Sáng kiến nhỏ lợi ích lớn
16:38', 27/5/ 2003 (GMT+7)

Bình Định hiện có 14 tổng đài độc lập Starex (TĐĐL) đang hoạt động trên mạng lưới của Công ty Điện báo thoại Bình Định (Bưu điện tỉnh Bình Định) đủ khả năng phục vụ chừng 14.500 khách hàng. Hiện nay, việc ghi cước tại các TĐĐL này thực hiện theo 2 phương án (PA): Ghi cước thực hiện ngay tại tổng đài và Ghi cước thực hiện từ xa thông qua máy tính và modem đặt tại trung tâm tính cước. Cả hai PA này đều có nhiều nhược điểm. Một nhóm các chuyên viên tin học của Công ty Điện báo điện thoại Bình Định đã bắt tay vào giải quyết khó khăn.

Với PA ghi cước thực hiện ngay tại TĐĐL, cước cuộc gọi được ghi trên máy tính cước SMDA. Sau đó các file số liệu cước được truyền về trung tâm tính cước qua modem hoặc được sao chép qua các phương tiện lưu trữ khác (đĩa mềm, CD...). PA này đòi hỏi TĐĐL phải được trang bị máy vi tính cấu hình mạnh, phải có phần mềm thiết kế riêng để thu thập thông tin cuộc gọi, máy vi tính phải hoạt động liên tục (online), cần một số điện thoại riêng và phải được kết nối trực tiếp với trung tâm tính cước (TTTC) đặt tại tổng đài trung tâm (TĐTT) thông qua cáp truyền số liệu. Với PA 2 - Ghi cước thực hiện từ xa thông qua máy tính đặt tại trung tâm tính cước, TĐĐL cũng cần được trang bị: máy vi tính cấu hình mạnh, modem, bộ lưu điện, phần mềm chuyên dụng, máy tính cước, số điện thoại riêng. PA này có ưu điểm không cần thực hiện khâu truyền số liệu từ TĐĐL về tổng đài trung tâm nhưng hiệu quả công việc phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đường truyền - giao thức truyền thông, mức độ ổn định của mạng internet. Vì những hạn chế như trên, mỗi khi có sự cố ở TĐĐL, hầu như TĐTT phải cử nhân viên kỹ thuật xuống khắc phục. Ngoài ra, còn phải kể đến các nhược điểm như: có quá nhiều thiết bị hỗ trợ sẽ kéo theo khả năng xảy ra sự cố lớn; các chương trình truyền số liệu, ghi cuộc gọi dễ bị virus xâm nhập, phá hỏng; thông tin cuộc gọi không được tổng đài trung tâm ghi nhận để tính cước; khâu báo cáo thống kê số liệu cước không kịp thời vì phụ thuộc nhiều vào việc truyền file cước về trung tâm.

Cơ sở để nhóm kỹ sư của Công ty ĐBT Bình Định xây dựng giải pháp tối ưu là khai thác một số chức năng chưa được sử dụng hết của tổng đài trung tâm Fetex - 150, khai thác chức năng đánh số thuê bao phù hợp để định tuyến cuộc gọi tại TĐĐL Starex. Theo PA mới, khi tại TĐĐL phát sinh cuộc gọi, lập tức cuộc gọi này sẽ được TĐTT Fetex 150 ghi nhận đầy đủ các chi tiết cần thiết mà không cần qua trung gian máy tính cước. Vì thế cũng không cần trang bị máy vi tính, modem truyền số liệu cho TĐĐL, không cần nhân viên kỹ thuật bảo trì giám sát thiết bị vận hành. Kỹ sư Nguyễn Hoàng Nguyên - một trong những thành viên tham gia thực hiện giải pháp kỹ thuật “Ghi cước tập trung các tổng đài độc lập Starex ngay tại tổng đài Fetex 150” cho biết: “Nghe thuyết minh, có thể nhiều người sẽ không ý thức hết tác dụng to lớn, khả năng tháo gỡ khó khăn mà giải pháp kỹ thuật “Ghi cước tập trung các tổng đài độc lập Starex ngay tại tổng đài Fetex 150” đã tạo ra. Hãy hình dung, trước đây để tính cước 14 TĐĐL có tới 14 bộ máy vi tính-modem-máy tính cước... Và mỗi một lần lấy số liệu cuộc gọi để tính cước lại phải làm việc lần lượt với 14 TĐĐL. Thao tác nhiều thì cơ hội xảy ra sai sót lớn, chưa nói đến những sự cố kiểu như đang truyền thì “rớt mạng”, đành phải làm lại từ đầu. Nay những khó khăn ấy không còn nữa”.

Ngoài việc phải chính xác ra, cơ chế làm việc mới yêu cầu việc thống kê phải nhanh. Với PA mới trung tâm kỹ thuật vẫn có thể cung cấp ngay lập tức cho lãnh đạo công ty tình hình kinh doanh, chất lượng phục vụ, doanh số hàng ngày ở các TĐĐL hoặc cụ thể ở từng TĐĐL một. PA cũ hầu như không thể thực hiện yêu cầu này do phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố khách quan. Ông Võ Văn Hoàng - Phó giám đốc Công ty ĐBT Bình Định cho biết: “Cả hai phương pháp cũ có những nhược điểm rất lớn, đầu tiên là về mặt nhân sự: hai PA này đều đòi hỏi nhân viên vận hành - khai thác mạng lưới tại TĐĐL phải có chuyên môn sâu về kỹ thuật tổng đài, có trình độ nhất định về tin học, sử dụng máy tính và các phần mềm chuyên dụng thành thạo. Mà trên thực tế, rất khó tìm hoặc đào tạo được những nhân viên đa năng như vậy để bố trí ở các TĐĐL (vả lại nếu sử dụng nhân viên chất lượng cao vào mục đích như vậy quả là lãng phí). Do đó việc đáp ứng nhanh các yêu cầu chi tiết cuộc gọi, số liệu cước cho khách hàng tại các TĐĐL chưa thực hiện được. Kinh phí trang bị các thiết bị phục vụ ghi cước (máy vi tính, bộ lưu điện, modem, phần mềm...) và chi phí bảo trì khá lớn, chất lượng công việc lại không cao. Ưu điểm lớn nhất của PA mới là thống nhất quản lý - kiểm soát cuộc gọi. Ghi cước chính xác, độ chính xác cao, đáng tin cậy”.

Giải pháp kỹ thuật mới đã được áp dụng thành công ở TĐĐL đặt tại Bưu điện Quang Trung. Theo thông tin từ Bưu điện tỉnh Bình Định, dự tính sau từ tháng 6-2003 các TĐĐL Starex còn lại cũng sẽ được triển khai PA tính cước mới này.

. Bá Phùng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nữ sĩ tỉnh lẻ  (27/05/2003)
Giải cơn khát nước sạch cho nông thôn Bình Định  (27/05/2003)
Nghề phục hồi chức năng lao động  (27/05/2003)
Học sinh đã lĩnh hội được một lượng kiến thức nền rất lớn cho tương lai  (27/05/2003)
Làng nón bây giờ  (27/05/2003)
Ghi nhận từ Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp miền Trung – 2003  (27/05/2003)
Nếp nhà  (28/04/2003)
Thăm làng địa đạo Vịnh Mốc   (28/04/2003)
Chợ quê  (28/04/2003)
Đôi điều về tượng đài Trần Hưng Đạo  (28/04/2003)
Những người tô màu xanh cho phố   (28/04/2003)
Vì sao APTECH được chọn làm đối tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin ở Bình Định?  (28/04/2003)
Gươm đàn nửa gánh  (28/04/2003)
Ghi nhớ về ngôi thành cổ Bình Định  (28/04/2003)
“Tam sao thất bổn”  (28/04/2003)