Trăn trở cùng sông nước
16:41', 27/5/ 2003 (GMT+7)

Trong nhiều năm qua, kinh tế thủy sản Bình Định có sự phát triển rõ rệt, giá trị sản xuất hàng năm luôn tăng từ 5-10%. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp 1/3 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Tuy vậy, trên bình diện tổng thể, hiện ngành Thủy sản vẫn còn đang đứng trước nhiều khó khăn.

* Tiềm năng lớn

Với chiều dài bờ biển hơn 134 km, nhiều đầm nước mặn, ngọt, đây là tiềm năng lớn để Bình Định phát triển nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có gần 6.000 tàu thuyền, tổng công suất hơn 230.000 CV, tăng 1.120 CV so với cuối năm 2002. Ngoài ra, lực lượng tàu thuyền cũng được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại phục vụ cho đánh bắt. Ông Nguyễn Văn Mong, Phó giám đốc Sở Thủy sản, cho biết: “Hiện phần lớn tàu tham gia đánh bắt xa bờ của Bình Định đều được trang bị máy mới. Các thiết bị hàng hải phục vụ cho việc dò tìm ngư trường, liên lạc trên biển như ra đa hàng hải, máy tầm ngư, máy định vị, máy đàm thoại tầm xa cũng được các chủ tàu trang bị đầy đủ”. Với lực lượng tàu thuyền này, trung bình mỗi năm có thể khai thác khoảng 85 ngàn tấn hải sản, với 500 loại khác nhau, trong đó có nhiều loại có giá trị cao.

Một góc phân xưởng sản xuất của Cty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn.

Ngoài đánh bắt, toàn tỉnh còn có 2.570 ha nuôi tôm, trong đó 45% diện tích nuôi theo mô hình thâm canh, bán thâm canh, mỗi năm cho sản lượng gần 2.500 tấn tôm thương phẩm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 1.015 ha mặt nước nuôi cá ao hồ, cá ruộng lúa, các loại nhuyễn thể… với sản lượng mỗi năm từ 2.500 – 2.800 tấn. Những con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai, khi cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc đánh bắt và nuôi trồng được đầu tư xây dựng đồng bộ và phát huy tác dụng.

Ngoài tiềm năng về đánh bắt và nuôi trồng, các doanh nghiệp (DN) chế biến hải sản xuất khẩu của ta cũng không ngừng đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đổi mới công nghệ, thiết bị để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hiện năng lực chế biến hải sản xuất khẩu của ta đạt công suất hơn 10.000 tấn/năm, vượt 2.000 tấn so với chương trình chế biến hải sản xuất khẩu đến năm 2005 của tỉnh. Ngoài ra, các công ty, xí nghiệp còn quan tâm đến chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo công nhân lành nghề, tạo tiền đề phát triển trong tương lai.

* Vẫn còn những cản ngại

Tuy tiềm năng lớn, việc đánh bắt, nuôi trồng, chế biến có hiệu quả như vậy, nhưng nhìn chung ngành Thủy sản Bình Định hiện vẫn còn những cản ngại lớn. Trong đánh bắt hải sản, ngoài phương tiện vật chất, yếu tố kỹ thuật, thì vai trò của con người là không nhỏ. Hiện nay đa phần các chủ tàu hoạt động đánh bắt xa bờ của ta về trình độ kỹ thuật đánh bắt xa bờ hầu như không có, chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính. Ông Nguyễn Văn Hoa, một chủ tàu ở Mỹ Thành (Phù Mỹ), cho biết: “Hiện có nhiều thiết bị trên tàu mà ngư dân chúng tôi không sử dụng được hết chức năng của nó. Do vậy, mặc dù các tàu đều trang bị máy móc tối tân, nhưng hiệu quả mang lại cũng chưa cao lắm”. Chẳng những riêng ông, theo thống kê của ngành, với đội tàu gần 6.000 chiếc nhưng hiện nay chỉ có 646 tàu có thuyền trưởng và 191 tàu có máy trưởng.

Không những gặp khó khăn trong khai thác, việc tổ chức quản lý, tính toán đầu vào, đầu ra còn yếu kém do trình độ, năng lực của các chủ tàu. Hiện hầu như các tàu đánh bắt xa bờ đều hoạt động riêng biệt, mạnh ai nấy làm, chẳng có ai hỗ trợ cho ai từ việc đánh bắt, thông tin ngư trường đến tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, các dịch vụ hậu cần cung ứng nghề cá của tỉnh còn rất hạn chế. Ông Võ Văn Hòa, một ngư dân ở Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), tâm sự: “Tàu cặp bến, lúc giá cả khả quan thì nhờ, còn khi rớt giá phải đành cắn răng cam chịu”.

Trong nuôi tôm, vẫn còn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Năm 2002 toàn tỉnh có 300 ha tôm nuôi bị mất trắng, hơn 1.000 ha bị thiệt hại về sản lượng. Từ đầu năm đến nay, có gần 1.000 ha tôm bị dịch bệnh. Theo đánh giá của ngành Thủy sản tỉnh, nguyên nhân chính là do trình độ kỹ thuật của người nuôi tôm còn thấp; công tác quy hoạch và quản lý chưa theo kịp yêu cầu, nhất là ở các vùng chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm; cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đặc biệt là vấn đề thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của vùng nuôi tôm thâm canh công nghiệp.

Với tình hình đánh bắt và nuôi trồng như vậy, nên nguyên liệu phục vụ cho chế biến luôn bị thiếu và kém chất lượng. Ông Đinh Văn Tiên, Phó Giám đốc Sở Thủy sản, cho biết: “Hiện nay, nguồn nguyên liệu trong tỉnh không đủ cung cấp cho các nhà máy hoạt động. Các DN chế biến hải sản trong tỉnh phải cạnh tranh gay gắt, thu mua nguyên liệu với giá cao nhưng vẫn chỉ đảm bảo hoạt động 50% công suất”. Ngoài khó khăn về nguyên liệu, sản phẩm hải sản chế biến xuất khẩu của ta vẫn còn đơn điệu, chỉ tập trung ở một số mặt hàng chính như: tôm đông lạnh, cá ngừ đại dương… làm cho hiệu quả sức cạnh tranh bị hạn chế. Các DN chế biến chưa chịu nghiên cứu tiếp cận thị trường, nên luôn bị động trong sản xuất và phát triển sản phẩm. Bởi vậy, năm 2002 giá trị xuất khẩu hải sản toàn tỉnh chỉ đạt 26,5 triệu USD, bằng 84,3% so với năm 2001. Từ đầu năm đến nay cũng chỉ đạt hơn 80% kế hoạch so với cùng kỳ.

* Mở hướng tương lai

Bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Sở Thủy sản, cho biết: Những hạn chế trên tuy có ảnh hưởng nhất định đến nhịp độ phát triển chung của ngành, nhưng trong thời gian đến sẽ sớm có biện pháp khắc phục để có thể đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 35 triệu USD vào năm 2003 và đến năm 2005 đạt 95 triệu USD.

Để thực hiện được mục tiêu trên, phải sớm giải quyết những khó khăn hiện tại, trong đó vấn đề quan trọng nhất là khâu nguyên liệu. Ngành Thủy sản tỉnh nhà nên sớm có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng và đánh bắt hải sản, trong đó chú ý nhiều đến sản phẩm phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Các DN chế biến cũng nên đa dạng hóa các mặt hàng, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm thị trường để sản phẩm hải sản xuất khẩu của ta nhích gần hơn với yêu cầu thị trường khu vực và thế giới.

Được biết, hiện nay ngành Thủy sản đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nghề cá với những dự án như: nâng cấp cảng cá Quy Nhơn, chợ cá Quy Nhơn, nạo vét khu trú đậu tàu thuyền Tam Quan…; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa loại hình và đối tượng nuôi như: tôm trên cát, tôm công nghiệp, nhuyễn thể, rong sụn, tôm càng xanh, cá chim trắng… Hy vọng, những dự án và mô hình này sẽ mở ra một lộ trình tốt đẹp.

. Phạm Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sáng kiến nhỏ lợi ích lớn  (27/05/2003)
Nữ sĩ tỉnh lẻ  (27/05/2003)
Giải cơn khát nước sạch cho nông thôn Bình Định  (27/05/2003)
Nghề phục hồi chức năng lao động  (27/05/2003)
Học sinh đã lĩnh hội được một lượng kiến thức nền rất lớn cho tương lai  (27/05/2003)
Làng nón bây giờ  (27/05/2003)
Ghi nhận từ Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp miền Trung – 2003  (27/05/2003)
Nếp nhà  (28/04/2003)
Thăm làng địa đạo Vịnh Mốc   (28/04/2003)
Chợ quê  (28/04/2003)
Đôi điều về tượng đài Trần Hưng Đạo  (28/04/2003)
Những người tô màu xanh cho phố   (28/04/2003)
Vì sao APTECH được chọn làm đối tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin ở Bình Định?  (28/04/2003)
Gươm đàn nửa gánh  (28/04/2003)
Ghi nhớ về ngôi thành cổ Bình Định  (28/04/2003)