Nhà văn Nguyễn Trí Huân:
“Tôi vẫn còn mắc nợ nhân dân Bình Định…”
10:31', 28/4/ 2003 (GMT+7)

Nguyễn Trí Huân

Nhà văn Nguyễn Trí Huân - Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội - đã có nhiều gắn bó với mảnh đất khu V nói chung và Bình Định nói riêng, trong giai đoạn chống Mỹ. Anh đã xuất bản ba tập sách viết về cuộc chiến đấu trung dũng, kiên cường của người dân khu V và Bình Định: “Mặt cát” (tập truyện ngắn), “Năm 1975 họ đã sống như thế” (ký) và “Chim én bay” (tiểu thuyết). Riêng “Chim én bay” đã được Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1985-1989, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1988-1989, và mới đây, lại được dịch và xuất bản tại Nhật, được bạn đọc rất hoan nghênh.

Trong dịp kỷ niệm 28 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4-1975 – 30-4-2003), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Nguyễn Trí Huân về những tháng năm anh sống và chiến đấu tại Bình Định, cũng như những dự định của một người cầm bút với mảnh đất nhiều ân tình này.

P.V: Bình Định là mảnh đất anh đã có nhiều gắn bó trong những năm chiến tranh?

N.T.H: Tôi vào chiến trường khu V từ năm 1971, làm tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng rồi Văn nghệ Quân khu V. Những năm tháng này, tôi thường xuyên hành quân cùng bộ đội, đến các vùng giải phóng. Mảnh đất tôi đã đến và gắn bó nhiều nhất là Bình Định, nhất là vùng Hoài Châu, Tam Quan… của huyện Hoài Nhơn. Tôi đã gắn bó với mảnh đất này suốt từ cuối năm 1971 đến ngày giải phóng, năm 1975. Riêng với Sư đoàn Sao Vàng, tôi coi như là nhà, không chiến dịch nào không tham gia. Đối với tôi, những năm tháng sống và chiến đấu ở Bình Định là quãng thời gian không thể quên được. Đó là những ngày cùng đi phục kích với anh em du kích, những đêm ngủ hầm, rồi đi cõng gạo với anh em… Không quên được tình cảm yêu thương mà người dân Bình Định dành cho chúng tôi ngày ấy. Và nhất là những người Bình Định rất đỗi trung dũng, kiên cường.

P.V: Qua những năm tháng sống và chiến đấu ở Bình Định, cái đọng lại lớn nhất trong anh về tính cách của người Bình Định là gì?

N.T.H: Người Bình Định cũng là người Việt, nghĩa là cũng có những phẩm chất mang mẫu số chung của người Việt Nam, là lòng yêu nước, ý chí bảo vệ quê hương, đất nước. Nhưng trong tôi, người Bình Định là những con người có tấm lòng ấm áp, đôn hậu, thủy chung và độ lượng. Tôi còn nhớ, lần tôi trở lại Hoài Châu (Hoài Nhơn) sau ngày giải phóng, một bà má ở Hoài Châu, lấy áo đập lên vai tôi, má nói: “Sao bây giờ bay mới về!”. Rồi má khóc. Má nói vậy, nhưng má không trách chúng tôi. Người con dâu của má cho tôi hay, mới hai hôm trước, má mới nhắc đến tôi xong. Lần sau, khi tôi trở lại, má vẫn nhận ra tôi, dù nhiều lúc má đã “lẫn” vì tuổi tác.

P.V: Theo cảm nhận của riêng tôi, ba tác phẩm của anh viết về khu V và Bình Định chính là những tác phẩm thành công nhất của anh. Anh cảm thấy đã viết đầy đủ những điều mình muốn nói, những gì mình đã từng trải trên mảnh đất này?

N.T.H: Có thể khẳng định ngay là chưa. Những điều mà tôi thấy cần phải viết lại chưa viết được. Rất nhiều dự định vẫn ấp ủ trong lòng.

Tôi rất muốn viết một cái gì đấy về Bình Định, mảnh đất mà tôi đã gắn bó một thời tuổi trẻ, mảnh đất mà tôi đã xem như một quê hương thứ hai của mình, mảnh đất lấp lánh đầy sắc màu huyền thoại.

Những câu chuyện về những con người ở đây, chuyện về tình yêu của một cô du kích với anh chiến sĩ giải phóng, khi anh hy sinh, suốt bao nhiêu năm, không ngày nào cô không thắp hương cho anh như cho một người chồng; rồi chuyện về những chiến sĩ du kích trung dũng, kiên cường, những bà má Bình Định trung hậu, đảm đang... Chỉ bằng những câu chuyện, thông qua những con người bình dị như vậy, mới cắt nghĩa được: tại sao họ đã trụ lại được ở đất này, đã sống và chiến đấu như thế. Anh hãy hình dung: ở một mảnh đất bốn bề cát trắng, chỉ cần ba bước chân là họ có thể bước xuống vùng địch, nhưng rồi họ vẫn ở lại, bám trụ cùng với cách mạng đến ngày thắng lợi.

Những tác phẩm tôi viết, hãy còn quá nhỏ nhoi so với những câu chuyện, những con người như vậy. Tôi vẫn “mang nợ” người Bình Định, với mảnh đất Bình Định nhiều lắm.

P.V: Và phải chăng điều đó đúng với cả nền văn học viết về chiến tranh của chúng ta? Với tư cách là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, anh suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?

N.T.H: Quả vậy, cả một nền văn học của chúng ta vẫn còn mang nợ nhân dân của mình. Mặc dù, đây là một mảng văn học dày dặn, đáng tự hào và những tác phẩm viết về chiến tranh đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng chung của đất nước. Tuy nhiên, những tác phẩm viết về chiến tranh của chúng ta vẫn chưa ngang tầm với chiến công vĩ đại của quân dân ta, chưa đáp ứng lòng mong mỏi của người dân.

Hội Nhà văn Việt Nam đã, đang và sẽ hết sức cố gắng động viên, có những sự đầu tư thích đáng với những nhà văn viết về chiến tranh, nhằm sớm có những tác phẩm xứng đáng với cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc.

Bản thân tôi, chắc chắn tôi phải trở lại Bình Định, để tiếp tục viết về mảnh đất này.

P.V: Xin cảm ơn nhà văn.

. Lê Viết Thọ (Thực hiện)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hạnh phúc  (27/03/2003)
Lễ hội “Hành trình di sản”  (27/03/2003)
Vài kỷ niệm với tác giả Tống Phước Phổ và NSND Nguyễn Lai  (27/03/2003)
Chân dung người anh hùng đánh bom cảm tử Ngô Mây  (28/03/2003)
Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững  (27/03/2003)
Lễ hội Vía Bà – Nhơn Phong  (27/03/2003)
Vấn đề kế thừa và phát triển nhạc tuồng ở Nhà hát tuồng Đào Tấn  (27/03/2003)
Hòa bình  (21/03/2003)
Con trai ông cá voi  (20/03/2003)
Cuộc thi vẹt  (14/03/2003)
Bài thơ “Đói” của Chế Lan Viên  (06/03/2003)
Có một Ngọn rau đắng của Đào Quí Thạnh  (04/03/2003)
Bài thơ "với đảng, mùa xuân" của nhà thơ Tố Hữu  (21/02/2003)
Quy Nhơn thành phố tôi yêu  (21/02/2003)
Thơ - thơ dở và thơ hay  (21/02/2003)