Những người tô màu xanh cho phố
10:12', 28/4/ 2003 (GMT+7)

Trồng và chăm sóc cỏ hoa

Họ đánh thức những hàng cây còn ngái ngủ vào lúc 5 giờ sáng bằng làn nước mát trong. Họ tỉ mỉ xén tỉa, vun xới những thảm cỏ, cây, hoa, “bắt” chúng mọc ngay ngắn thành từng ô, từng hàng ở công viên, ở các dải phân cách trên đường phố. Với chiếc kéo lách tách trong tay, họ biến những cây dương thành những tai nấm, quả cầu, hình chóp. Như một chú bé đang nắn nót chì màu tô xanh cho cây cối quanh vườn nhà trong bức tranh mình vừa vẽ, 250 công nhân công viên cây xanh (CVCX) Quy Nhơn cũng đang ngày đêm miệt mài tô màu xanh cho thành phố của mình.

* Cho thành phố thêm xanh

Ngày làm việc của chị Mai – công nhân đội 3 đội CVCX (thuộc Công ty Công viên cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn) bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng bằng việc khởi động máy bơm, kéo vòi tưới nước và chăm sóc cây ở công viên Tăng Bạt Hổ, Lý Thường Kiệt và công viên trước mặt Sở Xây dựng. Xong xuôi, chị cùng vài người khác tiếp tục công việc ở vườn cây trong khuôn viên Trung tâm Hội chợ triển lãm. Buổi chiều chị lại bắt đầu công việc vào lúc 3 giờ và kết thúc khi thành phố lên đèn.

Đội 3 của chị Mai chỉ là 1 trong 5 đội chuyên về công tác trồng và chăm sóc cây xanh cho thành phố. Ngoài 4 đội CVCX, còn có 1 đội ươm cây, 1 đội quản lý khu thắng cảnh Ghềnh Ráng và 1 tổ chuyên cắt sửa cây đường phố. Đội 3 có đến 65 công nhân, đông nhất nhì trong số 4 đội CVCX vì đội quản lý và chăm sóc cây xanh toàn bộ khu vực trung tâm thành phố, gồm 5 công viên và hơn 1.500 cây đường phố. Cũng như các đội khác, công việc ở đội 3 được chia ra thành 2 bộ phận, tương ứng với 2 tổ là tổ kỹ thuật và tổ chăm sóc cây. Nếu như công việc của tổ chăm sóc cây là tưới nước, bón phân, phun thuốc cho cây đường phố, cây hàng rào, cỏ hoa… thì các công nhân ở tổ kỹ thuật chịu trách nhiệm cắt sửa cây hàng rào, trồng cây theo mô hình. Ngoài ra, họ còn tự ươm, nhân giống các loại cỏ hoa đơn giản như: mười giờ, chuỗi ngọc, mai cẩm tú để trồng chứ không chờ cây của vườn ươm đem đến.

Ở đội 3, người mới vào làm cũng đã được 3 năm và người có thời gian gắn bó với công việc trồng và chăm sóc cây xanh cho thành phố lâu nhất là anh Nguyễn Hậu – đội trưởng. Thời gian dài gắn bó với nghề đã cho anh rất nhiều kinh nghiệm. Anh biết rõ cái chứng “nhức đầu sổ mũi” của từng cây, biết rõ loại cây nào, hoa nào phải chăm sóc ra sao, mấy tháng phải cắt tỉa, bón phân, những loại sâu bệnh nào hay phá chúng. Anh bộc bạch: “Càng ngày tôi càng yêu nghề hơn và thấy công việc của mình là quan trọng vì nó đã góp phần làm cho thành phố ngày càng xanh hơn, đẹp hơn”.

* Ở nơi ươm mầm xanh cho thành phố

Tuy nhiên, để thành phố có được 26.000 cây bóng mát, 100.000m2 cỏ hoa, cây hàng rào các loại như hôm nay, ngoài công sức của những công nhân các tổ CVCX còn phải kể đến các công nhân ở vườn ươm Phú Hòa. Với 28 công nhân, hàng năm vườn ươm Phú Hòa có khả năng cung ứng cho thành phố 80.000 cây với 40 giống cây các loại. Chỉ với một số cây chưa tự nhân giống được như: muối, sấu, cau bụng, liễu rũ… thì vườn ươm mua về chăm sóc để chờ nhân giống.

Với từng ấy con người và 2ha đất vườn, ngoài việc ươm 20.000 cây, hoa giống các loại (kế hoạch năm 2003), vườn ươm Phú Hòa còn tự sản xuất được phân vi sinh và phân xanh để bón cây, cả sản xuất chậu xi măng để bứng cây vào đưa đi trồng. Công việc ở tổ vườn ươm cũng được chia thành nhóm là duy trì quản lý cây giống và sản xuất cây giống.

Anh Lê Văn Tiến – tổ trưởng tổ vườn ươm Phú Hòa dẫn tôi ra vườn và chỉ những rò bông trang mới mọc, những cây bàng, viết, phượng, me ta, bằng lăng nhỏ được bứng vào bầu nilon cho đến những cây phượng, cây xà cừ cao hơn 3 mét chuẩn bị đem đi trồng. Anh bảo: “Phải mất rất nhiều công sức thì một cái hạt mới trở thành một cây xanh cho bóng mát được. Đầu tiên là gieo hạt hoặc chiếc cành, giâm cành. Sau khi được cây con, các công nhân tiến hành cho vào bầu để dễ vận chuyển và tiện phân loại chăm sóc. Từ khi là cây con cho đến khi cây cao 3m trở lên, đủ tiêu chuẩn để đem ra trồng, phải qua 3 lần ra bầu. Trong suốt quá trình đó công nhân cũng làm đủ các công đoạn như: tưới nước, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, vô bầu. Vậy nên khi mỗi người dân ý thức được tầm quan trọng của cây xanh trên đường phố thì đỡ cho công nhân CVCX chúng tôi rất nhiều”.

Một bóng cây mát rượi giữa buổi trưa nắng cháy, những thảm cỏ tốt tươi, xanh mát mắt, hay những cây điệp xòe bông vàng rực rỡ trên đường, tất cả đều mang trong nó bóng dáng của những công nhân CVCX thành phố. Ngày lại ngày, họ không quản ngại nắng mưa, sớm tối để làm một công việc đầy lãng mạn và cũng không hề đơn giản: tô màu xanh cho thành phố, bởi họ biết họ đang góp một phần công sức của mình để làm cho thành phố ngày càng đẹp hơn.

. Nguyên Sương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vì sao APTECH được chọn làm đối tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin ở Bình Định?  (28/04/2003)
Gươm đàn nửa gánh  (28/04/2003)
Ghi nhớ về ngôi thành cổ Bình Định  (28/04/2003)
“Tam sao thất bổn”  (28/04/2003)
Văn hóa… bánh tráng  (28/04/2003)
Nghĩ về mối quan hệ giữa nhiếp ảnh và thơ  (28/04/2003)
Làng mới Cà Bưng – Niềm vui và ước vọng  (28/04/2003)
Làm gì để bảo vệ và khai thác bền vững đới ven bờ?   (28/04/2003)
Ôn cố tri tân  (28/04/2003)
“Tôi vẫn còn mắc nợ nhân dân Bình Định…”  (28/04/2003)
Hạnh phúc  (27/03/2003)
Lễ hội “Hành trình di sản”  (27/03/2003)
Vài kỷ niệm với tác giả Tống Phước Phổ và NSND Nguyễn Lai  (27/03/2003)
Chân dung người anh hùng đánh bom cảm tử Ngô Mây  (28/03/2003)
Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững  (27/03/2003)