu mở đầu là “ngọc dịch, ngọc dịch tiên phẩm linh đơn”, cụ dịch thành “rượu ngọt, rượu ngọt...”. Tôi vội phán: “rượu mà ngọt thì thà uống nước mía còn hơn...”. Ấy vậy mà cụ giận tôi dễ đến nửa ngày, phương thuốc nước nguội không hiệu nghiệm trong trường hợp này. Thế mới biết cái sự tự ái nghề nghiệp thật dễ sợ. Biết được chuyện này cụ Phổ và cụ Nguyễn Nho Túy cười đến thắt cả ruột.

Tiếp xúc với Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Lai tôi thấy ở ông có nhược điểm về hình thể, về giọng hát bị “chinh”, nhưng về kiến thức nghệ thuật sân khấu Hát Bội thì ông là bậc uyên thâm. Do đó ông có tài biến cái nhược điểm về điều kiện tự nhiên của mình thành cái ưu điểm của nghệ thuật, nói cách khác là cái cần có của nghệ thuật. Vai Trùm Sò trong vở Nghêu Sò Ốc Hến, vai Bát vương trong Mạnh Lương bắt ngựa, vai Quốc cựu trong Giang Tả cầu hôn, vai Tạ Thiên Lăng trong Sơn Hậu... vai nào ông cũng xuất sắc trong sáng tạo hình tượng dựa trên sự khắc phục điều kiện tự nhiên của mình, điều này rất khó tìm thấy ở các nghệ sĩ khác.

. Vũ Ngọc Liễn

 
Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chân dung người anh hùng đánh bom cảm tử Ngô Mây  (27/03/2003)
Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững  (27/03/2003)
Lễ hội Vía Bà – Nhơn Phong  (27/03/2003)
Vấn đề kế thừa và phát triển nhạc tuồng ở Nhà hát tuồng Đào Tấn  (27/03/2003)
Hòa bình  (21/03/2003)
Con trai ông cá voi  (20/03/2003)
Cuộc thi vẹt  (14/03/2003)
Đàn voọc của chị Ba  (12/03/2003)
Bài thơ “Đói” của Chế Lan Viên  (06/03/2003)
Có một Ngọn rau đắng của Đào Quí Thạnh  (04/03/2003)
Bài thơ "với đảng, mùa xuân" của nhà thơ Tố Hữu  (21/02/2003)
Quy Nhơn thành phố tôi yêu  (21/02/2003)
Thơ - thơ dở và thơ hay  (21/02/2003)
Những kỷ niệm với nhà thơ bậc thầy - Tố Hữu  (22/02/2003)
Nhà thơ Tố Hữu - “Đường qua mấy phố Quy Nhơn”  (19/01/2003)