Tản mạn:
Chợ quê
10:15', 28/4/ 2003 (GMT+7)

Không biết từ bao giờ người dân quê tôi có lệ họp chợ theo phiên. Tính theo lịch âm, ngày mồng một là chợ Vạn Phú, mồng hai chợ Đầu Cầu, mồng ba chợ Cây Gia, mồng bốn chợ Tam Tượng, mồng năm chợ Bình Thị, rồi mồng sáu lại chợ Vạn Phú… và cứ thế… Cũng không biết từ bao giờ, bọn trẻ con chúng tôi đứa nào cũng thuộc nằm lòng câu đồng dao: “Vạn Phú là chú Đầu Cầu, Đầu Cầu là cậu Cây Gia, Cây Gia là cha Tam Tượng, Tam Tượng là dượng Bình Thị, Bình Thị là chị Vạn Phú…”

Quê nghèo nên chợ cũng nghèo. Trong ký ức tôi, chợ quê chỉ lèo tèo dăm ba dãy nhà chợ khung tre, mái lợp lá dừa. Người bán cứ bày hàng ra đất. Chợ họp rồi tan ngay trong buổi sáng. Tuổi thơ tôi đã có những lần thắc thỏm mong mẹ, bà đi chợ về, thế nào tôi cũng có quà, khi thì tấm bánh cốm, khi thì những con tò he làm bằng bột nếp bôi phẩm màu xanh đỏ, chơi chán thì vặt từng miếng bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến.

Đến hẹn lại lên. Ngày nào họp chợ nấy. Nhưng đông nhất vẫn là ngày chợ phiên. Hình như, có cái gì ngon, tốt, người ta cũng dành cho chợ phiên. Miệt biển thì mang lên tôm, cá, muối…Miệt rừng thì mang xuống củi, than, mật ong, heo, gà, vịt… Các làng nghề cũng buôn bán chủ yếu vào ngày chợ phiên. Đi chợ phiên phải đi từ tờ mờ sáng. Trong bóng tối lờ mờ và cái se sắt lạnh của cuối đêm, người ta í ới gọi nhau, mặc cả với nhau làm rộn ràng cả một vùng…

Hồi ấy, ngày nào bà cũng đi chợ với gánh hàng xén gần dăm ba bánh thuốc rê, lọ lưỡi câu, khoanh cước, cuộn giấy màu, bịch bong bóng cho trẻ con…. Bà không bỏ một phiên chợ nào. Việc buôn bán, lời lãi đủ bù vào tiền quà bánh cho cháu và trầu thuốc hàng ngày, nhưng cái chính là vui. Không đi thì nhớ. Những ngày đau ốm, không đi chợ được, bà cứ ra ngồi ngay bậu cửa ngóng trông, thở dài thườn thượt. Bà bảo thèm được nghe tiếng chào mời, mặc cả, thèm được nghe những tiếng ồn ào kẻ chợ…

Tôi lớn lên, đi học, rồi ra trường nhận công việc ở thành phố. Cuộc sống thị thành tạo cho tôi thói quen mua bán ở cửa hàng, chợ, siêu thị… Văn minh, lịch sự, nhưng cũng không thiếu những trò lừa lọc. Chợ quê trở thành miền ký ức…

Một ngày cuối năm, tôi về thăm quê. Bà bây giờ trông yếu lắm. Gánh nặng tuổi tác đã làm cho đôi chân của bà không còn len lỏi được theo từng phiên chợ. Đôi quang gánh ngày xưa được treo lên gác bếp, bà xem như một kỷ vật. Tôi hỏi bà: “Bà có nhớ hôm nay là chợ gì không?”. Bà cười móm mém: “Mày làm như bà không nhớ!”. Rồi bà đưa bàn tay lên đếm: “Vạn Phú là chú Đầu Cầu, Đầu Cầu là cậu Cây Gia, Cây Gia là cha Tam Tượng, Tam Tượng là dượng Bình Thị…”. Đến ngón tay thứ năm, giọng bà ngừng hẳn.

Hình như, đâu đó bên nhà hàng xóm có tiếng trẻ con reo mừng mẹ đi chợ về…

. Kim Sơn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đôi điều về tượng đài Trần Hưng Đạo  (28/04/2003)
Những người tô màu xanh cho phố   (28/04/2003)
Vì sao APTECH được chọn làm đối tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin ở Bình Định?  (28/04/2003)
Gươm đàn nửa gánh  (28/04/2003)
Ghi nhớ về ngôi thành cổ Bình Định  (28/04/2003)
“Tam sao thất bổn”  (28/04/2003)
Văn hóa… bánh tráng  (28/04/2003)
Nghĩ về mối quan hệ giữa nhiếp ảnh và thơ  (28/04/2003)
Làng mới Cà Bưng – Niềm vui và ước vọng  (28/04/2003)
Làm gì để bảo vệ và khai thác bền vững đới ven bờ?   (28/04/2003)
Ôn cố tri tân  (28/04/2003)
“Tôi vẫn còn mắc nợ nhân dân Bình Định…”  (28/04/2003)
Hạnh phúc  (27/03/2003)
Lễ hội “Hành trình di sản”  (27/03/2003)
Vài kỷ niệm với tác giả Tống Phước Phổ và NSND Nguyễn Lai  (27/03/2003)