Trong quá trình tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ, đồng thời trong cảm thụ các loại hình nghệ thuật khác luôn có sự gắn bó và bổ sung cho nhau, để từ đấy người nghệ sĩ tự hoàn thiện và nâng cao thêm vốn hiểu biết với những khả năng phát hiện cuộc sống. Cũng trong quá trình này sẽ tạo nên mạch cảm xúc và gây men cảm hứng sáng tạo được khơi nguồn từ các loại hình nghệ thuật khác.
Đã từ lâu, có mối quan hệ tác động qua lại giữa thơ – nhạc – họa trong đời sống tinh thần và tâm hồn Việt. Nhiếp ảnh cũng nằm trong mối quan hệ ấy, bởi nhiếp ảnh là một nghệ thuật của màu sắc, đường nét, bố cục và ánh sáng như hội họa. Cách cảm xúc và tiếp cận tác phẩm của hội họa và nhiếp ảnh cũng có phần giống nhau, bằng “cái nhìn” của đôi mắt người thưởng thức và người nghệ sĩ sáng tạo ra nó. Như vậy, giữa thơ và nhiếp ảnh cũng có mối quan hệ khắng khít với nhau.
Thơ là sự sáng tạo của ngôn từ. Chất liệu sáng tạo của nhiếp ảnh là ánh sáng và màu sắc của cơ – lý – hóa học. Tuy nhiên, điểm chung là cùng hướng đến vẻ đẹp Chân-Thiện-Mỹ. Chúng ta có thể kể ra biết bao trường hợp khi đọc thơ thì người nhiếp ảnh phải khâm phục sự hiểu biết tinh tường, sưÏ phát hiện được vẻ đẹp của thiên nhiên và con người của các nhà thơ. Và cũng không ít trường hợp từ những vần thơ ấy đã giúp cho nhà nhiếp ảnh phát hiện ra vẻ đẹp mới của cuộc sống trước mắt mình để sáng tạo ra những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị về tư tưởng và thẩm mỹ. Ngược lại, thơ cũng vậy.
Xin dẫn chứng một số trường hợp sau đây:
* Trường hợp từ thơ gợi ý để sáng tạo ảnh nghệ thuật. Đó là trường hợp giữa nhà thơ Tố Hữu và nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Trường.
Bắt nguồn từ ý của hai câu thơ:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai
(Tố Hữu)
đã tạo cảm hứng cho nhà nhiếp ảnh Minh Trường sáng tạo ra bức ảnh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” nổi tiếng trong nền nghệ thuật nhiếp ảnh của nước ta. Bức ảnh ấy đã ghi lại sự hào hùng của đoàn quân cách mạng đang vượt qua đèo cao núi thẳm của Trường Sơn hào hùng mà dữ dội. Có thể nói thơ và nhiếp ảnh cùng ra trận để ghi lại hiện thực của cuộc đấu tranh đầy gian khổ và ngoan cường của nhân dân ta, của dân tộc ta trong công cuộc chống Mỹ cứu nước.
* Trường hợp từ ảnh nghệ thuật tạo cảm xúc sáng tác thơ. Đấy là trường hợp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan với nhà thơ Tố Hữu.
Bức ảnh “O du kích giải tên giặc lái Mỹ” của nhà nhiếp ảnh Phan Thoan đã tạo ấn tượng mạnh đối với nhà thơ Tố Hữu, và ông đã sáng tác một bài thơ rất hay:
O du kích nhỏ giương cao súng
Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
Ra thế, to gan hơn béo bụng
Anh hùng đâu phải cứ mày râu.
(Tố Hữu)
Nhiếp ảnh không tiếp thu và làm giàu tác phẩm của mình qua thơ một cách thụ động mà đã chắt lọc hình ảnh thơ, ý tưởng từ thơ để bóc ra vẻ đẹp của con người, thiên nhiên, cuộc sống cần phải ghi nhận và phản ánh. Mặt khác, nhiếp ảnh cũng đã phần nào hỗ trợ cho các nhà thơ phong phú thêm cảm xúc về hình ảnh, màu sắc, ý nghĩ mà nhiếp ảnh nắm bắt được để gợi ý nhà thơ sáng tác.
Trong nghệ thuật nhiếp ảnh, không những tự bản thân nó là một hiện thực phản ánh của cuộc sống, thần thái và hồn vía của tự nhiên, mà nó còn là những vần thơ ngợi ca vẻ đẹp của cuộc đời. Đặc biệt là loại ảnh phong cảnh. Đây là loại ảnh giàu chất thơ nhất. Bởi lẽ trong ảnh phong cảnh chứa đựng được cả không gian và thời gian hiện hữu quanh ta. Là màu sắc; là đường nét; là thiên nhiên của cỏ cây, đồng ruộng, sông núi, biển trời; là chất liệu sinh động nhất mà bàn tay con người lao động hòa mình vào cuộc sống đang trào dâng bất tận. Dù tấm ảnh chỉ ghi lại một cánh cò bay ngang qua cánh đồng lúa mênh mông trong màu tím thẫm hoàng hôn; hoặc khi là một làn sương giăng nhẹ mặt hồ lặng yên, thấp thoáng con thuyền, tạo nên một miền không gian hư ảo cũng đủ để liên tưởng đến sự vắng lạnh và cô đơn của một kiếp người… Bất giác, trong cảm xúc đó ta chợt nhớ lại hai câu thơ:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
đó là tâm trạng của thơ mà nhiếp ảnh có thể nói hộ bằng ngôn ngữ của nhiếp ảnh.
Sức khái quát lớn lao của ảnh nghệ thuật là ở chỗ nó gợi cho người thưởng thức những suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống, khẳng định tình yêu thiên nhiên, đất nước, là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người mà trong đó thơ cũng là một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng những tâm hồn cộng cảm. Và chúng ta cũng không nên ngạc nhiên khi nhiếp ảnh và thơ cùng sống và song hành trong một người để đến với mọi người.
. Trần Hoa Khá
|