Truyện ngắn:
Nữ sĩ tỉnh lẻ
16:35', 27/5/ 2003 (GMT+7)

Thế là nghiễm nhiên tôi trở thành nữ sĩ tỉnh lẻ, khi truyền hình địa phương phát một đoạn phim nói về những mảng đời văn, trong đó có tôi góp mặt. Gặp chị bán đậu khuôn mà tôi vẫn mua một tháng hai lần ở chợ Xóm Mới, chị cười cười “Em, em, chị mới thấy em trên ti vi. Em là nhà thơ hử?”. Còn đại gia đình của tôi thì không ai có ý kiến gì trước một sự vốn đã rồi từ lâu.

Thực ra cái mầm mống báo hiệu sự xuất hiện của một nhân tài tương lai đã có từ khi tôi còn rất bé. Ngay cả giây phút chào đời của tôi cũng được cha mẹ thuật lại hàng trăm lần với tất cả sự trân trọng và hồi hộp. Một ngày mưa bão giữa tháng sáu, mẹ tôi bụng đói một mình mang cái bầu được chẩn đoán là sinh đôi và nhiều khả năng là một quái thai. May sao khi lọt lòng, tôi đầy đủ, nở nang xinh đẹp như một con gấu nâu, chỉ có điều ba ngày sau mới chịu mở mắt. Người ta nói do khi có mang tôi mẹ bước qua một con chó đang ngủ. Rõ chán, giá mẹ tựa vào một con phượng hoàng có phải giờ này tôi đã mang tầm vóc toàn cầu rồi không. Khả năng tư duy sáng tạo ngôn ngữ cũng đã có từ khi tôi mới biết nói. Có lần tôi chạy về khóc mét mẹ vừa bị một cái thằng tên Ong cắn đỏ cả tay, bà bèn dắt tôi ra đầu ngõ để kiếm nó hỏi cho ra cớ sự, mãi tôi mới chỉ cái “thằng” ong đó đang bay vù vù trên tán phượng trước nhà. Khi tôi đi học, các cô giáo dạy lớp ba, lớp bốn không bao giờ cho tôi điểm cao ở các bài tập làm văn mà còn hay trích đọc ra trước lớp để làm dẫn chứng cho những ý tưởng phi logic không giống ai. Nhưng cô giáo lớp năm của tôi mới thật tuyệt vời khi ra sức đẩy tôi lên vũ đài văn chương, và giúp cho tôi có được vòng nguyệt quế môn văn cấp tỉnh của học sinh tiểu học. Đó cũng là danh hiệu đầu tiên và cao quí nhất khởi đầu sự nghiệp văn chương của tôi nhưng biết đâu chừng lại là duy nhất cũng nên. Hồi đó cha mẹ tôi nhận những lời chúc tụng nhiều hơn tôi, người ta tiên đoán tôi sẽ trở thành nữ sĩ cấp quốc gia. Chỉ có cha tôi là không vui và bắt đầu chú ý theo dõi tôi khắt khe hơn từ lúc đó.

Chị em tôi không bao giờ được cha mẹ cho ăn mặc theo mode như các thiếu nữ con nhà khá giả thời bấy giờ. Ngoài hai bộ áo dài trắng bằng vải thô cứng và bộ đồ mặc ở nhà ra, chúng tôi không còn sự chọn lựa nào khác. Chị Hai tôi từng đi dự sinh nhật bạn với chiếc áo sơ mi ngắn tay và quần đen giữa một bàn tiệc toàn đầm, jupe. Nửa tháng một lần, chúng tôi mới có được tờ tạp chí dành cho thiếu nhi để đọc, tờ Tuổi Hoa. Thế cho nên, mấy cái thùng carton chứa sách báo cũ đủ loại của cha tôi quăng trên trần nhà được tôi bí mật tận tình chiếu cố. Tôi ngốn từ Quốc Văn giáo khoa thư cho tới các bộ truyện Tàu như Tiết Nhơn Quí, Chung Vô Diệm, toàn tập tạp chí Chọn lọc từ số đầu tiên cho tới khi đình bản vì bị kết tội khiêu dâm… Nhà có một cây đàn guitare thường xuyên đứt dây, cha tôi cũng mang đi cho phứt để đám con gái khỏi để mắt tới rồi đêm ngày tơ tưởng, tôi đành học suông khơi khơi với một cuốn nhạc lý và gởi lòng khát khao đến những ngón tay nghệ sĩ tung tăng trên phím đàn. Hồi đó nhà tôi có một qui định, chỉ khi lên trung học con gái mới được để tóc dài nên đứa nào cũng trông ngóng đến cái thời khắc đáng nhớ này. Tôi cũng vậy, tôi cũng chăm chút mất ba năm từ khi tóc còn trên gáy cho đến khi tóc phủ được qua bờ vai rồi cắt toẹt nó đi trong vòng vài phút không thương tiếc; đơn giản chỉ vì đã đến lúc tôi bắt đầu thể hiện được chút quyền tự do cá nhân, dù chỉ trong phạm vi tư tưởng.

Tôi được mời tham gia vào một trong hằng hà sa số các bút nhóm do các nam sinh ở những trường kế cận sáng lập và tổ chức, bởi tôi luôn có điểm văn dẫn đầu lớp và có thơ đăng báo tường vào mỗi dịp lễ. Ở cuộc họp mặt đầu tiên và cũng là cuối cùng này, tôi xấu hổ ngượng ngùng ngồi nghe thiên hạ hô hào phát biểu tôn chỉ hành động bằng một ngôn ngữ bác học cao siêu mà trình độ mình còn lâu mới với tới. Thay vì nói “viết” thì người ta nói “sáng tác”, “bản ngã” thay cho “cá tính”, “xuất bản ấn phẩm” có nghĩa là hùn tiền lại in roneo rồi phát không cho bạn bè…Không cần ba tôi nọc ra đánh lần thứ hai vì cái tội con gái trốn nhà tự ý tham gia văn nghệ văn gừng, tôi cũng biến mất ngay lập tức ra khỏi cái văn đàn mini đầu tiên trong đời.

Tuổi dậy thì đến với tôi chậm hơn bạn bè cùng trang lứa. Khi lũ con gái trong lớp tụm năm tụm ba thì thào tâm sự, chuyền tay nhau những bài thơ tình không có tên tác giả, thậm thụt với những cuốn nhật ký mực tím mồng tơi, xõa tóc mơ màng lang thang dưới mưa bay dạo chơi bên bờ biển… thì tôi vẫn bị coi như một đứa con nít và bị cho ra rìa khỏi những trò chơi sang trọng ấy. Tôi cũng không còn độc quyền ở điểm số môn văn nữa bởi nó còn lệ thuộc vào sự chăm chỉ học thuộc lòng, các môn học tự nhiên mang đến cho tôi sự hứng thú hơn. Những nhân vật nữ lãng mạn được yêu thích thời bấy giờ ngoài nhan sắc liêu trai và tài năng thi ca ra còn cần phải ẻo lả, tha thướt, khóc cười vu vơ với dăm bảy cuộc tình mộng mơ có thật và tưởng tượng. Chẳng ai chú ý đến cái con bé lầm lì quê kệch chuyên ngồi đầu bàn nhất, hay làm ra vẻ bất cần trước những cái trào lưu thời thượng đang thịnh hành ở đám bạn gái.

Thế cho nên, cái sự kiện con bé ấy sau hai mươi năm lại trở thành một nữ sĩ tỉnh lẻ, được truyền hình giới thiệu, khiến cho đám bạn cũ tiếp nhận trong sự kinh ngạc kèm chút kính nể. Chẳng ai biết tôi đã trầy trật âm thầm đánh bạn với văn chương từ cái đời nào, và đã từng được coi là niềm hy vọng le lói cho tỉnh nhà khi mới xuất hiện ở thuở đôi mươi. Thiếu kiên nhẫn và tự tin, nhưng lại thừa lòng tự trọng và sự đơn độc nên tôi cũng đã thử chia tay với nó năm lần bảy lượt, dùng dằng rồi dan díu chẳng ra sao. Ai gặp tôi cũng “ôi”, “a”, nhưng tôi dám chắc họ đã quên khuấy bút danh của tôi sau khi tắt ti vi. Và bao giờ cũng thế, sau những lời lẽ hàn huyên thường tình, tôi phải vất vả để đối phó với những câu hỏi thương cảm về mặt kinh tế, và cái sự long đong tình duyên mà hầu như người ta cho rằng đó là cái nghiệp vận vào đời những người đàn bà trót đa mang với văn chương. Có dạo tôi cũng nghĩ rằng tính cách quyết định số phận chớ kêu ca, nhưng mãi đến gần đây tôi mới ngộ ra rằng không phải lúc nào điều này cũng hoàn toàn đúng. Ví như có những cuộc gặp gỡ định mệnh, hay một cuộc chia tay nằm ngoài sự tưởng tượng và đẩy mình vào hoàn cảnh bất khả kháng, là một cái chết bất ngờ chẳng hạn.

Vậy là tới giờ phút này tôi cũng khá đủ điều kiện để người ta giới thiệu về mình như một nữ sĩ tỉnh lẻ điển hình: có dăm ba bài thơ và truyện ngắn đăng báo rải đều từ Bắc chí Nam, đang tạm thời lẻ bạn, khá phóng khoáng và lãng mạn với dăm ba cuộc tình in dấu trong các tác phẩm, cũng còn hơi tre trẻ so với thế hệ đàn anh, đàn chị…Căn cứ vào thời gian hội nhập thì lẽ ra tôi đã cất được cái đuôi “tỉnh lẻ” từ lâu rồi, nhất là trong thời đại liên lạc thông tin và giao thông hiện đại như ngày nay, ba giây cho một e-mail và một giờ bay thì có mặt tại thủ đô. Hơn nữa sự hạn chế về tài năng, sắc vóc và tuổi trẻ không còn là trở ngại chính trên con đường tiến thân, có thể thay thế nó bằng cống phẩm địa phương như yến sào, khô mực hay nước mắm chẳng hạn. Tuy nhiên tôi lại không có năng khiếu đổi chác đó, tính rợ lại chậm hơn người ta nên lúc nào cũng sợ thiệt về mình. Tôi cũng khá cố chấp và còn địa phương chủ nghĩa, rất ngại chuyển đổi hộ khẩu, thôi thì cứ an lòng với cái tỉnh lẻ của mình.

Thi thoảng người ta cũng nhớ đến tôi trong những hội nghị chuyên ngành cấp tỉnh hay những cuộc giao lưu văn nghệ salon. Thế cũng hay, cũng vui, nhất là khi mình đang thất nghiệp và mỗi khi một mình ra đường không còn ai đi vượt lên quay đầu lại nhìn; vả lại số lượng nữ sĩ tỉnh lẻ đang mùa bội thu, chật vật chen chúc và đang trở thành hiện tượng kỳ vĩ trong lịch sử thành lập của Hội văn nghệ tỉnh nhà. Hơn nữa, chức danh này không qua Hội đồng xét duyệt, không bằng cấp mua bán, không lương phạn trợ cấp nên chẳng ai xét nét tiếc rẻ nhau làm gì. Đêm đêm lỡ có mất ngủ vì những lý do sinh học thì cũng còn cả một quãng trời mơ ước để mà bay lên giải khuây, tha hồ tưởng tượng đến những vòng nguyệt quế ở đủ mọi cấp độ dành cho mình. Họa hoằn những lá thư của những độc giả không bao giờ thấy mặt hỏi han tâm sự bỗng làm cho mình trở thành người quan trọng trong chốc lát. Những người đàn ông không còn trẻ, không đẹp trai nhưng già và xấu hơn tôi đôi khi cũng làm cho tôi quên đi tuổi tác và nhan sắc không được trời thương của mình. Có hề gì, như vậy mới là lãng mạn, mới là yếu tố không thể thiếu trong văn nghiệp của một nữ sĩ!

Thực ra, sâu thẳm trong tim, tôi vẫn mơ mình là người đàn bà duy nhất của một người đàn ông trong cùng một ngôi nhà bình yên, và sẵn sàng trút bỏ chút hư danh ảo vọng lại ngoài chợ trời. Nhưng tôi biết tìm người đàn ông ấy ở đâu bây giờ?

. Ái Duy

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Giải cơn khát nước sạch cho nông thôn Bình Định  (27/05/2003)
Nghề phục hồi chức năng lao động  (27/05/2003)
Học sinh đã lĩnh hội được một lượng kiến thức nền rất lớn cho tương lai  (27/05/2003)
Làng nón bây giờ  (27/05/2003)
Ghi nhận từ Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp miền Trung – 2003  (27/05/2003)
Nếp nhà  (28/04/2003)
Thăm làng địa đạo Vịnh Mốc   (28/04/2003)
Chợ quê  (28/04/2003)
Đôi điều về tượng đài Trần Hưng Đạo  (28/04/2003)
Những người tô màu xanh cho phố   (28/04/2003)
Vì sao APTECH được chọn làm đối tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin ở Bình Định?  (28/04/2003)
Gươm đàn nửa gánh  (28/04/2003)
Ghi nhớ về ngôi thành cổ Bình Định  (28/04/2003)
“Tam sao thất bổn”  (28/04/2003)
Văn hóa… bánh tráng  (28/04/2003)