|
Tác giả trước đài tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn |
Quảng Trị là vùng tuyến lửa nổi tiếng thế giới trong những năm Việt Nam đánh Mỹ. Những địa danh: Khe Sanh, Lao Bảo, đường 9 Nam Lào, cầu Hiền Lương, sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị… đã gắn liền với những trang huyền thoại anh hùng; in đậm trong ký ức của nhân dân cả nước và thế giới.
Chiến tranh đã đi qua gần 30 năm. Những địa danh thấm đẫm máu và nước mắt hòa cùng những chiến công lừng lẫy một thời bây giờ là những điểm hẹn của tour du lịch DMZ (về thăm chiến trường xưa) rất hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
Trong những ngày tháng tư lịch sử này, đoàn nhà Báo Bình Định đã có dịp tham gia một tour DMZ. Nơi chúng tôi ghé lại cuối cùng cũng là nơi để lại những ấn tượng sâu đậm nhất: Làng địa đạo Vịnh Mốc.
1- Địa đạo Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh- Quảng Trị) là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê được kiến tạo dưới lòng đất, ra đời trong những năm chiến tranh ác liệt. Đó là tổng thể đường hầm có cấu trúc độc đáo với chiều dài 1.701m, bao gồm 13 cửa (7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi). Địa đạo có dạng hình vòm, cao 1,6 -1,8m; rộng 0,9-1,2m. Trung tâm địa đạo có một hội trường, sức chứa 50-60 người, dùng làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa… Các căn hộ gia đình, bếp, trạm phẫu thuật, nhà hộ sinh (nơi đã ra đời 17 đứa trẻ), nhà vệ sinh, giếng nước…được bố trí hợp lý, khoa học.
Trong suốt thời kỳ 1966-1972, đây là nơi ở, sinh hoạt, trú ẩn an toàn cho dân làng; là kho hậu cần quan trọng, tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ và miền Nam; là chiến lũy vững chắc cho lực lượng vũ trang bảo vệ lũy thép Vĩnh Linh.
Đây là kỳ tích lao động sáng tạo, thành quả của 18.000 ngày công gian khổ dưới mưa bom bão đạn để đào và vận chuyển hơn 6.000m3 đất đá của dân làng Vịnh Mốc và lực lượng vũ trang. Địa đạo Vịnh Mốc là bằng chứng sinh động của sức mạnh chiến tranh nhân dân, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, bám đất, giữ làng của nhân dân vùng đất lửa Vĩnh Linh trong những ngày chiến tranh khốc liệt nhất. Năm 1976, Nhà nước đã công nhận làng địa đạo Vịnh Mốc là di tích quốc gia và đưa vào danh mục các di tích đặc biệt quan trọng.
Đứng ở cửa số 1- đã được gia cố bằng đá và gỗ- của làng địa đạo Vịnh Mốc, trước khi bắt đầu chuyến tham quan địa đạo, chúng tôi được cô Lê Thị Tố Hoài - cán bộ của Trung tâm Bảo tồn di tích thuộc Sở VHTT tỉnh Quảng Trị cho biết: Nếu chỉ tính các làng hầm tiêu biểu thì toàn khu vực Vĩnh Linh có 114 làng hầm với độ dài hơn 40 km. Đó là chưa kể hệ thống giao thông hào dài hơn 2.000km, hệ thống hầm hào, tiểu đạo lên đến hàng chục nghìn chiếc. Nhờ vậy, 7 vạn dân Vĩnh Linh đã kiên cường bám đất giữ làng, đối phó với nửa triệu tấn bom của giặc Mỹ đã dội xuống 800km2 đất quê mình. Nếu như hệ thống địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) đơn thuần là những đường hầm trú ẩn và chiến đấu thì hệ thống địa đạo Vĩnh Linh thật sự trở thành một không gian sinh tồn; sự sống đã lặn sâu xuống lòng đất, có nơi âm 30m. Ở đây có đầy đủ khái niệm của sự sống: sinh con, học hành, yêu thương, vui chơi, giải trí…Cái không bình thường ở đây là vòm trời trên đầu và mặt đất dưới chân chỉ cách nhau 1,8m- (Nhà văn Xuân Đức).
Dưới sự hướng dẫn rất nhiệt tình của Tố Hoài, trong vòng hơn 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã tham quan toàn bộ đường hầm chia làm 3 tầng nối thông với nhau qua trục chính dài 780m, tầng 1 cách mặt đất 8-10m; tầng 2 cách mặt đất 12-15m; tầng 3 cách 23m. Mặc dù chiều cao của chúng tôi khá khiêm tốn, không lo đụng đầu vào trần hầm, nhưng do phản xạ tự nhiên nên lúc nào cũng cúi đầu chẳng khác gì đoàn du khách nước ngoài đang “chui” trước chúng tôi một đoạn. Đường hầm hơi khó đi vì được đào nghiêng từ 20- 30 để thoát nước. Hệ thống đèn chiếu sáng trước kia là đèn dầu, nay đã được cải tiến bằng đèn điện (được giả đèn dầu, dây âm vào vách đất rất khéo) để du khách đủ oxy để thở (đèn dầu vừa đốt oxy vừa gây muội khói sẽ làm khó thở) và thấy đường đi. Tuy vậy đường hầm cũng rất tối, hai vai chúng tôi cọ liên tục vào vách hầm, khi ra ngoài, nhìn lại thì hai vai áo trắng đã nhuộm thành màu đất đỏ bazan. Dọc hai bên đường hầm là những “căn hộ” được khoét sâu, đủ chỗ cho 3-4 người sinh hoạt (trên 350 người đã sống dưới địa đạo này). Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những ô canh gác (để đếm số lượng người ra vào và trao đổi mật khẩu kiểm tra, đề phòng biệt kích của địch xâm nhập). Chúng tôi đã ghé thăm nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho lương thực… Tất cả những đường hầm ở cả 3 tầng đều được trùng tu, bảo dưỡng chu đáo nên còn giữ được vẻ nguyên sơ ban đầu, trừ các cửa hầm được gia cố bằng gỗ và đá để chống sụp. Ở tầng 3, 3 giếng nước có độ sâu của giếng là 6m vẫn còn nguyên vẹn.
2- Soi mặt xuống làn nước trong xanh, trong một không gian thật đặc biệt, một quá khứ hào hùng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của người dân Vĩnh Linh trong những tháng năm đánh Mỹ như hiển hiện trước mắt chúng tôi. Gần 2.000 ngày đêm tồn tại dưới lòng đất đã nói lên huyền tích kỳ diệu, có thể xem là kỳ quan trong thế kỷ XX của nhân dân và lực lượng vũ trang Vĩnh Linh. Họ không chỉ thụ động tránh bom đạn, bảo toàn sinh mạng mà còn bám đất giữ làng, tổ chức đánh địch ngay trên quê hương mình; sản xuất lương thực (tự sản xuất 1/3 lương thực, số còn lại được Nhà nước cấp), tập kết lương thực, vũ khí, cấp cứu thương binh, tiếp viện cho đảo Cồn Cỏ và miền Nam.
Ở một chặng nghỉ để thở hít chút không khí trong lành lấy sức tiếp tục tham quan địa đạo, đứng bên ngoài cửa hầm số 7, trước mặt là vịnh biển mịt mờ sương khói, chúng tôi căng mắt nhìn ra thăm thẳm khơi xa để tìm bóng dáng của đảo Cồn Cỏ anh hùng - đảo tiền tiêu có vị trí chiến lược quan trọng trong việc án ngữ vùng biển Vĩnh Linh và cả miền Bắc, cách làng địa đạo Vịnh Mốc 28km đường biển. Chúng tôi thật sự xúc động và kính phục khi được biết rằng dân làng địa đạo Vịnh Mốc chỉ với những chiếc thuyền nhỏ bé đã tổ chức hàng trăm chuyến vận tải cảm tử, băng qua dày đặc bom đạn phi pháo của kẻ thù, vượt muôn trùng sóng gió, gian lao, nguy hiểm để vận chuyển trên 12 nghìn tấn lương thực, vũ khí, đạn dược tiếp viện cho Cồn Cỏ đánh Mỹ. Đảo Cồn Cỏ đứng vững dưới mưa bom bão đạn của đế quốc Mỹ, được Đảng và Nhà nước tuyên dương hai lần Anh hùng có sự đóng góp xứng đáng của làng hầm Vịnh Mốc.
3- Đến với đất lửa Vĩnh Linh, chúng tôi được nghe lại những câu ca dao từ thuở khai hoang mở đất ở đây, gắn với đất và người “lũy thép”, vẫn âm thầm chảy qua năm tháng, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, niềm tin vào chân lý và sự sống bất diệt:
Đừng than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.
Kẻ xâm lược đã từng tuyên bố: “Phải biến đất này trở về thời kỳ đồ đá”, và một cuộc chiến tranh hủy diệt đã được tiến hành vì mục tiêu: “Phải kéo dài biên giới Hoa Kỳ đến tận vĩ tuyến 17”, nhưng tham vọng ấy đã hoàn toàn phá sản trước sức mạnh kỳ diệu của nhân dân Vĩnh Linh; bởi họ đã quyết tâm:
Nhà tan cửa nát cũng ừ
Đánh xong giặc Mỹ cực chừ sướng sau
Vĩnh Linh thật xứng đáng với thư khen ngợi của Bác Hồ:
Đánh cho giặc Mỹ tan tành
Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng.
4- Chiến tranh đã đi qua, những con người quả cảm, anh hùng trong chiến đấu của năm xưa siết tay nhau xây dựng lại quê hương, chăm chút cho từng nụ xanh mọc lên sau cơn bão lửa. Dọc hai bên con đường tỉnh lộ chạy về hướng đông từ Quốc lộ 1A đến làng địa đạo Vịnh Mốc, vòng qua Cửa Tùng nối liền với thị xã Đông Hà được thảm bê tông nhựa phẳng phiu, là bạt ngàn rừng cao su, rừng thông và những vườn hồ tiêu chạy dài ngút mắt. Trong dòng cảm xúc dạt dào về những di tích chiến tranh trên vùng đất gió Lào rát bỏng đã được trùng tu, chăm sóc khá chu đáo để làm bài học về tội ác chiến tranh, về lòng yêu chuộng hòa bình, tôi chợt nghĩ đến những di tích trên quê hương Bình Định. Trong chiến tranh chống Mỹ, “ở Việt Nam ra ngõ gặp anh hùng”, đất Bình Định cũng đã từng hứng chịu đạn bom ác liệt của kẻ thù; quân và dân Bình Định đã từng lập bao chiến tích; giá mà những di tích chiến tranh của tỉnh nhà như: hệ thống hầm hào chiến đấu ở Đồi 10 (Hoài Nhơn), các hang đá vùng chiến khu Núi Bà (Phù Cát)… được quan tâm bảo vệ, trùng tu cho xứng với tầm di tích thì chắc chắn những di tích này sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào công tác bảo tồn bảo tàng, đặc biệt là trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội (du lịch) của tỉnh nhà.
. Bùi Lợi
Bạn và tôi, chúng ta không ai chỉ sống bằng quá khứ. Nhưng chúng ta cũng như nhân loại, không thể và không có quyền quên đi quá khứ. Bởi quá khứ không chỉ là bài học vô giá cho sự sống hôm nay mà thực ra, những gì đã từng xảy ra trong quá khứ nơi đây vẫn đang còn xảy ra từng giờ đây đó trên trái đất này.
Vì lẽ ấy, mà công trình “Làng địa đạo Vịnh Mốc”, một công trình tiêu biểu cho 114 công trình kì lạ trên mảnh đất Vĩnh Linh vẫn phải giữ lại. Và cũng vì lẽ ấy mà bạn đã có mặt ở đây, cùng chúng tôi nhìn lại lịch sử và suy nghĩ. (Nhà văn Xuân Đức) |