Nghề phục hồi chức năng lao động
16:29', 27/5/ 2003 (GMT+7)

Nhiệt độ trên bảng điều khiển máy sấy chỉ con số 2000. Mang đôi găng tay dày cộm, một kỹ thuật viên (KTV) mở cửa máy và nhanh chóng lấy tấm nhựa đã được sấy mềm ra, bọc ngay lấy khuôn bột có hình mỏm chân cụt. Dưới đôi bàn tay thoăn thoắt của anh, hình dáng một phần của chiếc chân giả đã hiện ra...

* Nghề

Xưởng Chỉnh hình thuộc Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (CH & PHCN) Quy Nhơn có tất cả 10 KTV, làm ở ba bộ phận khác nhau: chân tay giả, nẹp chỉnh hình và giày chỉnh hình. Trong đó, bộ phận làm chân tay giả tập trung đến 8 KTV vì khối lượng công việc ở đây rất lớn. Bên cạnh các phương pháp vật lý trị liệu, sản xuất chân tay giả là một mảng công việc cơ bản của trung tâm trong việc giúp người bệnh phục hồi chức năng. Không chỉ chữa trị riêng cho người dân Bình Định, Trung tâm CH & PHCN Quy Nhơn còn có trách nhiệm phục vụ cho người bệnh ở 5 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên là Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum.

Đo lấy mẫu làm chân giả.

“Mỗi bệnh nhân vào Trung tâm điều trị có đặc điểm cần chỉnh hình khác nhau, vì vậy việc sản xuất dụng cụ chỉnh hình cũng không thể làm theo kiểu dây chuyền được” – trong tiếng ồn chói tai phát ra từ chiếc máy tiện và tiếng thổi gió ào ào của chiếc quạt điện to, một KTV đang tiện chiếc chân giả cho tôi biết như vậy. “Vì thế – anh tiếp lời – mỗi KTV sẽ đảm nhận tất cả các khâu từ A đến Z khi làm chi giả cho một bệnh nhân”. Công việc bắt đầu bằng việc đo kích thước mỏm cụt bệnh nhân, bó bột lấy mẫu, sau đó là làm khuôn nhựa, lắp khuôn nhựa với phần chân gỗ có sẵn và lắp chân cho bệnh nhân. Với cả hai công nghệ làm chi giả bằng gỗ bọc nhựa và làm bằng nhựa PP, xưởng phải mua các bán thành phẩm như bàn chân, cánh tay, ống chân (từ đầu gối trở xuống), cốt sắt bên trong ống chân, sau đó tự sản xuất các phần khác để lắp ráp thành một chi giả hoàn chỉnh.

Anh Nguyễn Minh Huân – KTV bộ phận làm tay chân giả cho biết: “Nếu người nào đã từng làm chân giả rồi (đa số bệnh nhân đến làm chi giả tại trung tâm là làm chân) và nay đi thay cái khác thì công việc khá đơn giản, chỉ cần lấy mẫu để làm là xong. Thế nhưng, nếu bệnh nhân mới làm chân giả lần đầu thì phải tập vật lý trị liệu khoảng 2 tuần để vận động các khớp và tiêu bớt các mô mỡ, phải mổ cắt u thần kinh ở mỏm cụt hay gai mỏm cụt (nếu có) trước khi lắp chân. Sau khi lắp chân, bệnh nhân còn phải tập đi nữa”.

Công việc làm nẹp chỉnh hình được những người trong nghề xem là phức tạp hơn nhưng cũng thú vị hơn công việc làm chân tay rất nhiều, vì người làm phải hiểu rõ từng thể loại bệnh của bệnh nhân như: liệt bẩm sinh, liệt vì bệnh tật, khoèo… để làm nẹp cho phù hợp. Còn giày chỉnh hình không những kết hợp với nẹp chỉnh hình giúp bệnh nhân tập đi mà còn có chức năng thẩm mỹ là điều chỉnh cho hai chân bằng nhau.

* Và nghiệp

Với các KTV ở xưởng Chỉnh hình, người có thâm niên nhất trong nghề đã có mặt tại đây từ thuở khai sinh Trung tâm CH & PHCN Quy Nhơn (năm 1970), tức hơn 30 năm, và người ít nhất thì cũng gắn bó với những chân giả, tay giả 20 năm có lẻ. Vì thế, những buồn vui trong nghề họ đều đã nếm trải.

Chị Yến, một trong 4 nữ KTV của xưởng cho biết thêm: “Với những trường hợp người bệnh không thể đi đến Trung tâm được, chúng tôi phải đến tận nơi để làm cho họ, như sắp tới đây là đi Phú Yên. Mỗi lần đi như vậy chúng tôi mang theo tất cả dụng cụ, trang thiết bị để khám, đo lấy mẫu chân tay người bệnh rồi trở về trung tâm làm. Đến khi hoàn chỉnh thì mang đến lắp cho họ”.

Có một điều đáng chú ý là trong số 10 KTV của xưởng thì có 2 người cũng... mang chân giả y như các bệnh nhân của họ. Đó là anh Nguyễn Minh Huân và chị Đoàn Thị Mẹo.

Anh Huân quê Hà Tĩnh, học ở Trường Công nhân kỹ thuật Chỉnh hình Ba Vì, năm 1981 anh được điều vào làm tại Trung tâm CH & PHCN Quy Nhơn. Sau khi đi bộ đội ở chiến trường Campuchia và bị thương năm 1986, anh tiếp tục quay về làm việc ở Trung tâm. Còn với chị Đoàn Thị Mẹo thì lại khác. Chị bị vấp mìn cụt một chân năm 1969 và trở thành bệnh nhân của Trạm chỉnh hình Quảng Ngãi. Được lắp chân giả xong, chị có nguyện vọng xin vào làm tại trạm để giúp lại những người có hoàn cảnh tương tự mình. Khi 2 cơ sở chỉnh hình ở Quy Nhơn và Quảng Ngãi nhập lại với nhau, chị vào Bình Định làm và gắn bó với công việc cho đến tận bây giờ.

Ông Nguyễn Quy – quản đốc xưởng Chỉnh hình – nhận xét: “Những người khuyết tật như chú Huân, cô Mẹo vẫn làm việc tốt bởi công việc này đòi hỏi ở cái đầu và đôi bàn tay là chủ yếu. Hơn nữa, tôi nghĩ họ biết mình như thế thì sẽ giúp người khác tốt hơn”. Điều này đã được anh Huân xác nhận: “Tôi hiểu rõ cái cảm giác khi bị mất một phần thân thể là thiệt thòi như thế nào. Vì vậy tôi nghĩ mình phải ân cần, chu đáo hơn với bệnh nhân, cố gắng giúp họ phục hồi chức năng để họ cũng được như mình!”.

Bắt đầu từ những suy nghĩ đầy trách nhiệm và cũng đầy tình cảm như thế nên hơn 20 năm trong nghề, anh đã có nhiều người bạn quý mà bắt đầu là bằng mối quan hệ bệnh nhân – KTV. Nhiều năm sau, kể từ lúc anh Huân làm chân cho các bệnh nhân – bạn của mình, họ vẫn thường gặp mặt, liên lạc, thăm hỏi sức khỏe của nhau.

Nghề của các KTV chỉnh hình cho họ dịp được thường xuyên tiếp xúc với những người mà thân thể không còn nguyên vẹn. Và họ đã giúp những người không may ấy lấy lại sự tự tin trong cuộc sống bằng những dụng cụ chỉnh hình mà trong đó chứa đầy tâm huyết nghề nghiệp và tình cảm với đời, với người.

. Nguyên Sương

- Mỗi năm, Trung tâm CH &PHCN Quy Nhơn có thể sản xuất 1.700 dụng cụ chỉnh hình để cung cấp cho khoảng 10.000 bệnh nhân bị cụt chi ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên (riêng 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa chiếm tới 7.000 người).

- Xưởng Chỉnh hình có 3 KTV có trình độ công nhân bậc 7 và 7 người là thợ bậc 6. Các KTV đều đã được tu nghiệp tại các nước trong khu vực, trong đó có 4 KTV đã được tổ chức Chỉnh hình quốc tế (ISPO) cấp bằng.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Học sinh đã lĩnh hội được một lượng kiến thức nền rất lớn cho tương lai  (27/05/2003)
Làng nón bây giờ  (27/05/2003)
Ghi nhận từ Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp miền Trung – 2003  (27/05/2003)
Nếp nhà  (28/04/2003)
Thăm làng địa đạo Vịnh Mốc   (28/04/2003)
Chợ quê  (28/04/2003)
Đôi điều về tượng đài Trần Hưng Đạo  (28/04/2003)
Những người tô màu xanh cho phố   (28/04/2003)
Vì sao APTECH được chọn làm đối tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin ở Bình Định?  (28/04/2003)
Gươm đàn nửa gánh  (28/04/2003)
Ghi nhớ về ngôi thành cổ Bình Định  (28/04/2003)
“Tam sao thất bổn”  (28/04/2003)
Văn hóa… bánh tráng  (28/04/2003)
Nghĩ về mối quan hệ giữa nhiếp ảnh và thơ  (28/04/2003)
Làng mới Cà Bưng – Niềm vui và ước vọng  (28/04/2003)