Hàng loạt dự án cấp nước sinh hoạt cho nông thôn từ các làng chài ven biển cho đến những bản làng xa xôi trên rẻo cao đã được triển khai. Cùng với các nguồn đầu tư của nhà nước, việc nhân dân Bình Định tự đầu tư để tạo nguồn đã làm cơn khát nước sạch ở nông thôn từng bước đã được đẩy lùi. Mục tiêu đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho 60% dân số khu vực nông thôn tuy khó khăn nhưng không phải là nằm ngoài tầm tay.
* Từ những dấu hiệu tích cực
Năm nay, tổng số vốn đầu tư mà Bộ NN-PTNT cấp cho những dự án xây dựng công trình cung cấp nước sạch ở khu vực nông thôn Bình Định đã lên tới 3,15 tỉ đồng. Đây là mức đầu tư vượt trội so với mọi năm (năm 2002 chỉ có hơn 2 tỉ đồng). Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các dự án của Bình Định được tăng vốn đầu tư, nhưng trước tiên phải kể đến việc những công trình đã nhận vốn trước đây mà Bình Định triển khai đã phát huy hiệu quả rất cao. Ông Đàm Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn BĐ cho biết: “Các dự án của Bình Định đã tạo được ấn tượng tốt cho lãnh đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Hơn nữa, số vốn đối ứng mà Bình Định dự kiến dành cho chương trình nước sinh hoạt nông thôn cũng khá cao, như năm nay là khoảng 2 tỉ đồng. Vốn đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia năm sau thường cao hơn năm trước nhưng nhiều hơn đến 1 tỉ đồng thì chưa bao giờ”.
Ước tính hiện nay số dân sống ở khu vực nông thôn của Bình Định vào khoảng 1,24 triệu người, trong đó có khoảng 644.800 người đã được sử dụng nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 52%). Để thực hiện được mục tiêu có 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch vào cuối năm 2003, nhà nước đã động viên khả năng của nhân dân rất nhiều và đã được phản hồi một cách tích cực, kể cả những vùng xa khó khăn. Ông Đinh Dam - Chủ tịch xã Vĩnh An cho biết: “Để được dùng nước sạch, đồng bào Vĩnh An tuy còn nghèo nhưng sẵn sàng đóng góp công sức để công trình mau chóng hoàn thành. Việc sử dụng nguồn nước chất lượng xấu trong sinh hoạt đã gây các bệnh đường tiêu hóa, sỏi thận, làm xương bị giòn, dễ gãy, nhiều người bị mục răng, rụng răng ngay khi đang còn thanh niên. Hệ thống cấp nước chuẩn bị hoàn thành đủ khả năng cung cấp cho hơn 5.000 dân”.
* Đến sự năng động của các địa phương
Nếu trước đây, người dân trông cậy rất nhiều vào sự đầu tư của chính quyền thì nay người dân đã tích cực hơn trong vấn đề này. Dấu hiệu dễ thấy nhất là việc ngày càng có nhiều công trình khai thác nước ngầm bằng giếng khoan đủ sức cung cấp từ 5 - 10 hộ. Không chỉ làm những công trình lẻ, tốc độ triển khai của nhiều dự án quy mô lớn đã được đẩy nhanh với sự hỗ trợ mạnh mẽ của người dân mà Tam Quan Bắc là một ví dụ. Nguồn nước ngầm của xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) bị nhiễm phèn, nhiễm mặn rất nặng. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của xã. Ông Bùi Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc cho biết: “Hiếm nơi nào mà việc thiếu nước lại ảnh hưởng đến khả năng phát triển như xã chúng tôi. Thiếu nước uống đã đành, chúng tôi còn thiếu cả nước để sản xuất. Tam Quan Bắc cần có nguồn nước dồi dào để sản xuất nước đá cung cấp cho tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản; nếu được cấp nước đầy đủ ngành này sẽ còn phát triển mạnh hơn nhiều; các tàu thuyền đánh cá cũng cần được cấp đủ nước uống với giá thấp hơn chứ như hiện nay thì rất căng. Vì lẽ đó mà người dân ở đây ủng hộ dự án xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tập trung hết sức nhiệt tình”.
Sự năng động trong việc tìm nguồn đầu tư của lãnh đạo các huyện trong tỉnh là một yếu tố quan trọng khiến tỷ lệ người dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt ngày càng cao. Nếu như trong những năm đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chính quyền cơ sở còn trông chờ vào đầu tư của ngân sách, thì mấy năm gần đây, mọi việc đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Bên cạnh việc huy động nguồn lực nhân dân, nhiều địa phương đã tích cực tìm nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Có thể kể đến những dự án đã triển khai ở Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh), thị trấn Phù Mỹ (Phù Mỹ) hoặc hệ thống cấp nước Công Thạnh - Trường Xuân (Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn)... Ngay sau kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán để đưa thị trấn Phù Mỹ vào danh sách các địa phương được Chương trình phát triển nguồn nước (Vương quốc Bỉ) tài trợ, ông Huỳnh Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết: “Nước sinh hoạt mà rất nhiều người dân ở thị trấn Phù Mỹ đang dùng là một loại nước nhiễm phèn, có vị mặn... Nói cách khác là không đủ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn sức khỏe. Việc thiếu nước sạch đã gây bức xúc trong cán bộ nhân dân. Nhiều năm qua chúng tôi đã đặt ra vấn đề xây dựng một công trình cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Năm ngoái, Chi nhánh Công ty khảo sát xây dựng miền Trung (Bộ Xây dựng) tìm thấy nguồn nước ngầm đủ điều kiện làm nguồn cung cấp cho hệ thống cung cấp nước sạch thì vấn đề giải quyết nhu cầu nước sạch cho vùng trung tâm huyện Phù Mỹ mới tìm thấy lối thoát. Cuộc đàm phán với Chương trình phát triển nguồn nước (Vương quốc Bỉ) đã có kết quả rất tốt, dự án xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho thị trấn đã được phê duyệt. Theo đó thị trấn Phù Mỹ được Vương quốc Bỉ tài trợï hơn 12 tỉ đồng để xây dựng công trình cung cấp nước sạch cho 12.000 dân vào giai đoạn I và 20.000 dân vào năm 2005. Dự kiến đến cuối năm nay hoặc sang đầu năm 2004 nhân dân thị trấn sẽ được dùng nước sạch”.
* Vỹ thanh
Điều đáng mừng là bản đồ các công trình nước sạch của Bình Định đã rải đều từ vùng ven biển lên đến miền núi cao, không có hiện tượng tập trung đầu tư ở những vùng gần, đầu tư thấp, dễ được lãnh đạo chú ý. Từ chỗ có ý thức rất kém về vệ sinh môi trường và tầm quan trọng của nước sạch, nay cộng đồng dân cư sống ở khu vực nông thôn Bình Định đã thấy rằng sử dụng nước sạch là vì chính sức khỏe của mình chứ không phải vì ai khác, không nên thụ động trông đợi. Không chỉ có thế, chuyển biến trong ý thức về nước sạch còn dẫn đến hệ quả tích cực là tầm nhận thức về sự cần thiết của các công trình vệ sinh (hố xí, nhà tắm...), về vấn đề bảo vệ nguồn nước cũng tốt hơn.
. Bá Phùng |