Với hơn 130 km bờ biển, đới ven bờ biển của Bình Định chứa đựng nhiều giá trị to lớn. Thế nhưng do thiếu hiểu biết về tài sản này nên nhiều năm qua chúng ta đã sử dụng nó một cách lãng phí.
* Tiềm năng và hiện trạng khai thác
Đới ven bờ biển là nơi sinh sống của nhiều động vật hoang dã, các loài chim nước, rùa, cá sấu. Nhiều đầm, phá, vịnh biển là kho thực phẩm đã nuôi sống hàng triệu người, là nơi dồi dào nguồn nguyên liệu để làm phân bón, dược liệu... Khu vực này còn là nơi chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp, kinh doanh du lịch, chế biến thủy sản... Với sự đa dạng về hình thái, về chức năng, với vai trò quan trọng, đới ven bờ biển đã ảnh hưởng đến phương thức tồn tại của cộng đồng dân cư, tác đôïng đến tập tục, cuộc sống của họ. 60% dân số của Bình Định sống trong khu vực này.
Theo thống kê của ngành thủy sản, riêng trên 3 đầm lớn của tỉnh có 1.894 chiếc thuyền khai thác thủ công, công suất phổ biến dưới 20CV. Những chiếc thuyền này có hiệu quả khai thác rất thấp. Bà Trần Thị Thu Hà – Giám đốc Sở Thủy sản phân tích: "Ven biển Bình Định có 3 đầm phá lớn là: Trà Ổ (1.200ha), Đề Gi (1.600ha), Thị Nại (5.060ha). Ngoài ra còn vùng bãi triều Hoài Nhơn rộng hơn 400 ha hình thành bởi cửa sông Tam Quan đổ ra biển Đông qua cửa Thiện Chánh; một vài đầm hồ nhỏ như đầm Kim Giao (Hoài Nhơn), hồ Phú Hòa (Quy Nhơn)… Vùng ven bờ còn có hàng ngàn ha đất nông nghiệp nhiễm mặn, gần 3.000ha đất cồn cát ven biển, trong đó nhiều diện tích có thể đầu tư để cải tạo thành các vùng nuôi trồng thủy sản công nghiệp tập trung. Nguồn lợi thủy sản từ khu vực đới ven bờ của tỉnh Bình Định khá phong phú và đa dạng với nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao: yến sào, tôm hùm, tôm sú, mực nang, mực ống, cá thu, cá ngừ, cá mú, sò huyết, rong câu chỉ vàng…”. Nhưng cùng với hiện tượng sa mạc hóa các dòng sông, nạn phá rừng ngập mặn, sa bồi thủy phá, nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá giới hạn đã đưa đới ven bờ Bình Định vào tình thế bấp bênh.
* Quản lý tốt để khai thác bền vững
Quản lý tổng hợp đới ven bờ (ICM) là khái niệm còn khá mới mẻ. Phó giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An – Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang phân tích: "Quản lý tổng hợp đới ven bờ là một quá trình liên tục, năng động, nhờ nó có thể đưa ra các quyết định cho việc sử dụng, phát triển và bảo vệ bền vững các vùng nước và nguồn lợi biển và ven bờ. ICM có nhiều mục đích, nó phân tích và đưa ra các gợi ý cho sự phát triển, giải quyết tranh chấp sử dụng, tạo ra mối tương quan giữa các quá trình tự nhiên và các hoạt động của con người. Nó thúc đẩy mối liên kết và làm hài hòa các hoạt động đơn lẻ tại vùng biển và vùng ven bờ. ICM cần thiết phải được triển khai để chống lại sự suy giảm nghiêm trọng các nguồn lợi biển và ven bờ; ngăn ngừa các khả năng ô nhiễm gây nguy hại cho sức khỏe của cộng đồng hoặc các ngành công nghiệp dưới nước như đánh bắt - nuôi trồng thủy sản, du lịch; tăng lợi nhuận kinh tế từ việc sử dụng khai thác các khu vực biển và ven bờ mà trước đây chưa được khai thác như dầu mỏ, khoáng sản ở ngoài khơi, nuôi trồng hải sản...”.
Với ICM, những người dân sống trong khu vực được triển khai sẽ được hưởng nhiều lợi ích khác nhau, tùy theo địa bàn, khu vực cư trú. Dễ thấy nhất và mang lại nhiều lợi ích nhất cho cộng đồng đó là hai lĩnh vực: dân trí và tính đạo lý. Đầu tư cho ICM là đầu tư cho cộng đồng, cộng đồng phải được hưởng lợi, chính từ đó cộng đồng sẽ có trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi để phát triển lâu dài. Ngành thủy sản là ngành sẽ phải đi tiên phong trong vấn đề phục hồi, bảo vệ những giá trị quý báu của đới ven bờ trong tỉnh. Ông Nguyễn Hữu Hào - Chi cục trưởng Chi cục BVNLTS nhận định: “Vấn đề cấp bách hiện nay là tăng cường giám sát sự phát triển bền vững của nguồn lợi, giảm dần số lượng tàu đánh bắt ven bờ, chuyển dần số lao động ở khu vực khai thác vùng ven bờ sang nuôi trồng thủy sản, đồng thời đầu tư tăng cường phát triển đội tàu công suất lớn, trang bị hiện đại đánh bắt xa bờ để giảm cường độ khai thác ven bờ. Kiên quyết không cho đóng mới loại tàu công suất dưới 20CV. Nghiên cứu thử nghiệm mô hình quản lý cộng đồng nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ, theo đó nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ được giao cho các cộng đồng quản lý, sau đó quyền đánh cá được giao cụ thể cho từng gia đình…”.
Việc xác lập những nguyên tắc bảo vệ đới ven bờ biển là rất công phu và khó khăn, nhưng xem ra việc thực hiện được những nguyên tắc này còn gian nan hơn. Nhiều hành vi có hại cho môi trường ven bờ đã tồn tại rất lâu. Để thay đổi, bên cạnh những khung pháp lý, cần có kế hoạch tuyên truyền vận động lâu dài. Tiến sĩ Man Ngọc Lý – Giám đốc Sở KHCN MT phân tích: "Tính đạo lý là một trong những nguyên tắc ứng xử cơ bản của ICM. Có thể hình dung như thế này, những gì thuộc về địa phương thì người dân địa phương phải được hưởng lợi một cách cụ thể, trực tiếp và rõ ràng. Cộng đồng cư trú là chủ thể tác động trực tiếp lên những giá trị của đới ven bờ, việc khai thác những giá trị này nếu không đem lại những lợi ích thiết thân cho họ thì khó nói đến đa đạng sinh học bền vững chẳng hạn. Cam kết về những lợi ích này phải được đảm bảo bằng những nguyên tắc pháp lý vững vàng. Ví dụ: Việc triển khai một dự án du lịch ven biển khó lòng nhận được sử ủng hộ của cộng đồng cư trú nếu dự án không mang lại những lợi ích thiết thân và cụ thể cho người dân”.
Một môi trường sống chất lượng cao, bền vững, sẽ đem lại những lợi ích chiến lược, cho nên quá trình duy trì, bảo vệ, tái tạo này cần được đầu tư tương ứng với những lợi ích mang lại, cần được quan tâm thường xuyên, lâu dài. Để bảo vệ và khai thác bền vững đới ven bờ, chính quyền và các cơ quan, doanh nghiệp phải vượt không ít thử thách. Nhưng không có cách nào khác để thay thế nếu muốn được môi trường bảo vệ và khai thác những giá trị bền vững của nó dài lâu.
. Đông A
|