Tôi muốn bắt chước dật sĩ Lê Củng thời Nguyễn Phúc Tần làm một bài ký về núi Voi Nằm. Bèn đến hỏi ông Quân: “Như muốn chép núi sông ở làng ta thì nên kể những núi sông nào?”. Ông Quân đáp: “Bài tựa sách Ô châu cận lục có câu: Không có núi sông thì không biết được công tạo hóa của trời đất, không có nhân vật thì không biết được khí chung đúc của núi sông. Làng ta phía nam sừng sững một dải Thiên Sơn, phía tây thì núi Thủ Tiết, núi Voi Nằm án ngữ. Có ngọn lưu dấu oai linh của tổ tiên xưa. Có ngọn chỉ nghe tên gọi đã mường tượng ra nỗi oan khiên của nòi giống. Liệu anh có chép hết nổi không?”. Tôi nói, đã chép về núi sông làng ta phải kể cho hết. Riêng núi Voi Nằm thì chép riêng ra một bài ký. Ông Quân đăm chiêu: “Anh cũng tham vọng chẳng kém ông Chín Khúc”. Ông Chín Khúc mà ông Quân nói đây là Nguyễn Cửu Kế, đời sau, kẻ coi là danh sĩ, người cho là cuồng sĩ.
Lên bảy Kế đã theo học ông đồ Trạc- ông cố ông Quân. Ông Cự- cha Kế, chỉ nhìn bộ móng đã biết con bò có đường cày hay hoặc dở, nhưng nửa chữ không biết. Do vậy, lúc đến học với ông Trạc, Kế đã tự ý thêm vào tên họ mình chữ Cửu, nói là để cho ra tên học trò, nhưng ông dẫn chó đuổi chồn, đuổi cheo trên núi Thiên Sơn nhiều hơn là đi học. Ba mươi tuổi mới đỗ cử nhân, nhằm vào năm Tự Đức thứ bảy, 1854. Kế làm tri phủ Thiên Sơn đâu vài tháng thì lấy cớ mẹ mất sớm, anh em không ai, xin cáo quan về phụng dưỡng cha già. Ông đồ Trạc nghi hoặc, hỏi “Cha già có thể đưa về phủ, hay con đã gặp điều uẩn khúc?”. Kế thưa: “Quan trên tỉnh về phủ coi quan phủ như tay chân, nói gì phải nghe nấy. Còn đám thư lại ở phủ mồm luôn tuôn ra những lời nịnh hót. Ở đấy chỉ thân bại danh liệt, nên con phải sớm lui về”. Bấy giờ trong nước có nhiều cuộc nổi dậy chống lại chính sách cai trị hà khắc của triều Nguyễn. Sợ Kế có chí hướng nào, ông đồ Trạc kiếm lời khuyên: “Ta biết dòng họ nhà con mấy đời làm ruộng, ai cũng hiền lành chất phác. Nay nhờ phúc ông bà con mới đỗ đạt. Nhưng không có số làm quan thì đành nối nghiệp ông cha vậy”. Nghe Kế bảo hãy bán ruộng, bò để mua ngựa nuôi, ông Cự hoảng lắm, vì đương làm quan Kế lại bỏ quan, giờ lại đòi bán gia sản. Ông Quân nói lúc bấy giờ ông cố ông theo khuyên Kế chớ để mất những thứ gọi là huyết mạch nhà nông, nhưng Kế không nghe: “Triều đình từng cho Kế này chăn mấy nghìn dân trong phủ, chẳng lẽ không đủ sức lo việc cơm áo cho hai cha con”. Kế mua cả trước sau là mười ba con ngựa cái, hai con ngựa con, và một con ngựa đực. Tiền bán cặp bò cày thì mua con ngựa đực. Còn tiền phát mãi hai miếng ruộng trên đồng làng Lâm Thượng thì mua đám ngựa cái và ngựa con. Coi như cơ nghiệp gầy dựng cả đời đổ hết vào đám ngựa. Ông Cự lo buồn, chẳng muốn ra khỏi nhà. “Nếu làm ăn bị bại, coi như trời cố hại cha con ta” - Kế nói rất vững, song, chẳng làm vơi nỗi lo âu trong lòng ông Cự. Ngày ngày Kế lùa ngựa vào chân núi Thiên Sơn, để chúng ăn cỏ, còn mình lên núi, khi đi tìm chỗ phát tích con suối, lúc ngồi lắng nghe lũ chim rừng hót. Rồi ông Cự cũng trở dậy đi kiếm cỏ để bỏ chuồng cho ngựa ăn đêm. Hơn nửa năm, cặp ngựa con thành đôi tuấn mã. Hôm đám lính phủ về ốp thúc thu thuế ở Lâm Thượng, thấy cặp ngựa tơ đứng gặm cỏ trước nhà ông Cự, cả bọn đều dừng lại, ngắm nghía. Tay cai đội hỏi mua, ông Cự bảo phải gặp con trai. Hôm sau anh ta quay lại gặp Kế, liền hỏi giá cả. Chẳng vội nói chuyện bán ngựa. Kế hỏi thăm anh ta vào lính đã lâu chưa, và mua ngựa cho ai. Tay cai đội cho biết mình mới vào lính phủ vài tháng, giờ muốn có con ngựa để đi công cán. Kế nói: “Vào lính mới vài tháng mà được thăng cai đội là thân thế lắm. Anh không biết ta đấy thôi, ta cũng ngồi ghế tri phủ đâu vài tháng. Mà ngựa của cựu tri phủ Thiên Sơn bán cao giá lắm, anh mua không nổi đâu”. Tay cai đội có vẻ tức lắm, song chẳng dám nói chi. Ba hôm sau lại quay lại, tự nói ra mình là em vợ của đương kiêm tri phủ Thiên Sơn, và xin mua một con ngựa tơ. Tiền bán con ngựa tơ bằng tiền bán một khoảnh ruộng trên đồng làng Lâm Thượng. Mấy hôm sau tay cai đội lại quay lại, dắt con ngựa tơ còn lại, nói là mua cho quan tri phủ.
Đám ngựa cái có con đã có chửa trước khi Kế mua về. Giáp năm, bọn chúng đã đẻ cho Kế cả thảy trước sau là mười ba con ngựa con. Việc sau đó là Kế phải dạy cung cách đi đứng cho đám ngựa con, dạy ngay hồi nhỏ, như đã dạy cho hai con ngựa con đã bán. Tiếng đồn lan ra các phủ huyện lân cận. Rồi đến lượt quan tổng đốc, quan bố chính sở tại sai lính về Lâm Thượng, tìm đến chuồng, xem ngựa của Kế. Bấy giờ, các quan trên phủ, trên tỉnh, cả những kẻ mới được thăng quan tiến chức, hầu như người nào cũng muốn có ngựa của Kế để cưỡi cho sang. Ông đồ Trạc khen Kế: “Về việc hiểu thời thế thì con đã hơn ta”. Ông Cự vui lắm, vì thấy trời không hại cha con ông. Nhưng vui không được bao lâu thì ông đến tuổi phải theo ông bà. Kế không muốn ở một mình trong ngôi nhà vốn có đủ mẹ cha, lên cất chòi chỗ chân núi Voi Nằm để ở chăn ngựa. Đám ngựa cái mỗi con mỗi năm chỉ đẻ một lần, mà kẻ thích ngựa của Kế thì nhiều. Một hôm có người lính trên tỉnh đến hỏi mua con ngựa đực đầu đàn, nói là mua cho quan án sát, giá bao nhiêu cũng được. Kế không kiềm nổi tức giận, hét “Nếu còn làm tri phủ, ta đã cho căng ngươi ra đánh. Có con ngựa đực đó, lũ ngựa cái của ta mới đẻ được, hiểu chưa?”.
Ngày, Kế lo việc luyện yên cương cho lũ ngựa tơ. Đêm, chong đèn ngồi chép những điều đã hiểu được về sông núi quê mình. Ông đồ Trạc chống gậy lên núi Voi Nằm thăm đứa trò yêu. “Có phải con đang chép sách đấy không?”. Kế liền nói ra điều nung nấu trong lòng mình bấy lâu. Ông Trạc nhìn lên núi Thiên Sơn hồi lâu, rồi bảo “Con chim hồng đã tìm được khoảng trời cho mình chăng?”. Ngoài những người mua ngựa, còn có những kẻ nghe tài thi văn của Kế đã tìm đến núi Voi Nằm. Trần Lung là tay cự bút ở đất kinh sư chẳng hiểu sao cũng nghe tiếng Kế, tìm đến, nói muốn kết bạn với Kế. Lung nói: Nay ở kinh, đức hoàng thượng mở Tập hiền viện và Khai kinh diên để cùng các quan bàn sách vở, làm thi phú. Lung này có người bác họ làm quan ở triều, nên có lần theo ông vào chốn ấy nghe thơ. Hoàng thượng làm thơ không tài hoa lắm, nhưng sâu sắc, chỉ thoáng nghe qua đã thấy ngồn ngộn khí tượng đế vương. Còn các quan thì ra sức ca tụng trời, ca tụng vua. Kẻ làm được thi văn thì vung mồm la hét tựa ông vua chốn thi xã. Kẻ không nặn ra được thi văn cũng cố ra vẻ coi thường hết thảy. Kẻ được vua khen thì lập tức thấy mình đứng trên hết thảy. Kẻ phóng đãng này nghe ở phủ Thiên Sơn có quan tri phủ từ quan về chăn ngựa, viết sách, thì thích quá, liền băng đèo lội suối đến đây”. Đương cô độc, nghe Lung nói, Kế cũng thích quá, liền cùng Lung kết làm bằng hữu.
Theo lời ông cố của ông Quân kể lại, bấy giờ những tay giỏi văn chương ở quanh vùng đều tụ hội về căn lều mái vách đều bằng tranh săn, có biển đề Sơn Phong các, ở chỗ chân núi Voi Nằm. Cả quan huấn đạo, quan giáo thụ trên huyện trên phủ cũng thường hay đến đó. Lúc nước an bình, những kẻ thích thi văn họp lại nhau mà ngâm vịnh, cũng là lẽ thường. Song, một hôm Kế nói: “Lâm Thượng là đất nghèo, chẳng mấy người theo nổi kinh sử. Dường việc uống rượu ngâm thơ bấy lâu của bọn ta chẳng dính dáng chi tới việc con bò đám ruộng của người làng. Kế này từ lâu muốn làm điều hữu ích cho mai sau mà làm chưa nổi, nay có bằng hữu thế này ắt làm được”. Đấy là Kế nói đến công việc mình theo đuổi bấy lâu. Những ngày ấy, đám khách văn của Kế đã lặn lội qua hết các ngọn núi trong dải Thiên Sơn. Còn tập biên khảo xong chưa, chẳng biết, nay chỉ còn nghe nói đến tên Thạch bút tân thư. Rồi cọp núi Thiên Sơn xuống thăm Sơn Phong các. Mọi người ngủ say trong nhà đâu hay con ngựa đực đã cầm đầu đám ngựa cái ngựa con quần nhau với chúa sơn lâm, sáng ra thấy xác lũ ngựa đè lên xác cọp. Kế khóc. Lung đã làm bài văn tế để đọc lúc chôn lũ ngựa. Nghe bài văn tế ngựa của Lung, bạn bè Kế chẳng người nào cầm được nước mắt. Ngoài chuyện văn chương, Lung còn giỏi thuốc nam, đã lên rừng tìm lá sỗng, về ủ cho da cọp không khô cứng, để làm áo khoác cho Kế. Mất đám ngựa, đám khách văn của Kế đi bẫy chim bẫy thú đổi gạo nấu. Lung về kinh sư bán vườn nhà bấy lâu vẫn bỏ không, để góp vào cái ăn ở Sơn Phong các. Nhưng chưa kịp bán đã lật đật quay lại báo cho bạn bè hay việc giặc Pháp xâm lấn đất nước. Kế khoác áo da hổ, mang kiếm dài, lên đỉnh núi Voi Nằm đứng nhìn về hướng sông Hàn, rồi quay về bảo bạn bè: “Đất nước mà về tay kẻ khác, bọn ta chẳng còn làm được việc chi”. Lung cũng nói như thề với bè bạn: “Kẻ quen thói giang hồ này nếu không làm được điều hữu ích lúc nước lâm nguy, thì trời sẽ không cho gặp lại anh em”. Từ bữa đó, người làng Lâm Thượng không còn gặp đám khách văn lui tới núi Voi Nằm. Lúc quân Pháp nổ súng vào cửa Cần Giờ, Kế đã họp được một số trai trẻ trong vùng đến núi Voi Nằm để luyện côn kiếm với mình. Thì ra, trong số khách văn của Kế có người giỏi võ công, đã âm thầm truyền lại cho bạn bè. Nghe Kế luyện binh ở núi Voi Nằm, chờ đánh giặc cứu nước, đám quan phủ Thiên Sơn rất nể. Lúc Trương Công Định đem binh dân Gò Công trợ giúp Nguyễn Tri Phương giữ đồn Kỳ Hòa, Kế đã làm xong chín bài từ khúc ca ngợi đất nước non sông, gọi là Sơn xuyên cửu khúc. Ông đồ Trạc xem xong giật mình, thầm hỏi “Núi sông này muốn hun đúc điều gì chăng?”. Thường, trước lúc tập binh, Kế mặc áo khoác da hổ, múa gươm hát Sơn xuyên cửu khúc để cổ võ đám trai trẻ. Do vậy, người đời sau mới gọi là ông Chín Khúc.
Ở kinh sư, ở Gia Định, Biên Hòa, các nhóm nghĩa binh vẫn tiếp tục cầm gươm súng chống giặc. Nhưng bỗng có tin vua Tự Đức đã sai người ký hòa ước nhường giặc mấy tỉnh Nam Kỳ, và xuống chiếu giải tán các nhóm nghĩa binh. Vào khoảng cuối năm Nhâm Tuất, 1862, đang đêm, Kế khoác áo da hổ, mang kiếm dài, đến gọi cửa nhà thầy. Đoán có điều hệ trọng, ông Trạc bảo: “Giờ chỉ có mỗi thầy trò ta, con nói đi”. Kế quì: “Nước nhà gặp cơn nguy biến, dân muốn chống giặc mà vua không cho. Biết đâu thầy trò ta sẽ không còn gặp lại nhau. Nên con xin được làm lễ tạ ơn giáo huấn của thầy.” Kế lạy hai lạy, rồi đứng lên, rút gươm cắt một mảnh áo khoác trao cho ông Trạc “Để thầy còn nhớ có đứa học trò là Kế này”. Sáng ra, người làng Lâm Thượng đổ xô đến chân núi Voi Nằm. Cả Kế cả đám nghĩa binh của Kế đã biến khỏi Sơn Phong các. Thuyết cho rằng đêm đó Kế đến từ biệt thầy để cùng đồng đội theo đường núi tìm vào với các nghĩa binh ở Nam Kỳ. Thuyết nói viên tri phủ sở tại vốn ghét tính cao ngạo của Kế, khi có chiếu vua cấm người nước ta chống lại người Pháp, đã cho tay chân rình rập Kế, nên đêm đó Kế đã không thoát được.
Hôm mở hòm đựng hồ sơ gia phả nhà họ Lê để lấy mảnh áo khoác của Kế cho tôi xem, ông Quân hỏi: “Anh có biết vì sao Quốc sử quán triều Nguyễn đã không chép sự việc này vào sử hay không?”.
Trích “Phác thảo cho một cuốn địa chí”
. Nguyễn Thanh Hiện |