Làng nón bây giờ
8:47', 28/5/ 2003 (GMT+7)

Nón ngựa Gò Găng/ Cước nhỏ chỉ săn/ Lụa đậu tư săn chắc/ Thắt cái khăn cho chàng...” Câu hát nói bà ngoại vẫn ru tôi hồi nhỏ bất chợt hiện ra trong đầu khi tôi trên đường tìm về với những làng nón Bình Định. Ở đó, tôi đã nghe được tiếng lòng của những người mấy chục năm qua vẫn thủy chung với nghề nón, và tiếng lòng của nón.

* Nỗi niềm nón ngựa

Nón Gò Găng (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Chúng tôi tìm đến nhà bà Chín Lê ở Phú Gia (Cát Tường – Phù Cát, Bình Định) trong lúc bà đang tỉ mẩn đan cái sườn nón ngựa bằng những cọng nan tròn và nhỏ xíu. Bà bảo, cái thời mà ở Phú Gia này mười nhà thì đủ chục đều làm nón ngựa đã không còn nữa. Cách đây năm sáu chục năm, lúc bà còn trẻ, mẹ và 5 chị em gái của bà đều làm nón ngựa. Làm nón tuy thu nhập không cao nhưng cũng đỡ được tiền mắm muối, chợ búa. Còn bây giờ, 5 cô con gái của bà không ai học nghề làm nón ngựa nữa vì khó quá và thu nhập ít. Cũng như nhiều người khác ở Phú Gia này, họ chuyển sang nghề làm bánh tráng. Bà Chín Lê vừa kể vừa cười, nụ cười không giấu được nỗi ưu tư.

Nón ngựa Gò Găng - một trong những đặc sản của quê hương Bình Định – được bán ở Gò Găng nhưng chỉ có người Phú Gia và một số ít người vùng lân cận là làm được, vì nó đòi hỏi phải có những nguyên vật liệu đặc biệt và sự khéo léo, kiên nhẫn của người thợ. Lá để lợp nón phải là lá kè được hái từ vùng núi Vĩnh Thạnh, Gia Lai; vành nón phải làm bằng rễ cây dứa; nan đan sườn nón phải được chuốt từ cây giang lấy trên núi. Để làm xong một chiếc nón như thế, người thợ phải ngồi tỉ mỉ đan, nứt, bủa, chằm trong 3 – 4 ngày.

Hiện nay, ở Cát Tường có khoảng 120 hộ có nghề làm nón ngựa. Ngoài Phú Gia, những thôn lân cận như Kiều Đông, Xuân Quang cũng làm, tuy nhiên chủ yếu vẫn là ở Phú Gia, với khoảng 70 – 80 hộ làm, chiếm 10% tổng số hộ của thôn. Theo những người cao niên ở làng thì tuy nghề làm nón ngựa ở đây vẫn được tiếp tục duy trì nhưng dường như những chiếc nón đẹp và sắc sảo như cách đây vài chục năm ngày càng hiếm.

Tôi ngồi nghe bà Chín Lê kể chuyện làng nghề và cảm nhận được niềm tự hào của bà về nghề làm nón ngựa - cái nghề mà trọn cuộc đời mình, bà đã gắn bó với nó. Và sau đó là nỗi hoài cổ của một bà lão đã gần tám mươi về những nét độc đáo, tinh xảo, điêu luyện được kết tinh trong chiếc nón ngựa của người xưa, nay vì nhiều lẽ đã không còn giữ được nguyên vẹn như vốn có.

* Những nẻo đường của nón

Cũng như bún song thằn, lụa đậu tư, rượu Bầu Đá, nón ngựa Gò Găng là một sản vật đặc biệt chỉ ở Bình Định mới có. Ngoài nón ngựa ra, Bình Định còn sản xuất nón lá với những nơi tập trung nhiều người làm là Kiều Huyên, Kiều An (Cát Tân), Phong An (Cát Trinh), Châu Thành, (Nhơn Thành), Bình Đức (Nhơn Mỹ), trong đó nón lá Kiều Huyên là được nhiều người biết đến hơn cả. Thôn có hơn 600 hộ thì hầu như 100% đều làm nón lá. Ở đây nghề làm nón tồn tại song song với nghề làm nông nên phân công lao động trong gia đình cũng rất rõ ràng: đàn ông lo việc đồng áng, phụ nữ làm nón. Thu nhập từ nghề làm nón không cao lắm, chỉ khoảng 10.000đ – 15.000đ/ ngày/ người, đủ trang trải chợ búa chứ không thể làm giàu được.

Chợ nón Gò Găng là nơi tập trung mua bán nón của người làm nón ở các vùng này. Mỗi phiên, ước lượng số nón được đem ra bán tại chợ là khoảng 1,5 đến 2 thiên (1 thiên là 1.000 chiếc nón). Chợ nón họp 5 ngày một phiên, bắt đầu từ 1 – 2 giờ khuya và tan lúc trời vừa sáng nên người dân ở đây gọi là chợ đêm. Nón được chồng lại thành cây, được các cô, các chị chở bằng xe đạp đến để bán cho những người mua sỉ. Tiếng nói cười, trao đổi mua bán râm ran cả một vùng chợ. Các quầng sáng tỏa ra từ những chiếc đèn đầu và được những chiếc nón trắng phản chiếu lại khiến cho chợ nón đêm mang một nét gì đó vừa nên thơ vừa lung linh huyền ảo. Vì thế, Gò Găng trở thành địa điểm tập kết nón để từ đó những chiếc nón lá, nón ngựa Bình Định tỏa đi khắp nơi trong cả nước: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Sài Gòn, Gia Lai, Đắc Lắc… Người buôn nhỏ mỗi chuyến đi một vài thiên nón, người buôn lớn thì đi cả chục thiên.

Bà Bảy – một người đã 15 năm trong nghề buôn nón ở thôn Phong An (Cát Trinh) – cho biết là: cứ 5 ngày, sau khi mua được khoảng 1 đến 1,5 thiên nón từ các hộ làm nón trong thôn và các thôn lân cận, bà mang ra Quảng Ngãi, Tam Kỳ bỏ sỉ cho các hàng quán. Nón mà bà buôn chủ yếu là nón lá, loại chất lượng trung bình, giá từ 2.000đ – 6.000đ/ cái và một ít nón ngựa loại thường, giá 20 – 25.000đ/ cái.

Lần đầu tiên, tôi được nghe một người buôn nón so sánh nón Bình Định với chiếc nón Huế. Rằng nón ngựa chỉ có một mình Phú Gia (Phù Cát) chứ không đâu trên cả nước mình làm được. Nón ngựa bán ở Huế chính là nón ngựa Gò Găng của Bình Định đem ra. Còn nón lá Bình Định, do thói quen làm nón và chất lượng nguyên liệu kém nên không đẹp và bền bằng nón Huế, giá bán cao nhất cũng chỉ 10.000đ – 12.000đ/ cái. Nón Huế tuy đắt hơn nhưng vừa chắc lại vừa thanh, càng trải mưa nắng càng ngả màu vàng óng chứ không bị xỉn màu. Vì vậy, nếu như nón Huế được những người thích ăn chắc mặc bền mua đội hoặc khách du lịch mua làm quà tặng thì nón lá Bình Định được làm chủ yếu để bán cho người lao động.

* Trăn trở làng nón

Nghề làm nón ở Bình Định sẽ không chết, vì nó là nghề lúc nông nhàn, nghề truyền thống của nhiều làng quê. Và chiếc nón không đơn giản chỉ là một vật đội đầu che nắng che mưa, nó còn là sản phẩm kết tinh của tính chăm chỉ, sáng tạo, sự khéo léo của người thợ và thể hiện trình độ văn hóa của vùng đất đã sản sinh ra nó. Vì thế nón ngựa Gò Găng, nón lá Bình Định cần được bảo tồn và phát triển, bên cạnh vai trò là một sản phẩm tiêu dùng, chúng xứng đáng được nâng tầm lên thành một sản phẩm văn hóa.

Người Phú Gia, Kiều Huyên, Phong An… rất tự hào về nghề nón quê mình, nên chắc chắn sẽ làm được những chiếc nón ngựa, nón lá tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn những cái hiện có. Và điều mà họ mong muốn, cũng là điều nhiều người Bình Định mong muốn là khi Bình Định khai thác tiềm năng du lịch của mình, những chiếc nón lá, nón ngựa Bình Định sẽ được theo chân du khách đi về mọi miền đất nước, ra cả nước ngoài, như người Huế đã làm được với những chiếc nón của họ.

. Minh Khương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nếp nhà  (28/04/2003)
Thăm làng địa đạo Vịnh Mốc   (28/04/2003)
Chợ quê  (28/04/2003)
Đôi điều về tượng đài Trần Hưng Đạo  (28/04/2003)
Những người tô màu xanh cho phố   (28/04/2003)
Vì sao APTECH được chọn làm đối tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin ở Bình Định?  (28/04/2003)
Gươm đàn nửa gánh  (28/04/2003)
Ghi nhớ về ngôi thành cổ Bình Định  (28/04/2003)
“Tam sao thất bổn”  (28/04/2003)
Văn hóa… bánh tráng  (28/04/2003)
Nghĩ về mối quan hệ giữa nhiếp ảnh và thơ  (28/04/2003)
Làng mới Cà Bưng – Niềm vui và ước vọng  (28/04/2003)
Làm gì để bảo vệ và khai thác bền vững đới ven bờ?   (28/04/2003)
Ôn cố tri tân  (28/04/2003)
“Tôi vẫn còn mắc nợ nhân dân Bình Định…”  (28/04/2003)