Tọa lạc bên cửa biển Quy Nhơn, trên đồi Hải Minh (bán đảo Phương Mai), nơi giao duyên hữu tình giữa đất- biển- trời, tượng đài Trần Hưng Đạo đứng sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt” trên 30 năm nay.
Khởi công năm 1972 và hoàn thành năm 1973, tác giả thiết lập đồ án và điêu khắc tượng đài Trần Hưng Đạo là kiến trúc sư Đàm Quang Việt, với sự trợ giúp của ông Mai Trọng Truật- giám đốc công trường. Kinh phí xây dựng do Hội Đức Thánh Trần Hưng Đạo tổ chức quyên góp.
Không gian tượng đài nằm ở địa hình lý tưởng, chiều sâu 40 mét, chiều ngang 80 mét. Mặt trước tượng đài được trổ hai hướng đi hai bên hông tượng để xuống mép biển, xếp bằng những bậc đá chẻ, phối hợp với vách dựng uốn cong (kè móng) bảo vệ cho mặt bằng đài tượng vững chắc, đồng thời tạo đường lượn mềm mại, duyên dáng cho công trình. Khuôn viên tượng đài xây lan can bảo vệ, điểm xuyết những bồn hoa được tạo dáng thanh thoát, giúp người xem có cảm giác nhẹ nhõm và an tâm ở tầm cao hàng chục mét so với mặt nước biển quanh năm sóng vỗ. Do địa hình đồi núi nên lối đi lên tượng đài được bố trí theo hình chữ S và vào từ phía sau, nhưng nhờ triền dốc thoai thoải đã được trải nhựa, khách tham quan không có cảm giác mệt mỏi mà còn được ngắm Quy Nhơn- thành phố biển và thi ca, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Thử tưởng tượng một ngày nào đó thành phố Quy Nhơn xây dựng chiếc cầu treo bắt từ cảng Thị Nại đến đồi Hải Minh thì cảnh quan sẽ thơ mộng biết nhường nào, giá trị của tượng đài Trần Hưng Đạo sẽ được nâng lên nhiều so với hiện nay (khách muốn đến tham quan còn quá cách trở vì phải đi đò). Leo lên cầu thang treo cao khoảng 2,5 mét bằng thép bắt trong lòng đài tượng (kết cấu rỗng), lên vị trí mặt tiếp xúc của 2 chân tượng, đến đây ta thấy một tấm bia khắc chìm toàn bộ lai lịch của tượng đài (như đã nêu phần đầu bài viết). Đặc biệt phía trong vạt áo, họ tên những người có liên quan với công trình tượng đài được khắc chi chít. Tượng đài Trần Hưng Đạo được tạc trong tư thế chỉ huy trên thuyền rồng ở trận Bạch Đằng giang, với trang phục áo giáp, mũ sắt. Chân trái đứng trụ, chân phải gác lên mạn thuyền, tay mặt chỉ về phương Bắc, tay trái sờ vào chuôi kiếm đeo ở thắt lưng trong tư thế chuẩn bị xung trận. Khuôn mặt toát lên thần sắc của một vị tướng dũng mãnh, đầy quyền lực và quyết đoán. Với độ cao 16 mét (tính cả đài tượng), tượng đài Trần Hưng Đạo có thể nhìn thấy từ đường Xuân Diệu như một biểu tượng của cửa biển Quy Nhơn.
Tưởng nhớ công đức to lớn của vị anh hùng dân tộc, nhân dân Bình Định đã lập đền thờ Đức Thánh Trần (năm 1968) thuộc phường Thị Nại, TP Quy Nhơn. Hằng năm cứ đến ngày giỗ và thời gian từ Tết Nguyên Đán đến Thượng Nguyên (Tết Nguyên Tiêu), Trung Nguyên (rằm tháng 7), Hạ Nguyên (rằm tháng 10) và 25 tháng giêng là ngày vía của các tướng hội đồng, khách các nơi lại đến đền thờ cầu phước, cầu lộc. Đặc biệt ngày giỗ, ngoài phần lễ còn diễn ra phần hội rất rộn ràng. Trên bàn thờ, chân dung Đức Thánh Trần ngồi được nghệ nhân Đào Địch vẽ (năm 1967 và hoàn thành năm 1968) rất có hồn, thần sắc oai phong và đức độ. Đến năm 2000, chân dung đã bị mối làm hỏng mặt lưng tranh, để kỷ niệm 700 năm ngày mất của Trần Hưng Đạo, Ban hội từ đền đã thuê họa sĩ điêu khắc Phạm Văn Tuyển chuyển sang tượng tròn và tô màu. Hiện nay trên bàn thờ đặt cả tượng và tranh Đức Thánh Trần.
Hiện nay công trình tượng đài đã bị gió, mưa và hơi nước mặn bào mòn, hoen rỉ cốt sắt, sụt lở móng, tam cấp, nhất là các phù điêu đã bị long. Đáng tiếc là khẩu súng thần công phía trước công trình đã không còn nữa.
Thiết nghĩ với công đức to lớn của Trần Hưng Đạo và sự tôn kính của nhân dân đã xem ông như bậc thánh nhân, tượng đài Trần Hưng Đạo ở Quy Nhơn nên xếp hạng là một trong những di tích văn hóa và cần được trùng tu, bảo dưỡng và nâng cấp.
. Nguyễn Chơn Hiền
|