Sau khi triều Nguyễn - Gia Long đặt xong ách cai trị trên toàn cõi Việt Nam, dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp, thì những di tích lịch sử về triều đại Tây Sơn cũng bị triệt phá một cách điên cuồng, tàn nhẫn. Thành Hoàng Đế, kinh đô của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc cũng trong số phận đó.
Năm 1813 nhà Nguyễn phá thành Hoàng Đế, lấy đá ong vào xây thành Bình Định ở thôn Kim Châu, thị trấn Bình Định, cách quốc lộ 1A về phía tây không xa mấy. Mãi đến những năm 1940 vẫn còn thấy một số tượng người và thú vật bằng đá xám điểm vân xanh ở tường ngoài dinh án sát; chắc có lẽ tượng đá Chămpa ở thành Hoàng Đế đã theo đá ong vào “xây” thành Bình Định.
Về quy mô thì thành Bình Định không lấy gì làm đồ sộ. Đi bộ vòng quanh bên ngoài thành cũng chỉ mất hơn một tiếng là cùng. Nhưng thành rất kiên cố, gọn gàng và đẹp mắt. Mặt bằng thành có hình gần vuông, bốn cạnh đúng bốn phương đông- tây -nam- bắc, diện tích không rộng lắm.
Bên ngoài thành phía đông là phố xá thị trấn sầm uất, nổi bật lên ngôi nhà trên nền đất cao, gọi là “nhà thương thí” chữa bệnh, để phát thuốc cho người nghèo. Song song tường thành phía bắc là đường đá đến ga Bình Định, một vài nhà dân ở lẻ loi ven đường. Phía tây là thôn Kim Châu, có nhà thờ và nhà thương đều có tên Kim Châu. Phía nam có bãi đất rộng, xưa kia là Trường Thi.
Mặt ngoài tường thành xây đá ong thẳng đứng, khá cao; mặt trong đắp ta-luy đất; mặt trên rộng để người và voi ngựa đi lại. Một hào sâu và rộng bao bọc quanh ngoài tường thành, có cổng bằng đá xây vòm cuốn để vào các cửa thành. Thành có ba cửa Đông, Tây và Tiền (Nam). Trước kia có cửa Hậu (Bắc), nhưng sau phá bỏ. Tương truyền do có hai con rắn thần khổng lồ chiếm ở, thường ra phá phách dân chúng, nên phải phá cửa thành đuổi rắn đi.
Ba cửa thành kiến trúc theo kiểu “thượng lâu hạ môn”, cùng chung một thiết kế và kích thước như nhau. Cửa xây đá ong vòm cuốn, có hai cánh bằng gỗ lim đồ sộ, nặng nề, các tấm chấn thủy lớn màu vàng bên trên các cửa viết ba chữ Hán to màu đỏ “Chánh Đông môn”, “Chánh Tây môn”, “Chánh Tiền môn”. Vọng lâu không có tường ngăn, có bốn cột to tròn bằng gỗ lim, đỡ sườn gỗ bốn mái, lợp ngói vảy. Những ngày hội hè tổ chức trong nội thành thì ba cổng này là cửa soát vé.
Đường thập đạo nối liền cửa Đông với cửa tây, cửa Tiền với cửa Hậu và chia nội thành làm bốn khu tương đối bằng nhau. Đường sá trong thành đều bằng đất. Nhà cửa toàn nhà trệt, lợp ngói vảy hoặc tranh rạ.
Từ quốc lộ 1A vào cửa Đông, phía tay trái là “nhà Dây thép” (Bưu điện) xây ngay trên ta-luy tường thành cạnh cửa đông. Sở Tằm gần đó, do một “sếp” gọi là “Thông Tằm” phụ trách. Ngày trước tại đây có chuyện kể rằng một lần vợ ông Thông Tằm đi Quy Nhơn thăm chồng ốm nằm viện, giữa đường bị kẻ gian giết hại cướp nữ trang và tiền bạc, sau người ta đặt thành bài “Vè Thông Tằm”. Đất còn lại hầu hết trồng xoài. Phía tay phải cửa Đông là nhà dân và công chức, ở trong những căn nhà biệt lập, có vườn cây rậm rạp, không thấy sản xuất kinh doanh gì.
Khu Tây bắc có trường Tiểu học 6 lớp, học 6 năm. Hồi đó gọi là trường Cao đẳng Tiểu học Bình Định, có lẽ là trường lớn nhất hệ tiểu học toàn tỉnh. Bên cạnh có trường nữ, nhưng nữ sinh ngày càng ít, nên học chung với nam. Trường nữ phá bỏ làm sân ten nít, nhưng chẳng mấy ai đến chơi, lâu ngày hư hỏng.
Phía trên trường, cạnh cửa Tây là sân vận động, chiều chiều học sinh đến đây tập thể dục. Những ngày lễ hội, Tết Nguyên Đán thường tổ chức thi đấu thể thao, có cả đua xe đạp, đua ngựa... Việc đón khách cấp tỉnh, khách “tây” cũng tổ chức tại đây. Sát tường thành phía tây nam là nhà dân có vườn trồng nhiều cây ăn quả, nhất là ổi và hoa kiểng.
Khu hành chính ở phía tây nam, có một tòa nhà dài, to và cao (có lẽ lớn nhất tỉnh lúc bấy giờ) gọi là “hành cung” hoặc “hoàng cung”. Lối kiến trúc mô phỏng dáng dấp các cung điện ở cố đô Huế. Giữa nhà đặt một chiếc ngai bằng gỗ chạm rồng, sơn son thếp vàng, hai bên đặt hai hàng tế khí. Cánh gà hai bên hành lang dành cho các ông tây bà đầm (thời Pháp), hoặc các võ quan, hiến binh Nhật Bản (thời Nhật) đứng xem hành lễ. Trước hành cung là sân rộng và dài, lát gạch vuông, chia thành chín bậc cấp (cửu trùng đài), thấp dần về phía trước. Những ngày lễ lớn của tỉnh, viên tổng đốc mặc triều phục đứng đầu hàng, tiếp sau là các chức sắc từ nhất phẩm đến cửu phẩm đứng theo thứ bậc trên chín bậc sân. Hai bên cắm cờ đuôi nheo, lọng, một trống cái, một chuông để gióng lệnh cho mỗi động tác bái lạy của các chức sắc. Nhân dân không dám bén mảng đến nơi này. Khoảng mùa xuân 1942, vua Bảo Đại có đến đây. Cờ đuôi nheo cắm la liệt dọc hai bên quốc lộ 1A từ Đập Đá vào trong thành; đường thập đạo vào hoàng cung được trải chiếu hoa.
Trước hành cung gần cửa Tiền là bãi lính tập, có kỳ đài cao vút. Phía sau hành cung có ba ngôi nhà ngay hàng, giữa là dinh tổng đốc, phía tây là dinh bố chính, phía đông là dinh án sát. Bốn công trình kiến trúc này đều quay mặt về hướng nam, là toàn bộ cơ quan đầu não tỉnh Bình Định thời Nguyễn, khi tỉnh lỵ còn đóng tại đây.
Khi lỵ sở tỉnh Bình Định dời về Quy Nhơn, thì các công trình này giao lại cho phủ (tức huyện) An Nhơn quản lý. Quan lại phủ An Nhơn làm việc tại dinh án sát.
Mùa thu Cách mạng năm 1945, đại biểu nhân dân các làng xã trong phủ đã đến đây giành chính quyền về tay nhân dân. Rồi đến năm 1947, theo lệnh “tiêu thổ kháng chiến”, nhân dân trong tỉnh luân phiên đến phá thành Bình Định. Thành Bình Định chấm dứt vai trò lịch sử từ ngày đó.
Có thể nói chiều dài lịch sử của thành Bình Định non một thế kỷ rưỡi (1813- 1947) đã gói gọn trong chiều dài của triều Nguyễn Gia Long, thời kỳ xế chiều, mạt vận của chế độ phong kiến nước ta.
. Trần Kế Nghi
|