Truyện ngắn của Phan Thị Tần
Mỹ đi trên đường phố mà có cảm giác như mình đang đi trong một thế giới nào đó lạnh ngắt. Bầu trời có nhiều đám mây giăng trôi che khuất cả ánh sáng mặt trời. Những hàng cây sao cao lêu nghêu thỉnh thoảng lại thả xuống đường những chiếc lá với màu vàng đến độ như không thể nào vàng hơn. Cũng thật lạ kỳ cho Mỹ, chưa bao giờ cô quan tâm đến hàng cây và bầu trời như lúc này. Có phải chăng khi con người chợt cảm thấy mình đã quá chông chênh trong sự chọn lựa của cuộc đời, bỗng nhận ra rằng dù thế nào đi nữa thì bốn mùa vẫn trôi, con đường vẫn nhộn nhịp bóng xe, bóng người. Chẳng ai quay mắt nhìn ai khi mà mỗi một người đều cần phải nhanh chóng đến một nơi nào đó với những lý do khác nhau, ba năm rồi có phải không? Ba năm cho những mưu toan, cho tham vọng ngước nhìn, và cho cả sự mất mát của tình yêu.
Hôm nay Mỹ chợt muốn lang thang trên con phố một mình. Đó là cách soi lại lòng mình khi cô cảm thấy như mình đang leo lên một con tàu, mà đích đến của nó cô không hề hay biết. Để Mỹ lắng nghe trong trái tim mình tiếng gọi sâu thẳm của một dòng sông. Dòng sông ấy như đã xa rồi mà cứ vọng về trong Mỹ tiếng vỗ của mái chèo khi Mỹ vớt những bông hoa lục bình tím giữa buổi chiều mưa buồn đến độ muốn khóc được.
Mỹ bước vào một quán cà phê. Quán khá xinh với những chiếc ô màu hồng che nắng cho những chiếc bàn xinh xắn được đặt chen trong cỏ hoa. Mỹ hững hờ: “Cho một ly rum”. Ly rượu đem ra. Mỹ nâng lên uống cạn mà chưa kịp nhận ra rằng cảnh một cô gái uống rượu một mình trong quán chỉ dành cho đôi lứa, là điều thật buồn cười. Mỹ muốn rời bỏ thành phố này, trở về lại với ngày xưa, nơi cô hồn nhiên đón nhận tình yêu của Thịnh trong tất cả sự rộn ràng của trái tim tinh khôi ngày 19 tuổi.
Nhà Mỹ nằm bên cạnh một bến sông. Con sông Tiền tải phù sa từ thượng nguồn đem về bồi đắp cho những khu vườn trĩu trái. Như bao nhiêu cô gái ở miền sông nước, Mỹ chèo thuyền qua sông rất giỏi; và giọng hò của cô giữa mênh mông sông nước khiến cho biết bao nhiêu thanh niên phải nao lòng. Thịnh đã nghe câu hò mộc mạc của cô gái chèo thuyền. Rồi anh ngỏ lời yêu cô trong vườn đang mùa nhãn chín. Thịnh nói: “Anh chẳng giàu sang gì, anh cũng chẳng có chức vị gì trong xã hội. Nhưng anh chiết cây, giâm cành, chăm sóc vườn tược giỏi. Anh sẽ phụ cùng em chăm sóc mảnh vườn”. Mỹ đã mềm lòng trước tấm chân tình của chàng trai miền sông nước. Họ cùng nhau chở thuyền trái cây qua sông đưa về thành phố. Mỹ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện có một ngày mình sẽ lìa xa anh. Mỹ tưởng chừng là mình đã quen hình ảnh những bông điên điển nở vàng mà Thịnh chịu khó chèo thuyền đi hái về để hai người ngồi đúc bánh xèo trong những ngày mưa, hay cùng chen nhau dưới những rặng trâm bầu bắt ba khía (một loại cua đồng) về ngâm muối, hoặc đôi khi đem lưới ra sông chặn bắt những con cá theo dòng. Nhưng cuộc sống đôi khi không phải chỉ là một con đường thẳng mà có nhắm mắt thì ta vẫn có thể dễ dàng đi tới đích.
Mỹ đã không ở lại bến sông cùng Thịnh. Mỹ muốn thoát khỏi đời của một cô gái quê, muốn bên cạnh mình hào quang cuộc đời luôn rực rỡ. Ông Minh đã xuất hiện đúng lúc và giúp cho Mỹ đạt được điều mình mong muốn. Đám cưới của Mỹ khiến cho cả xóm phải nghỉ việc kéo nhau ra xem. Cả con đường nhỏ đều rắc đầy những bông hoa kim tuyến, những chiếc ô tô bóng lộn nối đuôi nhau đưa Mỹ rời khỏi bến sông. Cuộc đời của người con gái đôi khi thật lạ kỳ, chỉ cần một bước chân vào một căn nhà khác là đạt được danh vọng mà người đàn ông phải khó khăn mới đạt được. Ông Minh có tất cả những gì mà Mỹ muốn có, chỉ thiếu một điều là tình yêu. Ông đã có một đời vợ. Nghe nói vợ ông đã bỏ ông sang Mỹ. Con ông lớn hơn cả Mỹ. Nghe điều đó, Mỹ lo lắng thì ông nói: “Tụi nó lớn hết rồi, đứa nào cũng ở riêng. Em chẳng phải bận tâm”.
Mỹ không còn nhớ đến những ngày chèo thuyền trên bến sông khi cuộc đời đổi khác. Ngôi nhà thênh thang được cất theo kiến trúc Pháp và cả những thảm cỏ xanh trước sân nhà làm cho không gian tươi tắn. Mỹ đã thay đổi hoàn toàn với hình ảnh cô gái quê. Bây giờ là bà giám đốc với những hào quang mà có nằm mơ Mỹ cũng không hình dung nổi. Bởi ngay cả giây phút gặp ông Minh khi đưa ông qua sông, người đàn ông mà lúc đầu Mỹ gọi bằng chú và chẳng có chút cảm tình. Cho đến khi ông trở lại nhà với món quà đắt tiền mà Mỹ nói đùa với ông trong chuyến đò đó: “Cháu nhìn thấy chiếc đồng hồ tình nhân ở phố, đẹp nhưng mắc lắm. Không biết có ai dám tặng cháu không?” Mỹ đã thật sự chao đảo. Sự chao đảo vì tham vọng đổi đời chứ không phải bởi nhịp đập của con tim.
Nhưng phạm trù của tình yêu và tham vọng hoàn toàn khác nhau. Người đàn ông đầy quyền lực và tiền bạc kia cần sự thanh xuân. Ngược lại Mỹ muốn danh vọng của ông. Hai người cùng nhìn về hai hướng khác nhau trong một cuộc hôn nhân cân đong đo đếm. Để rồi Mỹ biết rằng mình đã chọn lựa điều mà mình tưởng rằng đó là con đường đi đúng nhưng thực ra chỉ là ảo vọng. Ba năm không hạnh phúc, cô sống với chiếc bóng của chính mình. Bởi tiền tài và danh vọng kia là của ông Minh, tình yêu lại không có trong cuộc vui này. Mỹ bỗng cảm thấy hãi hùng khi biết rằng mình sẽ chẳng bao giờ có một đứa con, bởi ông Minh không còn điều kiện để giúp Mỹ điều đó. Ông nói: “Nếu thích thì em xin một đứa con nuôi”. Mỹ im lặng, lòng chợt có cảm giác như đang có những vết kim đâm đau buốt. Có những đêm ông không về, Mỹ biết ông ở đâu và làm gì, nhưng lòng Mỹ chẳng cảm thấy đớn đau hay ghen tuông trong khi tất cả những người đàn bà trên thế gian này đều như thế. Thậm chí khi đối diện với những đứa con chồng hơn tuổi mình, trước tiếng cười lạnh nhạt: “Dì lấy cha tôi vì tiền phải không?”, Mỹ đã cố kềm hãm những dòng nước mắt.
*
* *
Buổi chiều làm cho dòng sông như nhuộm tím. Thịnh chứ không ai khác chèo thuyền đưa Mỹ sang sông. Tiếng anh trong gió:
- Em có rảnh tối ghé nhà anh chơi. Anh làm đầy năm cho con trai anh.
Mỹ vói tay vớt một bông lục bình trôi trên sông. Bông hoa vẫn tím nhưng sao màu tím không còn như xưa.
Thịnh hỏi:
- Em có hạnh phúc không?
Mỹ định trả lời: “Làm sao hạnh phúc bằng anh?”. Nhưng trả lời như thế để làm gì? Mỹ nói như nói với mình: “Em thèm được như ngày xưa chèo thuyền qua sông trong cơn mưa”. Dòng sông vẫn mỗi ngày trôi ra biển và vẫn kiên trì đợi bàn tay người chèo con thuyền năm nào qua sông. Nhưng liệu con thuyền kia có còn ở bến cũ đợi người về. Và tiếng hò xưa vang vọng cả một bến sông dường như vẫn còn đọng lại ở ngàn lau.
P.T.T |