Phóng sự:
Làng mới Cà Bưng – Niềm vui và ước vọng
10:1', 28/4/ 2003 (GMT+7)

Một góc làng Cà Bưng hôm nay

Ngay từ đầu làng, những sắc màu vừa rực rỡ vừa ấm áp ở nét hoa văn trên tấm áo thổ cẩm; từ màu vôi, màu ngói nâu trên mái trường tiểu học trong làng Cà Bưng (Canh Thuận - Vân Canh) phả vào lòng người cảm giác thanh bình dễ chịu, nhen lên niềm vui rạo rực. Đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi về thăm Cà Bưng, hơn 3 năm sau ngày làng dời về địa điểm mới.

* Niềm vui

Làng mới tốt hơn làng cũ chứ? - Tôi mỉm cười làm quen với người đàn ông Bana đứng ở cầu thang nhà rông. Ông vỗ vỗ bàn tay to bè của mình lên cầu thang nhà rông, gục gặc đầu: "Ô, tốt hơn nhiều chớ, làng mới vui hơn làng cũ. Làng vừa tổ chức được một lễ đâm trâu. Cả làng chung sức dựng cột, mỗi nhà góp một ghè rượu cần loại tốt. Hồi ở làng cũ trong giấc mơ của người già cũng chưa có nhà rông đẹp như thế này đâu...".

Làng Cà Bưng cũ nằm ở điểm giáp giới 3 tỉnh Bình Định – Phú Yên – Gia Lai, cách trung tâm xã Canh Thuận gần một ngày vượt rừng. Tỉnh đã vận động bà con dời làng về vị trí mới, lập làng mới để đi lại thuận tiện hơn. Ban đầu cũng mất khá nhiều công vận động, nhưng chỉ gần một năm sau, mọi chuyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Anh Lơ Mo Reo - Trưởng làng Cà Bưng khoe: "Ở làng cũ không đứa nào được đi học. Nói tiếng Kinh còn không thạo mà. Về làng mới, trẻ con được đi học, mỗi ngày được nhà nước cho ăn bánh uống sữa (làng Cà Bưng thuộc diện triển khai của chương trình bổ sung dinh dưỡng học đường). Làng mình có hai cái trường, một cái ở đầu làng, một cái ở cuối làng. Có tất cả 4 phòng, 35 học sinh. Lớp 3 có 6 đứa. Lớp 2 có 10 đứa. Lớp 1 có tới 19 đứa. Hồi mới về (1999) làng mình có 34 nhà chớ mấy, bữa nay lên tới 40 nhà rồi. Nhiều đó chớ nhà báo”. Rồi anh cười sung sướng.

Cái sướng nhất khi về làng mới - mà người trong làng đã cho chúng tôi biết - là không còn sợ chết giữa đường khi đi chữa bệnh nữa. Chị Lơ O Thị Linh kể: "Làng cũ ở xa, đi đường rừng, về đến chỗ chữa bệnh lâu quá. Mấy lần có đứa đau nặng, đang khiêng nó đi chữa bệnh thì nó chết mất giữa đường, người nhà phải khiêng về làng làm ma cho nó. Giờ làng mới gần bệnh viện, mình không sợ nữa”. Từ tháng 8-2002, tất các hộ dân trong làng Cà Bưng đều có điện để dùng. Anh Rinh – một người dân Cà Bưng cho biết: "Đường dây lớn nhà nước làm. Tỉnh cho mỗi nhà 500.000 đồng để mắc đường dây nhỏ chạy vào nhà. Làng còn 4 bộ cồng chiêng để đánh cho vui ngày hội, ngày Tết. Cả làng có 40 khung dệt, đủ để sắm cho mỗi người một bộ đồ truyền thống để mặc ngày Tết thôi".

Về đây vui nhiều hơn - Trưởng làng Lơ Mo Reo bấm ngón tay tính: "Đau ốm không sợ con ma bắt. Trẻ con được đi học, đứa nhỏ xíu cũng được nhà nước xây trường mẫu giáo. Làng mới có điện. Có 6 giếng nước sạch. Từ ngày về làng mới thôi uống nước suối". Reo nói một thôi, dứt giọng, anh khoan thai vấn một điếu thuốc lớn, châm lửa và mỉm cười, phà một hơi dài, nhìn ra cánh đồi trước mặt nhà với ánh mắt đầy hạnh phúc. Quay lại với những người hàng xóm đang có mặt ở nhà mình, anh giục người làng: “Mấy đứa có chuyện gì vui kể cho nhà báo ghi để về nói cho tỉnh biết đi...!”

* Ước vọng

Chỉ mới 3 năm nhưng cảnh đổi thay ở Cà Bưng đã làm ngỡ ngàng nhiều người. Nghe trưởng làng nói, ai cũng bị cuốn theo tâm sự của anh. Nhiều bà mẹ Bana ánh mắt cương nghị, thẳng lưng tựa vào vách nhà sàn, gục gặc đầu ra vẻ tán thành. Họ cũng đang trôi trong dòng tâm tưởng của riêng mình. Chỉ còn tiếng gió thổi. Gió đùa ngọn cây xào xạc trên mái nhà. Gió thổi vi vút trên những ngọn cổ thụ ở đầu làng. Gió thổi qua những ngọn đồi vừa được phát rẫy cà thân, thổi khô mồ hôi trên lưng bà mẹ Bana đang cuốc phát góc rẫy hẹp... Gió thổi qua rẫy mía, rẫy mì gần đó. Nói như người già nhất Cà Bưng - Gió đưa niềm vui làng mình lên núi cao. Gió đưa niềm vui của làng mình xuống sông rộng. Gió nói với Đảng – Nhà nước rằng người Bana ở Cà Bưng nay giàu niềm vui...

Một lúc sau, những người lớn tuổi bắt đầu xầm xì. Họ nói chuyện chữa bệnh. Người Cà Bưng cũng được nhận chế độ bảo hiểm y tế cho người nghèo mà Nhà nước ưu đãi, nhưng hầu như ai đi khám bệnh cũng không có tiền để mua thêm thuốc theo yêu cầu của bác sĩ... - “Reo nói hết chuyện làng rồi còn gì”. Đột nhiên, La O Thị Du - vợ Reo - nói lớn: “Còn chuyện thiếu đất làm rẫy trồng mía, trồng mì đó. Reo nói luôn đi”. Nghe Du nói, người làng ồ lên: “Du nói đúng đấy. Thiếu rẫy quá chừng. Hồi mới về làng nói với huyện với tỉnh nhiều rồi mà…”. Khi nói về đất, những con mắt Bana như cháy lên một niềm ước vọng.

Khi mới về theo dự án di dời làng, ngoài diện tích đất làm nhà, mỗi nhân khẩu được chia một sào để làm đất canh tác. Đất được cấp chỉ có thể trồng lúa mỗi năm một vụ, năng suất thấp. Một hai năm đầu, nhiều hộ vẫn sống theo kiểu, nhà ở làng mới, rẫy ở làng cũ… Gần đây mới chấm dứt vì vất vả quá, thu hoạch lại không được bao nhiêu. Cả làng Cà Bưng không có ruộng lúa nước, chỉ trồng được một ít mía, còn lại là mì. Mì trở thành cây lương thực chính của đồng bào. Trưởng làng Lơ Mo Reo tâm sự: “Đất thiếu rất nhiều. Cái đất nhà nước cho làng mình, xấu không xấu, tốt không tốt. Nó có nhiều cái lỗ quá. Trồng cây gì cũng khó. Nếu có tiền thuê máy ủi chắc đỡ hơn, nhưng tốn nhiều tiền lắm. Trồng mì thì đủ ăn mì thôi, chưa trồng được cây lúa nên huyện phải cho thêm gạo miết…”

Hoa lợi từ số đất được cấp không đủ ăn nên gần đây bà con Cà Bưng đã nảy ra sáng kiến đi mượn đất cà thân (sau nhiều mùa trồng lúa rẫy đồng bào Bana để đất nghỉ một hai mùa, trong thời gian nghỉ, dạng đất này được gọi là đất cà thân) của bà con các làng xung quanh để trồng mì. Chính nhờ nguồn đất này mà Cà Bưng đã giảm được nạn đói kinh niên. Nhưng hễ cứ đến cữ giáp hạt thì hầu như cả làng nhà nào cũng bị thiếu ăn. Anh Rinh tâm sự: “Người Bana Cà Bưng không có làm biếng! Mình còn nghèo là tại đất ít quá đấy chớ. Cái ăn chưa đủ, chưa ai có tiền để mua xe máy. Đường làng năm nào cũng lở, làng nghèo quá, đề nghị nhà nước tỉnh giúp để làng làm cái đường bê tông. Làng Hà Văn Trên làm đường, mỗi người góp 100.000 đồng. Làng mình chắc chỉ vài người có nhiều tiền như vậy để nộp”.

Nghe chúng tôi hỏi về chuyện truyền đạo trái phép, chuyện “Đề Ga”, hàng chục người có mặt trong nhà trưởng làng cùng ồ lên. Trưởng làng Lơ Mo Reo ra vẻ phật ý, đưa tay chỉ lên mảnh giấy dán ở vị trí trang trọng - ở đầu cột cái của căn nhà sàn, nói: “Cà Bưng nghèo thiệt nhưng vẫn đăng ký làm cái làng văn hóa. Làng mình hứa với nhau - Không để fulro hoạt động phá rối. Không để cái lời tôn giáo trái phép nói sai chủ trương nhà nước vào làng. Không để người làng làm theo tập tục cũ, mê tín lạc hậu. Chuyện rắc rối mâu thuẫn trong làng, tự mình giải quyết với nhau. Ngay cả đất cũng vậy, thiếu thì thiếu chứ không phá rừng làm cái rẫy.” Lơ Mo Reo chém bàn tay xuống sàn nhà một cách dứt khóat.

Tôi đã ngồi ở đầu nhà rông làng Cà Bưng nghe chuông tre kêu, nghe tiếng gió thổi. Gió ở đây rất lạ, nó có kiểu vi vút như tiếng lòng của núi của rừng, của người Bana Cà Bưng trên đất làng mới. Tiếng chuông gió bằng tre lộc cộc hiền hòa reo vui trước nhà rông, rồi chuyền từ nhà này sang nhà khác. Niềm vui của Cà Bưng đơn sơ như giếng nước trong vắt giữa làng. Nghe tiếng gió hát, tôi biết mình sẽ còn nhiều lần trở lại Cà Bưng.

. Bá Phùng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làm gì để bảo vệ và khai thác bền vững đới ven bờ?   (28/04/2003)
Ôn cố tri tân  (28/04/2003)
“Tôi vẫn còn mắc nợ nhân dân Bình Định…”  (28/04/2003)
Hạnh phúc  (27/03/2003)
Lễ hội “Hành trình di sản”  (27/03/2003)
Vài kỷ niệm với tác giả Tống Phước Phổ và NSND Nguyễn Lai  (27/03/2003)
Chân dung người anh hùng đánh bom cảm tử Ngô Mây  (28/03/2003)
Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững  (27/03/2003)
Lễ hội Vía Bà – Nhơn Phong  (27/03/2003)
Vấn đề kế thừa và phát triển nhạc tuồng ở Nhà hát tuồng Đào Tấn  (27/03/2003)
Hòa bình  (21/03/2003)
Con trai ông cá voi  (20/03/2003)
Cuộc thi vẹt  (14/03/2003)
Bài thơ “Đói” của Chế Lan Viên  (06/03/2003)
Có một Ngọn rau đắng của Đào Quí Thạnh  (04/03/2003)