Chiến thắng lịch sử 30–4–1975 đã ghi vào lịch sử Việt Nam một dấu son chói lọi, đem lại một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất độc lập tự do toàn vẹn lãnh thổ. Chiến thắng này khiến nước Mỹ, chính xác là giới chính khách Mỹ, buộc lòng phải nhìn nhận lại toàn bộ chiến lược đối ngoại của mình.
Các chính khách Mỹ liên đới đến chiến tranh Việt Nam, trong hàng chục năm qua vẫn cứ loay hoay với việc đi tìm cách giải thích nguyên nhân thất bại thảm hại của mình. Họ tự ru ngủ mình, bao biện sai lầm và bào chữa cuộc chiến tranh đáng xấu hổ mà mình tham gia. Với cách nhìn nhận lịch sử như vậy, nước Mỹ không thể khép lại quá khứ, vấp ngã thêm một số lần nữa. Frank Snepp – một chuyên gia phân tích chiến lược của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Cuộc tháo chạy tán loạn" (nguyên tác tiếng Anh: The dencent interval) - đã nhận định: "Hầu hết người Mỹ đều cố gắng quên đi Việt Nam. Ngay sau cuộc tháo chạy đáng xấu hổ ấy xảy ra, việc bóp méo và hóa trang các sự kiện bắt đầu ngay lập tức. Gặp các nhà báo trong những giờ cuối cùng của cầu hàng không đưa người Mỹ rời Sài Gòn (27-4-1975), Kissinger còn nói đến khả năng dàn xếp để kiến tạo một cục diện chính trị mới ở miền Nam. Đó thật sự là ảo tưởng hoặc đó là một cách lừa mỵ những cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho các chính khách bước vào Nhà Trắng. Chưa bao giờ Kiss báo cáo với Quốc hội Mỹ, với dân chúng Mỹ sự thật về cuộc đàm phán ở Paris. Mong rằng với thời gian và khi những vết thương chiến tranh Việt Nam đã lành, người ta sẽ trả lại sự thật cho lịch sử, nghĩa là đánh giá lại từ đầu một cách khách quan toàn bộ chủ thuyết, chính sách, những sự việc đã xảy ra kể cả những gì đã khiến hàng chục người trong chúng ta mù mắt, không thể nhìn rõ những diễn biến thật sự của tình hình Việt Nam...". Chính Martin - viên đại sứ đã tháo chạy khỏi Việt Nam trong ngày 30-4-1975 từng thốt lên: "Thật buồn, nếu Quốc hội cũng biết những thiếu sót đã xảy ra ở Việt Nam và nhất là sau vụ Watergate, Quốc hội sẽ giảm quyền của Tổng thống".
Người Pháp phải mất gần nửa thế kỷ mới khép lại quá khứ đau thương bằng sự kiện một Tổng thống Pháp đến thăm chiến trường Điện Biên Phủ, đồng thời xác nhận những cơ hội kiến tạo hòa bình tốt đẹp mà những người tiền nhiệm đã bị bỏ phí. Nhưng rất nhiều chính khách Mỹ đã tin hoặc cố tìm cách để tin vấn đề Việt Nam không còn tồn tại trong lòng nước Mỹ nữa. Điều đó cho phép một số nhân vật có thế lực tiếp tục một chính sách can thiệp kín đáo hơn. Người Mỹ mau quên và thường cố khỏa lấp đi sự thật, hoặc ngụy tạo sự thật. Khi cơ đồ Nam Tư tan tành, người ta mới biết những hố chôn xác người, những vụ thảm sát tập thể do cảnh sát Secbia thực hiện ở Kosovo hóa ra là do người Mỹ chỉ đạo dựng nên. Người Mỹ phát động chiến tranh Iraq với lý do Iraq chế tạo, tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt; họ còn trưng ra bằng chứng (?). Nay, quân Mỹ vào đến tận Baddag nhưng bằng chứng ấy thì không còn được nhắc đến nữa.
Sau thế chiến thứ 2, quốc gia nào đưa việc sử dụng vũ lực để lật đổ chính quyền hợp pháp ở nước khác nhiều nhất? Câu trả lời: nước Mỹ! Tổng thống Mỹ nào trong giai đoạn sau 1945, chưa từng đưa quân Mỹ can thiệp ở nước ngoài? Câu trả lời: Không có! Nước Mỹ vừa hoàn thành việc xâm lăng Iraq, lớn tiếng sẽ dạy cho Syria một bài học... bất chấp nỗ lực cứu vãn hòa bình quốc tế, của Liên Hiệp Quốc cũng vì tin tưởng vào tiềm lực quân sự hùng hậu của mình. Năm 1967, khi đưa quân Mỹ vào Đà Nẵng, người Mỹ cũng từng kỳ vọng sẽ nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Năm 1972, khi ném bom ồ ạt ở miền Bắc, Mỹ cũng tin rằng "sẽ đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá", sẽ buộc Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán ký hiệp định Paris theo ý Mỹ. Lịch sử với sự kiện vĩ đại 30-4-1975 đã chứng minh Mỹ sai hoàn toàn.
Trong rất nhiều văn kiện của mình, Đảng - Nhà nước Việt Nam luôn cảnh báo rằng tình hình quốc tế còn rất nhiều phức tạp, kẻ thù của Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ âm mưu phá hoại đất nước chúng ta... Điểm lại thắng lợi vĩ đại của dân tộc với tinh thần "ôn cố tri tân" trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, tưởng cũng không phải là chuyện thừa.
. Trần Trần
|